Wednesday, 20 February 2008

80 Các Chương Trình Đào Tạo Y Tá




Mưa lâm râm, ướt dầm lá hẹ
Em thương người, không mẹ không cha
Khi thương chẳng kể gần xa
Khi thương chẳng phải ruột rà cũng thương

Theo thống kê của Bộ Lao động Hoa kỳ tháng 5/2006 thì mức lương của Y tá RN trung bình là $75,000 một năm ở California (www.bls.gov.) Nếu làm việc ở San Jose, họ có thể ung dung với mức lương $92,400. Nơi những vùng như thế, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu nói rằng một sinh viên có bằng Cử nhân Điều dưỡng mới ra trường được trả lương khởi đầu là $80,000 một năm. Dĩ nhiên ngoài mức lương này họ còn được hưởng các phúc lợi (benefits) khác như bảo hiểm sức khoẻ, nghỉ phép, cơ hội học lên cao hơn, hưu bổng … và một số tiền thưởng khi ghi danh làm việc cho một bệnh viện lên tới cả $10,000.

Điều dưỡng (Nursing) là một ngành hiện đang được các học sinh trong cộng đồng chú ý và yêu thích. Việc dịch chữ “nursing” ra tiếng Việt là y tá có những giới hạn, đôi khi không hoàn toàn đúng, vì bằng cấp của ngành Điều dưỡng cũng lên tới bậc Cao học và Tiến sĩ.

Nói một cách căn bản, nghĩa là không đề cập đến các chương trình sau Cử nhân, thì có nhiều phương thức để trở thành một Y tá ở California. Các trường dành cho người lớn (Adult School), cao đẳng cộng đồng (community college) và đại học 4 năm (university), công cũng như tư, là những trường đào tạo Y tá cho tiểu bang. Trong số này UC San Francisco có một chương trình huấn luyện không chỉ nổi tiếng trong tiểu bang mà còn vang dội khắp nước Mỹ.

Hầu hết các chương trình đào tạo đòi hỏi phải lấy một số môn học trước khi nhận ứng viên vào học (prerequisites.) Ngoài ra các học viên ngành Điều dưỡng rất dễ tìm kiếm học bổng hay hỗ trợ tài chánh.

Các chương trình đào tạo từ bậc Cử nhân trở xuống bao gồm hai loại chính là Y tá LPN/LVN và Y tá RN.

Y tá LPN/LVN

Y tá LPN (Licensed Practical Nurse) hay LVN (Licensed Vocational Nurse) còn được gọi là Y tá sơ cấp hay Y tá 1 năm. Bằng cấp này tương đương với Tá viên Điều dưỡng trước 1975.

Đa số các trường đào tạo đòi hỏi ứng viên phải có bằng Trung học. Do vậy một học sinh không có bằng Trung học sẽ không được theo học các lớp này. Đây là điều đáng tiếc!

Học viên sẽ được học về phương pháp săn sóc bệnh nhân, nhi khoa, cơ thể học, sinh lý học, sơ cứu ban đầu … Thời gian huấn luyện thường là 1 năm hay có thể nhiều hơn một chút tùy trường lớp huấn luyện và tùy loại y tá. Sau khi tốt nghiệp khoá đào tạo, họ phải thi để lấy bằng hành nghề tiểu bang. Đây là những Y tá thường gặp trong các chương trình huấn luyện khắp nơi, từ các trường dạy nghề, trường kỹ thuật tới cao đẳng cộng đồng.

Những Y tá LPN/LVN chăm sóc bệnh nhân trong nursing home, văn phòng Bác sĩ, bệnh viện … Một số công việc tiêu biểu là cân trọng lượng, đo chiều cao, đo nhịp tim, huyết áp, rửa vết thương, chích thuốc … cho bệnh nhân.

Theo trang nhà của allnursingschools.com, trong năm 2006 có khoảng 750,000 Y tá LPN/LVN trên toàn quốc Hoa kỳ. Lương trung bình của họ từ $33,000 tới $42,000 một năm. 10% trong số những Y tá này có mức lương trên $50,000 một năm.

Y tá RN (Registered Nurse)

Y tá RN đảm nhiệm những vị trí quan trọng hơn với mức lương cao hơn. Trên phạm vi toàn quốc, Y tá RN chiếm một số lượng cao nhất trong lực lượng Y tá. Hiện nay có khoảng 1.4 triệu Y tá RN trên toàn nước Mỹ. Tuy có phạm vi hoạt động rộng rãi trong HMO, Phòng Y tế các đại học hay săn sóc tại nhà, phần lớn trong số họ hoạt động trong các bệnh viện. Theo thời gian họ có thêm kinh nghiệm và giữ các chức vụ quan trọng trong các khoa ở bệnh viện.

Trong năm 2007, có khoảng 276,000 Y tá RN đang phục vụ ở California và các chương trình đào tạo ở California đã cho ra trường hơn 7,500 Y tá RN. Theo dự đoán, trong năm học 2007 – 2008 sĩ số Y tá RN sẽ ra trường là khoảng 10,000 người nhưng phải đến năm 2022, số Y tá RN của California mới đạt được mức trung bình của toàn quốc Hoa kỳ là 825 Y tá RN cho 100,000 dân. Theo ước tính, trong năm 2008, California phải tuyển mộ thêm 32,500 Y tá RN. Như vậy nhu cầu của California còn khá cao trong nhiều năm sắp tới. Y tá RN được chia làm 3 loại dựa vào nguồn gốc cũng như thời gian đào tạo.

1. Cao đẳng cộng đồng

Những Y tá RN này thường được đào tạo trong thời gian 2 năm từ các trường cao đẳng cộng đồng (community college) gọi là Y tá trung cấp hay Y tá 2 năm. Để có thể vào được những chương trình này, các trường cao đẳng cộng đồng thường đòi hỏi ứng viên hai điều kiện:

+ Ghi tên vào danh sách chờ đợi (waiting-list)

+ Lấy một số môn học đòi hỏi trước (prerequisites.)

Trên thực tế, mỗi trường đều có những chính sách khác nhau. Ứng viên muốn theo học nên hỏi thêm điều kiện của các trường gần nhà.

Vì khả năng làm ra tiền nhanh hơn, thời gian đào tạo ngắn hơn, chương trình này được các ứng viên yêu thích nhất. Trong năm học 2005 – 2006, các trường cao đẳng cộng đồng đã giúp đào tạo 71% lực lượng Y tá RN mới ra trường của California (Waneka & Spetz, 2007.)

Ngoài ra cũng có những chương trình LPN-to-RN giúp nâng cấp một Y tá sơ cấp thành Y tá trung cấp RN. Một số đại học (university) song song với việc đào tạo Y tá 4 năm cũng có chương trình đào tạo 2 năm. Tổng số trường đào tạo Y tá 2 năm ở California là hơn 70 trường.

2. Đại học (Y tá 4 năm)

Đây là chương trình đào tạo Cử nhân Điều dưỡng trong 4 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, tại những đại học nổi tiếng như UCLA, UC San Francsico, UC Irvine, UC Davis … sinh viên thường phải trải qua 5 năm để có thể hoàn tất những chương trình nặng về lý thuyết và nghiên cứu nhằm giúp ứng viên học lên Cao học, Tiến sĩ. Mục đích là để đảm đương trọng trách trong các phòng thí nghiệm hay giảng dạy trong các chương trình đào tạo Y tá khác.

Song song với các chương trình đào tạo trên gồm có chương trình của các trường đại học CSU (Long Beach, Los Angeles, Northridge, Hayward, Fullerton … ) mà mục tiêu chính là thực hành, hầu hết phục vụ trong các bệnh viện. Tổng số trường đào tạo Y tá 4 năm của California là 22 trường, kể cả các đại học công và tư.

3. Diploma (Y tá đào tạo tại bệnh viện)

Những chương trình này thường do các bệnh viện đào tạo trong khoảng thời gian từ 2 –3 năm theo chính nhu cầu của bệnh viện. Sau khi học xong ứng viên thường được làm việc tại nơi đào tạo. Những chương trình này thường đào tạo Y tá chuyên ngành và ngày nay đã ít đi.

Cuối cùng, tuy có 3 nguồn đào tạo Y tá RN nhưng tất cả đều thi chung một bằng hành nghề tiểu bang giống nhau và mỗi 2 năm họ phải đổi lại (re-new) bằng hành nghề. Trong dịp này họ cũng phải tham dự một chương trình cập nhật hoá khoảng 30 giờ.

Làm sao để trở thành một Y tá?

Trước hết ứng viên nên tình nguyện làm việc ít ngày trong bệnh viện để quan sát công việc của một người Y tá. Do phải tiếp xúc với người bệnh và thân nhân trong những lúc khó khăn nên công việc nhiều khi khá căng thẳng. Nếu không yêu nghề thực sự và thiếu kiên nhẫn chịu đựng, một Y tá dễ dàng bỏ nghề sau khi đã phải đi học một cách vất vả.

Sau thời gian tình nguyện, hãy suy nghĩ mình muốn trở thành loại Y tá nào rồi tìm kiếm các trường đào tạo yêu thích. Hãy hỏi trường về waiting-list và những môn phải lấy trước (prerequisites) để được theo học. Trong thời gian chờ đợi, ứng viên có thể lấy những môn này. Nếu cảm thấy khả năng giới hạn, tốt nhất là theo học lớp Y tá LPN trước rồi học lên Y tá RN sau đó. Hãy đi những bước nhỏ để đi dần dần tới mục tiêu cao hơn.

Ngành điều dưỡng nói chung và các Y tá nói riêng đã góp phần tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống của các thành viên trong cộng đồng. Đồng thời các Y tá cũng hưởng được một nguồn lương bổng rộng rãi, một nghề nghiệp ổn định với nhiều phúc lợi cho dù công việc căng thẳng và vất vả. Vì phí tổn săn sóc y tế cũng như lương bổng của Bác sĩ quá cao nên vai trò của các Y tá ngày càng được nhấn mạnh hơn. Khuynh hướng này vẫn sẽ còn tồn tại nhiều năm nữa ở California nên các nhà chuyên môn cho rằng: theo học ngành Điều dưỡng sẽ vẫn giữ được giá trị trong thị trường lao động, ít nhất cũng là trong hàng chục năm sắp tới.

79 Viện Đại Học USC






Đôi bên bác mẹ cùng già
Lấy anh hay chữ để mà cậy trông
Mùa hè cho chí mùa đông
Mùa nào áo ấy cho chồng đi thi
Hết gạo thiếp lại gánh đi
Hỏi thăm trường học vậy thì nơi nao

Lịch sử

USC là chữ viết tắt của University of Southern California, tạm dịch là Viện Đại học Miền Nam California. Trường đặt trụ sở chính tại University Park, cách trung tâm thương mại Los Angeles chừng 2 dặm (miles.) Viện Đại Học Miền Nam California được thành lập năm 1880, sau UC Berkeley 12 năm, cùng năm với Caltech và trước Stanford 11 năm. Tính theo các viện đại học tư thục thì USC là Viện Đại học Nghiên cứu (National University) lâu đời nhất ở Nam California.

Người sáng lập trường là Thẩm phán Robert Maclay Widney. Ông sinh ở Ohio năm 1838 và đến California năm 1857 rồi theo học Luật tại đại học Pacific ở miền Bắc California. Năm 1871 ông được bổ nhiệm làm quan toà ở Los Angeles và bắt đầu thai nghén cho kế hoạch mở một Viện đại học tại vùng đất mới mẻ này. Chương trình của ông được hình thành nhờ sự hỗ trợ tài chánh của những nhà tài phiệt và nhân sĩ trong vùng. Kết quả ban đầu là ông có trong tay 308 lô đất và một quỹ hiến tặng vừa đủ để khởi đầu công trình xây dựng trường.

Lúc mới thành lập USC chỉ là một đại học Nhân văn Nghệ thuật với 53 sinh viên. Tuy nhiên chỉ 5 năm sau trường đã mở thêm đại học Y khoa và 12 năm sau nữa là đại học Nha khoa. Kế tiếp là các đại học Luật, đại học Dược, đại học Kiến trúc … đua nhau ra đời. Kể từ đó rất nhiều ngành học khác bắt đầu mở mang thêm.

Ngày nay trường có tổng số sinh viên hơn 33,000 – một nửa trong số đó là sinh viên bậc Cử nhân – với một ban quản trị và giảng huấn khoảng 3,200 người. Tổng quỹ hiến tặng của trường tới nay là khoảng gần $4 tỷ.

Những cơ sở của USC

Trong lịch sử phát triển 128 năm của trường kể từ ngày thành lập, không như các viện đại học khác chỉ tập trung trên một khu vực, USC đã bành trường ra nhiều nơi trên California rồi toả rộng ra một số tiểu bang trong nước Mỹ và vài quốc gia khác trên thế giới:

– Không xa cơ sở chính ở University Park người ta thấy Khoa Y cách trung tâm Los Angeles 2 dặm về hướng Đông Bắc. Kế tiếp là Bệnh viện Nhi đồng Los Angeles được coi như cơ sở thứ 3 gồm có Ban Điều trị và Hướng dẫn Thực tập Sinh viên của trường đại học Y khoa Keck thuộc USC. Cũng trong khu vực Los Angeles là trường Y tế cộng đồng ở Alhambra giữ nhiệm vụ Nghiên cứu về Y khoa Phòng ngừa và Tăng trưởng Sức khoẻ.

– Ngoài trường đại học Nông nghiệp ở Ontario, California, USC cũng điều hành một trung tâm ở Irvine về thương mại, dược và giáo dục … Gần đó là Viện Nghiên cứu Môi trường Wrigley ở đảo Catalina chỉ cách bờ biển Los Angeles khoảng 20 dặm. Lên hướng Bắc California là Trường Đại học Chính sách, Kế hoạch và Phát triển ở Sacramento. Quay về cực Nam là trường Thương mại Marshall (Business School) của USC ở San Diego.

– Bên ngoài tiểu bang California người ta thấy Viện Khoa học Thông tin Arlington, Texas (Marina del Rey cũng có một trung tâm.) Năm 2005 USC mở văn phòng quan hệ liên bang ở Washington DC. Không khó để thấy rằng USC muốn mở mang thêm cơ sở tại đây.

– Về quốc tế trường có chi nhánh tại Pháp và Tây ban nha. Ngoài ra, trường cũng liên kết với đại học Thượng hải ở Trung hoa đào tạo EMBA. Năm 2006 USC đã mở thêm Học Viện Mỹ – Hoa nhằm giảng dạy và nghiên cứu Á châu tại Trung hoa.

Tuyển sinh

Tuy tổng học phí và các khoản chi tiêu phụ khác lên tới $50,000 một năm nhưng vẫn không làm nản lòng các ứng viên muốn vào USC. Nộp đơn cho khoá học mùa Thu năm học 2007 - 2008 gồm 33, 754 học sinh năm cuối của các trường trung học. Sĩ số được nhận vào là 8,550 (25%) và sĩ số ghi danh theo học là 2,964 sinh viên, chiếm 35% trên tổng số nhận vào.

Những tân sinh viên này có GPA trung bình là 3.7 trên bậc thang 4.0 với điểm SAT trung bình là 2054. Tân sinh viên có cha mẹ hay ông bà là cựu sinh viên (legacy students) chiếm khoảng 21%. Thành phần sinh viên USC rất đa dạng (diversity), họ đến từ 50 tiểu bang của nước Mỹ và 115 quốc gia. Trong lớp nhập học mùa Thu năm 2007 – 2008 có 52% đến từ California, 39% đến từ các tiểu bang khác và 9% đến từ ngoài nước Mỹ.

Xếp hạng

US News & World Report 2008 xếp hạng USC hạng 27 trong các đại học tại Hoa kỳ và hạng 5 trong tiểu bang California (sau Stanford, Caltech, UC Berkeley, UCLA.)

Nổi bật nhất là Trường Điện ảnh (School of Cinematic Arts) và Trường Vật lý trị liệu được xếp hạng nhất trên toàn quốc. Ngoài ra các đại học khác như Âm nhạc, Thương mại, Y, Nha, Luật, Kiến trúc, Báo chí … cũng đều rất có tiếng tăm trên phạm vi quốc gia và quốc tế.

USC và Hollywood

Ngay từ năm 1929 trường đã là đại học đầu tiên mở ngành Phim ảnh và hiện. đang giữ vị trí số một về ngành này trong nước Mỹ cũng như trên toàn thế giới nhờ có “căn cứ địa” là Hollywood ở gần đó. Đây là ngành học (major) nổi tiếng nhất và khó vào nhất của USC.

Vì USC gần với Hollywood nên trường được dùng để thực hiện hàng ngàn show truyền hình, quảng cáo, video ca nhạc … USC cũng được coi như một địa điểm quen thuộc cho các nhà làm phim để quay những cảnh thay thế cho các trường đại học trên phim hay truyền hình. Ngoài ra USC còn là nguồn cung cấp cho Hollywood những nhà viết kịch bản, đạo diễn, quay phim, ráp nối hình ảnh ... Về phần mình Hollywood làm nảy nở tiếng tăm của trường, đưa các sáng kiến vào áp dụng thực tế và cung cấp thêm phương tiện tài chánh cho USC.

Đội bóng bầu dục USC Trojans (Những con ngựa thành Troa)

Biệt danh “Những con ngựa thành Troa” bắt đầu từ năm 1912 do Owen Bird đặt trên tờ Los Angeles Times. Vào lúc đó, các lực sĩ và huấn luyện viên của USC thường đối đầu với những đội bóng rất mạnh đến từ các đại học khác nên USC phải trang bị cho mình một tinh thần chiến đấu bền bỉ.

Với các cầu thủ, “Những con ngựa thành Troa” mang ý nghĩa: cho dù ở vào bất cứ điều kiện hay hoàn cảnh nào, cuộc chiến đấu phải đi tới phút cuối cùng bằng tất cả năng lực, không bao giờ được nản chí hay mang tinh thần thua cuộc. Chính nhờ vậy, đội bóng bầu dục (football) nổi tiếng của USC đã 11 lần đoạt giải Vô địch Quốc gia trong các giải dành cho đại học.

Mang tinh thần đó, các sinh viên của trường cũng thường gọi nhau là “Trojan.”

Du học sinh

Bắt đầu từ năm 1914, những sinh viên quốc tế (du học sinh) đã bắt đầu có mặt tại USC. Họ đến từ các quốc gia Á châu, Âu châu, Châu Mỹ La tinh … Nhờ truyền thống lâu đời này nên liên tục trong 6 năm vừa qua, USC là trường đại học có nhiều sinh viên du học nhất nước Mỹ và nhất tiểu bang California – với tổng số là 7115 sinh viên, trong đó có 4014 sinh viên (57%) theo đuổi học trình sau Cử nhân như Cao học, Tiến sĩ, 1456 sinh viên (20%) bậc Cử nhân, 1645 sinh viên (23%) nội trú thực tập hay nghiên cứu.

Các du học sinh ghi danh theo học hầu hết đến từ Á châu như Ấn độ, Trung hoa, Hồng kông, Đài loan, Nam Hàn, Nhật …

USC nổi tiếng về chương trình trao tặng học bổng cho các sinh viên quốc tế dựa trên tài năng (merit based scholarships) nên đã thu hút được số lượng lớn các sinh viên từ ngoài Hoa kỳ đến học.

Chương trình đặc biệt

USC có chương trình Bac./MD cho phép sinh viên sau khi học xong Cử nhân có thể học tiếp đại học Y khoa tại USC. Nhờ sự bảo đảm này sinh viên có thời gian theo đuổi ngành học mình chú ý hay theo học một số mùa (quarter hay semester) của các đại học nước ngoài. Điều này có lợi điểm là sinh viên cấu trúc một chương trình Cử nhân hoàn toàn theo ý muốn.

Chương trình đặc biệt thứ hai là ngay sau học xong lớp 11 tại trung học, một em có thể vào USC học, lấy xong năm thứ nhất rồi quay về trường trung học làm lễ tốt nghiệp với bạn mình. Chương trình thu nhận khoảng 50 ứng viên mỗi năm với GPA là A– và SAT là 2050.

Tóm lại, ngoài vị trí thuận lợi ở miền Nam California nắng ấm cộng với rất nhiều ngành học và những chương trình đặc biệt, USC đã thu hút sinh viên khắp nơi trên thế giới đổ về. Cuối cùng, các đội thể thao của trường chắc chắn là một nguồn giải trí vô tận cho các sinh viên đang theo học, nhất là đội bóng bầu dục (football) Trojans lừng danh của trường.

78 Văn Phòng Cố Vấn Trường Học




Ở gần sao chẳng sang chơi
Để anh hái ngọn mồng tơi bắc cầu
Bắc cầu em chẳng sang đâu
Chàng về mua chỉ bắc cầu em sang.
Chỉ xanh chỉ tím chỉ vàng
Đủ ba thứ chỉ em sang được cầu


Một em nữ sinh có bà ngoại vừa mới qua đời, em cảm thấy buồn rầu nhưng không thể tâm sự với Mẹ vì Mẹ em còn buồn hơn cả chính em. Em cũng không thể tâm sự với Bố vì Bố đi làm hai ca. Đi học về, mỗi lần ngồi xuống bàn làm homework em lại ứa nước mắt và không thể tiếp tục được công việc học hành. Em tìm một người bạn tâm sự nhưng bạn em không đủ kinh nghiệm để giúp được em. Cuối cùng em tìm đến văn phòng cố vấn trường học (counselor’s office) để tìm sự an ủi cần thiết.

Em nữ sinh nêu trên sau đó đã tâm sự, “Cô cố vấn đã cho em sự hỗ trợ mà em không tìm thấy nơi bạn bè và gia đình. Em đã tìm đến cô mỗi khi cảm thấy sợ hãi, hoang mang. Cô đã giúp em tìm thấy sự cân bằng tinh thần khi cần đứng vững để tiếp tục việc học hành … ”

Phụ huynh trong cộng đồng Việt nam chúng ta thường chỉ biết rằng các thầy cô cố vấn tại trường học lo lắng cho học sinh về học hành như: sắp xếp thời khoá biểu hay chọn thầy, chọn lớp cho học sinh. Tuy nhiên ngoài mục đích đó, các cố vấn còn hướng dẫn học sinh khi gặp những khó khăn trong cuộc sống. Họ là một phần cấu trúc nhân sự quan trọng nhằm gia tăng sự thành đạt tại học đường, giúp phát triển những kỹ năng giao tiếp xã hội, lên kế hoạch học tập và can dự vào những vấn đề gia đình cũng như địa phương của học sinh.

Lịch sử

Chương trình hướng nghiệp vào đầu thế kỷ 20 đã mở đầu cho các chương trình cố vấn tại trường học Mỹ. Năm 1907, Jesse B. Davis đã bắt đầu một chương trình hướng dẫn có hệ thống đầu tiên. Ông khuyến khích thầy cô Anh văn dùng luận văn và bài học hướng dẫn học sinh về nghề nghiệp, phát triển nhân cách và tránh né những lỗi lầm thường hay gặp phải của tuổi trẻ. Chương trình này sau đó được nhiều trường học khác bắt chước thi hành.

Khoảng 20 năm sau phong trào bắt đầu lan rộng mạnh mẽ khắp nơi và được nhấn mạnh về phát triển đạo đức cũng như các kỹ năng cá nhân. Cho dù gặt hái được nhiều thành quả, các chương trình cố vấn cũng bị một số trường học khác ghép cho tội “phản giáo dục” theo truyền thống cổ điển. Vì sự suy thoái kinh tế dẫn đến tình trạng thiếu thốn ngân sách, phong trào tạm đi xuống trong một thời gian.

Vào thập niên 1940, do nhu cầu chiến tranh trong thế chiến thứ hai, Hoa kỳ đã dùng các nhà tâm lý cũng như các cố vấn học đường nhằm giúp quân đội tuyển mộ, động viên trong vấn đề nhân sự. Từ những năm 1960 trở đi, các chương trình cố vấn nhà trường được dùng để giúp học sinh cải tiến giáo dục về nhiều phương diện. Và cũng chính từ năm đó, các văn phòng cố vấn có hình thức và nội dung khá tương tự như ngày nay.

Sau khoảng 100 năm thi hành và để vinh danh chương trình, vào ngày 17/01/2008 Hạ viện ra nghị quyết tuyên bố tuần lễ từ 04 – 08 tháng 2/2008 là National School Counseling Week (tạm dịch: Tuần lễ Cố vấn Học đường Quốc gia) nhằm gây ý thức về cố vấn trường học và tán thưởng sự đóng góp của họ trong vấn đề giáo dục trên toàn quốc. Chủ đề cho năm 2008 là, “Cố vấn Học đường: Sáng Tạo Những Con đường Tới Thành công.”

Nhiệm vụ của Cố vấn trường học

Với học sinh trung học, các thầy cô cố vấn thường giúp đỡ về các vấn đề học hành, chuẩn bị đại học và giúp đỡ về các vấn đề liên quan đến cá nhân, trường học và xã hội.

– Học hành

Nếu thầy Toán cho homework dường như quá sức, môn PE (Thể dục) không đủ sức để chạy … Phụ huynh hay các em học sinh hãy cho cố vấn nhà trường biết những lo lắng của mình. Họ có nhiều phương cách giúp đỡ sao cho việc học hành của các em nhẹ nhàng và có thể đi tới chỗ thành công. Đừng ngần ngại tới văn phòng cố vấn khi việc học hành bị trở ngại.

– Chuẩn bị đại học

Năm cuối trung học là thời điểm rất cần tới cố vấn học đường, họ chính là người giúp đỡ chuẩn bị lớp phù hợp với ý nguyện học sinh cũng như của các đại học, cao đẳng cộng đồng hay các trường dạy nghề trong tương lai. Đối với các kỳ thi quan trọng như SAT hay AP, cố vấn nhà trường sẽ lên kế hoạch giúp đỡ và thông báo tin tức về các kỳ thi này. Ngoài ra họ còn viết thư giới thiệu cho học sinh (nếu cần) tới các đại học hay các chương trình học bổng.

Nếu cần hỏi về Financial Aid (hỗ trợ tài chánh), thắc mắc về chọn chuyên ngành hoặc muốn theo các lớp hướng nghiệp, các em học sinh cũng có thể làm hẹn xin gặp. Họ có cả một kho tàng kiến thức mà phụ huynh và các em học sinh nên tận dụng.

– Giúp đỡ về các vấn đề cá nhân, trường học, gia đình và xã hội

Đây là một lãnh vực xa lạ chưa được một số học sinh và phụ huynh trong cộng đồng chúng ta biết đến nhiều.

Cố vấn trường học hướng dẫn các em hiểu biết và đối phó với những vấn đề thường gặp của tuổi trẻ. Họ cung cấp các kỹ năng phòng ngừa (ma túy, băng đảng, có thai sớm … ) cũng như phương cách đương đầu với những thách thức trong nhà trường, gia đình và xã hội. Khi có vấn đề nhờ giúp đỡ, họ sẽ giúp giải quyết và đưa ra một hướng đi đúng.

Một em học sinh mới tới Mỹ, em cần tìm một người bạn Việt nam hay muốn tìm một cuốn tự điển Việt Anh. Hãy tới văn phòng Cố vấn, đó là nguồn thông tin đáng tin cậy.

Một em bị một bạn khác bắt nạt, cha mẹ lại không biết tiếng Anh, em tìm sự bảo vệ ở đâu? Em cần một người đứng lên bênh vực cho mình. Người đó chính là cố vấn nhà trường.

Một em khác cha mẹ đang sắp sửa ly dị. Em cảm thấy tuyệt vọng vì cả hai người thân yêu nhất đã quay lưng lại với chính mình và em cần tìm sự nâng đỡ tinh thần. Dĩ nhiên trong lúc này phải có một người để tâm sự, để nói ra những điều đang xảy đến cho mình. Người đó không ai khác hơn là cố vấn nhà trường! Họ được huấn luyện về kỹ năng lắng nghe và giúp đưa ra những giải pháp cho vấn đề.

Học sinh nên cho tên cố vấn nhà trường vào danh sách những người có thể trông cậy khi cần thiết. Họ sẽ giúp đỡ các em giải quyết những khó khăn trong cuộc sống hay khi phải ra những quyết định cần sự khôn ngoan. Họ luôn đóng vai một người giúp đỡ làm giảm gánh nặng tâm lý cho các em. Và do vậy các em không phải chịu đựng thử thách một mình.

Hãy thỉnh thoảng ghé thăm thầy cô Cố vấn hay chào làm quen. Nếu các em cần lời khuyên gì, hãy tìm đến và hỏi ý kiến. Đối với học sinh, sẽ có nhiều lúc cảm thấy bơ vơ và hoang mang dẫn đến những rối loạn như mất ngủ, không thể tập trung vào học tập … thì văn phòng Cố vấn nhà trường là nơi nên tìm đến đầu tiên. Họ luôn luôn đứng về phía các em.

Văn phòng Cố vấn có thể giúp gì cho phụ huynh?

Đối với phụ huynh, ngoài vấn đề học hành, khi con cái gặp vấn đề về kỷ luật hoặc những vấn đề của tuổi trẻ như băng đảng hay nghiện hút thì nên liên lạc với văn phòng cố vấn nhà trường nơi con em theo học để tìm sự giúp đỡ đầu tiên.

Hai tác giả Baker và Gerler (Baker, S. B., & Gerler, E. R. (2001). Counseling in schools) đã báo cáo rằng: những học sinh tham dự vào các chương trình cố vấn học đường đã giảm đáng kể những hành vi không thích hợp hay tiêu cực.

Nói chuyện với con cái ngày nay không dễ dàng. Chính vì điều đó, phụ huynh nên tin tưởng nhờ cậy vào văn phòng cố vấn vì thực tế cho thấy rằng họ có phương cách nói chuyện hữu hiệu với con em mà phụ huynh trong cộng đồng thường lúng túng khi cần phải có. Họ giúp con em chúng ta biết giải quyết vấn đề một cách tích cực – không những tại học đường – mà còn ngay cả chính trong gia đình cũng như xã hội. Những khó khăn trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái sẽ giảm thiểu nếu phụ huynh biết nhờ cậy các cố vấn nhà trường ngay khi vấn đề vừa nảy sinh nơi con cái.