Monday, 31 March 2008

83 Sinh Viên Có Nên Sống Trong Đại Học Xá?




Trách chàng ăn ở chấp chênh
Em như thuyền thúng lênh đênh giữa dòng
May ra trời lặng nước trong
Chẳng may bão táp cực lòng thiếp thay
Công thiếp vò võ đêm ngày
Mà chàng ăn ở thế này chàng ôi !
Thiếp như hoa đã nở rồi
Xin chàng che lấy mặt trời cho tươi

Vào tháng 4/2004 ở đại học Johns Hopkins, sinh viên năm thứ 3 bậc Cử nhân Christopher B. Elser đã bị kẻ trộm đột nhập vào chỗ ở. Thấy kẻ gian, em bèn bật dậy chống cự và bị hắn dùng giao tấn công. Em bị thương nặng, được mang tới bệnh viện Johns Hopkins, một trong những trung tâm Y khoa nổi tiếng nhưng các Bác sĩ đành bó tay và em qua đời sau đó.

Đây là một trong những sự kiện gióng lên tiếng chuông báo động cho phụ huynh phải cẩn thận lựa chọn nơi ăn chốn ở khi con cái bước chân vào ngưỡng cửa đại học.

Cho dù theo học trường công hay tư, một trong những băn khoăn của các em học sinh là tìm chỗ ăn ở. Đã có những tân sinh viên bỏ trường này qua trường khác chỉ vì có chỗ ăn ở tốt hơn, an toàn hơn. Trong khi sự khác biệt giữa trường công và trường tư không khác nhau nhiều trong lãnh vực học hành thì việc ăn ở là điểm vượt trội của các trường đại học tư. Phần lớn phụ huynh có con cái theo học đại học tư thường an tâm về việc ăn ở của con cái hơn.

Vào tháng 3 và tháng 4 mỗi năm, các đại học sẽ cho biết kết quả thu nhận tân sinh viên bậc Cử nhân. Kèm theo đó sẽ là khá nhiều mẫu đơn phải điền, thường là “online”, trong đó có đơn xin chỗ ở (student housing) trong đại học xá (dorm) và đây là việc nên làm ngay. Tại California trong khi một số đại học tư cho sinh viên ở trong đại học xá (dorm) tới 4 năm thì một số đại học công lập khác chỉ cho ở 1, 2 năm mà thôi. Có đại học coi việc sinh viên phải ở trong đại học xá một thời gian đầu tiên là điều bắt buộc trong khi những trường khác để tùy ý sinh viên lựa chọn. Nói chung chính sách các trường không giống nhau, ngay cả trong hệ thống UC các trường cũng có chính sách riêng biệt nên cần hỏi thêm trường cho rõ chi tiết.

Khi hoá đơn thanh toán ăn ở trong đại học xá (Room and Board) gửi về, cha mẹ nào cũng giật mình về những khoản tiền dành cho sinh viên trong đại học xá khá đắt đỏ. Sau đây là một vài con số mà các đại học tính tiền ăn ở cho sinh viên bậc Cử nhân trong khoảng 33 tuần học tập (không kể mùa hè): Đại học Stanford $11,000, đại học USC $13,000, UCLA $8,000 – $12,500, UC San Diego $11,000 … Số tiền này dĩ nhiên không chỉ ngừng ở đó.

So sánh chung, sinh viên sống trong đại học xá (dorm) chi tiêu cho ăn ở đắt đỏ hơn khi ở chung với gia đình. Do vậy phụ huynh thường tìm cách cho con em thuê phòng ở chung với các em khác. Hãy cẩn thận! Lúc đầu xem ra có vẻ tiết kiệm nhưng cuối cùng tính chung những chi phí khác vào nếu sống không tằn tiện thì số tiền này có khi lại lên cao hơn.

Dĩ nhiên sống bên trong hay bên ngoài đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng. Tân sinh viên và phụ huynh nên thu thập đầy đủ thông tin để phân tích được lợi hại của việc sống bên ngoài hay bên trong đại học xá (dorm.) Việc đầu tiên phải cân nhắc là an toàn, đặc biệt với các em nữ. Kế tiếp là sự thuận lợi cho vấn đề học hành. Và sau cùng là vấn đề đi lại cũng như các chi phí linh tinh khác. Dưới đây là một số kinh nghiệm thực tế:

Sống trong đại học xá (dorm)

1. Ưu điểm

– An toàn hơn

Sống trong đại học xá thường an toàn nhờ hệ thống camera theo dõi và sự thường xuyên đi tuần hành của cảnh sát trong khu vực trường học. Ngoài ra các em trong đại học xá sau một thời gian sinh sống trở nên biết nhau. Cuối cùng trước khi vào phải có chìa khoá khu và chìa khoá phòng riêng nên kẻ gian khó lòng đột nhập, mức an toàn do vậy thường cao hơn.

– Nhu cầu thiết yếu nằm trong tầm tay

Sống ở trong đại học xá các sinh viên sẽ không phải lo lắng gì nhiều. Những nhu cầu thiết yếu dường như đã được sắp xếp chu đáo. Sinh viên nhờ vậy dành được nhiều thời giờ hơn cho việc học hành, không để bị lôi cuốn vào những lo lắng khác. Nhiều em khi đi mua một món hàng lại thơ thẩn đi xem vật dụng linh tinh khác nên vừa tốn tiền vừa tốn thời gian.

Các khu đại học xá (dorm) cũng thường được thiết kế gần ngay thư viện nên việc ra vào thư viện học tập khá dễ dàng. Những lớp học cũng không xa đại học xá, sinh viên có thể đi bộ hay đi xe đạp để tới lớp. Do vậy tiết kiệm được khá nhiều thời gian khi đến lớp.

– Tiện lợi cho sinh hoạt và giải trí

Ăn uống trong đại học xá được các nhà dinh dưỡng tính toán đầy đủ chất bổ dưỡng. Sinh viên được gần gũi với những sinh hoạt ngoài lớp học (chính trị, văn hoá, thể thao … ) và như vậy có được kinh nghiệm cá nhân từ môi trường bên ngoài. Hơn nữa các phương tiện như Internet, truyền hình … và sân chơi thể thao, hồ bơi … thường được thiết kế ngay bên cạnh.

2. Khuyết điểm

– Cuộc sống trong đại học xá chật chội, ồn ào, phải dùng chung phòng tắm và phòng vệ sinh với các sinh viên khác. Nhiều sinh viên do vậy không cảm thấy thoải mái.

– Lây “bệnh party”: những phụ huynh có dịp ngủ lại vào cuối tuần hay trong các dịp nghỉ lễ tại đại học xá của các sinh viên khá lo lắng về căn bệnh “party.” Họ được chứng kiến cảnh các sinh viên tổ chức “party” ồn ào và vui vẻ như thế nào. Nhiều sinh viên thường đàn đúm “party” uống rượu bia ca hát, nhảy múa và chỉ đi ngủ vào lúc 5, 6 giờ sáng.

– Bạn chung phòng (roommate) là một trong những vấn đề lớn của một tân sinh viên. Nếu may mắn gặp được người tốt, có những điểm giống nhau về giờ giấc sinh hoạt thì là một điều may mắn. Nếu không, khi muốn đi ngủ mà người kia còn gẩy đàn guitar ca hát thì khó chịu lắm! Tuy nhiên để giúp sinh viên có bạn chung phòng cùng sở thích, một số đại học như UCLA cho phép chọn lựa bạn chung phòng. Một số đại học khác không đáp ứng đòi hỏi này.

Thuê nhà bên ngoài

Tiền trả cho ăn ở trong đại học xá khá đắt đỏ, nhiều sinh viên đã chung tiền nhau thuê phòng riêng sống bên ngoài. Tuy nhiên có những vấn đề mới sẽ phát sinh sau đó mà các bậc làm cha mẹ trước khi cho con cái ra ngoài ở cần biết trước để cân nhắc một cách cẩn thận.

1. Ưu điểm

– Yên tĩnh hơn nên dễ dàng tập trung cho học tập

– Tiết kiệm được tiền thuê phòng nhờ ở chung nhiều người

– Giữ được sự riêng tư và độc lập cá nhân hơn

2. Khuyết điểm

– Nếu tân sinh viên có xin hỗ trợ tài chánh (financial aid) thì đừng quên là trong đa số các trường hợp khoản tiền thuê nhà này sẽ không được tính trong tổng số tiền hỗ trợ tài chánh (financial aid packet.) Ngay cả một số học bổng cũng không chịu chi trả tiền ăn ở bên ngoài. Hãy liên lạc với nhà trường để tìm hiểu rõ vấn đề vì mỗi trường đều có chính sách khác biệt.

– Khi trở về nhà trong mùa hè, sinh viên phải tìm cách cho người khác thuê lại chỗ ở của mình. Do vậy cũng tạo nên lo lắng và bận bịu khi phải cho thuê lại. Nên hỏi chủ nhà chi tiết này trước khi ký hợp đồng thuê và bàn bạc trước với các bạn cùng thuê chung phòng.

– Vấn đề đi lại giữa chỗ ở và trường học phức tạp hơn. Các em phải trả tiền chỗ đậu xe trong trường học và nhất là kiếm chỗ đậu xe trước khi vào lớp vẫn là một cơn ác mộng cho các sinh viên. Những ai đã từng đi học đều biết nỗi khổ tâm khi kiếm chỗ đậu xe, phải trả tiền mà cũng không dễ dàng kiếm được. Kết quả là trễ lớp học hay tệ hơn bị trễ cả giờ thi.

– Bạn thuê nhà cũng có thể quyến rũ các em sao lãng việc học tập

Tóm lại, nếu cuộc sống dường như thoả mãn và việc học tập có kết quả tốt, sinh viên nên ở trong đại học xá. Tuy vậy, cho dù sống bên trong hay bên ngoài đại học xá, điều cần thiết là nên hỏi thăm các phụ huynh khác đã có con em theo học nơi trường con em mình định đi để biết thêm chi tiết. Nếu các em ghi danh theo học tại các tiểu bang xa xôi, việc đầu tiên là hãy đi vòng quanh thành phố cho biết sự tình, đừng quên vào các tiệm làm móng tay hay các nhà hàng Việt nam của bà con mình. Đó là những nguồn tin tức bổ ích đáng tin cậy.

Friday, 28 March 2008

82 Chọn Chuyên Ngành Trên Đại Học




Nhất nghệ tinh nhất thân vinh
Ai ơi phải quý nghề mình mới nên
Hoặc buôn bán, hoặc thợ thuyền
Nghề gì cũng sẽ làm nên sang giàu


Brian James Young và Adrian Ion là thủ khoa của trường trung học Plano, Texas năm 2004. Cả hai lần lượt được nhận vào Harvard và Stanford, nhưng trong đơn xin họ đều ghi ngành định theo học là “chưa quyết định” (undecided major.)

Nếu vào trang nhà của UC Irivine để tìm hiểu thêm người ta dễ dàng thấy vào khoá học mùa thu 2006 số sinh viên chưa quyết định ngành học là 20.6% và năm 2007 là 18.2%. Theo trang web UCBerkeleyNews ngày 22/01/2008 của Viện đại học UC Berkeley cho biết, trong số 12,000 (51%) sinh viên bậc Cử nhân tham dự cuộc khảo sát online thì 10% chưa có ý nghĩ gì về ngành học (major) cả. Điều này cho thấy một khuynh hướng chung: các sinh viên ngày nay thường “tà tà” vui sống, họ không cảm thấy một nhu cầu cấp bách phải sớm định hướng một chuyên ngành trên đại học.

Chọn chuyên ngành trên đại học không dễ dàng, một phần vì các sinh viên có quá nhiều lựa chọn và cũng vì ngày nay một số chương trình Cử nhân đã không còn đáp ứng đủ cho sinh viên vào thị trường lao động.

Nếu có dịp gặp gỡ các em sinh viên, người ta dễ dàng nhận thấy một số em đã có định hướng rõ ràng, biết mình sẽ phải làm nghề gì trong tương lai và do vậy biết mình sẽ phải học gì. Những em này học mau ra trường, hạn chế được chi phí đắt đỏ của đại học. Một số khác, ngược lại, khi được hỏi định theo học ngành gì thường trả lời “không biết.” Họ hoàn toàn không áy náy gì về điều “không biết” này cả!!!

Ngoài những khó khăn khi phải chọn chuyên ngành, các sinh viên ngày nay còn hay thay đổi chuyên ngành này sang chuyên ngành khác. Trong khi các sinh viên coi việc thay đổi ngành học như một cuộc hành trình tìm kiếm và khám phá những khả năng làm việc tương lai thì các bậc làm cha mẹ lại hoang mang không hiểu con mình sẽ định hướng chọn lựa như thế nào? Và như vậy, trong khi phụ huynh ước mong sự ổn định ngành học nơi con cái thì ngược lại các em vẫn không vội vã trong cuộc tìm kiếm ngành nghề hoặc tệ hơn, liên tục thay đổi từ ngành học này sang ngành học khác. Dưới đây là một số chỉ dẫn vắn tắt được trình bày nhằm giúp các em trong việc chọn ngành học:


Ý thích

Đây là điều quan trọng nhất phải lưu tâm. Hãy tìm hiểu ngành học mình ưa chuộng và đam mê. Đuợc làm công việc mình yêu thích sẽ đưa mỗi cá nhân tới đỉnh cao sự nghiệp và dễ thành công hơn. Một công việc không thích thú sẽ dẫn đến chán nản rồi bỏ nghề này theo nghề khác, uổng phí thời giờ, công sức và tiền bạc trong việc đào tạo.

Hãy tự hỏi chính mình có thực sự yêu ngành học đó hay không? Nếu không rõ mình thích gì sinh viên có thể lấy một số bài trắc nghiệm khả năng thường có trong các văn phòng cố vấn trường học (counselor’s office.) Trong nhiều trường hợp, hãy dành một thời gian suy nghĩ về ngành học. Bổn phận của phụ huynh là hãy thường xuyên đặt câu hỏi “Con muốn học gì khi lên đại học hay con muốn làm gì sau này?” mỗi khi có dịp. Tuy vậy, đừng quá cứng nhắc, hãy tránh tình trạng áp đặt con cái theo ngành nghề mà chúng không thích. Chỉ nên coi câu hỏi trên như một gợi ý cho các em suy nghĩ và có một chút thắc mắc cho tương lai.


Khả năng

Một em muốn làm cô giáo Anh văn phải có khả năng về Anh văn cao hơn những môn học khác. Khi muốn chọn ngành, khả năng đóng vai trò quan trọng trong quyết định. Đã có em học không giỏi về Khoa học nhưng lại muốn trở thành … khoa học gia về Nguyên tử!!!

Hãy tìm hiểu mặt mạnh, mặt yếu dựa trên học bạ (transcript) thời trung học của mình. Ngoài ra cũng nên để ý đến những sinh hoạt ngoại khoá, những công việc kiếm tiền hay công việc thiện nguyện đã làm từ trước tới giờ. Hãy nghĩ lại và xem xét loại công việc nào đã dẫn mình tới thành công hay loại công việc nào mình đã từng ao ước được làm.

Nhiều khi những điều nêu trên cũng không hoàn toàn đúng. Có những em vào lúc trẻ tuổi học không xuất sắc ngành nghề em yêu thích nhưng khi có tuổi hơn trở nên xuất chúng trong lãnh vực của mình. Albert Einstein là một thí dụ, trong khi theo học ngành Sư phạm Toán Lý thì Giáo sư Vật lý Jean Pernet đã khuyên bảo, “Em có nhiệt tình trong học hành nhưng với Vật lý thì … tuyệt vọng. Vì quyền lợi của chính mình em nên chuyển qua học Luật, Y khoa hay Văn chương.” Nhân loại chắc chắn sẽ mất một tài năng kiệt xuất nếu Einstein nghe theo lời vị Giáo sư này. Do vậy, đôi khi tài năng có thể đơm hoa kết trái trễ tràng.


Giá trị

Mỗi cá nhân mang theo những giá trị riêng ảnh hường từ tôn giáo, học đường hay gia đình. Một em thích giúp đỡ người khác thường thành công trong lãnh vực có sự tiếp xúc với cộng đồng trong các ngành ngành Y tế, Giáo dục. Một em khác thích sự ổn định trong công việc thường dễ thành công khi làm việc trong các nhiệm sở chính quyền nhưng lại khó thành công trong các ngành cần một chút phiêu lưu hay cạnh tranh như lãnh vực kinh doanh.

Chính những giá trị cá nhân sẽ làm gia tăng hay giảm bớt ý thích ngành nghề của một người và do vậy cản trở sự thành công, vui thú trong công việc định làm. Đó là điều không thể không để ý đến.


Nghề định theo

Đây là một trong những yếu tố quan trọng khi chọn ngành học, nghĩa là chọn ngành nghề (career) định theo trước rồi chọn ngành học (major) sau.

Một em thích làm một nhà báo có thể học chuyên ngành Báo chí, Tiếp thị (Marketing) hay học về Nhiếp ảnh. Những ngành học trên đều sẽ mở ra một triển vọng làm việc trong ngành em yêu thích, tuy rằng theo học ngành Báo chí (Journalism) quả thực có giúp em nhiều hơn.

Đừng lẫn lộn ngành định học với công việc định làm. Một Luật sư không phải chỉ làm trong các văn phòng Luật sư, toà án mà còn có thể làm tại nhiều văn phòng khác nhau với nhiệm vụ cố vấn pháp lý như làm cho các hãng bào chế thuốc, nhiệm sở cảnh sát, báo chí hay truyền thanh truyền hình … Một người học về Thảo chương điện toán cũng có thể làm cho các ngân hàng hay các hãng về tài chánh, cơ quan giáo dục hay công quyền.

Ngày nay, công việc càng lúc càng có tính cách tạm thời, nhiều người do biết “nhảy việc” đã trở nên thành công hơn. Người ta thấy vào đầu năm họ có mặt trong các văn phòng khai thuế, khi giá nhà cao họ làm việc trong lãnh vực địa ốc … trong khi công việc toàn thời gian là Kỹ sư cho một công ty máy bay. Nghề định theo quyết định ngành học nhưng hãy linh động khi chọn lựa ngành học.


Những cản trở

Công việc nào cũng có rào cản riêng. Một em yếu các môn Khoa học khó lòng theo đuổi ngành Y khoa đòi hỏi phải có điểm thi MCAT cũng như điểm các môn Khoa học cao. Một em yếu Anh văn cũng khó theo được ngành Báo chí tại Mỹ. Nên biết mình mạnh hay yếu môn học nào để có thời giờ bổ túc thêm nếu thật sự ham muốn ngành nghề đó. Hãy thực tế trong những lựa chọn dựa vào ưu điểm và khuyết điểm của mình.

Thomas Edison lúc còn nhỏ học hành rất kém, trường học nào cũng than phiền, bà Mẹ tự mình dạy con học Anh văn nên cậu rất thích đọc sách nhất là các sách về kịch nghệ. Thế là cậu mơ ước trở thành một diễn viên trên sân khấu nhưng tai hại thay, giọng của cậu lại … the thé … khó nghe thế là hiểu được cản trở nghề nghiệp, Edison quyết định bỏ việc. Và rõ ràng đây là một quyết định sáng suốt rất có lợi cho tương lai chính cậu cũng như toàn nhân loại.


Những chỉ dẫn trên chỉ là một hướng dẫn có tính cách tương đối. Một công việc có thể dễ dàng vào lúc này nhưng lại khó khăn vào lúc khác. Nếu ngành nghề có thể thay đổi thì ngành học cũng có thể thay đổi theo. Hiện nay, cuộc sống đang càng ngày càng đòi hỏi con người phải thích nghi và việc chọn ngành trên đại học cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Thursday, 27 March 2008

81 Giúp Con Em Làm Bài Tập Về Nhà




Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dẫn con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời

Đối với nhiều phụ huynh, vấn đề giáo dục con em là một việc làm quan trọng và giúp con em làm bài tập về nhà (homework) là một trong những phương cách chứng minh sự quan tâm đối với tiến trình giáo dục con cái.

Điều này thật ra nói dễ hơn làm, đặc biệt là các em thích coi TV hay chơi game thường không thích ngồi chung với phụ huynh giải bài tập. Khó khăn hơn nữa, đối với một số cha mẹ, do trình độ hạn chế nên không thể giúp được con trong những bài Anh văn hay Toán. Việc giúp con làm bài tập về nhà có thể khuyến khích một thói quen học tập tích cực – cho dù phụ huynh không phải là người giỏi các môn học của con em.

Các em cần được biết rằng mọi thành viên trong gia đình quan tâm đến bài tập về nhà (homework) và coi đó là một việc quan trọng phải làm. Nếu các em biết phụ huynh và mọi người luôn “để mắt” quan sát thì các em sẽ cố gắng hoàn thành và nộp bài tập đúng hẹn.

Đặt một thời biểu

Hãy chọn một giờ giấc cố định cho việc làm bài tập về nhà mỗi ngày. Khi sắp xếp giờ giấc, hãy xem xét tới những những sinh hoạt ngoại khoá sau giờ học, giờ cơm tối của gia đình, thời giờ con cái tươi tỉnh có đủ năng lượng chuẩn bị làm việc. Một điều nên biết là nếu các em còn nhỏ, đừng cho làm homework ngay trước khi đi ngủ vì đôi khi phải dùng nhiều thời giờ hơn dự định khiến có thể phá bỏ giờ giấc theo dự trù dành cho giấc ngủ của các em.

Có em thích làm bài tập về nhà ngay khi đi học về, có em khác lại muốn nghỉ ngơi một tiếng sau mới bắt đầu, có em lại chia ra hai phần: phần khó (Khoa học, Toán) làm trước, phần dễ hơn (Anh văn, Đọc … ) làm sau bữa ăn tối. Phụ huynh nên xếp đặt giờ giấc thích hợp.

Lượng thời gian dành cho bài tập về nhà cũng khá quan trọng. Không nên dặn dò con em rằng làm xong bài tập về nhà rồi thì xong bổn phận, muốn làm gì thì làm. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng các em làm việc cẩu thả rồi vội vã chơi game hay xem TV. Tốt hơn nên ghi rõ khoảng thời gian, chẳng hạn từ 3 p.m. tới 6 p.m. và nếu bài tập về nhà làm xong trước thời gian đó thì làm việc khác có liên quan đến học tập (đọc sách, soạn bài cho ngày mai … ) và cũng nhờ vậy các em sẽ không viện dẫn lý do “quên” mang homework ở trường về nhà.

Đôi khi những hoạt động ngoại khoá như học võ, học bơi, học nhạc … đòi hỏi một thời khoá biểu linh động hơn. Phụ huynh nên quan sát và chọn lựa giờ giấc mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu không đủ thời gian hoàn thành bài tập về nhà thì tốt hơn là bỏ một vài hoạt động ngoại khoá vì bài tập về nhà là ưu tiên hàng đầu trong tiến trình giáo dục của các em.

Theo dõi bài tập về nhà

Các em thường có khuynh hướng hoàn thành công việc học tập khi phụ huynh để dành thời gian theo dõi và hỏi han bài tập về nhà. Dĩ nhiên mức độ theo dõi sít sao tùy thuộc vào lứa tuổi, trình độ và mức độ trưởng thành của mỗi em. Nếu một em có dấu hiệu không làm xong bài tập về nhà của mình thì phụ huynh phải lưu tâm kiểm soát nhiều hơn. Những em này chưa có tính độc lập cao nên nếu để lỏng lẻo sẽ dẫn đến sao lãng học hành sau này.

Khi mua đồ dùng học sinh xin đừng quên mua một cuốn sổ tay giúp theo dõi việc làm bài tập về nhà. Hãy theo dõi ngay cả những đồ án (project, science fair, report … ) cần nhiều ngày để làm và giúp chúng chia thời gian ra một cách thích hợp. Mỗi khoảng thời gian nên làm xong một phần của kế hoạch và nếu một dự án được làm trong một tháng thì mỗi tuần nên làm xong một phần tư . Hãy nhớ dành vài ngày ráp nối sửa chữa lại.

Khi gần tới một kỳ thi quan trọng, hãy giúp chúng ôn bài bằng cách đặt những câu hỏi thêm về các chi tiết. Nếu các em gặp khó khăn hãy ôn lại phần lý thuyết và giúp suy luận, lý giải vấn đề. Nếu vấn đề vẫn chưa giải quyết được nên tìm thêm sự giúp đỡ từ Internet hay thư viện. Cuối cùng hãy khuyến khích con em biết tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy cô giáo.

Khi nhận lại bài từ thầy cô trả lại, hãy cùng với con cái xem lại lầm lỗi, tìm cách giải quyết và giữ những bài này để ôn tập trước khi thi giữa mùa (midterm) hay cuối khoá (final.)

Đừng làm bài tập về nhà thay cho con cái. Hãy khuyến khích các em tự làm và giúp chúng phát triển kỹ năng giải quyết bài tập. Nếu các em không hiểu bài, phụ huynh có thể giải trước giúp chúng phương pháp làm bài, cho các em xem lại, sau đó xé bỏ những gì đã làm rồi để tự các em làm lại. Điều này giúp các em tích cực chú ý lắng nghe lúc giảng giải.

Liên lạc tốt với thầy cô giáo

Ngay từ đầu năm học phụ huynh hãy nói chuyện với thầy cô giáo của con em về bài tập về nhà. “Làm sao tôi có thể giúp con tôi hoàn thành tốt homework? Nếu cần liên lạc với thầy cô tôi phải làm sao?” Trong trường hợp phụ huynh cảm thấy bài tập về nhà là quá nhiều hay quá ít hoặc các em không hiểu bài thì phụ huynh nên thảo luận vấn đề với họ.

Tiếp xúc ngay với thầy cô giáo nếu phụ huynh thấy con cái gặp trở ngại về homework, nếu không vấn đề sẽ cáng ngày càng xấu hơn. Dĩ nhiên khi gia đình và học đường cùng tiếp tay giải quyết vấn đề thì sự thành công sẽ dễ dàng hơn. Lúc đó thầy cô giáo có thể để thêm giờ giảng giải riêng cho em, giảm bớt một số bài không phù hợp trình độ. Phụ huynh có thể trình bày, “Kim đang bị vấn đề về Toán. Tôi không hiểu tại sao cháu không hoàn tất được bài học nên gặp thầy (cô) để tìm hiểu xem chúng ta có thể làm gì để giúp cháu.” Hãy đến với các thầy cô bằng tinh thần tích cực, họ rất muốn con em chúng ta thành công.

Ngoài ra phụ huynh nên tìm hiểu các chương trình dạy kèm, có một số phải trả tiền nhưng cũng có nhiều trường đại học địa phương cử sinh viên tình nguyện dạy miễn phí. Một số chương trình trợ cấp nhà cửa (housing) cũng giúp đỡ các em miễn phí theo dạng này.

Hiểu rõ thói quen học tập và cá tính của mỗi em

Mỗi em có một phương thức và thói quen học tập riêng mà phụ huynh nên chú ý. Có em học bằng cách đọc và dùng ngôn ngữ để diễn tả, em khác phải dùng hình ảnh và có em phải kết hợp cả hai phương pháp nêu trên. Do vậy phụ huynh nên chú ý phương cách mà các em có thể hiểu được bài và cũng nên thông báo với thầy cô của các em kinh nghiệm này.

Một số em nhậy cảm với lời phê bình cũng nên được “nhẹ nhàng.” Nếu em có thói quen trình bày bài tập một cách thiếu lớp lang phụ huynh không nên nói, “Con đừng nộp cái mớ luộm thuộm này cho thầy cô” mà hãy nói, “Thầy cô giáo sẽ hiểu rõ ý tưởng của con hơn nếu trình bày ngắn gọn và sạch sẽ.” Những phê bình có tính xây dựng luôn được đón nhận.

Cũng có những em vừa học vừa mở nhạc, đôi khi khá ầm ĩ, nếu phụ huynh thấy điểm của các em vẫn tốt thì không nên thay đổi gấp rút mà cần thời gian dạy dỗ thêm. Nếu biết rõ điều đó làm giảm khả năng tập trung của các em thì nên nhắc nhở nhưng phải từ từ, đừng hy vọng các em thay đổi ngay sau khi lên tiếng, nhất là các em đang ở độ tuổi thiếu niên.

Nên tạo thói quen chọn một không gian yên tĩnh, xa điện thoại hay TV và nhất là phải đầy đủ ánh sáng. Thời khoá biểu làm bài tập về nhà nên được để ở một nơi dễ quan sát như cửa tủ lạnh. Điều này giúp phụ huynh theo dõi và nhắc nhở con em khi cần thiết.

Tạo cảm hứng và tạo thói quen học tập càng sớm càng tốt

Một thói quen học tập tốt thường phải bắt đầu khi các em còn nhỏ. Dĩ nhiên điều này cần thời gian tập tành trước khi trở thành một thói quen tốt cho các em. Làm sao để điều chỉnh thời gian cho các bài tập, lựa chọn đề tài cho science fair, phương pháp viết báo cáo (report) … cũng nên được chỉ bảo. Nếu các em cảm thấy mỏi mệt chán nản thì nên tạo cơ hội cho các em hoạt động chân tay hay ngừng nghỉ một thời gian thích hợp để lấy lại năng lực.

Nếu các em còn nhỏ, hãy đọc thành tiếng cho các em nghe, dẫn tới thư viện, viện bảo tàng, địa điểm có tính cách lịch sử và khuyến khích các em đặt câu hỏi. Nếu các em thụ động không đặt đủ câu hỏi thì phụ huynh sẽ đặt câu hỏi để các em trả lời. Đừng đặt những câu hỏi quá khó khăn. Quan trọng hơn vẫn là biểu lộ một tinh thần ham thích học hỏi.

Bài tập về nhà mang con cái và phụ huynh gần gũi nhau để hoàn thành mục tiêu giáo dục. Khi phụ huynh giúp con em làm bài tập, ngoài lợi ích vè kiến thức học tập, các em cũng học hỏi được tinh thần trách nhiệm và kỷ luật. Hơn thế nữa, một sợi dây liên kết được tạo thành do đối thoại và hiểu biết sẽ mang lại niềm vui lâu dài cho cả hai thế hệ trong gia đình.