Friday, 28 March 2008

82 Chọn Chuyên Ngành Trên Đại Học




Nhất nghệ tinh nhất thân vinh
Ai ơi phải quý nghề mình mới nên
Hoặc buôn bán, hoặc thợ thuyền
Nghề gì cũng sẽ làm nên sang giàu


Brian James Young và Adrian Ion là thủ khoa của trường trung học Plano, Texas năm 2004. Cả hai lần lượt được nhận vào Harvard và Stanford, nhưng trong đơn xin họ đều ghi ngành định theo học là “chưa quyết định” (undecided major.)

Nếu vào trang nhà của UC Irivine để tìm hiểu thêm người ta dễ dàng thấy vào khoá học mùa thu 2006 số sinh viên chưa quyết định ngành học là 20.6% và năm 2007 là 18.2%. Theo trang web UCBerkeleyNews ngày 22/01/2008 của Viện đại học UC Berkeley cho biết, trong số 12,000 (51%) sinh viên bậc Cử nhân tham dự cuộc khảo sát online thì 10% chưa có ý nghĩ gì về ngành học (major) cả. Điều này cho thấy một khuynh hướng chung: các sinh viên ngày nay thường “tà tà” vui sống, họ không cảm thấy một nhu cầu cấp bách phải sớm định hướng một chuyên ngành trên đại học.

Chọn chuyên ngành trên đại học không dễ dàng, một phần vì các sinh viên có quá nhiều lựa chọn và cũng vì ngày nay một số chương trình Cử nhân đã không còn đáp ứng đủ cho sinh viên vào thị trường lao động.

Nếu có dịp gặp gỡ các em sinh viên, người ta dễ dàng nhận thấy một số em đã có định hướng rõ ràng, biết mình sẽ phải làm nghề gì trong tương lai và do vậy biết mình sẽ phải học gì. Những em này học mau ra trường, hạn chế được chi phí đắt đỏ của đại học. Một số khác, ngược lại, khi được hỏi định theo học ngành gì thường trả lời “không biết.” Họ hoàn toàn không áy náy gì về điều “không biết” này cả!!!

Ngoài những khó khăn khi phải chọn chuyên ngành, các sinh viên ngày nay còn hay thay đổi chuyên ngành này sang chuyên ngành khác. Trong khi các sinh viên coi việc thay đổi ngành học như một cuộc hành trình tìm kiếm và khám phá những khả năng làm việc tương lai thì các bậc làm cha mẹ lại hoang mang không hiểu con mình sẽ định hướng chọn lựa như thế nào? Và như vậy, trong khi phụ huynh ước mong sự ổn định ngành học nơi con cái thì ngược lại các em vẫn không vội vã trong cuộc tìm kiếm ngành nghề hoặc tệ hơn, liên tục thay đổi từ ngành học này sang ngành học khác. Dưới đây là một số chỉ dẫn vắn tắt được trình bày nhằm giúp các em trong việc chọn ngành học:


Ý thích

Đây là điều quan trọng nhất phải lưu tâm. Hãy tìm hiểu ngành học mình ưa chuộng và đam mê. Đuợc làm công việc mình yêu thích sẽ đưa mỗi cá nhân tới đỉnh cao sự nghiệp và dễ thành công hơn. Một công việc không thích thú sẽ dẫn đến chán nản rồi bỏ nghề này theo nghề khác, uổng phí thời giờ, công sức và tiền bạc trong việc đào tạo.

Hãy tự hỏi chính mình có thực sự yêu ngành học đó hay không? Nếu không rõ mình thích gì sinh viên có thể lấy một số bài trắc nghiệm khả năng thường có trong các văn phòng cố vấn trường học (counselor’s office.) Trong nhiều trường hợp, hãy dành một thời gian suy nghĩ về ngành học. Bổn phận của phụ huynh là hãy thường xuyên đặt câu hỏi “Con muốn học gì khi lên đại học hay con muốn làm gì sau này?” mỗi khi có dịp. Tuy vậy, đừng quá cứng nhắc, hãy tránh tình trạng áp đặt con cái theo ngành nghề mà chúng không thích. Chỉ nên coi câu hỏi trên như một gợi ý cho các em suy nghĩ và có một chút thắc mắc cho tương lai.


Khả năng

Một em muốn làm cô giáo Anh văn phải có khả năng về Anh văn cao hơn những môn học khác. Khi muốn chọn ngành, khả năng đóng vai trò quan trọng trong quyết định. Đã có em học không giỏi về Khoa học nhưng lại muốn trở thành … khoa học gia về Nguyên tử!!!

Hãy tìm hiểu mặt mạnh, mặt yếu dựa trên học bạ (transcript) thời trung học của mình. Ngoài ra cũng nên để ý đến những sinh hoạt ngoại khoá, những công việc kiếm tiền hay công việc thiện nguyện đã làm từ trước tới giờ. Hãy nghĩ lại và xem xét loại công việc nào đã dẫn mình tới thành công hay loại công việc nào mình đã từng ao ước được làm.

Nhiều khi những điều nêu trên cũng không hoàn toàn đúng. Có những em vào lúc trẻ tuổi học không xuất sắc ngành nghề em yêu thích nhưng khi có tuổi hơn trở nên xuất chúng trong lãnh vực của mình. Albert Einstein là một thí dụ, trong khi theo học ngành Sư phạm Toán Lý thì Giáo sư Vật lý Jean Pernet đã khuyên bảo, “Em có nhiệt tình trong học hành nhưng với Vật lý thì … tuyệt vọng. Vì quyền lợi của chính mình em nên chuyển qua học Luật, Y khoa hay Văn chương.” Nhân loại chắc chắn sẽ mất một tài năng kiệt xuất nếu Einstein nghe theo lời vị Giáo sư này. Do vậy, đôi khi tài năng có thể đơm hoa kết trái trễ tràng.


Giá trị

Mỗi cá nhân mang theo những giá trị riêng ảnh hường từ tôn giáo, học đường hay gia đình. Một em thích giúp đỡ người khác thường thành công trong lãnh vực có sự tiếp xúc với cộng đồng trong các ngành ngành Y tế, Giáo dục. Một em khác thích sự ổn định trong công việc thường dễ thành công khi làm việc trong các nhiệm sở chính quyền nhưng lại khó thành công trong các ngành cần một chút phiêu lưu hay cạnh tranh như lãnh vực kinh doanh.

Chính những giá trị cá nhân sẽ làm gia tăng hay giảm bớt ý thích ngành nghề của một người và do vậy cản trở sự thành công, vui thú trong công việc định làm. Đó là điều không thể không để ý đến.


Nghề định theo

Đây là một trong những yếu tố quan trọng khi chọn ngành học, nghĩa là chọn ngành nghề (career) định theo trước rồi chọn ngành học (major) sau.

Một em thích làm một nhà báo có thể học chuyên ngành Báo chí, Tiếp thị (Marketing) hay học về Nhiếp ảnh. Những ngành học trên đều sẽ mở ra một triển vọng làm việc trong ngành em yêu thích, tuy rằng theo học ngành Báo chí (Journalism) quả thực có giúp em nhiều hơn.

Đừng lẫn lộn ngành định học với công việc định làm. Một Luật sư không phải chỉ làm trong các văn phòng Luật sư, toà án mà còn có thể làm tại nhiều văn phòng khác nhau với nhiệm vụ cố vấn pháp lý như làm cho các hãng bào chế thuốc, nhiệm sở cảnh sát, báo chí hay truyền thanh truyền hình … Một người học về Thảo chương điện toán cũng có thể làm cho các ngân hàng hay các hãng về tài chánh, cơ quan giáo dục hay công quyền.

Ngày nay, công việc càng lúc càng có tính cách tạm thời, nhiều người do biết “nhảy việc” đã trở nên thành công hơn. Người ta thấy vào đầu năm họ có mặt trong các văn phòng khai thuế, khi giá nhà cao họ làm việc trong lãnh vực địa ốc … trong khi công việc toàn thời gian là Kỹ sư cho một công ty máy bay. Nghề định theo quyết định ngành học nhưng hãy linh động khi chọn lựa ngành học.


Những cản trở

Công việc nào cũng có rào cản riêng. Một em yếu các môn Khoa học khó lòng theo đuổi ngành Y khoa đòi hỏi phải có điểm thi MCAT cũng như điểm các môn Khoa học cao. Một em yếu Anh văn cũng khó theo được ngành Báo chí tại Mỹ. Nên biết mình mạnh hay yếu môn học nào để có thời giờ bổ túc thêm nếu thật sự ham muốn ngành nghề đó. Hãy thực tế trong những lựa chọn dựa vào ưu điểm và khuyết điểm của mình.

Thomas Edison lúc còn nhỏ học hành rất kém, trường học nào cũng than phiền, bà Mẹ tự mình dạy con học Anh văn nên cậu rất thích đọc sách nhất là các sách về kịch nghệ. Thế là cậu mơ ước trở thành một diễn viên trên sân khấu nhưng tai hại thay, giọng của cậu lại … the thé … khó nghe thế là hiểu được cản trở nghề nghiệp, Edison quyết định bỏ việc. Và rõ ràng đây là một quyết định sáng suốt rất có lợi cho tương lai chính cậu cũng như toàn nhân loại.


Những chỉ dẫn trên chỉ là một hướng dẫn có tính cách tương đối. Một công việc có thể dễ dàng vào lúc này nhưng lại khó khăn vào lúc khác. Nếu ngành nghề có thể thay đổi thì ngành học cũng có thể thay đổi theo. Hiện nay, cuộc sống đang càng ngày càng đòi hỏi con người phải thích nghi và việc chọn ngành trên đại học cũng không nằm ngoài quy luật đó.

No comments: