Wednesday, 14 May 2008

90 Ngày Giáo Chức Quốc Gia




Đức Khổng Tử, người thầy mẫu mực

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa


Ngày 6 tháng 5 sắp tới là Ngày Giáo Chức Quốc Gia (National Teacher Day.)

Ngày Lễ này được cử hành rộng rãi trên toàn quốc Hoa kỳ nhằm vinh danh các nhà giáo dục.

Tuần lễ từ 04 đến 10 tháng 5 cũng được gọi là Tuần lễ Tạ ơn Thầy Cô (Teacher Appreciation Week) để bày tỏ lòng biết ơn và ghi nhận những đóng góp ảnh hưởng mãi mãi tới mỗi người chúng ta.

Lịch sử

Mattye Maye Whyte Woodridge, một cô giáo nổi tiếng của trường trung học Eliza Miller thuộc tiểu bang Arkansas được coi như người khởi xướng Ngày Giáo Chức Quốc Gia. Cô đã từng được trao tặng Giải Thưởng Nhà Giáo Xuất Sắc Trong Năm (Oustanding Teacher of the Year Award) 4 lần.

Năm 1944, cô giáo Mattye Woodridge nhận thấy nhiều đồng nghiệp khác cũng xứng đáng nhận được sự vinh danh như mình nên bắt đầu một chiến dịch nhằm tôn vinh không những các thầy cô trong trường mà còn bao gồm toàn thể các nhà giáo trên toàn cõi Hoa kỳ.

Trong nhiều năm trời, cô đã viết thư tới các thống đốc, các nhà lãnh đạo chính trị và giáo dục để tìm kiếm sự ủng hộ cho việc thành lập Ngày Giáo Chức Quốc Gia.

Một trong những nhân vật có uy tín nhất đã giúp cô thành công bước đầu chính là Đệ nhất Phu Nhân Hoa kỳ Eleanor Roosevelt. Bà đã can thiệp để phiên họp thứ 81 của Quốc Hội năm 1953 công bốụ Ngày Giáo Chức Quốc Gia. Sự tưởng thưởng này chỉ là tượng trưng nhằm khởi đầu cho một thủ tục lâu la trong nhiều năm nữa.

Năm 1976, Thống đốc Tiểu bang Massachusetts chính thức công nhận Ngày Giáo Chức Quốc Gia và ấn định ngày tổ chức lễ này vào Chủ nhật đầu tháng Sáu mỗi năm trên toàn tiểu bang. Massachusetts có những đại học nổi tiếng như Harvard, MIT, Wellesley, Amherst … và được coi như cái nôi của nền giáo dục Hoa kỳ. Phong trào bắt đầu lan rộng.

Năm 1980, Thống đốc Arkansas là Bill Clinton cũng đã ký công nhận chính thức ngày lễ này trong tiểu bang của ông.

Cũng vào năm 1980, Quốc hội công nhận Ngày Giáo Chức Quốc Gia cho năm đó. Ngày lễ được tổ chức chính thức ngày 07/03/1980. Sự công nhận này cộng với những nỗ lực trước cũng chỉ là bước khởi động cho một tiến trình còn kéo dài trong tương lai.

Năm 1985 Hiệp Hội Giáo Chức Quốc gia và Hội Phụ huynh Giáo chức Quốc gia – là hai trong số những hội đoàn có số hội viên đông đảo nhất Hoa kỳ– đã bỏ phiếu chấp thuận tuần lễ đầu tiên của tháng Năm là Tuần lễ Tạ ơn Thầy Cô (Teacher Appreciation Week.)

Hai hội đoàn trên cũng đã chuyển Ngày Giáo Chức Quốc Gia sang ngày thứ Ba đầu tiên của tháng Năm (thay vì tháng Ba như cũ) để ngày lễ nằm trong Tuần lễ Tạ ơn Thầy Cô.

Một số việc nên làm trong Ngày Giáo Chức Quốc Gia

1. Phụ huynh
– Email cám ơn thầy cô giáo của con em mình
– Tặng một vài món quà nhỏ nếu tiện
– Tham dự những buổi lễ vinh danh thầy cô giáo tổ chức trong trường học

2. Học sinh
– Gắn một bảng giấy nhỏ có dòng chữ “Cám ơn” trước mỗi phòng học
– Gặp mặt và nói lời cám ơn
– Gọi vào đài radio địa phương tặng cho thầy cô một bài hát
– Tặng hoa hay bóng bay
– Tặng vài thứ học cụ nhỏ (phấn, bút viết, tập, giấy … )
– Viết một vài dòng bày tỏ lòng biết ơn

Ngày Giáo Chức Quốc Gia tại các quốc gia Á châu

Các quốc gia Á châu thành đạt nhờ một nền văn hoá trọng giáo dục và do vậy kính trọng thầy cô là đặc điểm của họ. Ngày Giáo Chức Quốc Gia thường được tổ chức rầm rộ trên các xứ sở này.

Tại Đài loan

Đài loan là một trong những vùng lãnh thổ tổ chức Ngày Giáo Chức Quốc Gia long trọng nhất. Họ tổ chức Ngày Giáo Chức Quốc Gia nhân sinh nhật của Đức Khổng Tử vào 28 tháng 9 mỗi năm.

Đức Khổng Tử được coi như một người thầy mẫu mực không những của Đài loan mà còn của những nước chịu ảnh hưởng văn hoá Trung hoa.

Trong Ngày Giáo Chức Quốc Gia, những hy sinh, cố gắng mà các giáo chức đã cống hiến cho học sinh cũng như toàn xã hội được vinh danh. Mọi người lợi dụng cơ hội này biểu lộ lòng biết ơn đến những thầy cô giáo đã hay đang dạy dỗ mình.

Hậu duệ chính thức của Đức Khổng Tử sẽ hướng dẫn phái đoàn gồm những viên chức đại diện chính phủ cũng như ngành giáo dục để cử hành nghi lễ Ngày Giáo Chức Quốc Gia. Sau đó là Lễ Hiến Tế 3 con vật là bò, dê, heo và cuối cùng là phần ghi nhớ và tưởng thưởng công lao những nhà giáo có nhiều công trạng.

Tại Nam Hàn

Ngày Giáo chức Quốc gia là ngày lễ nghỉ cho cả thầy lẫn trò. Trong dịp lễ này nhà các thầy cô tràn ngập học sinh đến hỏi han thăm viếng.

Học sinh thường tặng hoa cẩm chướng đỏ hay hồng cho thầy cô giáo để biểu lộ lòng biết ơn và kính trọng. Những người thành danh cũng nhân dịp này ghé thăm thầy cô cũ của mình. Các đài truyền hình thi nhau chiếu cảnh các nhà lãnh đạo đất nước về thăm lại những người đã dạy dỗ họ.

Nam Hàn là xứ sở mà giáo chức có lương bổng cao nhất so với mức lương trung bình của người dân. Tại đây, giống như thời Việt nam Cộng hoà, chỉ những học sinh giỏi mới được tuyển dụng và đào tạo làm nhà giáo.

Sự thành công của Nam Hàn cũng đồng thời cho thấy muốn cho quốc gia tiến bộ không thể không nâng cao phẩm chất chọn lọc các nhà giáo vào trường đại học sư phạm và trả công họ bằng đồng lương xứng đáng. “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” là vậy.

Tại Ấn độ

Ngày Giáo Chức Quốc Gia được tổ chức nhân ngày sinh nhật của Tiến sĩ Sarvepalli Radhakrishnan, một nhà ngoại giao, học giả và cũng là cựu Tổng thống Ấn độ (1962 - 1967.) Tuy giữ nhiều địa vị chính trị quan trọng, ông được nhớ đến như là một nhà giáo lão thành có nhiều đóng góp cho nền giáo dục. Đất nước Ấn được như ngày nay cũng nhờ tầm nhìn xa trông rộng của ông trong việc đầu tư và chọn phương án thích đáng cho nền giáo dục.

Thay vì bầu những Luật sư làm lãnh tụ, dân tộc Ấn quả đã không sai khi bầu một nhà giáo vào một trong những chức vụ chính trị quan trọng nhất.

Ngày Giáo Chức Quốc Gia là dịp để các em học sinh nói lời cảm ơn đến thầy cô giáo. Tương lai của một đất nước được suy đoán dựa trên sự kính trọng và lòng yêu mến những người dạy dỗ mình. Đối với cộng đồng Việt nam chúng ta, xin đừng quên các thầy cô dạy Việt ngữ, các em học sinh hãy nói lời cảm tạ và vỗ tay tán thưởng những đóng góp rất đáng khích lệ của họ.

No comments: