Wednesday, 14 May 2008

92 Những Thói Quen Học Tập Tốt




Hễ ăn thì vóc hễ học thì quen
Dẫu họ chê vụng tập rèn phải hay

Nhiều em học sinh có khả năng nhưng lại bị thất bại trên con đường học vấn do không thực hành một thói quen học tập tốt. Bổn phận của cha mẹ là tạo nên một thói quen tích cực ngay khi các em còn bé để tìm ra phương cách thích hợp. Thật vậy, mỗi em có những hướng đi khác biệt nhau để dẫn tới thành công. Tuy nhiên các nhà giáo dục cũng đồng ý với nhau là có những phương pháp chung mà phụ huynh vừa áp dụng và vừa phải nghe ngóng kết quả.

Tùy theo lứa tuổi, mỗi em cần trải qua một thời gian điều chỉnh – từ một tuần đến một tháng – nên phải nhẫn nại để làm những gia giảm cần thiết. Một khi đã cảm nhận được sự thành công, những phương pháp đã áp dụng thử cần được thực hành bền bỉ. Điều này không những giúp các em trong hiện tại mà còn cả trong toàn bộ quãng đường học hành trước mặt trong tương lai.

Dĩ nhiên những thói quen này không thể đạt được bằng sự tình cờ, nó cần có thời gian để luyện tập với lòng yêu thích và cần mẫn trong học tập.

Tìm thời biểu và không gian nhất định

Hãy đặt mình vào kỷ luật. Một thời biểu nhất định tạo cho cơ thể thói quen sẵn sàng làm việc.

Cũng không nên có hơn một sinh hoạt ngoại khoá, nếu thời gian dành cho sinh hoạt ngoại khoá quá nhiều thì việc học tập sẽ bị ảnh hưởng.

Nơi học tập cần tránh chỗ ồn ào, không nên có TV hay điện thoại. Một cái bàn học với đầy đủ ánh sáng và sự yên tĩnh cũng cần thiết như nhau.

Nằm dài trên giường hay ngồi ở hành lang cửa ra vào không phải là nơi lý tưởng để học.

Các em cần học ngay khi ngồi xuống bàn học. Có em rất khó bắt đầu do bị chia trí bởi đủ mọi hoạt động khác và đây là trở ngại chính cho việc tập trung học tập. Đừng để mất thời giờ trả lời emails hay vẽ hình này hình kia. Việc này có thể làm sau khi đã hoàn thành những việc phải làm tại trường học.

Khi chọn chỗ để học hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau đây:

– Tôi có dễ bị chia trí trong học tập không?
– Tôi có hay đi quanh quẩn chỗ này chỗ kia không?
– Tôi có hay bị gọi điện thoại tới không?


Nếu một em thích ngủ, xem TV, chơi game hay trả lời emails khi học thì chỗ học nên được sắp xếp ở nơi cha mẹ có thể quan sát việc học tập của em.

Một điều quan trọng là không nên để các em “mơ mộng” mà quên công việc học tập của mình. Tuy vậy, mỗi giờ nên có từ 10 – 20 phút cho các em nghỉ ngơi (tùy theo lứa tuổi.)

Chuẩn bị

Trước mỗi buổi học nên viết ra những công việc phải làm trong ngày hôm đó. Điều này giúp cho các em có óc tổ chức và tiên đoán được những việc cần làm như viết xong luận văn, làm bài tập Toán, ôn tập những phương trình phản ứng Hoá học cần nhớ, tập đánh máy … Những môn học phải ôn thi cho ngày mai cần được thực hiện ưu tiên và kéo dài nhiều giờ học hơn.

Nên chia việc phải làm thành những việc nhỏ hơn. Thí dụ một bài luận văn nên được chia ra những phần nhỏ như tìm ý chính, kiếm những tài liệu chứng minh, viết mở bài, thân bài, kết luận … Mỗi ngày làm một ít giúp cho não bộ đỡ mỏi mệt.

Tẩy, bút chì, thước kẻ … nên được để đúng nơi đúng chỗ, tránh tình trạng vừa học vừa tìm kiếm dụng cụ làm mất thời giờ và không thể tập trung.

Khi học xong nên dành vài phút suy nghĩ về những việc đã làm được và những việc không làm được để cải tiến cho lần sau. Đặc biệt là phải ghi nhận việc dùng thời gian hợp lý tới mức nào? Thói quen dùng thời gian sẽ dễ dàng giúp các em thành công trên đại học.

Đặt ra mục tiêu ngắn hạn và dài hạn

Sắp xếp những mục tiêu thích hợp đòi hỏi một sự lượng định để tìm ra những điểm quan trọng nhất phải thực hiện trước. Sau đó phải xem xét những phương tiện thưcỉ tế để tiến tới mà không do dự, ngập ngừng dễ làm nản chí.

Mục tiêu ngắn hạn là mục tiêu có thể làm xong trong thời gian ngắn. Thí dụ phải đoạt điểm A bài thi ngày mai.

Mục tiêu dài hạn đòi hỏi thời gian nhiều hơn. Thí dụ trong mùa học (semester) tới phải nắm vững lại chương trình Đại số. Hãy chia mục tiêu dài hạn thành nhiều giai đoạn nhỏ hơn.

Những mục tiêu đặt ra nên:

Thực tế:

Mỗi ngày học thêm 3 từ mới (vocabularies) là thực tế nhưng sẽ rất khó thực hiện nếu con số lên tới 30. Dĩ nhiên mục tiêu đặt ra có thể điều chỉnh sau một thời gian thực hành.

– Có khả năng thực hiện:

Phải biết điểm mạnh điểm yếu. Một em giỏi Anh văn học Viết (Writing) sẽ tốn ít thời gian hơn.

– Linh động:

Đôi khi cho dù cố gắng vẫn không đạt được mục tiêu. Lúc đó cách hay nhất là phải tìm một con đường khác. Luôn mở lòng cho những giải pháp mới và chuẩn bị cho những thay đổi phải có.

– Có thể đo lường mức tiến bộ:

Sau một thời gian thực hành, học sinh phải lượng định được mức tiến bộ của mình để có thể đi xa hơn. Thất bại không đo lường được sự tiến bộ sẽ uổng phí thời gian.

Chuẩn bị bài mới cho ngày mai

Đối với một số môn khó như Toán hay Khoa học, phương thức học tập hay nhất là xem sơ qua bài trước khi tới lớp. Thời giờ chuẩn bị bài mới dành cho mỗi môn học khoảng 15 phút là vừa. Hãy đọc tiêu đề chính, xem qua những danh từ khoa học mới trong bài, ghi chú vài câu hỏi vắn tắt, tìm cách trả lời một vài câu hỏi đơn giản cuối bài. Mary Poppins đã nói, “Khởi đầu tốt là đã hoàn thành được nửa công việc.”

Phụ huynh nên đặt câu hỏi cho con trong khi lái xe chở con tới trường học. Chẳng hạn, hôm nay con sẽ học Toán về chương gì? Nếu em trả lời không biết thì nên hỏi tiếp hôm qua học gì? Và dĩ nhiên trong trường hợp em vẫn ấp úng thì cách hay nhất là khuyên mở sách ra coi trước. Đây là phương cách khiến cho các em tham dự tích cực vào học hành và nhớ bài học. Thống kê cho thấy rằng, chỉ sau hai tuần, các em học sinh đã quên 80% những gì đã học.

Một thói quen học tập tốt thường nên được bắt đầu càng sớm càng tốt, có thể là ngay khi các em bắt đầu vào trường tiểu học. Dĩ nhiên điều này cần thời gian tập tành trước khi trở thành một thói quen hữu hiệu cho các em. Điều cần phải ghi nhận là không có một phương pháp cố định cho tất cả, mỗi em phải được giáo dục bằng những kiểu mẫu khác nhau tùy thuộc vào tính cách riêng biệt của mỗi cá nhân.

No comments: