Saturday, 31 January 2009

117 Khó Khăn Kinh Tế và Chi Phí Đại Học







Tại California cũng như toàn quốc Hoa kỳ, do suy thoái kinh tế, ngân quỹ gia đình bị thu nhỏ dẫn đến việc phụ huynh và các em học sinh phải xét lại đại học mơ ước của mình.

Khuynh hướng theo đuổi việc học hành của các học sinh năm cuối bậc trung học tại các đại học tư đang giảm dần. Các em hướng nhiều hơn tới các đại học công lập – nơi mà học phí ít tốn kém so với đại học tư.

Nhiều phụ huynh trước kia muốn cho con mình có nền giáo dục tốt hơn nay phải đình hoãn lại kế hoạch. Một cuộc khảo sát 2,500 học sinh lớp 12 năm học 2008 – 2009 trên trang web MeritAid.com cho thấy những khó khăn kinh tế ảnh hưởng khá lớn tới giáo dục đại học:

- Gần 60% học sinh lớp 12 đang tìm những trường đại học có chi phí ít hơn
- 16% phải trì hoãn việc học vì gia đình không thể trả tiền cho đại học.
- 85% dành nhiều thời gian hơn để tìm học bổng hay bất cứ nguồn tài chánh nào hỗ trợ việc học hành cho họ.

So sánh thống kê của những năm gần đây người ta nhận thấy một khuynh hướng chung mà nhiều gia đình hiện nay tìm kiếm đại học cho con cái là: học phí rẻ và gần nhà (đỡ tốn tiền ăn ở và đi lại.)

Học phí rẻ

Sau đây là vài so sánh về học phí cho một năm học toàn thời gian hiện nay (2008 – 2009.) Học phí được tính theo 24 units hay 36 quarter units một năm.

- Cao đẳng cộng đồng (community college): $480
- Hệ thống Cal State University (CSU): $3,849
- Hệ thống University of California (UC): $8,062
- Stanford hay những đại học tư: $36,030

Những phí tổn phải tính thêm:

- Ăn ở $11,000
- Đi lại $2,000
- Chi phí cá nhân $2,000
- Sách vở tài liệu $ 1,500
- Bảo hiểm sức khoẻ $1,600
- Phụ phí (ghi danh, thể thao, phòng lab, thư viện … )

Hệ thống CSU (California State University) còn gọi tắt là Cal State gồm 23 Viện Đại học như CSU Fullerton, CSU Long Beach … với học phí khoảng $3,849 một năm nằm rải rác khắp tiểu bang đã hấp dẫn nhiều tân sinh viên hơn. Lợi điểm của việc đi thẳng CSU là các em thường đạt được bằng Cử nhân sớm hơn khi so sánh với đi học tại Cao đẳng cộng đồng rồi mới chuyển trường.

Mức gia tăng sinh viên năm thứ nhất cho khoá học mùa thu 2009 của CSU nói chung là 14% cao hơn dự đoán và mức gia tăng sinh viên năm thứ ba chuyển tiếp (transfer) từ cao đẳng cộng đồng lên CSU cũng tăng 40%. Một mức tăng mà các trường CSU cho dù có dự đoán cũng không nghĩ rằng nó sẽ cao tới như thế.

Gần nhà

Hệ thống cao đẳng cộng đồng gồm 110 cơ sở nay đang phải đối đầu việc tràn ngập tân sinh viên do học phí thấp nhất trong hệ thống giáo dục đại học California. Điều này dẫn đến việc sinh viên khó lấy lớp hơn và dịch vụ phục vụ sinh viên trở nên kém hiệu quả hơn.

Yếu tố gần nhà làm giảm phí tổn giáo dục và làm cho việc học hành trở nên dễ chịu. Nhiều người tin rằng: tính tổng quát mọi chi phí, đi học gần nhà tiết kiệm cho ngân sách gia đình khoảng $20,000 một năm.

Hiện nay phụ huynh cũng tính toán cẩn thận kể cả việc cho con đi học xa nhà dẫn đến các khoản chi phí do đi lại vào các kỳ nghỉ lễ hay nghỉ giữa các mùa. Trước kia phụ huynh thường chọn một trường đại học tốt nhất cho con cái, và đó thường là trưởng đại học tư, nhưng giờ đây tiết kiệm ngân quỹ gia đình là điều quan trọng hơn – những chi tiêu khác, ngay cả cho giáo dục cũng phải hy sinh.

Ngân quỹ giáo dục cho con giảm giá trị.

Cách đây 10 năm, một cặp vợ chồng đều là kỹ sư điện toán đã tính chuyện đầu tư giáo dục cho đứa con gái duy nhất. Theo suy tính lúc đó, với mức đầu tư của họ, cô con gái có đủ ngân khoản trang trải cho học trình bậc Cử nhân và ngay cả chương trình sau đại học tại các đại học tư đắt tiền nếu cô được thu nhận.

Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm đảo lộn dự đoán. Quỹ giáo dục cho cô con gái được họ đặt vào cổ phiếu của một công ty rất đáng tin cậy nhưng cổ phiếu này lại xuống giá. Tuy được nhiều trường đại học tư nhận, cô con gái và gia đình đành chấp nhận một trường UC gần nhà để cô có thể đi về mỗi ngày vì ngân quỹ giáo dục cạn kiệt. Ngay cả trong trường hợp như vậy, cô con gái cũng sẽ phải mượn tiền cho năm đại học sau cùng theo dự đoán của họ.

Mẹ cô gái lo lắng nói, “Chúng tôi không bao giờ tiên đoán nổi một tình trạng xấu như thế. Thực tế này chẳng có thể xuất hiện trong suy nghĩ trước đây vì chúng tôi đã biết lo xa. Với bao nhiêu tiền bỏ vào quỹ đại học và được đầu tư cẩn thận vậy mà bây giờ không biết chúng tôi sẽ lo được cho cô con gái duy nhất của mình tới đâu.”

Một vài suy nghĩ

Trong cuộc khảo sát 2,503 phụ huynh mới đây của Viện Chính sách Công cộng California được bảo trợ bởi Tổ chức William & Flora Hewlett, 52% số người được phỏng vấn cho rằng chi phí đại học là một khó khăn lớn đối với gia đình họ.

Những người này cho rằng hệ thống giáo dục đại học công lập của California thì tốt nhưng họ mất tin tưởng vào khả năng duy trì phẩm chất của chính phủ tiểu bang - hành pháp cũng như lập pháp.

Một tin buồn hơn: 65% các trường đại học có số lượng sinh viên trả tiền học phí chậm trễ tăng lên đáng kể. Những trường này đã buộc sinh viên phải thanh toán tiền học phí khoá học mùa Thu 2008 để có thể được học tiếp khoá mùa Xuân 2009.


Tình hình kinh tế hiện nay, khó kiếm việc làm cho tân sinh viên và Cha Mẹ bị thất nghiệp, quỹ tài chánh gia đình giới hạn nên việc chọn trường đại học thường được cân nhắc cẩn thận hơn. Sẽ không có câu trả lời dễ dàng chung cho mọi người. Và vì vậy, mỗi gia đình, mỗi cá nhân học sinh nên suy nghĩ cẩn thận, cân nhắc hoàn cảnh tài chánh của mình sao cho thích hợp với hoàn cảnh kinh tế hiện nay mà vẫn đạt được mục tiêu giáo dục muốn có.



Sunday, 18 January 2009

116 Chế Ngự Tính Giận Hờn Của Các Em Bé




Thỉnh thoảng trên trang internet người ta vẫn thấy những kinh nghiệm thực hành do các bà Mẹ chỉ bảo cho nhau. Những hướng dẫn này không được giải thích tại trường lớp cũng như không phải do các nhà tâm lý học, giáo dục học nên các tác giả thường ghi chú: Tôi làm vậy thấy có hiệu quả, bạn thử làm theo coi kết quả ra sao?

Câu hỏi được đặt ra ở đây là: “Con gái tôi thường có thói xấu lăn quay ra đất giận hờn, quăng ném đồ vật, dùng chân đá vào tường và khóc thét lên mỗi khi không đồng ý điều gì. Ai có kinh nghiệm xin làm ơn giúp đỡ chỉ bảo dùm. Cám ơn”

Sau đây là vài câu trả lời:

1. Bà thứ nhất: Hãy bắt chước y hệt hành vi của con

À, tưởng việc gì chứ việc này tôi cũng đã từng bị. Tôi chỉ cho bà cách này để bà thử coi xem sao nhé!

Một ngày kia đứa con gái của tôi lăn đùng ra đất giãy dụa khi tôi không dẫn đi chơi. Vốn không phải đối phó với hoàn cảnh như vậy lần nào nên tôi bối rối lắm. Cuối cùng, ma quỷ đưa lối thế nào mà tôi lại nẩy ra một sáng kiến bắt chước nó cũng lăn ra đất đập tay đập chân méo miệng khóc (nhưng chẳng có tí nước mắt nào!!!) Vì chẳng có ai ở chung quanh nên tôi cũng giả vờ làm đủ trò như nó, và rồi tôi cảm thấy lăn quay ra nền nhà gào to lên cũng có cái hứng thú khi phải tức giận ai về điều gì.

Thế là đứa con gái ngừng khóc và bắt đầu cười. Nó bảo tôi đừng làm như thế. Tôi nói với nó tôi sẽ không làm vậy nữa nếu nó ngưng cái trò giận hờn cỏn con kia.

Bạn à! Tôi đã làm như vậy 2 lần và tôi cảm thấy tôi thắng được nó dễ dàng, khỏi phải đuổi nó về phòng hay là phết nhẹ vào mông nó mấy cái.

Tôi chẳng hiểu tại sao nó lại có kết quả nhưng sự thật là như vậy.

Bạn bè đã cười rũ rượi khi tôi kể chuyện này nhưng sau đó họ bảo với tôi rằng nằm lăn quay ra đất ăn vạ một con bé cũng thích thú vô cùng và xả được bao nhiêu căng thẳng của đời sống.

Đây có thể không phải là lời khuyên tốt nhất nhưng kinh nghiệm này cũng vui và hay lắm. Tôi làm vậy thấy có hiệu quả, bà thử làm theo coi kết quả ra sao?

Chúc bà may mắn!

2. Bà thứ hai: Hãy tỉnh bơ coi như không có chuyện gì

Mấy đứa con nít bây giờ khôn ghê gớm bà ơi! Không biết khi còn nhỏ mình có lanh như chúng không? Gì mà mới ba bốn tuổi đầu đã giận hờn. Các cháu ma mãnh lắm. Chúng hiểu rất nhanh chóng rằng: nếu khóc gào đủ lớn, đủ mạnh, đủ dài, chúng sẽ đạt được điều mong muốn. Chẳng cần nhiều thời gian để chúng học được kinh nghiệm này. Tôi không biết ngày xưa khi còn bé tôi có biết điều này hay không nữa?

Khi nó ăn vạ bà hãy “bơ” đi! Đừng thèm chú ý đến nó nữa. Khóc là quyền của nó. “Bơ” là quyền của bà. Nếu cháu muốn một điều không được phép nhưng rồi dùng giận hờn, gào thét để chống đối lại thì hãy để mặc kệ nó xem coi ai thắng ai?

Có đứa còn tinh ranh hơn, nó không thèm ăn vạ tại nhà mà thường lăn quay ra khóc nơi công cộng. Nó biết rằng nó thường chiến thắng trong những trường hợp như thế nên hay lạm dụng.

Thằng con trai tôi có lớn lao gì đâu, mới 24 tháng tuổi vậy mà rất hay lăn quay ra đất khóc nhè rồi đập chân đập tay. Tôi để ý rằng nếu tôi để mặc kệ nó kêu gào thì chỉ 5 phút nó sẽ ngừng nhưng nếu tôi chú ý và vỗ về thì nó càng làm tàng và phách lối thêm. Dĩ nhiên cơn giận hờn thường lâu gấp nhiều lần hơn so với để mặc kệ nó.

Với tôi, muốn nằm khóc ăn vạ thì cứ làm thoải mái đi! Không có gì phải ầm ĩ cả. Bây giờ nó không còn thói xấu đó nữa. Không biết vì nó đã lớn hay là vì tôi tỉnh bơ không dỗ dành nó. Tôi làm vậy thấy có hiệu quả, bà thử làm theo coi kết quả ra sao?

3. Bà thứ ba: Làm cho con chú ý tới một hoạt động khác

Khi con tôi nằm quay ra đất ăn vạ thì tôi tìm cách làm cho nó chú ý tới một hoạt động khác. Vì cháu là đứa thích chơi game nên tôi mở computer và thử chơi game, tôi bấm lung tung hết vì tôi có biết gì đâu. Tôi nhớ những câu nó hay la hét khi chơi game để bắt chước gào to lên cho giống nó.

Thế là nó chạy lại, dạy dỗ tôi cách chơi hay rủ tôi chơi với nó. Tin tôi đi. Nó sẽ ngưng khóc và trở nên bình tĩnh. Tôi làm vậy thấy có hiệu quả, bà thử làm theo coi kết quả ra sao? Làm Mẹ thì phải biết con mình thích gì và ghét gì mới dạy được con chứ phải không?

4. Bà thứ tư: Tiên đoán tình huống và dặn dò trước để chuẩn bị tinh thần

Thằng con trai 5 tuổi của tôi cũng là một cây giận hờn. Nó chỉ làm thế mỗi khi có mặt người khác, không phải người trong nhà. Tôi thường phải ghi nhận và tiên đoán những nơi, những lúc nó hay ăn vạ để đề phòng. Một trong những chỗ nó hay mè nheo nhiều nhất là tại tiệm ăn.

Trước khi tới tiệm ăn, tôi dặn dò nó những việc nên làm và không nên làm rồi buộc cháu lặp lại.

Chúng ta sắp đi ăn tiệm. Đó là nơi cộng cộng nên con phải ăn nói nhỏ nhẹ, đàng hoàng. Không được la hét, gào khóc hay lăn quay ra đất. Điều này làm người khác phiền lòng.”

Sau đó, tôi hỏi lại nó:

Con có nói năng nhỏ nhẹ không?

Con có hỏi Mẹ trước khi đòi ăn thứ gì không?

Con có la hét, quăng ném đồ vật không?

Không

Con có lăn quay ra đất khi không được như ý không?

Không

Tốt. Chúng ta sẽ đi ăn vui vẻ. Khi vào tiệm Mẹ sẽ mua cho con món yougurt mà con vẫn thích.

Nhờ vậy sau này cháu càng ngày càng bớt giận hờn. Tôi làm vậy thấy có hiệu quả, bà thử làm theo coi kết quả ra sao?

Cuối cùng là lời khuyên của những nhà chuyên môn: khi các em lăn quay ra đất ăn vạ thì đừng tìm cách trừng phạt hay hứa hẹn cho cái này cái kia để dỗ dành. Trừng phạt, la hét các em chỉ làm cho tình hình xấu hơn. Khi các em lăn quay ra đất nghĩa là đã mất hết kiểm soát thì người thân phải bình tĩnh. Hãy để mắt tới sự an toàn của các em vì có nhiều em bỏ chạy ra ngoài đường giao thông đầy xe cộ mỗi khi giận hờn. Đừng để những hành vi bênh đỡ (từ người thân như ông bà nội, ngoại … ) khiến cho các em phát triển thêm tính khó trị.


Saturday, 17 January 2009

115 Chương Trình Nghiên Cứu Hè Của Các Đại Học California (UC) Cho Học Sinh Trung Học




Chương trình nghiên cứu mùa Hè của các đại học California (UC) cho học sinh trung học hay còn gọi tắt COSMOS tạo cơ hội cho các bạn học sinh được tham gia nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và học hỏi về nhiều lãnh vực Khoa học hay Toán học trong suốt thời gian 4 tuần lễ tham dự chương trình.

Website của chương trình là: http://www.ucop.edu/cosmos/

Lịch trình

Bốn viện đại học tham gia chương trình là: UC Irvine, UC Davis, UC Santa Cruz và UC San Diego. Học sinh có thể chọn UC nào có chương trình mình ưa thích để nộp đơn vì các ngành khoa học của mỗi UC được tổ chức theo nhiều nhóm (clusters) khác nhau. UC Irvine nổi bật nhóm về Hàng không, UC San Diego về Hải dương học, UC Santa Cruz về Robots, Sinh vật biển và UC Davis về Thay đổi khí hậu toàn cầu.

Chương trình bắt đầu nhận đơn là ngày 01/02 đến 15/03 nên các bạn muốn tham dự chương trình có thể chuẩn bị ngay từ bây giờ. UC San Diego thông báo số lượng học sinh họ muốn nhận cho mùa hè này là 160, một con số khá lớn.

Năm nay (2009) COSMOS được tổ chức tại UC Irvine từ 28/6 – 25/7 và một tuần sau tại các UC Davis, UC Santa Cruz và UC San Diego từ 05/7 – 01/8.

Các bạn học sinh muốn tham dự chương trình nên vào website riêng biệt của từng UC để biết rõ thêm các chi tiết.

http://cosmos.ucdavis.edu/2008/index.html

http://epc.ucsc.edu/cosmos/

http://www.jacobsschool.ucsd.edu/cosmos/

http://www.cosmos.uci.edu/

Tuyển sinh

Học sinh các lớp 8 – 12 của năm học 2008 – 2009 đều được quyền nộp đơn nhưng ưu tiên được dành cho các học sinh lớp 10 và 11 của niên khoá này vì đó là những nguồn tài năng mà các trường đại học UC đang muốn nhắm tới cho tuyển sinh đại học. Riêng với những bạn học sinh đang học lớp 8, các bạn phải chứng tỏ được khả năng cao hơn hẳn các bạn cùng lớp khác (thí dụ như lấy lớp Hình Học ở các trường trung học năm lớp 8) thì mới có hy vọng được tham dự chương trình nghiên cứu hè này.

Vì đây là chương trình nổi tiếng của UC nên việc tuyển sinh tương đối khá cạnh tranh. Học sinh được tuyển chọn căn cứ trên:

- Thành tích học tập (lấy lớp khó, GPA cao … )

- Tham giạ các dự án hay các cuộc thi có liên quan đến Toán và Khoa học.

- Thư giới thiệu hay lời nhận xét của thầy cô

- Phần luận văn trả lời một số câu hỏi ngắn

Hầu hết các ứng viên được tuyển chọn trong những khoá trước có GPA 3.5 hay cao hơn. Dĩ nhiên GPA của các môn Toán và Khoa học có tầm mức quan trọng hơn.

Trọng tâm của chương trình

Nhiệm vụ của chương trình COSMOS là cổ võ những đầu óc sáng tạo trẻ trở thành những nhà khoa học, toán học phục vụ cho California và nước Mỹ.

Theo như yêu cầu của tiểu bang, chương trình nhắm cung cấp cơ hội cho những học sinh muốn tìm học và chuẩn bị cho những ngành nghề liên quan đến khoa học và toán học. Các trường chia việc nghiên cứu thành nhiều nhóm (clusters) khác nhau giúp các em có thể chọn lựa nhóm thích thú nhất để tham gia, đa số những lớp này thường không được dạy tại trường trung học như Hàng không, Sinh Y học, Thảo chương, Đại dương học, Robot, Lý thuyết game …

Học sinh tham dự sẽ được giảng dạy và hướng dẫn bởi các Giáo sư, các nhà nghiên cứu, sinh viên bậc Tiến sĩ và sau Tiến sĩ. Các em sẽ được tham gia nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nghe thuyết giảng, thảo luận và đi tham khảo thực tế các hiện trường thực tế như đi biển, thăm các hãng xưởng.

Học phí và Hỗ trợ tài chánh

Tiền học phí khi tham dự chương trình là $2,425 cho học sinh trong tiểu bang. Các em thuộc gia đình có lợi tức thấp có thể nộp đơn xin trợ cấp tài chánh (financial assistance.)

Nếu một em thuộc gia đình có 4 người (2 cha mẹ, 2 con) và thu nhập hàng năm khoảng $76,400 trở xuống thì hầu như được trợ cấp toàn phần, nghĩa là không phải đóng học phí (được dùng trang trải ăn ở, tài liệu học tập, chi phí field trips.) Hầu như tất cả các chi phí đều đã được chi trả, các học sinh chỉ phải chuẩn bị chút tài chánh tiêu vặt.

Các em ngoài tiểu bang California phải đóng đầy đủ $6,500 và không được hỗ trợ tài chánh.

Đời sống của học sinh tham dự chương trình

Các em phải sống trong dorm (cư xá đại học) nên có được kinh nghiệm của một sinh viên đại học thật sự để chia sẻ những hiểu biết về Khoa học hay Toán học. Ngoài ra các em cũng cùng được tham dự các trò chơi thể thao và giải trí khác khi sinh hoạt trong các cư xá đại học.

Các em sẽ được coi sóc cẩn thận bởi những viên chức của COSMOS cùng sống chung trong chỗ ở. Đây là những nhà chuyên môn đã được huấn luyện về giám sát học sinh. Điều này giúp cho các phụ huynh cho con cái tham dự chương trình được yên tâm. Các em sẽ có một mùa hè lý thú, một sinh hoạt kỷ luật và được chăm sóc tử tế.

Lợi ích của chương trình

- Tham dự vào chương trình COSMOS giúp các học sinh chứng minh sự học hành chuyên cần của mình. Khi nộp đơn vào các trường thuộc hệ thống UC hay các đại học tư các em nên ghi chú sự tham dự COSMOS trong đơn xin. Được thu nhận vào chương trình COSMOS đồng nghĩa với việc mở rộng thêm cánh cửa cho các em được thu nhận vào các đại học khi nộp đơn xin đại học hay xin các học bổng.

- Chương trình COSMOS cho các một dịp may hiếm có vì được làm việc và học hỏi trong một môi trường gần gũi với các nhà nghiên cứu. Tỷ lệ học sinh/thầy cô là 5/1 nên hầu như mọi câu hỏi đều được giải đáp cặn kẽ.

- Chương trình giúp học sinh khám phá chính mình, chọn lựa những lãnh vực mình chú ý cũng như chọn lựa ngành học hay ngành làm việc tương lai.

- Ngoài ra COSMOS cũng cung cấp cơ hội cho học sinh thành đạt trên đại học sau này nhờ đã được làm quen với cuộc sống và phương thức học tập từ môi trường thực tế trên đai học.

Saturday, 10 January 2009

114 Chương Trình Nghiên Cứu Hè Đại học Y Khoa Stanford Dành Cho Học Sinh Trung Học




Chương trình nghiên cứu mùa hè của đại học Y khoa Stanford (Stanford Institutes of Medicine Summer Research Program) gọi tắt là SIMR. Đây lả chương trình kéo dài 8 tuần nhằm giúp đỡ các bạn học sinh trung học say mê nghiên cứu có cơ hội làm việc trong phòng thí nghiệm của trường Đại học Y khoa Stanford về những dự án có tính Sinh học và Y học.

Website của chương trình:

http://simr.stanford.edu/program.html

Các bạn học sinh tham dự chương trình nghiên cứu sẽ được làm việc chung với những nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ, Hậu Tiến sĩ… và nếu may mắn, có thể tận mắt nhìn thấy các nhà khoa học đoạt giải Nobel đang làm việc trong các phòng thí nghiệm của trường. Hơn thế nữa, việc được sử dụng các thiết bị cao cấp, các phương tiện tối tân của trường đại học Y khoa Stanford là một lợi thế rất đáng kể khi xin học bổng hay nộp đơn xin vào đại học. Chắc chắn đây sẽ là một kinh nghiệm khó quên cho các bạn tham gia chương trình SIMR.

Đại học Stanford được rất nhiều nhà nghiên cứu chuyên môn cho rằng trường có chương trình giảng dạy và nghiên cứu Sinh Y học đứng hạng nhất toàn nước Mỹ cũng như thế giới.

Lịch sử

Chương trình được thành hình từ năm 1998 do sự cung cấp tài chánh rộng rãi của một gia đình ở Silicon Valley. Từ những con số ít ỏi – 10 học sinh tham gia cho năm đầu – nay đã lên tới hơn 40 nhờ vào sự hỗ trợ tài chánh thêm của một số công ty Biotech, Viện Howard Hughes, Viện Y tế Quốc gia (NIH) và nhiều nhà tài trợ tư nhân khác cũng đồng thời tham gia đóng góp ngân quỹ cho chương trình sau những thành công rất khích lệ.

Thành quả thu được thật đáng chú ý. Phần lớn những bạn học sinh tham dự các khoá nghiên cứu này hiện đang là sinh viên Y khoa, sinh viên nghiên cứu bậc Tiến sĩ của các đại học tên tuổi như Stanford, Harvard, Princeton, Johns Hopkins, Duke … Một số bạn khác đoạt các giải về Khoa học và thậm chí Presidential Scholar của Tổng thống Bush và được gặp gỡ, bắt tay TT tại Toà Bạch Ốc vì có những cống hiến khoa học trong nghiên cứu của mình.

Mục đích

Mục đích của chương trình là kích thích niềm hứng thú và say mê tìm tòi của học sinh trong lãnh vực Sinh học và Y học, giúp hiểu biết về các phương thức thực hiện thí nghiệm trong các phòng thí nghiệm của đại học Y khoa Stanford.

Học sinh sẽ được học hỏi tiến trình căn bản thí nghiệm Sinh học như nghiên cứu về Tế bào gốc, Thần kinh, Tim mạch, Ung thư hay các bệnh tiểu đường, suy tim, dị ứng... Ngoài ra các bạn cũng được học phương cách thu nhận, phân tích và trình bày dữ kiện. Trong suốt thời gian nội trú, học sinh thường phải làm việc 40 giờ một tuần (nhiều bạn thích làm việc nhiều hơn vì phòng thí nghiệm mở cửa 24/24.)

– Học sinh sẽ được nghe giảng thuyết 2 lần một tuần.

– Những phần giảng thuyết chính thường do một số các nhà khoa học nổi tiếng đến trình bày với tư cách khách mời.

– Được hướng dẫn về các phương pháp an toàn trong khi làm thí nghiệm 2 tuần lễ đầu tiên.

– Được huấn luyện về chọn hướng đi nghề nghiệp trong tương lai cũng như phương cách nộp đơn xin vào đại học. Tham dự vào chương trình này là một lợi điểm đáng kể giúp các bạn gia tăng cơ hội xin các học bổng hay xin vào các đại học nổi tiếng.

– Tham dự một số buổi thăm viếng các công ty Biotech (kỹ thuật sinh học) tại Silicon Valley.

– Vào cuối chương trình, học sinh được có cơ hội trình bày nghiên cứu của mình trước mặt gia đình và cộng đồng Stanford.

– Mỗi bạn học sinh sẽ được $1,500.

Điều bất tiện là phải tự lo kiếm nhà ở. Việc tự kiếm nhà ở là khó khăn nhất cho các bạn học sinh muốn tham gia vào chương trình.

Lịch trình nộp đơn

Các bạn học sinh có thể nộp đơn ngay từ bây giờ. Trước hết, phải vào website của chương trình để ghi danh (đăng ký) theo địa chỉ:

http://ccsisummer.stanford.edu/

Sau đó các bạn có thể download đơn xin rồi gửi theo đường bưu điện

http://simr.stanford.edu/2009/2009_SIMR_Application.doc

Các bạn có thể tìm thấy một số chi tiết thêm:

http://simr.stanford.edu/2009/2009_SIMR_Program_Information.doc

Thời hạn chót để nộp đơn là 02/02/2009 được căn cứ theo dấu bưu điện. Nên xin thư giới thiệu của thầy cô giáo dạy môn Sinh học (Biology) hay các môn khoa học khác. Để gia tăng tính cạnh tranh cho đơn xin, các bạn nên đính kèm điểm SAT (dù không bắt buộc.)

Những học sinh được thu nhận sẽ được thông báo 2 tháng sau vào ngày 02/04/2009

Chương trình nghiên cứu nội trú chính thức bắt đầu vào 15/06/2009 và chấm dứt vào ngày 06/08/2009

Đối tượng

Chương trình dành cho học sinh đang học lớp 11 và 12 niên học 2008 – 2009. Số lượng học sinh được thu nhận khoảng 40 – 45 em.

Khi nộp đơn xin, quý bạn học sinh có thể chọn ngành mình thích (ung thư, thần kinh, tế bào gốc …) theo thứ tự.

Nếu được thu nhận, các bạn sẽ được chọn những nhà nghiên cứu trong một danh sách để làm việc chung với họ. Việc chọn ngành nghiên cứu không ảnh hưởng đến việc trúng tuyển vào chương trình nghiên cứu (SIMR) của các bạn.


Friday, 9 January 2009

109 Lắng Nghe Tích Cực: Một Công Cụ Giao Tiếp




Chúng tôi lược dịch bài “Active Listening: A Communication Tool ” của hai Tiến sĩ Daniel F. Perkins và Kate Fogarty. Công trình nghiên cứu được sự đồng bảo trợ của Đại học Florida (Khoa Gia đình, Tuổi trẻ & Khoa học Cộng đồng) và Viện Khoa học Thực phẩm, Nông nghiệp xuất bản tháng 12/1999. Chú thích theo yêu cầu bản quyền của tác giả.

Đối với các em thanh thiếu niên và phụ huynh, tuổi vị thành niên là giai đoạn hạnh phúc và khó khăn. Đây là thời gian các em từ bỏ thế giới trẻ thơ nhưng lại vẫn giữ một số hành vi của thời kỳ này. Nhiều bậc làm Cha Mẹ cảm thấy con cái mình nói một ngôn ngữ hoàn toàn khác. Tuy vậy, lắng nghe con cái là điều quan trọng vì đây là thời điểm thiết yếu để chúng tạo lập cá tính và thành hình những giá trị và niềm tin riêng.

Lắng nghe tích cực là một phần quan trọng trong vai trò làm Cha Mẹ. Đây là công cụ giao tiếp giúp phụ huynh và các em nói và hiểu được nhau. Lắng nghe tích cực tập trung vào người nói. Đầu tiên, với vai trò là Cha Mẹ, phụ huynh nên tự huấn luyện phương thức đặt câu hỏi sao cho con cái cảm thấy thoải mái trả lời bằng chính ngôn ngữ của chúng. Kế tiếp phụ huynh nên lập lại những gì nghe thấy để biết chắc chắn rằng mình hiểu những gì con cái định nói. Cuối cùng nên dùng thời gian xem xét kết quả cuộc nói chuyện qua ánh mắt các em để thông cảm và hiểu rõ được tình huống của con cái.

Đặt câu hỏi

Có những loại câu hỏi cưỡng chế người nghe và dồn họ vào chân tường phải trả lời theo ý mình. Nếu phụ huynh hỏi ý kiến con về một cuốn phim như, “Con không thích cuốn phim đó phải không?” Điều này rõ ràng cho thấy Cha hay Mẹ em không thích cuốn phim đó và em cảm thấy mình phải tự vệ khi nói ngược lại. Dĩ nhiên một câu hỏi như, “Con nghĩ sao về cuốn phim?” dễ dàng cho em trả lời hơn. Và một khi con cái đã đưa ra ý kiến, phụ huynh thay vì đưa ra nhận xét thì nên đặt thêm những câu hỏi khác cho chúng trả lời.

Lắng nghe tích cực đòi hỏi người nói nhìn vào ý nghĩa ẩn dấu đằng sau câu hỏi. Nhiều người thường đặt những câu hỏi khiến cho người nghe cảm thấy gương ép khi phải trả lời đúng. Thí dụ, các em không cảm thấy thoải mái khi một người có quan hệ gần gũi hỏi, “Cháu có thấy cô mập lên không?” Những câu hỏi loại này có khuynh hướng đặt người nghe vào tư thế tự vệ. Và do vậy, nó đặt các em phải lẩn tránh câu trả lời để tự bảo vệ chính mình (khỏi làm tổn thương người khác.)

Phụ huynh nên lắng nghe một cách chân thành. Và ý định đằng sau câu hỏi là để hiểu biết hơn là khuyên nhủ, phê bình. Sau đây là một số hướng dẫn:

- Đừng nghĩ rằng chúng ta hiểu những gì con cái ngụ ý nói.

- Xác minh lại khi cần thiết, “Con nói rằng cô ta điên, con ngụ ý gì khi nói “ điên”?”

- Giọng nói chân thành: Khi nói chuyện với con cái, giọng điệu, cảm giác và điệu bộ nên biểu lộ sự chân thành. Thí dụ, giọng nói của phụ huynh có thể bị hiểu là nóng giận nhưng thật ra là do quá lo lắng và quan tâm đến chúng. Các em thường trở nên tự vệ khi Cha Mẹ nóng giận nên đưa tới kết quả là chúng lớn tiếng cãi lại hoặc không nói chuyện tiếp tục nữa.

- Hãy hỏi câu-hỏi-mở, nghĩa là câu hỏi dành chỗ cho sự trả lời. Đừng hỏi: “Đi học về con qua nhà bạn Hai phải không?” mà nên hỏi “Đi học về con đi đâu vậy?”

- Biểu lộ sự quan tâm bằng cách nói, “Hãy kể thêm cho Mẹ về Kim” hay “Nói tiếp đi, Ba đang theo dõi con nói.”

- Đừng cho lời khuyên khi chưa hỏi ý kiến của con cái về trường hợp bàn cãi. Một số câu mẫu nên được dùng, “Theo con, giải pháp cho trường hợp này là gì?” hoặc “Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra?”

Lập lại những gì con cái có ý nói

Đây là công cụ được dùng để xác dịnh rõ ý của con cái. Nhiều khi phụ huynh không thực sự hiểu rõ ý con mình và các em cũng không hiểu hoàn toàn ý của Cha Mẹ muốn nói.

Thí dụ: một em học sinh lớp 9 về nói với Mẹ, “Con ghét Toán và ghét cả cô giáo, chẳng học được gì hay ho cả.” Thật ra em không ghét cô giáo, em chỉ gặp vấn đề với môn Toán mà thôi. Lúc đó phụ huynh có thể hỏi lại, “Dường như con bị khó khăn với môn Toán và môn đó làm con chán nản phải không?”

Bằng cách lập lại những gì con cái muốn nói, phụ huynh có thể rút tỉa thêm vài thông tin khác. Cũng nhờ vậy, các em cảm thấy phụ huynh muốn lắng nghe ý kiến của chúng. Đây cũng là dịp để các em sửa chữa ý tưởng nếu chẳng may bị hiểu lầm.

Sau đây là một thí dụ đàm thoại giữa người Cha và con gái về một buổi party.

– Ba muốn con về nhà lúc 1 giờ sáng sau buổi party.

– Không được, 2 giờ sáng mới xong và con phải ở đó cho tới hết.

– Dường như buổi party này rất quan trọng và con phải ở đó cho tới hết.

– Bạn trai con cũng ở đó, lại có nhạc sống, tất cả bạn con đều ở đó. Ba nên để con ở đó tới 2 giờ.

– Con rất vui với buổi party và con muốn chơi với các bạn của con đúng không?

– Con không thể về trước 2 giờ sáng.

– Ba nghĩ rằng buổi party đi này rất có ý nghĩa với con và Ba cũng quan tâm về sự an toàn của con. Vậy thì hãy đi vào thêm chi tiết để hai Cha Con mình đi tới đồng thuận chung.

Thông cảm

Thông cảm là đặt mình vào trường hợp của tuổi thanh thiếu niên. Để có thể làm được việc này phụ huynh nên từ bỏ thành kiến và chấp nhận tình cảm, ý nghĩ riêng của con cái. Chúng ta có thể nhìn thấy ý nghĩ và phản ứng của con cái qua ánh mắt của chúng.

Thông cảm không có nghĩa là đồng ý hay đầu hàng để tránh đối đầu. Thông cảm có nghĩa là phụ huynh không nên giả định trước rằng những điều con cái nói là sai lầm hay xuẩn ngốc. Sự chấp nhận lắng nghe tư tưởng, tình cảm của chúng gia tăng cơ hội cho giới trẻ nghe lời phụ huynh thảo luận về những vấn đề mà chúng đang đối diện.

Sự thông cảm được biểu lộ bằng cử chỉ, giọng nói và điệu bộ. Tất cả cũng đồng thời nói lên ý nghĩa rằng Cha Mẹ đang tập trung lắng nghe, xem xét những gì con cái nói theo quan điểm của chúng. Việc thông cảm trong lắng nghe đòi hỏi phụ huynh không nên áp đặt tình cảm, ý nghĩ của mình trong khi đàm thoại và cũng nên cố gắng không đưa ra lời khuyên ngay sau khi con cái nói. Sự kiên nhẫn này đòi hỏi nhiều cố gắng. Hãy tự hỏi mình có đưa ra lời khuyên này với một người lớn khác không? Nếu câu trả lời là không thì phụ huynh cần suy nghĩ kỳ trước khi đưa ra lời khuyên cho con cái mình.

Lắng nghe tích cực đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên tâm thực hành khiến người lớn khó có thể thấy ngay kết quả. Thông thường chúng ta sẽ chỉ thấy những nỗ lực được đền bù mỗi khi Cha Mẹ và con cái nói chuyện được với nhau. Và do vậy cuộc đàm thoại trở nên dễ dàng, cởi mở hơn cho chính phụ huynh cũng như con cái trong gia đình. Với vai trò là người lớn, phụ huynh nên mở đầu việc lắng nghe tích cực để con cái biết vâng lời Cha Mẹ và học hỏi phương cách giao tiếp này khi chúng trở thành người lớn.


Thursday, 8 January 2009

113 Những Trường Trung Học Công Lập Tốt Nhất California và Quận Cam 2009





U.S. News & World Report mới phân tích 21,069 trường trung học công lập của 48 tiểu bang trên toàn nước Mỹ vào tháng 12/2008. Tạp chí này đã trao tặng 100 Huy chương Vàng (HCV), 504 Huy chương Bạc (HCB) cho các trường trung học công lập Hoa kỳ thì trong đó California chiếm tới 17 HCV và 109 HCB!

Nếu cân đối tỷ lệ dân số California so sánh với toàn quốc Hoa kỳ thì California là một trong những tiểu bang có nền giáo dục trung học tốt nhất!


Tiêu chuẩn xếp hạng

Tạp chí News & World Report dùng 3 tiêu chuẩn xếp hạng:

1. Điểm Toán và Anh văn

Trước hết, họ so sánh điểm trung bình của học sinh trong trường với điểm trung bình của học sinh trong tiểu bang. Sau đó họ chọn những em gia đình lợi tức thấp (thường học kém) của mỗi trường rồi so sánh xem học sinh trường nào có kết quả cao hơn.

2. Khả năng giúp đỡ học sinh gốc Latino, gốc Phi châu và gia đình nghèo

Những trường đứng đầu giai đoạn (1) sẽ được đánh giá tính theo 3 loại học sinh: gốc Latino, gốc Phi châu và gia đình có lợi tức thấp. Dựa vào kết quả bài thi, các trường giúp được những học sinh kém trở nên tốt hơn sẽ tiếp tục vào giai đoạn (3.)

3. Khả năng chuẩn bị cho Đại học

Cuối cùng, dựa vào kết quả AP và IB (số học sinh học lớp AP, điểm thi AP … ) để quyết định huy chương hay xếp hạng cho trường trung học.

Những trường trung học công lập tốt nhất California (Huy chương Vàng)

Quận Cam có trường trung học công lập Oxford Academy ở Cypress đứng hạng 2 toàn quốc và hạng 1 tiểu bang California.

Sau đây là danh sách 17 HCV của California.

1. Oxford Academy, Cypress

2. Pacific Collegiate Charter, Santa Cruz

3. Preuss School UCSD, La Jolla

4. Gretchen Whitney High, Cerritos

5. Lennox Mathematics, Science, and Technology Academy, Lennox

6. California Academy of Mathematics and Science, Carson

7. Lowell High, San Francisco

8. University High, Fresno

9. Oscar De La Hoya Animo Charter High, Los Angeles

10. Mission San Jose High, Fremont

11. Piedmont High, Piedmont

12. Hawthorne Math and Science Academy High, Hawthorne

13. Monta Vista High, Cupertino

14. Henry M. Gunn High, Palo Alto

15. Saratoga High, Santa Clara County

16. Animo Leadership High, Inglewood

17. La Jolla Senior High, La Jolla


Những trường trung học tốt nhất quận Cam (1 HCV, 22 HCB)

Huy chương Vàng: Oxford Academy, Cypress.

Huy chương Bạc:

1. Arnold O. Beckman High, Irvine

2. Bolsa Grande High, Garden Grove

3. Corona Del Mar High, Newport Beach

4. Costa Mesa High, Costa Mesa

5. Cypress High, Cypress

6. Dana Hills High, Dana Point

7. Esperanza High, Anaheim

8. Estancia High, Costa Mesa

9. Foothill High, Santa Ana

10. Garden Grove High, Garden Grove

11. Laguna Hills High, Laguna Hills

12. La Quinta High, Westminster

13. Los Alamitos High, Los Alamitos

14. Los Amigos High, Fountain Valley

15. Northwood High, Irvine

16. Orange County High School of the Arts, Santa Ana

17. Rancho Alamitos High, Garden Grove.

18. Sunny Hills High, Fullerton

19. Troy High, Fullerton

20. University High, Irvine

21. Valencia High, Placentia

22. Woodbridge High, Irvine


Muốn biết thêm chi tiết để so sánh trường học nào tốt hơn, phụ huynh có thể vào 2 websites sau đây:

http://www.usnews.com/sections/education/high-schools/

http://www.schoolmatters.com/


Việc chọn lựa trường học cho con cái là quan trọng. Thống kê trên chỉ giúp một khái niệm căn bản ban đầu. Thật ra, một số trường có lợi thế nhiều hơn do khi nhận học sinh vào họ đã đặt ra những tiêu chuẩn lựa chọn cao.


Điều quan trọng nhất trong việc chọn trường vẫn là tìm hiểu xem các em thích hợp với môi trường giáo dục nào? Phải nắm được ý thích chung về bạn bè, cấu trúc chương trình, môn thể thao yêu thích, sự giúp đỡ của trường học cho cá nhân học sinh ... Như vậy, trường trung học tốt nhất là trường phục vụ cho việc giáo dục và học tập của một em nào đó cao nhất. Và cuối cùng xin đừng quên, mục tiêu của giáo dục là giúp các em trở thành người tử tế, biết sống hài hoà với gia đình và cộng đồng.



112 Kỷ Luật Gia Đình





Cha Mẹ nào cũng mong muốn con cái là một thành viên có trách nhiệm, biết quan tâm đến gia đình và cộng đồng. Muốn vậy, các em cần phải tuân theo một kỷ luật nhất định. Những nghiên cứu từ trước tới nay đều công nhận rằng phụ huynh vẫn giữ một vai trò chủ yếu trong giáo dục con cái. Điều quan trọng nên nhớ là phụ huynh có thể thay đổi những hành vi tiêu cực của các em và không bao giờ nên tuyệt vọng.

Dĩ nhiên việc dạy dỗ con cái giữ kỷ luật đòi hỏi nhiều cố gắng và kiên nhẫn.


Những bước tích cực dạy con về kỷ luật

Một trong những phần thưởng tốt nhất là cho các em biết rằng: Cha Mẹ yêu quý và quan tâm tới chúng. Hãy khen ngợi những việc làm tích cực, ôm hôn và lắng nghe chúng nói. Sau đó hãy cho chúng biết phụ huynh mong đợi những gì bằng cách đặt ra một số kỷ luật được giải thích lý do. Kỷ luật phải là những mệnh lệnh rõ ràng, ngắn gọn.

Thí dụ: Hãy nói, “Con đặt bình sữa của em vào giữa bàn”

Không nên kèm theo những câu không cần thiết như, “Để bình sữa lung tung như thế không được, con chẳng bao giờ chú ý cả, dặn bao nhiêu lần cũng không xong.”

Hãy đặt những giới hạn khi các em chưa sẵn sàng kiềm chế chính mình. Các em cần được biết rõ ràng những gì phụ huynh mong đợi và phản ứng của phụ huynh nếu các em làm ngược lại.

Chỉ đặt những luật lệ mà phụ huynh nghĩ rằng quan trọng và con cái có thể thực hiện được. Không nên đặt ra quá nhiều luật lệ mà phụ huynh không có ý định bắt buộc

Phụ huynh cũng đừng lên tiếng chê bai các giới chức trường học làm nảy sinh đầu óc coi thường và bất phục tùng những viên chức này. Hãy giúp các em hiểu rằng: cãi nhau, đánh nhau hay có những hành vi chống đối quá đáng không có lợi cho cá nhân và cộng đồng.


“Nếu con ở cương vị của Mẹ thì con đồng ý hay từ chối?”

Bất cứ khi nào có dịp hãy khuyến khích con cái làm những quyết định có trách nhiệm. Giả sử một em lại gần Mẹ và xin phép ngủ lại nhà một người bạn mà bà chưa hề quen biết. Khi muốn từ chối yêu cầu của con thì người Mẹ nên đặt câu hỏi ngược lại như sau, “Nếu con ở cương vị của Mẹ thì con đồng ý hay từ chối?”

Những câu hỏi như thế tạo nên một dòng suy nghĩ, gia tăng tinh thần trách nhiệm cho con cái và giúp chúng biết suy nghĩ tích cực cho mình. Bà Mẹ cũng có thể hướng dẫn con không phải bằng khuyến cáo nhưng bằng những câu hỏi như, “Con có cảm thấy an toàn khi ngủ đêm tại đó không? Con có biết là có thêm những bạn khác cùng ngủ tại đó thì an toàn hơn không?”


Trừng Phạt

Những phương pháp tích cực không dùng tới trừng phạt bao giờ cũng tốt hơn. Tuy vậy, phải hiểu rằng tiến trình tích cực thường diễn ra chậm chạp. Trong thực tế, đôi khi có những hành vi của con cái mà phụ huynh muốn thay đổi nhanh chóng hơn.

Trước khi trừng phạt phụ huynh nên cảnh cáo trước. Và nếu tiếp tục vi phạm, các em sẽ bị trừng phạt ngay lập tức để các em có được một hình ảnh kết hợp: vi phạm và trừng phạt.

Sự trừng phạt hiệu quả thường là cắt giảm một số quyền lợi và phải đưa ra được phương cách cho các em lấy lại.

Thí dụ: “Vì con đi học trễ nên cuối tuần Mẹ sẽ chỉ cho con đi chơi với bạn vào ngày Chủ nhật và phải ở nhà ngày thứ bảy. Nhưng nếu từ nay đến cuối tuần con cố gắng thu xếp đi học đúng giờ Mẹ sẽ “xoá tội” và cho con đi chơi hai ngày cuối tuần.”

Trừng phạt, nếu được dùng đúng cách, sẽ tạo nên một thay đổi nhanh chóng hơn nhưng lại thường làm xáo trộn tình cảm gia đình. Các em thường gia tăng tính gây hấn sau khi bị trừng phạt. Do vậy cần phải nên cân nhắc cẩn thận. Sự trừng phạt làm các em ngưng một số hành vi nhưng bổn phận thực sự của Cha Mẹ là dạy dỗ con cái nên người bằng những phương tiện tích cực. Và dĩ nhiên, trừng phạt là cách tiêu cực.

Tuyệt đối tránh không trừng phạt các em về phương diện thể chất vì nó tạo nên tác dụng ngược. Nếu phụ huynh tát hay đánh con cái lúc nóng giận, hành vi hư hỏng có thể ngừng lại nhưng rõ ràng cả hai phía cùng ân hận vì sự nóng nảy này. Đó là chưa kể đến những rắc rối pháp lý khác.


Một thí dụ khác

Đừng tấn công nhân cách của con cái, cho dù các em còn nhỏ. Hãy tập trung vào việc cải thiện sai phạm của các em và khuyến khích chúng làm điều đó. Hãy tự hỏi, “Tôi muốn con tôi phải sửa sai gì trong tình huống này?”

Thí dụ: một anh trai bắt nạt cô em gái nhỏ hơn. Hãy làm như sau:

Người Mẹ tiến về phía cô em gái bị bắt nạt trước, nên nhớ luôn luôn đi về phiá nạn nhân trước để dạy cả 2 đứa con phải luôn quan tâm tới nạn nhân của mình; đồng thời bà cũng dạy con gái phương cách tự bảo vệ khi ra ngoài xã hội.

Bà Mẹ trước hết nên kiềm chế chính mình, hít ra thở vào chậm chạp 5, 6 lần cho bình tĩnh hơn rồi hỏi lớn giọng với thái độ tự chủ:

“Anh con đã xô đẩy con. Con có thích như vậy không?

“Con không thích”

– “Hãy nói với anh con: “Ngừng lại. Em không thích bị xô đẩy như thế.”

Sau khi đứa con gái lập lại như trên rồi bà Mẹ bèn quay sang đứa con trai:

– “Nếu người khác xô đẩy con, con có thích không? Tại sao con làm thế?"

Ngưng một chút cho đứa con trai trả lời, người Mẹ dịu giọng, nói chậm:

– “Con muốn em lui ra nên con đẩy em. Con không được đẩy vì có thể làm em bị thương. Lần sau hãy nói: “Làm ơn lui ra tránh đường cho anh”.”

Và người Mẹ yêu cần đứa con trai lặp lại. Bằng cách đó bà Mẹ đã dạy cho con cái về phương cách giao tiếp cho tình huống thực tế sau này.

Sư thiết lập kỷ luật của phụ huynh là một cố gắng đơn điệu, lâu dài và chậm chạp. Điều quan trọng là phải có mục tiêu rõ ràng và cố gắng đi từng bước chậm chạp về mục tiêu đó.


Đừng bỏ cuộc. Hãy kiên nhẫn. Mỗi lần phụ huynh bảo ban con cái làm điều gì, hãy tiên đoán việc chúng thi hành công việc đó ra sao cũng như đự đoán phương cách đối phó. Nếu thấy các em đã đi sâu vào con đường sai trái và không thể một mình sửa chữa những khuyết điểm đó, xin hãy cầu cứu các thầy cô giáo, cố vấn học đường, thậm chí cả Hiệu trưởng, các vị lãnh đạo tinh thần hay các nhà cố vấn tâm lý khác.



111 ACT hay SAT?




Một hiện tượng đáng lưu ý là những học sinh đứng đầu (top ten) các trường trung học ngày càng dùng cả 2 loại bài thi ACT và SAT; họ muốn phô trương những điểm mạnh nhất của mình cho Ban Tuyển sinh các trường đại học.

Về phần mình các trường đại học không dấu diếm xu hướng chung cho học sinh là các em có thể nộp điểm SAT hay ACT hoặc cả hai. Và như vậy, đối với học sinh siêng năng, các em có thêm một phương thức nữa để chứng minh mình là một ứng viên vượt trội.

Cách đây không lâu các cố vấn học đường (guidance counselors) thường khuyên học sinh lấy nhiều lần SAT cho đến khi đạt điểm số thích hợp. Ngày nay vấn đề có hơi khác, họ khuyên trước hết hãy lấy cả hai bài thi SAT và ACT rồi xem bài thi nào tốt hơn thì chú tâm trau dồi bài thi đó. Việc chọn lựa bài thi (SAT hay ACT) có ưu thế hơn xem ra là một giải pháp khôn ngoan.

College Boad, cơ quan tổ chức kỳ thi SAT có trụ sở ở New York và ACT có trụ sở ở Iowa đang cạnh tranh nhau khuyến khích học sinh dùng bài thi của họ để nộp cho đại học. SAT đứng vững ở các tiểu bang miền Tây nhưng tại miền Đông càng ngày càng nhiều học sinh lấy ACT hơn.

Khi lấy ACT, học sinh có quyền chọn bài thi có điểm cao nhất để gửi cho đại học mình muốn trong khi SAT thường gửi đi tất cả điểm thi, đó là khác biệt chủ yếu quyến rũ học sinh thi ACT. Biết được điều này, bắt đầu năm 2010, SAT sẽ thay đổi, họ chỉ gửi cho đại học điểm cao nhất theo yêu cầu của học sinh - giống như ACT đã làm - mà thôi.

Bài thi SAT có 3 phần: Toán, Đọc hiểu và Viết (trong đó có bài luận văn ngắn) với điểm số từ 200 đến 800. Điểm trung bình do vậy là 500 cho mỗi môn nhưng tại California, để có thể được các đại học lưu ý, con số này phải là khoảng 600 trở lên cho mỗi môn.

Ra đời năm 1959, ACT (American College Testing) mau chóng xác định vị trí của mình so với đối thủ đàn anh lâu đời hơn là SAT (ra đời năm 1901.) Trong năm học 2006 – 2007 đã có hơn 1.3 triệu học sinh thi ACT (khoảng 46%.) Trong kỳ thi này, cứ khoảng 4100 học sinh dự thi thì một em được điểm tối đa 36 (so sánh với SAT thì khoảng 5,500 em mới có một em được điểm tối đa 2,400.)

Các đại học vùng Trung Tây và Nam Hoa kỳ có khuynh hướng khuyến khích học sinh nộp điểm ACT trong khi vùng Tây (bao gồm California) và Đông Hoa kỳ nghiêng về SAT.

Hai khác biệt chính giữa ACT và SAT

Thứ nhất, ACT có thêm phần Khoa học và như vậy giúp các trường đại học có thêm dữ kiện tìm hiểu và đánh giá khả năng Khoa học của học sinh, nhất là những em nộp đơn vào các ngành cần nhiều kiến thức khoa học như Kỹ sư, Điều dưỡng … Để có thể đạt điểm cao môn Khoa học trong các kỳ thi ACT, học sinh phải chuẩn bị kiến thức 3 năm trung học về những môn Khoa học.

Thứ hai, SAT là một kỳ thi dựa vào suy luận và đặt cơ sở trên năng lực, thông minh – giống như IQ test – nghĩa là nếu một học sinh giỏi, em có thể lấy SAT vào thời điểm sớm hơn. Tuy vậy, để có được điểm cao, học sinh cũng cần thực hành và nắm vững một số phương cách tìm đáp số mau hơn cho kịp thời gian. Trái lại, ACT dựa vào chương trình giảng dạy và học sinh phải học qua chương trình quy định mới có thể hiểu và làm được bài tập. Vì vậy nhiều đại học cho rằng ACT giúp đánh giá phẩm chất học sinh tốt hơn. Tóm lại, SAT đo lường sự suy nghĩ của học sinh trong khi ACT đo lường kiến thức những gì đã học.

Thống kê cho thấy 55% học sinh thi ACT lần thứ hai có kết quả cao hơn lần thứ nhất và kết quả đạt mức tối ưu nếu thi lần đầu vào cuối năm lớp 11 và lần hai vào đầu năm lớp 12 để kịp báo cáo điểm cho đại học.

Vài thống kê địa phương về điểm ACT năm học 2006- 2007

Trang nhà của Bộ Giáo dục California chưa báo cáo số liệu năm học 2007 – 2008 nên chúng tôi phải dùng số liệu của năm học trước đó.

SAT có truyền thống ngự trị lâu đời ở California nhưng đối thủ cạnh tranh ACT cũng bắt đầu gia tăng thanh thế vì một số tỷ lệ học sinh cao hơn, nhất là những học sinh giỏi, bắt đầu lấy những bài thi ACT này.

Số lượng các em ở California thi ACT ít hơn SAT nhưng lại toàn là những em giỏi các môn Khoa học (Sinh, Lý, Hoá) và Toán.

Tại California khoảng 37% học sinh lấy SAT và 10% lấy ACT

Tại quận Cam khoảng 44% học sinh lấy SAT trong khi chỉ có 10.5% lấy ACT.

Ba học khu của quận Cam có số học sinh lấy ACT cao nhất là:

– Los Alamitos Unified (21.8%) so sánh với 76% lấy SAT

– Laguna Beach Unified (20.1%) so sánh với 64% lấy SAT

– Newport Mesa Unified (20%) so sánh với 57% lấy SAT

Những trường có đông học sinh gốc Việt:

– Bolsa Grande High có 36% thi SAT nhưng chỉ có 4 em (trên tổng số 342 học sinh) thi ACT.

– Garden Grove High có 42.5% thi SAT nhưng chỉ có 6 em (trên tổng số 459 học sinh) thi ACT.

– Santa Ana High có 27.3% thi SAT nhưng có tới 11% học sinh thi ACT, cao hơn hẳn hai trường trên.

Một ghi nhận chung là trường trung học nào càng có đông học sinh thi SAT và ACT thì trường đó trình độ học sinh khá hơn. Những em thi các kỳ thi này có khuynh hướng đi thẳng lên đại học 4 năm.

Các em học sinh gốc Việt có khuynh hướng áp đảo là lấy SAT, chỉ một số rất ít lấy ACT. Điều này dẫn tới sự kém cạnh tranh khi phải đối đầu với những ứng viên nộp cả 2 loại điểm ACT và SAT.

Nếu muốn là ứng viên quyến rũ cho các trường đại học hàng đầu, nhất là các ngành Khoa học, các em học sinh gốc Việt trong cộng đồng nên lấy thêm ACT để gia tăng tính cạnh tranh cho hồ sơ xin vào đại học của mình. Đồng thời khi ôn thi cũng là cách để củng cố và làm mới lại kiến thức đã học.

110 Học Phí Đại Học




Một sinh viên Y khoa có thể bắt đầu năm học mới với một giấy đòi học phí từ văn phòng nhà trường kèm theo thông báo của ngân hàng không thể tiếp tục cho vay. Điều này không còn hiếm hoi trong cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay. Mới một vài năm trước đây những ngân hàng này còn mời chào sinh viên rất lịch sự.

Có khoảng 36 ngân hàng chuyên môn cho sinh viên vay tiền đã phải ngưng các chương trình cho vay từ khi cuộc khủng hoảng tín dụng bắt đầu theo tin tức của finaid.org, một trang web chuyên cung cấp những thông tin tín dụng cho sinh viên.

Theo bản báo cáo cuối tháng 10 năm 2008 của College Board, học phí tại các trường đại học công lập 4 năm tăng nhanh hơn các trường tư thục và tăng nhanh hơn cả mức lạm phát. Mức gia tăng học phí cho sinh viên trong tiểu bang là 6.4% trong khi các đại học tư có tỷ lệ thấp hơn là 5.9%. (Sinh viên ngoài tiểu bang học phí cao hơn.)

Học phí và chi phí phụ trung bình cho một sinh viên ở đại học công lập 4 năm niên học 08 – 09 là $6,585 - tăng gần $400 so với năm trước. Trong khi đó, học phí và chi phí phụ tại các trường đại học tư thục 4 năm gia tăng trung bình $1,400. Những con số này chưa bao gồm tiền ăn ở, trung bình là $8,000 và riêng cho California là $10,000 (nếu tiêu pha tiết kiệm.)

Mức gia tăng học phí đại học năm nay tuy vậy vẫn không cao bằng năm ngoái. So với tỷ lệ lạm phát, học phí và các chi phí phụ tại các đại học công lập và tư thục năm trước gia tăng gấp hơn 2 lần trong khi năm nay chỉ gia tăng hơi cao hơn mức lạm phát mà thôi.

Sự gia tăng liên tục chi phí đại học đến vào thời điểm khủng hoảng kinh tế, tài chính dẫn tới việc nhiều gia đình tính chuyện cho con em vào học tại các trường hợp với túi tiền hơn như hệ thống đại học công lập University of California (UC), University of Texas (UT) hay các trường thuộc hệ thống Cal State, cao đẳng cộng đồng (community college) vì có mức học phí khiêm tốn hơn.

Do sự cắt giảm ngân sách giáo dục tiểu bang, các trường cao đẳng cộng đồng và đại học công lập 4 năm không còn phương cách nào hơn là phải tăng học phí.

Khó khăn cho khoá học mùa Xuân (Spring semester)

Sự gia tăng học phí tại các đại học công lập là một chỉ dẫn cho thấy các trường đại học của một số tiểu bang đông dân cư như California đang gặp khó khăn. Có 17 tiểu bang đang bị việc cắt giảm ngân sách ảnh hưởng cho học kỳ 2 này (Spring semester 2009.) Học phí gia tăng ảnh hưởng tới khoảng 14 triệu sinh viên.

Thật ra những con số trên không hoàn toàn phản ảnh đúng thực trạng vì sinh viên thường được trợ cấp giáo dục. Số tiền trung bình một sinh viên thực sự bỏ ra mỗi năm là $2,900 cho đại học công lập 4 năm và $14,900 cho đại học tư thục. Số tiền sinh viên và gia đình thực sự bỏ ra càng ngày càng gia tăng vì các trợ cấp giáo dục từ chính phủ tiểu bang và liên bang không đủ để trang trải mức gia tăng khoảng 11% này.

Năm tới (2009 – 2010) chi phí cho giáo dục đại học có thể sẽ còn xấu hơn nữa theo tình trạng kinh tế mỗi ngày một tồi tệ. Phụ huynh và sinh viên sẽ không có nhiều lựa chọn. Khi học phí gia tăng, sự trợ cấp giáo dục cần được tăng theo để bù đắp sự sai biệt này.

Trong lúc các trường đại học công lập vẫn còn lúng túng thì các đại học tư khẩn cấp giảm thiểu gánh nặng đè lên những gia đình có con em vào đại học. Chủ tịch Hiệp Hội Các Đại học Tư thục, David Warren, đã tuyên bố cố gắng giữ mức học phí thấp nhất trong khi vẫn duy trì được phẩm chất giảng dạy.

Một số đại học tư thục đã có những đáp ứng tích cực. Đại học Augustana đã giảm mức tăng học phí thấp nhất trong 25 năm nay. Đại học Benedictine không tăng học phí trong ít nhất 2 năm nữa. Đại học Vanderbilt sẽ thay thế một số tiền mượn (loan) bằng những trợ cấp giáo dục không phải hoàn trả (grants) bắt đầu từ năm tới.

Tiền mượn và Tiền trợ cấp giáo dục

Học phí tăng là do lạm phát và quỹ chi trả cho nhân viên và giáo sư giảng dạy - như lương bổng, tiền hưu, bảo hiểm sức khoẻ - gia tăng. Các đại học công cũng như tư chi khoảng 60% - 70% ngân sách cho những chi phí nêu trên nên không còn cách nào khác để giữ cho học phí đừng gia tăng.

Nếu nhà trường không tăng học phí, phẩm chất giảng dạy và học tập sẽ bị ảnh hưởng. Trường không có đủ ngân quỹ để mua thêm máy móc mới, mời những khoa học gia hay lý thuyết gia xuất sắc nhất giảng dạy cũng như xây dựng thêm giảng đường, đường xá mới trong khu vực trường học.

Trong khi các trường đại học khó khăn để đồng thời vừa tồn tại vừa bớt tăng gánh nặng học phí thì sinh viên đang gắng sức tìm những khoản tài chánh khác để chi trả việc học hành.

Một số sinh viên tìm cách vay mượn của các ngân hàng tư nhân. Những sinh viên này nhận thấy việc vay mượn mỗi ngày một khó khăn hơn vì nhiều ngân hành tư đã đóng cửa không cho vay do cuộc khủng hoảng tài chánh và tín dụng vừa qua. Trong năm học 2007 – 2008, tổng số tiền sinh viên được cho vay thay vì tăng lên đã giảm xuống 1%, nghĩa là giảm khoảng $173 triệu. Nhiều sinh viên đã không vay được tiền.

Lần đầu tiên, trong bản báo cáo của mình, College Board đã công bố những dữ kiện về nợ nần của một sinh viên tốt nghiệp đại học 4 năm; theo đó, trong năm học 2006 – 2007, một sinh viên hoàn thành bậc Cử nhân nợ trung bình $22,700. Dĩ nhiên sinh viên trường tư nợ nhiều hơn.

Tuy nhiên, trong tình hình chung ảm đạm đó cũng có một tin vui: tiền trợ cấp giáo dục của chính quyền liên bang và tiểu bang tăng 5.5% tính trên mỗi sinh viên sau khi đã trừ đi lạm phát. Việc cắt giảm thuế cho những chi phí giáo dục cũng góp phần giảm bớt nỗi lo lắng. Mặc dù vậy, sinh viên vẫn bị thúc ép bởi gánh nặng chi phí giáo dục, nhất là khi mà những chi phí này còn vượt quá mức lạm phát hiện hành.

Một lời khuyên hữu ích là các em học sinh năm cuối của các trường trung học nên nộp đơn xin nhiều trường đại học để có được nhiều lựa chọn về học bổng, trợ cấp giáo dục … thường khác nhau của mỗi trường. Ngoài ra họ cũng nên ưu tiên mượn tiền của chính phủ liên bang trước khi phải quay sang cầu cứu các ngân hàng hay tổ chức tài chánh tư nhân. Các bạn sinh viên hãy học hành đàng hoàng và có trách nhiệm, nếu không, bạn sẽ phải è cổ trả nợ trong khi cầm tấm bằng mà chưa làm được gì.