
Một sinh viên Y khoa có thể bắt đầu năm học mới với một giấy đòi học phí từ văn phòng nhà trường kèm theo thông báo của ngân hàng không thể tiếp tục cho vay. Điều này không còn hiếm hoi trong cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay. Mới một vài năm trước đây những ngân hàng này còn mời chào sinh viên rất lịch sự.
Có khoảng 36 ngân hàng chuyên môn cho sinh viên vay tiền đã phải ngưng các chương trình cho vay từ khi cuộc khủng hoảng tín dụng bắt đầu theo tin tức của finaid.org, một trang web chuyên cung cấp những thông tin tín dụng cho sinh viên.
Theo bản báo cáo cuối tháng 10 năm 2008 của College Board, học phí tại các trường đại học công lập 4 năm tăng nhanh hơn các trường tư thục và tăng nhanh hơn cả mức lạm phát. Mức gia tăng học phí cho sinh viên trong tiểu bang là 6.4% trong khi các đại học tư có tỷ lệ thấp hơn là 5.9%. (Sinh viên ngoài tiểu bang học phí cao hơn.)
Học phí và chi phí phụ trung bình cho một sinh viên ở đại học công lập 4 năm niên học 08 – 09 là $6,585 - tăng gần $400 so với năm trước. Trong khi đó, học phí và chi phí phụ tại các trường đại học tư thục 4 năm gia tăng trung bình $1,400. Những con số này chưa bao gồm tiền ăn ở, trung bình là $8,000 và riêng cho California là $10,000 (nếu tiêu pha tiết kiệm.)
Mức gia tăng học phí đại học năm nay tuy vậy vẫn không cao bằng năm ngoái. So với tỷ lệ lạm phát, học phí và các chi phí phụ tại các đại học công lập và tư thục năm trước gia tăng gấp hơn 2 lần trong khi năm nay chỉ gia tăng hơi cao hơn mức lạm phát mà thôi.
Sự gia tăng liên tục chi phí đại học đến vào thời điểm khủng hoảng kinh tế, tài chính dẫn tới việc nhiều gia đình tính chuyện cho con em vào học tại các trường hợp với túi tiền hơn như hệ thống đại học công lập University of California (UC), University of Texas (UT) hay các trường thuộc hệ thống Cal State, cao đẳng cộng đồng (community college) vì có mức học phí khiêm tốn hơn.
Do sự cắt giảm ngân sách giáo dục tiểu bang, các trường cao đẳng cộng đồng và đại học công lập 4 năm không còn phương cách nào hơn là phải tăng học phí.
Khó khăn cho khoá học mùa Xuân (Spring semester)
Sự gia tăng học phí tại các đại học công lập là một chỉ dẫn cho thấy các trường đại học của một số tiểu bang đông dân cư như California đang gặp khó khăn. Có 17 tiểu bang đang bị việc cắt giảm ngân sách ảnh hưởng cho học kỳ 2 này (Spring semester 2009.) Học phí gia tăng ảnh hưởng tới khoảng 14 triệu sinh viên.
Thật ra những con số trên không hoàn toàn phản ảnh đúng thực trạng vì sinh viên thường được trợ cấp giáo dục. Số tiền trung bình một sinh viên thực sự bỏ ra mỗi năm là $2,900 cho đại học công lập 4 năm và $14,900 cho đại học tư thục. Số tiền sinh viên và gia đình thực sự bỏ ra càng ngày càng gia tăng vì các trợ cấp giáo dục từ chính phủ tiểu bang và liên bang không đủ để trang trải mức gia tăng khoảng 11% này.
Năm tới (2009 – 2010) chi phí cho giáo dục đại học có thể sẽ còn xấu hơn nữa theo tình trạng kinh tế mỗi ngày một tồi tệ. Phụ huynh và sinh viên sẽ không có nhiều lựa chọn. Khi học phí gia tăng, sự trợ cấp giáo dục cần được tăng theo để bù đắp sự sai biệt này.
Trong lúc các trường đại học công lập vẫn còn lúng túng thì các đại học tư khẩn cấp giảm thiểu gánh nặng đè lên những gia đình có con em vào đại học. Chủ tịch Hiệp Hội Các Đại học Tư thục, David Warren, đã tuyên bố cố gắng giữ mức học phí thấp nhất trong khi vẫn duy trì được phẩm chất giảng dạy.
Một số đại học tư thục đã có những đáp ứng tích cực. Đại học Augustana đã giảm mức tăng học phí thấp nhất trong 25 năm nay. Đại học Benedictine không tăng học phí trong ít nhất 2 năm nữa. Đại học Vanderbilt sẽ thay thế một số tiền mượn (loan) bằng những trợ cấp giáo dục không phải hoàn trả (grants) bắt đầu từ năm tới.
Tiền mượn và Tiền trợ cấp giáo dục
Học phí tăng là do lạm phát và quỹ chi trả cho nhân viên và giáo sư giảng dạy - như lương bổng, tiền hưu, bảo hiểm sức khoẻ - gia tăng. Các đại học công cũng như tư chi khoảng 60% - 70% ngân sách cho những chi phí nêu trên nên không còn cách nào khác để giữ cho học phí đừng gia tăng.
Nếu nhà trường không tăng học phí, phẩm chất giảng dạy và học tập sẽ bị ảnh hưởng. Trường không có đủ ngân quỹ để mua thêm máy móc mới, mời những khoa học gia hay lý thuyết gia xuất sắc nhất giảng dạy cũng như xây dựng thêm giảng đường, đường xá mới trong khu vực trường học.
Trong khi các trường đại học khó khăn để đồng thời vừa tồn tại vừa bớt tăng gánh nặng học phí thì sinh viên đang gắng sức tìm những khoản tài chánh khác để chi trả việc học hành.
Một số sinh viên tìm cách vay mượn của các ngân hàng tư nhân. Những sinh viên này nhận thấy việc vay mượn mỗi ngày một khó khăn hơn vì nhiều ngân hành tư đã đóng cửa không cho vay do cuộc khủng hoảng tài chánh và tín dụng vừa qua. Trong năm học 2007 – 2008, tổng số tiền sinh viên được cho vay thay vì tăng lên đã giảm xuống 1%, nghĩa là giảm khoảng $173 triệu. Nhiều sinh viên đã không vay được tiền.
Lần đầu tiên, trong bản báo cáo của mình, College Board đã công bố những dữ kiện về nợ nần của một sinh viên tốt nghiệp đại học 4 năm; theo đó, trong năm học 2006 – 2007, một sinh viên hoàn thành bậc Cử nhân nợ trung bình $22,700. Dĩ nhiên sinh viên trường tư nợ nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong tình hình chung ảm đạm đó cũng có một tin vui: tiền trợ cấp giáo dục của chính quyền liên bang và tiểu bang tăng 5.5% tính trên mỗi sinh viên sau khi đã trừ đi lạm phát. Việc cắt giảm thuế cho những chi phí giáo dục cũng góp phần giảm bớt nỗi lo lắng. Mặc dù vậy, sinh viên vẫn bị thúc ép bởi gánh nặng chi phí giáo dục, nhất là khi mà những chi phí này còn vượt quá mức lạm phát hiện hành.
Một lời khuyên hữu ích là các em học sinh năm cuối của các trường trung học nên nộp đơn xin nhiều trường đại học để có được nhiều lựa chọn về học bổng, trợ cấp giáo dục … thường khác nhau của mỗi trường. Ngoài ra họ cũng nên ưu tiên mượn tiền của chính phủ liên bang trước khi phải quay sang cầu cứu các ngân hàng hay tổ chức tài chánh tư nhân. Các bạn sinh viên hãy học hành đàng hoàng và có trách nhiệm, nếu không, bạn sẽ phải è cổ trả nợ trong khi cầm tấm bằng mà chưa làm được gì.
No comments:
Post a Comment