Sunday, 29 March 2009

124 TT Obama và Bài Học Chuyển Trường





Trong lịch sử có rất nhiều danh nhân đã từ đại học (hay cao đẳng cộng đồng) chuyển tiếp (transfer) sang đại học khác vì nhiều lý do khác nhau. Tổng Thống Barack Obama chuyển tiếp lên đại học Columbia từ Occidental College ở Los Angeles vì Occidental (Oxy) có chương trình liên kết với Columbia (combined program.) Chương trình liên kết giữa các đại học cho phép sinh viên ưu tiên hơn khi chuyển tiếp giữa các trường trong hệ thống của họ.

Hiện nay do chi phí đại học đắt đỏ, ngày càng gia tăng khuynh hướng học 2 năm đầu tại Cao đẳng Cộng đồng rồi mới chuyển tiếp lên Đại học 4 năm. Sự chuyển tiếp không suông sẻ bước đầu cho khoảng 30% sinh viên. Dựa vào kinh nghiệm chuyển trường của Barack Obama chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm nhằm giúp cho các sinh viên có những bước chuyển tiếp dễ chịu và thoải mái hơn.

Tìm hiểu sớm trường chuyển tiếp

Biết chuẩn bị sớm sủa là đức tính căn bản của Obama. Từ Hawaii, cậu quyết định theo học Occidental (gọi tắt là Oxy) vì 2 lý do: cô bạn gái đi Oxy và học bổng cho Obama tại Oxy cao hơn so với những đại học khác. Quan trọng nhất là Oxy có chương trình liên kết với đại học Columbia nên Columbia mở rộng vòng tay đón nhận những sinh viên đã hoàn thành chương trình 2 năm của Oxy. Trong cuốn “Những Ước Mơ của Cha Tôi” (Dreams from My Father) Obama đã xác định muốn đi Columbia vì muốn tìm một môi trường rộng lớn hơn và muốn học hành nghiêm chỉnh hơn. Thực tế cho thấy cậu đã mang sẵn ý định đi Columbia khi chọn học ở Oxy.

Biết mình sẽ chuyển tiếp lên Đại học nào là điều rất quan trọng. Sinh viên có thể tham khảo trường đó để biết họ sẽ nhận những môn nào để lấy lớp. Điều này giúp tiết kiệm tiền bạc, công sức và thời gian. Thông thường những thông tin này có thể tìm thấy nơi website của trường định đến hoặc sinh viên có thể email hỏi trường.

Khi mua nhà người ta nghĩ tới địa điểm (location) thì khi chuyển trường sinh viên cũng nên tìm hiểu những chương trình (program) của đại học đó. Lúc chuyển trường qua Columbia, Obama dự định theo một chương trình liên kết (combined program) của Columbia là lấy Cử nhân và Tiến sĩ Luật tại đây. Đây là một chương trình cho phép sinh viên học tiếp những năm còn lại của bậc Cử nhân chung với chương trình Luật khoa (combined bachelor's degree-law degree program) tại Columbia mà không phải thi LSAT cũng như không phải nộp đơn vào trường Luật – miễn là sinh viên giữ được yêu cầu tối thiểu nào đó về GPA. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, Obama chỉ lấy Cử nhân Khoa học Chính trị rồi ra làm việc. Mãi 5 năm sau Obama mới quay lại trường Luật Harvard học tiếp.

Điều này cho thấy rằng những sinh viên khôn ngoan biết chọn những hướng đi có lợi ích nhất cho mình. Họ nghiên cứu kỹ các chương trình của những trường định chuyển tới và chuẩn bị cá nhân mình đáp ứng với những yêu cầu và thách thức đó.

Một trong những thiếu sót của sinh viên Việt nam có lẽ là nhắm quá nhiều vào GPA và không nghiên cứu những chương trình đặc biệt của trường mình định tới.

Hiểu rõ những thách thức của môi trường mới

Một khó khăn thực tế đầu tiên khi chuyển trường là chỗ ăn ở. Dời Oxy ở Los Angeles để đến Manhattan vào năm 1981, Obama mới khám phá ra rằng Columbia không cung cấp chỗ ở cho sinh viên chuyển tiếp (transfer students.) Do vậy trong những ngày đầu mới tới, cậu phải ngủ vật vã trong hành lang đại học hay lang thang ngủ nhờ trong cư xá đại học khi được bạn bè cho phép. Điều này tạo ra những thử thách cho tân sinh viên trong lúc khởi đầu nơi môi trường mới lạ.

Khó khăn cứ vậy chồng chất thêm. Không biết nhiều về New York và không có nhiều tiền, Obama phải thuê một phòng ở lầu ba trong một chung cư đầy rẫy tội phạm. Môi trường mới nảy sinh nhiều vấn đề tốn thời gian và công sức giải quyết. Căn chung cư này thiếu thốn các phương tiện. Lò sưởi bị nứt nẻ không đủ ấm nên Obama luôn phải ngủ trong sleeping bags, đôi khi máy sưởi trở chứng quá nóng thì cậu lại phải mở cửa sổ giữa mùa đông. Nước nóng cũng chập chờn lúc có lúc không nên phải vào tắm trong cư xá đại học …

Việc học hành thường sẽ gặp khó khăn, ai cũng biết rằng sau khi chuyển trường sinh viên sẽ bị giảm GPA cho mùa đầu tiên. Giả sử một sinh viên tại Cao đẳng Cộng đồng có GPA là 3.7 thì mùa đầu tiên tại Đại học 4 năm chỉ hy vọng được 3.2 – nghĩa là mất đi một nửa điểm GPA. Các nhà giáo dục gọi đó là hiện tượng “weather shock.” Điều đáng mừng là vào mùa sau, GPA sẽ tăng lên trở lại.

Về mặt tâm lý, tân sinh viên cảm thấy cô đơn vì chưa kết được bạn mới. Đa số các sinh viên chung lớp đã quen biết nhau vì đều học chung nhau hai năm qua.

Tuy nhiên cũng chính tại môi trường đầy thách đố mới mẻ này, Obama trở nên kỷ luật và ý thức hơn trong học hành. Lúc đó cậu có ước mơ trở thành một nhà văn chứ không phải một chính trị gia. Tương tự như Obama, các sinh viên trẻ ngày nay cũng thường có khó khăn tìm hướng đi trước sự sốt ruột của người lớn.

Từ bài học của Barack Obama, người ta thấy rằng trong nhiều trường hợp, nếu sinh viên chuyển trường sống trong cư xá sinh viên thì đó là lợi thế vì sẽ bắt nhịp tốt hơn với cuộc sống chung quanh. Xáo trộn sẽ xảy ra những ngày đầu nhưng rồi ra mọi sự sẽ đâu vào đó.

Bạn bè


Hãy kết thân với những bạn cùng trường cũ và cũng chuyển tới trường mới như mình để học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau. Việc học hành tại các đại học 4 năm thường khó khăn và thách đố hơn. Sự thành công tùy thuộc một phần vào bước khởi đầu.

Phil Boerner là bạn tại Oxy của Barack Obama và cùng chuyển tới Columbia vào mùa Thu 1981. Như chúng ta đã biết, Barack Obama đã tìm một căn chung cư và rủ Phil thuê chung phòng để tiết kiệm tiền. Họ chia sẻ những khó khăn và thiếu thốn ban đầu. Vào giờ rảnh rỗi họ rủ nhau đi thăm Viện Bảo tàng hay chạy bộ chung một công viên gần đó. Họ cũng cùng nhau uống bia, ăn tối tại chung một nhà hàng …

Mối giao hảo của họ vẫn còn tốt đến nay, Phil Boerner cho rằng, “… Barack là người có nhiều nhân cách, tôi tin tưởng ông sẽ làm những việc đúng đắn khi làm một Tổng thống.”

Obama tốt nghiệp trường Luật Harvard với Magna Cum Laude (with great honor), một vinh dự chỉ được trao tặng cho 10% sinh viên hàng đầu (top 10) của trường Luật Harvard. Điều này chứng tỏ ông đã có những dự định và điều chỉnh thích hợp cho giáo dục cá nhân để trở thành một sinh viên sáng chói tại trường Luật Harvard.

Tóm lại, trong việc chuyển tiếp từ đại học này sang đại học khác, nếu sinh viên biết chuẩn bị đầy đủ thì kết quả cho dù không ổn định ban đầu nhưng rồi sẽ khả quan và tốt đẹp như mong muốn.

Monday, 23 March 2009

123 So Sánh Financial Aid






Khoảng cuối tháng ba hay đầu tháng tư là thời gian có kết quả đại học. Các học sinh năm cuối bậc trung học sẽ vào internet xem kết quả; nếu thấy hàng chữ bắt đầu bằng “We are sorry …” thì chúng tôi xin chia buồn (cho dù thật sự thì chưa chắc đã là đáng buồn!) Với những bạn thấy chữ “Congratulations!” thì … hãy hét to lên. Xin chúc mừng bạn!!!

Vài ngày sau, thư thông báo chính thức của ban tuyển sinh sẽ về kèm theo thư của văn phòng trợ cấp tài chánh (Financial Aid Office, gọi tắt là FAO.) Khoản tiền phải chi tiêu cho giáo dục đại học được ước tính (estimated) sẽ làm học sinh và gia đình chóng mặt. Vui mừng chưa qua mà lo lắng đã vội vàng chạy tới!!!

Ngoại trừ một số học sinh quyết định đi những trường hàng đầu của ngành học với bất cứ giá tiền nào như đi Columbia học báo chí, đi USC học đạo diễn, đóng phim, đi Stanford học về Computer Science, đi MIT học về Kỹ sư, đi UCSF học về nursing …; còn thì đa số học sinh phải cân nhắc tài chánh đầu tư cho giáo dục đại học.

Thông thường, một học sinh sẽ được nhiều đại học nhận, điều quan trọng là phải chọn lựa, so sánh số tiền thực sự đầu tư cho giáo dục đại học giữa các trường đã chọn mình. Văn phòng Trợ cấp Tài chánh (FAO) mỗi trường sẽ đề nghị những khoản trợ cấp khác nhau. Phải hiểu và chọn lựa những đề nghị này sao cho đúng. Điều này không dễ dàng với một số phụ huynh và các em học sinh.

Nhìn vậy mà không phải vậy

Các trường đại học tính toán trợ cấp tài chánh (financial aid) khác nhau, có trường mang cả tài sản của Cha Mẹ kế, giá trị căn nhà, tiền dự định khi về hưu … vào tính toán tạo ra những phương pháp phức tạp. Mỗi FAO (Văn phòng Trợ cấp Tài chánh trường đại học) có những tính toán khác nhau và dĩ nhiên đưa tới những kết quả khác nhau. Điều căn bản là phải hiểu rõ nghĩa những chữ grants và scholarship (tiền không phải trả lại, hãy mỉn cười khi ngắm nghía những con số này) và loans (tiền mượn phải trả lại, hãy cẩn thận coi chừng nhé!)

Nếu chỉ nhìn đơn giản vào trang tóm tắt (summary page) của FAO sẽ thấy bài toán trừ đơn giản dưới đây. Chúng tôi ghi thêm tiếng Anh để độc giả dễ tham khảo.

family’s contribution = costs of attendant – financial aid package

Tiền gia đình phải trả = chi phí học hành – tổng số tiền trợ cấp.

Hai yếu tố chính được lưu ý đầu tiên là: “family’s contribution” (đóng góp của gia đình) và costs of attendant (chi phí giáo dục đại học.)

Phần “family’s contribution” được tính toán từ những số liệu do học sinh cung cấp khi làm đơn FAFSA xin trợ cấp tài chánh của liên bang. Do vậy phần này lệ thuộc nhiều yếu tố như: lợi tức gia đình, tài sản, số lượng thành viên (bao nhiêu đứa con), số người đang học đại học và tuổi của Cha Mẹ … Gia đình có đông con học đại học và Cha Mẹ nhiều tuổi thì thường nhận được số tiền rộng rãi hơn từ chính phủ. Thông thường, nếu có một chút kinh nghiệm, ngay sau khi làm đơn FAFSA học sinh đã biết kết quả phải chịu trách nhiệm chi trả một khoản tiền là bao nhiêu cho giáo dục đại học dựa vào một chỉ số của FAFSA.

Phần “costs of attendant” là tổng số tiền chi phí cho giáo dục hàng năm bao gồm tiền học phí, ăn ở, sách vở, đi lại, chi tiêu cá nhân, bảo hiểm … và cả chục thứ phí tổn linh tinh khác gọi là “fee.” Một lần nữa, những chi phí này cũng khác nhau tùy vào FAO của mỗi trường liệt kê.

Từ 2 yếu tố nêu trên FAO tính ra “financial aid package” (tổng số tiền trợ cấp.) Chỉ cần lấy “costs of attendant” trừ đi “family’s contribution” sẽ suy ra được “financial aid package.” Gọi là package (tổng) vì nó bao gồm nhiều khoản khác nhau. Financial aid package gồm 2 phần: tiền không phải hoàn trả (scholarships, grants) và tiền phải hoàn trả lại sau khi ra trường (loans.)

Tiền không phải hoàn trả:

+ Grants từ liên bang bao gồm: Federal Pell Grant, Federal Supplemental Educational Opportunity Grant (SEOG) …

+ Grant của tiểu bang (California gọi là Cal Grant)

+ Học bổng ngoài trường đại học và của chính trường đại học.

Tiền phải hoàn trả (loans):

Bao gồm Perkins loans, subsidized Stafford loans và work study. Xin đặc biệt chú ý phần này. Hãy coi chừng các khoản tiền mượn (loans) được lồng vào trong tổng số tiền trợ cấp giáo dục (financial aid package.) Một số đại học liệt kê tiền nợ (loan) giống như một khoản tiền (grant) không phải trả lại. Một phần nào họ cũng có lý vì một số con em những gia đình khá giả không mượn được khoản tiền với lãi suất thấp của chính phủ.

Một khó khăn khác là các trường đại học còn gọi tên những yếu tố tính toán rất khác nhau khi tính financial aid. Thí dụ đại học UCLA gọi là “cost of education, expected family contribution và financial need.” Trong khi đó hệ thống CSU như Long Beach, Fullerton … gọi lần lượt là “Total expenses, Total resources, Need.”

Hãy nên để ý sự khác biệt về tên gọi này và các đại học dù có tên khác nhau nhưng thực chất vẫn bao gồm 3 yếu tố chính như trên.

Chi phí giáo dục đại học: Một bài toán cộng đơn giản

Hãy làm bài toán cộng sau đây để tìm ra chi phí giáo dục thực sự phải bỏ tiền túi ra trả: family’s contribution + loans các loại + work study (tiền do làm việc trong trường) sẽ được một con số. Đây chính là chi phí giáo dục thực sự tức số tiền túi bỏ ra cho giáo dục đại học. Công thức trên khá hiệu quả; nó giúp quý vị phụ huynh còn mù mờ về Financial Aid có một cách nhìn tương đối chính xác.

Nhiều trường đại học cho trợ cấp giáo dục nhiều nhưng thực sự lại thua những đại học khác vì họ coi tiền mượn (loan) là một phần được trợ cấp. Một nguyên tắc đơn giản nên nhớ, “Đại học lớn thường cho nhiều” do quỹ tài chánh giầu có của họ.

Có đại học cho nhiều học bổng nhưng toàn là học bổng ít tiền để chứng minh họ rộng rãi. Câu hỏi đặt ra là: “Gia đình phải chi ra (pay), mượn (borrow) và làm việc trong trường là bao nhiêu?”

Hãy “trả giá” với Financial Aid Office (Văn phòng Trợ giúp Tài chánh )

Nếu được yêu cầu, nhà trường có thể xem xét lại hồ sơ trợ cấp tài chánh. Trong trường hợp đó, phải chứng minh có sự thay đổi so với khi làm đơn FAFSA. Những thí dụ thường được kể ra là: người cha mới bị thất nghiệp, gia đình phải chi tiêu một món tiền lớn để chữa bệnh, hoặc gia đình bán một cơ sở thương mại nhưng lại quên khai là để trả nợ. Khi yêu cầu được đánh giá lại nên viết thư và gửi kèm giấy tờ chứng minh.

Nếu định “cò cưa” với FAO thì nên đích thân gặp mặt hay gọi điện thoại để có thêm kinh nghiệm. Một số nhà chuyên môn khuyên hãy gọi những trường đại học không muốn đi trước để rút kinh nghiệm và trường muốn đi nên gọi sau cùng.

Một số yếu tố ảnh hưởng tới Financial Aid Package

Financial Aid thay đổi mỗi năm. Lợi tức của cha mẹ và sinh viên thay đổi khiến cho Financial Aid thay đổi theo. Một sinh viên được trợ cấp tài chánh năm này có thể năm sau trợ cấp tài chánh sẽ khác đi vì có anh hay chị đã tốt nghiệp đại học.

Nếu sinh viên được nhận vào vì là một học sinh giỏi thì hãy giữ GPA bằng hay hơn yêu cầu. Một chểnh mảng trong học hành sẽ đánh mất học bổng. Nên coi lại khả năng của mình khi phải đáp ứng yêu cầu về GPA của đại học. Đôi khi những đại học không yêu cầu giữ GPA cao về lâu về dài lại tốt hơn cho dù đề nghị ban đầu xem ra không được rộng rãi.

Mỗi đại học có những cách tính financial aid khác nhau. Điều quan trọng là tính được chi phí giáo dục thực sự – nghĩa là số tiền túi phải bỏ ra cho giáo dục đại học, tìm hiểu những điều kiện ràng buộc về GPA và hoạch định chương trình giáo dục sao cho có hiệu quả nhất so với khả năng mình. Trong thời buổi khó khăn hiện nay, vấn đề tài chánh nên được cân nhắc kỹ lưỡng vì đang có khá nhiều sinh viên buộc phải thôi học do gia đình không thể kiếm thêm nguồn tài chánh khác và các ngân hàng cũng ngày càng thắt hầu bao lại tạo thêm khó khăn cho sinh viên muốn vay tiền.

122 Bất Đồng Giữa Phụ Huynh Khi Kỷ Luật Con Cái




Khi dạy dỗ con cái, nhất là khi cần kỷ luật, một vấn đề hay xảy ra là sự mâu thuẫn giữa hai người Cha và Mẹ. Hậu quả dễ thấy nhất là họ cãi cọ nhau trong việc áp dụng kỷ luật. Một sai phạm của con cái dẫn thêm đến sai phạm của phụ huynh.

Sự mâu thuẫn thường do một bên dễ dãi trong khi bên kia lại khắt khe, đôi khi độc tài. Trong phần lớn các gia đình, người Mẹ thường nghiêng về khuynh hướng nuông chiều con, trong khi người Cha nghiêm khắc, nặng về kỷ luật – dĩ nhiên cũng có những tình huống trái ngược.

Phương cách dạy dỗ con cái là một tiến trình phức tạp đi từ ảnh hưởng của một nền giáo dục mà chính bản thân Cha Mẹ thụ hưởng thời ấu thơ tới kiến thức và kinh nghiệm khi đã làm người lớn. Một người được giáo dục trong môi trường kỷ luật sẽ nghiêng về khả năng trừng phạt.

Dưới đây là những phương thức khiến cả hai người cùng nhau dùng kỷ luật một cách hiệu quả. Con cái có dịp sửa sai và Cha Mẹ vui vẻ trong giáo dục con cái.


Xác định một hành vi không thích hợp

Để tránh mâu thuẫn, phụ huynh phải cùng nhau xác định mục tiêu của biện pháp kỷ luật: những hành vi nào phải sửa đổi và đức tính nào cần phát triển thêm.

Trước hết, hai người phải cùng đồng ý rằng một hành vi nào đó của con cái là không thích hợp. Thí dụ: họ đồng ý với nhau là “nói dối là hành vi sai trái cần dùng kỷ luật để ngăn ngừa con cái khỏi tái phạm.”

Nên bình tĩnh khi bàn bạc. Sự khác biệt quan điểm chắc chắn sẽ có và nên quan niệm đây là diễn tiến bình thường trong cuộc sống gia đình. Khác biệt không phải để loại trừ nhưng là để bổ túc lẫn nhau. Nếu cảm thấy căng thẳng hãy nghỉ xả hơi chừng 10 phút và quay lại khi bình tĩnh. Mục tiêu là làm cho vợ hay chồng mình hiểu rõ vấn đề. Khi đã trình bày quan điểm của mình xong hãy lắng nghe người kia. Dĩ nhiên việc bất đồng ý kiến không phải là điều xấu xa nhưng la hét, trách móc nhau là không thể chấp nhận. Cha và Mẹ cần dùng ngôn ngữ thích hợp để làm gương mẫu cho con cái. Hãy kính trọng nhau khi có bất đồng.

Nếu cần thiết thì phải biết lui bước khi bàn bạc, hãy cho người kia biết lần sau họ sẽ phải nhường quyền ưu tiên. Sau khi đã đồng ý rằng hành vi của con là không xứng hợp thì nên bàn tới biện pháp kỷ luật.


Áp dụng kỷ luật

Biện pháp kỷ luật không phải chỉ để trừng phạt “cho chừa.” Nó phải bao hàm ý nghĩa tích cực bằng cách đưa ra được giải pháp xây dựng. Thí dụ: kỷ luật việc “nói dối” phải kèm theo khuyến khích, khen thưởng việc “nói thật” của các em.

Học tập từ lỗi lầm là một tiến trình học hỏi; để đạt được điều này việc trừng phạt phải tương xứng với “tội lỗi.” Nếu biện pháp kỷ luật quá nhẹ các em sẽ khinh thường. Ở thái cực bên kia, nếu áp dụng quá nặng nề các em sẽ thù hận Cha Mẹ, trở nên giận dỗi và đối nghịch khi suy nghĩ tới lầm lỗi. Cảm giác không được đối xử công bằng sẽ xuất hiện. Các em chỉ nhìn thấy mình bị đối xử vô lý, thiếu cân nhắc hoặc đôi khi tạo nên cảm giác sợ hãi quá đáng.

Dĩ nhiên tạo nên sợ hãi không phải là một nền giáo dục tích cực, các em bắt đầu xa tránh, không tìm đến Cha Mẹ khi phải đối diện với những áp lực hay quyến rũ của bạn bè. Cha Mẹ không còn là nơi chốn các em tìm tới tâm sự khi gặp vấn đề nghiêm trọng hơn như ma túy, rượu hay tình dục quá sớm … Hậu quả là thay vì học hỏi từ lỗi lầm, các em học cách cẩn thận, dè dặt và không tìm đến phụ huynh nữa khi có khó khăn trong cuộc sống.


Bài học đáng nhớ

Cha Mẹ thường được chia thành 2 nhóm chính: nghiêm khắc và dễ dãi

Nhóm nghiêm khắc nên nhẩn nha lắng nghe và đưa con cái vào những sinh hoạt chung trong gia đình. Họ cần tìm kiếm những hiểu biết về khả năng và nhu cầu của giới trẻ. Hãy cùng với con cái tận hưởng thời gian bên nhau, tìm cách đi vào thế giới của chúng bằng cách lắng nghe, tìm học để hiểu biết hơn quan điểm của chúng.

Nhóm có tính dễ dãi, trái lại, nên cứng rắn và đòi hỏi nơi con cái nhiều hơn. Họ phải áp dụng những chiến thuật kỷ luật con cái sao cho có hiệu quả. Cách hay nhất là xây dựng nơi con cái sự tự chủ, biết kiểm soát hành vi và biết đối thoại.

Hai người Cha và Mẹ nên cùng đồng ý về biện pháp kỷ luật, bàn bạc ôn tồn đằng sau cánh cửa đóng kín. Hãy bình tĩnh và biết lắng nghe, đặt trọng tâm về mục tiêu giáo dục; tự hỏi hành vi nào muốn sửa đổi và phải áp dụng kỷ luật thế nào để sửa chữa những tiêu cực đó.

Nếu không đồng ý với nhau, nên dùng chữ “tôi” hơn là dùng chữ “ông/bà” (you) để nói chuyện. Thí dụ: nên nói “Tôi thấy không thể lái xe an toàn khi con cái chí choé với nhau phía sau. Điều này có thể dẫn tới tai nạn và chúng ta phải dùng kỷ luật.” Dĩ nhiên chẳng bao giờ nên nói, “Bà (you) toàn là thả lỏng tụi nhỏ muốn làm gì thì làm, tại sao không phạt thằng Hai làm lộn xộn đằng sau. Bà ngồi đó làm gì?”

Trước khi kỷ luật con cái, hãy cảnh cáo trước, “Nếu con không làm xong homework, con sẽ không được xem TV tối nay.” Nếu đã nói mà con vẫn vi phạm thì chính mình phải áp dụng kỷ luật, không nên đợi người kia, thí dụ đợi chồng về rồi “méc” chồng để phạt con. Người cảnh cáo phải là người áp dụng kỷ luật.

Khi áp dụng kỷ luật, câu hỏi quan trọng là: biện pháp kỷ luật này có giúp con cái làm điều tốt (siêng năng hơn) hay từ bỏ thói xấu (lười làm homework) không?


Không để cho con cái thấy Cha Mẹ mâu thuẫn.

Không phải Cha và Mẹ luôn có được sự đồng thuận khi lựa chọn phương pháp kỷ luật. Đừng nên để sự mâu thuẫn giữa hai người đưa đến sự “buông xuôi” và các em thoát khỏi việc áp dụng kỷ luật. Cũng không nên thả lỏng con cái khi không có mặt của người kia.

Hãy bàn luận kín đáo về việc trừng phạt và quan trọng hơn không nên để con cái nhìn thấy Cha Mẹ mâu thuẫn nhau trong việc kỷ luật chúng. Làm như vậy chẳng khác nào khuyến khích chúng tái phạm.

Không nên tấn công cá nhân mà hãy chỉ nhắm vào thuyết phục quan điểm.

Thí dụ về tấn công cá nhân như sau: “Ông quá độc tài, lúc nào cũng muốn bắt mọi người theo ý mình” hay “Bà chỉ to mồm bênh vực con khiến nó hư hỏng thêm.”

Thí dụ về thuyết phục quan điểm như sau: “Nói dối là lỗi phạm và là điều xấu. Hôm qua Kim đã nói dối với thầy giáo về làm homework. Việc nói dối phải được ngăn chặn.”

Nếu cảm thấy cần thêm thời gian bàn luận thì nên nói với con cái, “John, hôm qua con đã chơi game nhiều hơn số giờ được quy định, điều này không đúng, Cha Mẹ sẽ bàn bạc biện pháp kỷ luật và nói chuyện với con sau bữa ăn tối.”


Nuôi dạy con cái là điều khó khăn và căng thẳng. Cả hai nên làm việc như một nhóm (team-work) để đạt mục tiêu chung. Hãy ủng hộ và khuyến khích nhau để cùng đạt được mục đích chung là nuôi dạy một đứa con thành đạt và hạnh phúc.

121 Học Bổng Rhodes




Lịch sử

Học bổng Rhodes bắt đầu năm 1904 tại Hoa kỳ. Trong số những người thụ hưởng nổi tiếng bao gồm Tổng thống Bill Clinton, Thượng nghị sĩ James W. Fulbright – Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng nghị viện … Đây là một trong những học bổng quốc tế giá trị, nổi tiếng và lâu đời nhất.

Học bổng do một chính trị gia kiêm thương gia giầu có tên là Cecil John Rhodes sáng lập năm 1902. Mục đích của Rhodes nhằm đưa các sinh viên ưu tú thuộc những quốc gia nói tiếng Anh về học tập tại Oxford, một đại học hàng đầu Anh quốc.

Trị giá mỗi học bổng khoảng gần $50,000 một năm.

Website: www.rhodesscholar.org.

Học bổng Rhodes chi trả học phí và ăn ở tại đại học Oxford cho 2 hoặc 3 năm học tập. Thông thường sinh viên dành ra 2 năm lấy bằng Cao học hoặc 3, 4 năm cho bằng Tiến sĩ. Đôi khi Oxford cho thêm học bổng để sinh viên hoàn thành năm thứ tư hoặc làm việc thêm để học tập hay nghiên cứu lấy văn bằng Tiến sĩ của Oxford.

Rhodes là cựu sinh viên tốt nghiệp Oxford năm 1881. Vào lúc đó và ngay cả hiện nay, những sinh viên xuất thân tại Oxford được coi như một vinh dự hiếm có. Ông hy vọng rằng bằng cách tạo ra học bổng đến Oxford học, trường đại học này sẽ ảnh hưởng tích cực lên những thế hệ lãnh đạo mới. Rhodes mơ tưởng đến việc tạo dựng một lớp người lãnh đạo cho các quốc gia nói tiếng Anh đã từng là thuộc địa của Anh.

Trong di chúc của mình, Rhodes đã kể tên 9 quốc gia được thụ hưởng – bao gồm 52 học bổng – và sau đó Ủy ban Trao tặng Học bổng Rhodes bổ xung thêm 40 học bổng cho nhiều quốc gia và cấp vùng khác. Chi tiết hơn, Hoa kỳ được 32 học bổng – Canada 11 – Úc 9 – Ấn độ 5 Tân Tây Lan 3Zambia 2Zimbabwe 2Đức 2Hồng Kông 1Jamaica 1Keynia 1Pakistan 1South Africa, Botswana, Lesotho, Bermuda 1Malawi, Namibia, Swaziland 10 và các đảo vùng Caribbean 1.

Tổng cộng tối đa là 92 học bổng Rhodes được cấp mỗi năm và con số này có thể được thay đổi tùy thời gian, tùy vùng. Năm 1976, cánh cửa mở rộng cho các nữ ứng viên vì trước đó học bổng Rhodes chỉ trao tặng cho phái nam.

Điều kiện

Muốn nộp đơn xin học bổng Rhodes xin tham khảo website:

http://www.americanrhodes.org/info-applying.html

Ứng viên phải cung cấp 4 bằng chứng: (1) giỏi giang trong học vấn, (2) chân thành, biết quan tâm tới người khác, có lòng vị tha, (3) có khả năng lãnh đạo chỉ huy và (4) có đủ nghị lực, sức khoẻ thực hiện những tài năng của mình tới mức cao nhất.

Mỗi năm có 32 sinh viên Mỹ nhận được học bổng Rhodes. Nhiều đơn xin của những ứng viên sáng giá nhất khắp các đại học trên toàn nước Mỹ đến từ 50 tiểu bang đại diện hơn 300 trường đại học tham dự cuộc tranh tài. Toàn quốc Hoa kỳ được chia thành 16 khu vực và mỗi khu vực chọn 2 ứng viên.

Vài nhân vật được học bổng Rhodes tiêu biểu

1/ Kathleen Tran (Rhodes Scholar 2002)

Cô gái gốc Việt sinh năm 1982 là một trong 98 sinh viên vào chung kết. Cuối cùng cô đã thắng tất cả những ứng viên khác để nhận danh hiệu Rhodes Scholar 2002.

Kathleen Tran tốt nghiệp đại học Indiana năm 2003 với 3 chuyên ngành: Âm nhạc (Piano), Sinh học, Hoá Sinh, chưa kể chuyên ngành phụ (minor) là Pháp văn. Cô đã ở trong nhóm thi đấu Tae Known Do của đại học, làm công tác thiện nguyện tại bệnh viện và là phát ngôn viên của các sinh viên gốc Việt trường đại học Indiana.

Cô là cây viết cho University of Virginia Literary Magazine và đã đoạt giải thưởng của National Foundation for Advancement of Arts, đại học Brown và Indiana.

Sau khi nhận được học bổng Rhodes, Kathleen Tran sang Oxford học. Tại đây cô đã chơi piano để quyên tiền cho các em trẻ em chậm phát triển. Trở về Mỹ cô tiếp tục học Y khoa tại UPenn, một trong tám Ivies nổi tiếng của miền Đông.

2/ Bobby Jindal (Rhodes Scholar 1991)

Jindal tốt nghiệp Đại học lúc 20 tuổi. Trong thời gian theo học tại đại học Brown, một Ivy của miền Đông, Jindal học 2 chuyên ngành: Sinh học và Chính sách Cộng đồng (Public Policy) rồi lấy 2 bằng Cử nhân trong 3 năm. Sau đó Jindal được đại học Y khoa Harvard và đại học Luật khoa Yale thu nhận nhưng lại quyết định đi Oxford để học về Khoa học Chính trị (Political Science) sau khi biết tin mình đoạt học bổng Rhodes.

Từ chối học bổng phụ thêm của Oxford để ở lại hoàn thành luận án Tiến sĩ, Jindal trở về Louisiana với văn bằng Cao học. Sau đó, ông giữ trọng trách coi sóc ngành Y tế tiểu bang lúc chỉ mới 24 tuổi (Bộ trưởng Y tế tiểu bang) và đồng thời là Tổng Viện trưởng hệ thống đại học Louisiana (người trẻ nhất trong lịch sử tiểu bang giữ chức vụ này.) Nhờ tài năng quản trị Jindal đã khiến cho ngân sách Y tế của tiểu bang đang nợ nần $400 triệu trở thành thặng dư $220 triệu trong 3 năm. Năm 30 tuổi Jindal trở thành phụ tá cho Bộ trưởng Y tế Liên bang.

Jindal sau đó trở về Louisiana ứng cử chức Thống đốc. Năm nay (2009) 37 tuổi. Jindal là người trẻ nhất trong hàng ngũ các Thống đốc Hoa kỳ hiện nay.

Jindal được coi như một trong những ứng viên Tổng thống Cộng hoà năm 2012.

3/ Myron Rolle (Rhodes Scholar 2008)

Anh là cầu thủ football nổi tiếng của Florida State. Tuy luyện tập cực nhọc nhưng anh vẫn giữ được GPA 3.75 cho chương trình pre-med (dự bị Y khoa) và hoàn thành bậc Cử nhân chỉ trong 2 năm rưỡi. Anh hiện đang là một cây viết tường thuật và phê bình football.

Rolle xin được một ngân khoản $4,000 để nghiên cứu ung thư và tổ chức một chương trình huấn luyện về sức khoẻ và thể thao cho các em thiểu số gốc da đỏ.

Rolle nhận học bổng Rhodes đi Oxford học 2009 – 2010 rồi quay về Mỹ học Y khoa hay trở thành một cầu thủ football chuyên nghiệp.

4/ Sarah Kleinman (Rhodes Scholar 2008)

Kleinman là sinh viên đại học Stanford, tốt nghiệp Cử nhân Lịch sử và Cao học Xã hội. Hiện nay cô đang là Giám đốc điều hành FACE AID, một tổ chức đặt trụ sở tại Palo Alto nhằm cổ vũ các sinh viên tham gia chống bệnh Aids tại Phi châu. Cô cũng đồng thời là ca sĩ và một cây bút về các vấn đề xã hội, lịch sữ tại Stanford.

Ngoài ra, những nghiên cứu của cô tại một số quốc gia khác và tại Washington DC (bằng ngân quỹ tài trợ của hai đại học Stanford và Harvard về Y tế Cộng đồng) đã được dùng làm tài liệu giảng dạy tại các đại học của Harvard (Y khoa, Y tế Cộng đồng, Thương mại.) Kleinman nhận học bổng Rhodes và sẽ đi Oxford học về Quan hệ Quốc tế 2009 – 2010.

Học bổng Rhodes không chỉ có giá trị về tiền bạc; nó là một bằng chứng cho thấy phẩm chất của một ứng viên. Cánh cửa các đại học sẽ mở ra, những cơ hội làm việc sẽ tăng thêm và các tổ chức tiếng tăm đều muốn những ứng viên này. Học bổng Rhodes giới thiệu cho sinh viên một chân trời mới với sự giúp đỡ của nhiều nhân vật trong mạng lưới (networks) – điều này đặc biệt hữu ích cho những sinh viên theo học các ngành chính trị, tài chánh và luật.

120 Học Bổng QuestBridge






QuestBridge là chương trình giúp đỡ học sinh nghèo vào được đại học thông qua khoá học mùa hè tại các đại học, vận động xin học bổng toàn phần và cố vấn nộp đơn tuyển sinh đại học … Trong năm 2008, QuestBridge đã giúp đỡ 260 học sinh được học bổng toàn phần của những đại học hàng đầu, trong đó có những em học sinh gốc Việt như Thu Do được học bổng toàn phần của đại học Yale, Nhu Quyen Huynh đại học MIT, Ky-Anh Tran đại học Stanford …

Website của chương trình: http://www.questbridge.org/

Theo cuộc nghiên cứu của một tổ chức có trụ sở tại New York tên là Century Foundation năm 2004 về sự liên hệ giữa số lượng sinh viên được tuyển vào đại học và lợi tức gia đình – đã đi đến kết luận: 74% sinh viên vào được 146 đại học hàng đầu Hoa kỳ thuộc 25% những gia đình có lợi tức cao nhất nước Mỹ trong khi chỉ có 3% sinh viên thuộc 25% những gia đình có lợi tức thấp nhất vào được các đại học nêu trên.

QuestBridge là chương trình mở ra nhắm giúp đỡ con em những gia đình lợi tức thấp nhất này – thường được định nghĩa một cách chung chung là dưới $60,000 một năm. Định nghĩa cụ thể thường tùy thuộc vào từng đại học hay mỗi tiểu bang.

QuestBridge có 2 chương trình chính là National College Match và College Prep Scholarship.


National College Match

Website: http://www.questbridge.org/students/program.html

Trong năm học 2008, QuestBridge nhận được khoảng 5000 đơn xin, trong đó chương trình tuyển lựa một nửa (khoảng 2,500 đơn xin) để giới thiệu cho các đại học mà các em muốn ghi danh theo học.

Cuối cùng, sau một tiến trình chọn lựa gắt gao, 260 em đã được nhận vào các đại học mơ ước với học bổng toàn phần. Một số em học sinh gốc Việt đã được nêu tên trong phần mở đầu.

Trong số báo này, chúng tôi cung cấp một số chi tiết cho chương trình College Prep Scholarship. Chương trình National College Match sẽ được giới thiệu vào một dịp khác.

College Prep Scholarship (tạm dịch Học bổng Chuẩn bị cho Đại học)

Website: http://www.questbridge.org/cps/info.php

Học bổng nhằm giúp những em học sinh nghèo trang bị hiểu biết căn bản về những việc phải làm khi xin vào đại học. Nó mở rộng chân trời ước mơ, giúp các em mạnh dạn bay cao hơn so với hoàn cảnh hạn chế của thực tế.

Một em học sinh gốc Việt qua Mỹ lúc 13 tuổi, gia đình cư ngụ tại Los Angeles. Trong bước đầu khó khăn, chính em và gia đình chỉ dám mơ ước cao nhất là sẽ vào được đại học UCLA. Một dịp may bất ngờ, em được người bạn giới thiệu chương trình mùa hè College Prep Scholarship. Em mạnh dạn nộp đơn và được nhận vào chương trình mùa hè. Sau khi trở về, em được nhận vào Stanford với học bổng toàn phần.

Học bổng chuẩn bị cho đại học được mở ra bao gồm 4 chương trình:

1. Khoá học hè tại bốn đại học

Mười (10) học sinh được tuyển chọn để theo học lớp mùa hè tại Harvard, Yale, Stanford và Notre Dame. Học bổng bao gồm học phí, tiền ăn ở, vé máy bay. Những học sinh này sẽ lấy lớp chung với những sinh viên thực thụ của trường, trải nghiệm cuộc sống của một sinh viên chính khoá và tham dự những chương trình thể thao, báo chí hay tham dự những chương trình nghiên cứu của trường đại học.

2. Cố vấn và hướng dẫn

Bốn mươi (40) học sinh được tuyển chọn sẽ được một chuyên viên giúp đỡ không tính tiền khi lập hồ sơ tuyển sinh và xin trợ cấp giáo dục (Financial Aid.)

Giá cả của sự trợ giúp này thường là khoảng $200 một giờ nếu tính theo giá thị trường hiện tại. Một hồ sơ trung bình cần khoảng 30 giờ làm việc.

Những chuyên viên nhiều kinh nghiệm này sẽ lắng nghe học sinh tâm sự và đặt nhiều câu hỏi với học sinh. Họ chọn lọc những chi tiết thích thú nhất mà Ban Tuyển sinh các trường Đại học lưu ý nhằm giúp học sinh đưa những chi tiết đó vào luận văn. Họ cũng đồng thời giúp chọn lớp ở lớp 12, chọn chương trình hoạt động ngoại khoá sao cho có một hồ sơ tốt nhất, nghĩa là họ giúp các em học sinh “đánh bóng hồ sơ” của mình để có thể cạnh tranh với những bạn cùng trang lứa khác.

3. Viếng thăm các đại học

Một trăm (100) học sinh được tuyển chọn để thăm viếng các đại học. Chi phí ăn ở và vé máy bay được đài thọ. Học sinh có thể chọn đại học mình yêu thích để thăm viếng. Thông thường học sinh thăm viếng ngủ đêm trong các cư xá đại học và được các sinh viên tình nguyện giúp đỡ, trả lời những câu hỏi cần thiết.

Chính nhờ sự thăm viếng này học sinh xác định rõ trường đại học mình yêu thích và nhất là được tiếp xúc với chính những viên chức tuyển sinh.

4. Hội thảo Hướng dẫn vào Đại học

Một ngàn (1,000) học sinh được mời tới Stanford và Yale để tham dự hội thảo. Tham dự viên sẽ thảo luận về phương pháp nộp đơn tuyển sinh, cách thức chọn lọc sao cho có một hồ sơ hấp dẫn các đại học và được cung cấp thêm thông tin về các chương trình trợ cấp giáo dục của các đại học, liên bang và tiểu bang.



Phương cách nộp đơn

Chương trình College Prep Scholarship đang thu nhận hồ sơ.

Hạn chót nộp đơn là ngày 31/03/2009.

Chương trình chỉ mở cho những em học sinh lớp 11. Những em có ý muốn nộp đơn phải ghi danh tại địa chỉ Internet sau:

http://application.questbridge.org/user/register

để mở hồ sơ ban đầu. Sau đó các em sẽ được biết thêm những chi tiết phải làm.



Việc làm hồ sơ mất nhiều thời gian và công sức, cũng gần tương tự như làm hồ sơ nộp đơn xin vào đại học. Phụ huynh và các em học sinh nên coi đây như một bước thực tập cho việc làm đơn tuyển sinh vào đại học sau này. Phần thưởng sẽ rất xứng đáng cho công sức bỏ ra. Phần quan trọng nhất trong hồ sơ vẫn là phần luận văn, xin hãy khởi đầu sớm, viết cẩn thận và viết sao cho có nhiều ý nghĩa.


119 G20 và Những Trường Trung Học Tư Nổi Tiếng Hoa Kỳ





Khối các quốc gia sử dụng tiếng Anh đã thiết lập một nhóm trường trung học tư thục có nền giáo dục ưu việt nhất gọi là nhóm G20 vào năm 2006. Những quốc gia sáng lập viên gồm Úc, Anh, Thụy sĩ, Hồng kông, Jordan, Thổ nhĩ kỳ và Mỹ. Một số quốc gia khác như Ấn độ, Peru và Singapore sau đó cũng tham dự và mỗi nước có một trường hội đủ tiêu chuẩn gắt gao của G20 để trở thành hội viên (G20 nay là G23.)

Nổi bật nhất trong nhóm G20 là Hoa kỳ với 6 trường trung học, Anh có 5 và Úc có 4. Những nước còn lại chỉ có 1 hay 2 trường đại diện cho quốc họ. Sáu trường đại diện nước Mỹ là: Harvard-Westlake, Phillips Andover Academy, Buckingham Browne & Nichols, Deerfield Academy, Lawrenceville và Hotchkiss.

1. Harvard-Westlake (Los Angeles, California)

Trường có tổng cộng 1,600 học sinh xuất thân từ những gia đình giầu có và thế lực của California. Đa số là con em của các tài tử, nhà làm phim hay tài phiệt Holywood. Con trai của Tổng thống Ronald Reagan là Ron Reagan cũng xuất thân từ Harvard-Westlake. Học phí năm học 2008 – 2009 là $26,250 + $3,000 chi phí linh tinh. Trường không có nội trú (day school.)

Trường có hai cơ sở, lớp 7 – 9 ở Holmby Hills và lớp 10 – 12 ở Studio City, gần North Holywood. Trường nổi tiếng là khó vào và chương trình học khó. Học sinh của trường có tỷ lệ được nhận vào các đại học nổi tiếng khá cao. Tỷ lệ học sinh/giáo viên là 8/1, tỷ lệ này càng nhỏ thì học sinh càng được săn sóc kỹ càng hơn. Một lớp học thường có 16 học sinh và SAT trung bình là 2110 so sánh với SAT trung bình trên toàn quốc Hoa kỳ năm 2007 là 1511. Văn bằng của giáo viên: 12% Tiến sĩ, 56% Cao học. Học sinh của trường lấy nhiều lớp AP và đạt kết quả thuộc nhóm dẫn đầu Hoa kỳ theo báo cáo của College Board. California có nhiều trung học tư thục đắt tiền hơn Harvard-Westlake như Cate (Ventura) và Webb (Los Angeles.)

Cựu học sinh nổi tiếng gồm Thống đốc California Gray Davis và nhiều tài tử (Candice Bergen, Shirley Temple … ), nhà sản xuất phim (Steven Bing), CEO, phi hành gia và đại sứ.

2. Phillips Academy Andover (Andover, Massachusetts)

Massachusetts là cái nôi của nền giáo dục Hoa kỳ với nhiều Đại học và Trung học nổi tiếng. Hai cha con Tổng thống Bush đều đã theo học Phillips Academy Andover. Đây là một trong 5 trường nội trú lâu đời nhất nhất nước Mỹ, trường đã được thành lập năm 1778.

Hiện nay trường có 1,105 học sinh bao gồm 806 em nội trú. Quỹ hiến tặng do cựu học sinh đóng góp là $777.7 triệu, đứng hạng 4 các trường trung học Mỹ. Quỹ hiến tặng càng giầu có, ngân sách cho các học bổng và các câu lạc bộ thể thao, văn nghệ, âm nhạc … càng phong phú. Tỷ lệ tuyển sinh của trường là 16%. Trường có phòng triển lãm tranh tầm cỡ thế giới.

Học sinh của Andover đến từ 50 tiểu bang và 39 quốc gia khác nhau (năm học 2008 – 2009.) Tỷ lệ học sinh/giáo viên là 5/1, trong đó 72% giáo viên có văn bằng Cao học hoặc Tiến sĩ. Trung bình một lớp học có 13 học sinh và SAT trung bình là 2076. Vào sân trường, người ta có thể gặp một công chúa Âu châu hay một hoàng tử con vua dầu hoả Trung đông. Trong 330 học sinh tốt nghiệp năm 2008 thì 36% vào được các đại học hàng đầu của Mỹ.

Trường đã đào tạo những nhân vật lừng lẫy cho nước Mỹ, từ Tổng thống cho tới Giải Nobel Kinh tế, từ tài tử điện ảnh, nhà báo Pulitzer tới phi hành gia, thượng nghị sĩ, thống đốc.

Học phí hiện nay là $39,100/năm cho học sinh nội trú (boarding school.)

3. Buckingham Browne and Nichols (Cambridge, Massachusetts)

Burkingham Browne and Nichols (BB & N) là một trong những trường trung học tư thục không nội trú (day school) tốt nhất Massachusetts. Trường có từ lớp Mẫu giáo tới lớp 12. Học phí 2008 – 2009 thay đổi tùy lớp (Mẫu giáo: $24,000 và lớp 9 – 12: $33,330.) Trong lịch sử hơn 100 năm trường đã đào tạo được những Presidential Scholars và Rhodes Scholars.

Cựu học sinh của trường gồm nhiều nhân vật thành đạt như Thống đốc tiểu bang, dân biểu, viện trưởng đại học, đại sứ, CEO, nhà báo đoạt giải Pulitzer, nghệ sĩ, vận động viên …

4. Deerfield Academy (Deerfield, Massachusetts)

Trường hiện có 600 học sinh. Tỷ lệ học sinh/giáo viên là 5.1/1. Mỗi lớp học trung bình có 12 học sinh nên thầy cô giúp học sinh rất chu đáo. SAT trung bình là 2040.

Học phí 2008 – 2009 cho học sinh nội trú (520 em) là $37,756 và cho học sinh không nội trú (60 em) là $27,642. Quỹ hiến tặng (endowment) của trường là $415 triệu. Tuyển sinh vào trường này khá gắt gao, số lượng học sinh được nhận vào chỉ là 16%.

Vì thành lập đã lâu năm nên trường có nhiều cựu học sinh nổi tiếng bao gồm Thống đốc, Bộ trưởng, Viện trưởng đại học, Huy chương vàng Olympic, Giải thưởng Nobel …

5. Hotchkiss School (Lakeville, Connecticut)

Hotchkiss được thành lập năm 1891 và là trường nội trú bao gồm lớp 9 –12. Trường có 587 học sinh đến từ 39 tiểu bang nước Mỹ và 31 quốc gia khác. Tỷ lệ tuyển sinh 21%, nghĩa là cứ 100 em nộp đơn thì 21 em được nhận vào. Tỷ lệ học sinh/giáo viên là 5.1/1. Trong số đó 66% thầy cô có văn bằng Cao học hay Tiến sĩ. Điểm SAT trung bình là 2013. Quỹ hiến tặng $513 triệu và đã dành ra $6.5 triệu cung cấp học bổng cho 36% học sinh. Trường có một thính phòng 700 chỗ ngồi được trang bị Fazioli piano và nổi tiếng về các chương trình âm nhạc.

Cựu học sinh của trường bao gồm nhiều nhân vật thành đạt như hai nhà sáng lập Tạp chí Time Henry Luce và Briton Hadden, nhà đại tư bản xe hơi Henry Ford, Thống đốc New Jersy Charles Edison, nhà sáng lập ra Morgan Stanley là Harold Stanley, Chánh án Toà án Tối cao Potter Stewart, Giám đốc CIA Porter Goss. Giải thưởng Nobel Y học Dickinson Richards và những nhà đoạt giải Pulitzer khác.

6. Lawrenceville School (Lawrenceville, New Jersey)

Được thành lập năm 1810 và là trường nội trú gồm lớp 9 – 12. Trường có 804 học sinh gồm 549 học sinh nội trú đến từ 37 tiểu bang của Mỹ và 29 quốc gia khác. Tỷ lệ học sinh/giáo viên là 6/1. Điểm SAT trung bình là 2000. Quỹ hiến tặng là $229 triệu. Tỷ lệ tuyển sinh 21%. Trường có cả một sân golf 9 lỗ phục vụ cho học sinh.

Lawrenceville cùng với Phillips Academy Exeter và Phillips Academy Andover đã hợp tác với Yale, Harvard và Princeton để sáng lập ra chương trình AP (lấy chứng chỉ đại học ở trung học) đầu thập niên 1950. Các học sinh giỏi ngày nay thường lấy lớp AP ở trung học.

Cựu học sinh nổi tiếng bao gồm Tổng thống Honduras Ricardo Maduro, Thượng nghị sĩ liên bang David Baird, các Thống đốc Oklahoma (Dewey Barlett), New Jersey (Rodman Price) và Connecticut (Lowell Weicker), CEO công ty Mobil (Raleigh Warner) và CEO Walt Disney (Michael Eisner), các Viện trưởng Đại học: Võ bị West Point (Hugh Scott), Priceton (Robert Goheen), Wesleyan (Edwin Etherington), Nobel Kinh tế (George Akerlof), nhà sáng lập viện thăm dò Gallup (George Gallup) và nhà phát hành tạp chí Forbes (Malcolm Forbes.)

Ngoài 6 trường nêu trên, Hoa kỳ còn rất nhiều trường trung học tư thục nổi tiếng đã đào tạo không biết bao nhiêu nhân tài cho nước Mỹ nhưng chưa muốn gia nhập G20. Học sinh trong cộng đồng Việt nam nên nộp đơn xin vào khoá hè (summer schools) của các trường này trước khi nộp đơn theo khoá học thường xuyên. Ngoài phẩm chất giảng dạy tuyệt vời, các trường còn có những câu lạc bộ (clubs) thể thao, âm nhạc, báo chí … nổi tiếng. Đừng lo ngại về tiền bạc, các trường tư này thường cho học bổng rất hậu hĩnh (kể cả phí tổn chuyến bay) cho con em gia đình lợi tức thấp. Với những em có đầu óc khám phá, không sợ xa nhà và muốn tìm tòi thế giới mới thì đây là cơ hội tuyệt vời không nên bỏ lỡ.

118 Hệ Thống UC Giảm Tuyển Sinh Đại Học





Trên khắp nước Mỹ cũng như California, sĩ số học sinh lớp 12 mỗi năm tốt nghiệp tăng lên tạo ra một nhu cầu tuyển sinh cao hơn. Thông thường, sĩ số sinh viên năm thứ nhất đại học đều đặn gia tăng và các đại học bằng nhiều cách phải mở rộng cửa đón nhận thêm sinh viên mới.

Tuy nhiên tình hình năm học 2009 – 2010 sẽ khác đi. Phần lớn các trường đại học trong hệ thống UC (University of California) sẽ giảm sĩ số sinh viên nhận vào học năm thứ nhất do khó khăn về ngân quỹ giáo dục tiểu bang.

Biết được những trường nào gia tăng hay giảm bớt sĩ số sinh viên giúp cho phụ huynh và các em học sinh có một chiến thuật rõ rệt hơn khi quyết định nộp đơn vào các trường đại học thuộc hệ thống UC.


Khuynh hướng chung

Quyết định giảm sĩ số sinh viên được đưa ra ngày 14/01/2009 nhằm cắt giảm khoảng 2,300 tân sinh viên năm thứ nhất (freshmen) bậc Cử nhân niên khoá 2009 – 2010.

Vào năm học 2008 – 2009, tổng số sinh viên năm thứ nhất là khoảng 37,600 sẽ được giảm xuống còn khoảng 35,300 niên khoá 2009 – 2010 cho các đại học trong hệ thống UC.

Tuy nhiên, tin tức không hoàn toàn xấu. Con số sinh viên chuyển tiếp lên năm thứ 3 Đại học từ các trường Cao đẳng Cộng đồng (community college) sẽ tăng lên 500 sinh viên và số sinh viên theo đuổi các chương trình Cao học (Master) hay Tiến sĩ (Ph.D.) vẫn được giữ y nguyên như năm học 2008 – 2009 mà không có sự thay đổi đáng kể.

Tổng Viện trưởng toàn hệ thống UC gồm 10 Viện Đại học đã tuyên bố, “Đây là một quyết định đau đớn vì đã làm giảm đi cơ hội cho các sinh viên nhưng việc thiếu ngân quỹ tiểu bang đã buộc chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Thật ra đây là sự suy giảm khiêm tốn nhất nhằm cân bằng sĩ số sinh viên với nguồn tài chánh trong vòng năm sáu năm hơn là chỉ một năm đơn thuần. Sự cắt giảm này cũng nhằm củng cố hệ thống Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ) qua phương thức chuyển tiếp (transfer) … ”

Mục đích cắt giảm sĩ số sinh viên nhằm duy trì phẩm chất giảng dạy, nghiên cứu, học tập của Giáo sư và sinh viên trong tình hình kinh tế khó khăn. Đồng thời các viện đại học UC cũng muốn cho sinh viên có được sự phục vụ tương đối chu đáo hơn.

Rõ ràng là các nhà lãnh đạo tiểu bang California có ý định

- Tăng số lượng sinh viên vào CĐCĐ học 2 năm

- Tăng số lượng sinh viên chuyển tiếp (transfer students) lên năm thứ 3 tại một trong những viện đại học của họ.

- Giảm số lượng sinh viên vào thẳng đại học 4 năm (freshmen.)


Sinh viên năm thứ 1 (freshmen) từ trung học lên đại học 4 năm

Chỉ có 2 viện đại học UC Berkeley và UC Merced là nhận thêm sinh viên năm thứ nhất (freshmen.) Các viện đại học còn lại đều giảm số tuyển sinh năm đầu.

UC Merced toạ lạc phiá bắc California do mới thành lập bậc Cử nhân vào mùa thu 2005 nên còn tương đối mới mẻ ít được biết đến và không hấp dẫn các tân sinh viên.

Sau đây là chi tiết tuyển sinh của mỗi Viện đại học:

- UC Berkeley: sĩ số sinh viên năm thứ nhất niên học 2008 – 2009 là 4,470 và sẽ nhận thêm 80 sinh viên niên khoá 2009 – 2010.

- UC Merced: sĩ số hiện tại 921 và sẽ nhận thêm 155 tân sinh viên niên học tới.

- UCLA: sĩ số hiện tại 4,225. Viện đại học UCLA không những không nhận thêm sinh viên năm thứ nhất mà còn sẽ giảm đi 35 tân sinh viên niên học tới.

- UC San Diego: sĩ số hiện tại 4145 và sẽ giảm đi 520 tân sinh viên niên học tới. Đây là trường giảm số lượng tuyển sinh cao.

- UC Irvine: sĩ số hiện tại 4,409 và sẽ giảm đi 550 sinh viên. Cùng với UC San Diego, UC Irvine cũng là một trong những trường giảm tuyển sinh cao nhất.

- UC Santa Barbara: sĩ số hiện tại 4,147 và sẽ giảm đi 275 sinh viên

- UC Riverside: sĩ số hiện tại 4,379 và sẽ giảm đi 435 sinh viên

- UC Santa Cruz: sĩ số hiện tại 3,873 và sẽ giảm đi 355 sinh viên

- UC Davis: sĩ số hiện tại 4,806 và sẽ giảm đi 385 sinh viên


Sinh viên chuyển tiếp (transfer students)

Theo đúng chủ trương đưa thêm sinh viên năm thứ nhất xuống các trường Cao đẳng cộng đồng và gia tăng nhận thêm sĩ số sinh viên chuyển tiếp từ CĐCĐ lên, trong năm học 2009 – 2010 các viện đại học UC sẽ nhận thêm 500 sinh viên chuyển tiếp (transfer students) từ các trường CĐCĐ lên đại học 4 năm.

Chi tiết như sau:

- UC Berkeley: sĩ số sinh viên chuyển tiếp (transfer students) niên học 2008 – 2009 là 1780 và sẽ tăng thêm 50 sinh viên niên khoá 2009 – 2010.

- UC Merced: sĩ số chuyển tiếp cho niên học 2008 – 2009 là 143 và sẽ tăng thêm 70 sinh viên niên khoá tới.

- UCLA: sĩ số hiện tại 2500 và con số này sẽ được giữ nguyên niên khoá tới.

- UC San Diego: sĩ số hiện tại 1880 và sẽ tăng thêm 50 sinh viên niên khoá tới.

- UC Irvine: sĩ số hiện tại 1362 và sẽ tăng thêm 50 sinh viên niên khoá tới.

- UC Santa Barbara: sĩ số hiện tại 1381 và sẽ tăng thêm 100 sinh viên niên khoá tới.

- UC Riverside: sĩ số hiện tại 942 và sẽ tăng thêm 50 sinh viên niên khoá tới.

- UC Santa Cruz: sĩ số hiện tại 965 và sẽ tăng thêm 80 sinh viên niên khoá tới.

- UC Davis: sĩ số hiện tại 1770 và sẽ tăng thêm 50 sinh viên niên khoá tới.


Thử đánh giá financial aid

Dưới đây là một công cụ đánh giá khá chính xác về sự giúp đỡ tài chánh từ ngân sách chính phủ. Chỉ cần một ít chi tiết về tài chánh, các em học sinh có thể tiên đoán được tương đối chính xác financial aid package (trợ giúp tài chánh) cho gia đình, nói rõ hơn, biết được gần đúng số tiền phải chi cho giáo dục đại học tại các viện đại học trong hệ thống UC (sau khi đã trừ đi sự giúp đỡ từ chính quyền liên bang và tiểu bang.) Đây là link để quý vị phụ huynh tham khảo:

http://www.universityofcalifornia.edu/admissions/paying.html#est

Một điều đáng ghi nhớ là mỗi UC cũng đều có những quỹ học bổng riêng để giữ chân những sinh viên xuất sắc. Thông thường, những UC lớn như Berkeley, Los Angeles và San Diego có những ngân quỹ tài trợ khá rộng rãi. Điều này mở ra một chân trời mới: những em học sinh giỏi sẽ đóng học phí ít hơn.