Monday, 23 March 2009

122 Bất Đồng Giữa Phụ Huynh Khi Kỷ Luật Con Cái




Khi dạy dỗ con cái, nhất là khi cần kỷ luật, một vấn đề hay xảy ra là sự mâu thuẫn giữa hai người Cha và Mẹ. Hậu quả dễ thấy nhất là họ cãi cọ nhau trong việc áp dụng kỷ luật. Một sai phạm của con cái dẫn thêm đến sai phạm của phụ huynh.

Sự mâu thuẫn thường do một bên dễ dãi trong khi bên kia lại khắt khe, đôi khi độc tài. Trong phần lớn các gia đình, người Mẹ thường nghiêng về khuynh hướng nuông chiều con, trong khi người Cha nghiêm khắc, nặng về kỷ luật – dĩ nhiên cũng có những tình huống trái ngược.

Phương cách dạy dỗ con cái là một tiến trình phức tạp đi từ ảnh hưởng của một nền giáo dục mà chính bản thân Cha Mẹ thụ hưởng thời ấu thơ tới kiến thức và kinh nghiệm khi đã làm người lớn. Một người được giáo dục trong môi trường kỷ luật sẽ nghiêng về khả năng trừng phạt.

Dưới đây là những phương thức khiến cả hai người cùng nhau dùng kỷ luật một cách hiệu quả. Con cái có dịp sửa sai và Cha Mẹ vui vẻ trong giáo dục con cái.


Xác định một hành vi không thích hợp

Để tránh mâu thuẫn, phụ huynh phải cùng nhau xác định mục tiêu của biện pháp kỷ luật: những hành vi nào phải sửa đổi và đức tính nào cần phát triển thêm.

Trước hết, hai người phải cùng đồng ý rằng một hành vi nào đó của con cái là không thích hợp. Thí dụ: họ đồng ý với nhau là “nói dối là hành vi sai trái cần dùng kỷ luật để ngăn ngừa con cái khỏi tái phạm.”

Nên bình tĩnh khi bàn bạc. Sự khác biệt quan điểm chắc chắn sẽ có và nên quan niệm đây là diễn tiến bình thường trong cuộc sống gia đình. Khác biệt không phải để loại trừ nhưng là để bổ túc lẫn nhau. Nếu cảm thấy căng thẳng hãy nghỉ xả hơi chừng 10 phút và quay lại khi bình tĩnh. Mục tiêu là làm cho vợ hay chồng mình hiểu rõ vấn đề. Khi đã trình bày quan điểm của mình xong hãy lắng nghe người kia. Dĩ nhiên việc bất đồng ý kiến không phải là điều xấu xa nhưng la hét, trách móc nhau là không thể chấp nhận. Cha và Mẹ cần dùng ngôn ngữ thích hợp để làm gương mẫu cho con cái. Hãy kính trọng nhau khi có bất đồng.

Nếu cần thiết thì phải biết lui bước khi bàn bạc, hãy cho người kia biết lần sau họ sẽ phải nhường quyền ưu tiên. Sau khi đã đồng ý rằng hành vi của con là không xứng hợp thì nên bàn tới biện pháp kỷ luật.


Áp dụng kỷ luật

Biện pháp kỷ luật không phải chỉ để trừng phạt “cho chừa.” Nó phải bao hàm ý nghĩa tích cực bằng cách đưa ra được giải pháp xây dựng. Thí dụ: kỷ luật việc “nói dối” phải kèm theo khuyến khích, khen thưởng việc “nói thật” của các em.

Học tập từ lỗi lầm là một tiến trình học hỏi; để đạt được điều này việc trừng phạt phải tương xứng với “tội lỗi.” Nếu biện pháp kỷ luật quá nhẹ các em sẽ khinh thường. Ở thái cực bên kia, nếu áp dụng quá nặng nề các em sẽ thù hận Cha Mẹ, trở nên giận dỗi và đối nghịch khi suy nghĩ tới lầm lỗi. Cảm giác không được đối xử công bằng sẽ xuất hiện. Các em chỉ nhìn thấy mình bị đối xử vô lý, thiếu cân nhắc hoặc đôi khi tạo nên cảm giác sợ hãi quá đáng.

Dĩ nhiên tạo nên sợ hãi không phải là một nền giáo dục tích cực, các em bắt đầu xa tránh, không tìm đến Cha Mẹ khi phải đối diện với những áp lực hay quyến rũ của bạn bè. Cha Mẹ không còn là nơi chốn các em tìm tới tâm sự khi gặp vấn đề nghiêm trọng hơn như ma túy, rượu hay tình dục quá sớm … Hậu quả là thay vì học hỏi từ lỗi lầm, các em học cách cẩn thận, dè dặt và không tìm đến phụ huynh nữa khi có khó khăn trong cuộc sống.


Bài học đáng nhớ

Cha Mẹ thường được chia thành 2 nhóm chính: nghiêm khắc và dễ dãi

Nhóm nghiêm khắc nên nhẩn nha lắng nghe và đưa con cái vào những sinh hoạt chung trong gia đình. Họ cần tìm kiếm những hiểu biết về khả năng và nhu cầu của giới trẻ. Hãy cùng với con cái tận hưởng thời gian bên nhau, tìm cách đi vào thế giới của chúng bằng cách lắng nghe, tìm học để hiểu biết hơn quan điểm của chúng.

Nhóm có tính dễ dãi, trái lại, nên cứng rắn và đòi hỏi nơi con cái nhiều hơn. Họ phải áp dụng những chiến thuật kỷ luật con cái sao cho có hiệu quả. Cách hay nhất là xây dựng nơi con cái sự tự chủ, biết kiểm soát hành vi và biết đối thoại.

Hai người Cha và Mẹ nên cùng đồng ý về biện pháp kỷ luật, bàn bạc ôn tồn đằng sau cánh cửa đóng kín. Hãy bình tĩnh và biết lắng nghe, đặt trọng tâm về mục tiêu giáo dục; tự hỏi hành vi nào muốn sửa đổi và phải áp dụng kỷ luật thế nào để sửa chữa những tiêu cực đó.

Nếu không đồng ý với nhau, nên dùng chữ “tôi” hơn là dùng chữ “ông/bà” (you) để nói chuyện. Thí dụ: nên nói “Tôi thấy không thể lái xe an toàn khi con cái chí choé với nhau phía sau. Điều này có thể dẫn tới tai nạn và chúng ta phải dùng kỷ luật.” Dĩ nhiên chẳng bao giờ nên nói, “Bà (you) toàn là thả lỏng tụi nhỏ muốn làm gì thì làm, tại sao không phạt thằng Hai làm lộn xộn đằng sau. Bà ngồi đó làm gì?”

Trước khi kỷ luật con cái, hãy cảnh cáo trước, “Nếu con không làm xong homework, con sẽ không được xem TV tối nay.” Nếu đã nói mà con vẫn vi phạm thì chính mình phải áp dụng kỷ luật, không nên đợi người kia, thí dụ đợi chồng về rồi “méc” chồng để phạt con. Người cảnh cáo phải là người áp dụng kỷ luật.

Khi áp dụng kỷ luật, câu hỏi quan trọng là: biện pháp kỷ luật này có giúp con cái làm điều tốt (siêng năng hơn) hay từ bỏ thói xấu (lười làm homework) không?


Không để cho con cái thấy Cha Mẹ mâu thuẫn.

Không phải Cha và Mẹ luôn có được sự đồng thuận khi lựa chọn phương pháp kỷ luật. Đừng nên để sự mâu thuẫn giữa hai người đưa đến sự “buông xuôi” và các em thoát khỏi việc áp dụng kỷ luật. Cũng không nên thả lỏng con cái khi không có mặt của người kia.

Hãy bàn luận kín đáo về việc trừng phạt và quan trọng hơn không nên để con cái nhìn thấy Cha Mẹ mâu thuẫn nhau trong việc kỷ luật chúng. Làm như vậy chẳng khác nào khuyến khích chúng tái phạm.

Không nên tấn công cá nhân mà hãy chỉ nhắm vào thuyết phục quan điểm.

Thí dụ về tấn công cá nhân như sau: “Ông quá độc tài, lúc nào cũng muốn bắt mọi người theo ý mình” hay “Bà chỉ to mồm bênh vực con khiến nó hư hỏng thêm.”

Thí dụ về thuyết phục quan điểm như sau: “Nói dối là lỗi phạm và là điều xấu. Hôm qua Kim đã nói dối với thầy giáo về làm homework. Việc nói dối phải được ngăn chặn.”

Nếu cảm thấy cần thêm thời gian bàn luận thì nên nói với con cái, “John, hôm qua con đã chơi game nhiều hơn số giờ được quy định, điều này không đúng, Cha Mẹ sẽ bàn bạc biện pháp kỷ luật và nói chuyện với con sau bữa ăn tối.”


Nuôi dạy con cái là điều khó khăn và căng thẳng. Cả hai nên làm việc như một nhóm (team-work) để đạt mục tiêu chung. Hãy ủng hộ và khuyến khích nhau để cùng đạt được mục đích chung là nuôi dạy một đứa con thành đạt và hạnh phúc.

No comments: