Monday, 23 March 2009

119 G20 và Những Trường Trung Học Tư Nổi Tiếng Hoa Kỳ





Khối các quốc gia sử dụng tiếng Anh đã thiết lập một nhóm trường trung học tư thục có nền giáo dục ưu việt nhất gọi là nhóm G20 vào năm 2006. Những quốc gia sáng lập viên gồm Úc, Anh, Thụy sĩ, Hồng kông, Jordan, Thổ nhĩ kỳ và Mỹ. Một số quốc gia khác như Ấn độ, Peru và Singapore sau đó cũng tham dự và mỗi nước có một trường hội đủ tiêu chuẩn gắt gao của G20 để trở thành hội viên (G20 nay là G23.)

Nổi bật nhất trong nhóm G20 là Hoa kỳ với 6 trường trung học, Anh có 5 và Úc có 4. Những nước còn lại chỉ có 1 hay 2 trường đại diện cho quốc họ. Sáu trường đại diện nước Mỹ là: Harvard-Westlake, Phillips Andover Academy, Buckingham Browne & Nichols, Deerfield Academy, Lawrenceville và Hotchkiss.

1. Harvard-Westlake (Los Angeles, California)

Trường có tổng cộng 1,600 học sinh xuất thân từ những gia đình giầu có và thế lực của California. Đa số là con em của các tài tử, nhà làm phim hay tài phiệt Holywood. Con trai của Tổng thống Ronald Reagan là Ron Reagan cũng xuất thân từ Harvard-Westlake. Học phí năm học 2008 – 2009 là $26,250 + $3,000 chi phí linh tinh. Trường không có nội trú (day school.)

Trường có hai cơ sở, lớp 7 – 9 ở Holmby Hills và lớp 10 – 12 ở Studio City, gần North Holywood. Trường nổi tiếng là khó vào và chương trình học khó. Học sinh của trường có tỷ lệ được nhận vào các đại học nổi tiếng khá cao. Tỷ lệ học sinh/giáo viên là 8/1, tỷ lệ này càng nhỏ thì học sinh càng được săn sóc kỹ càng hơn. Một lớp học thường có 16 học sinh và SAT trung bình là 2110 so sánh với SAT trung bình trên toàn quốc Hoa kỳ năm 2007 là 1511. Văn bằng của giáo viên: 12% Tiến sĩ, 56% Cao học. Học sinh của trường lấy nhiều lớp AP và đạt kết quả thuộc nhóm dẫn đầu Hoa kỳ theo báo cáo của College Board. California có nhiều trung học tư thục đắt tiền hơn Harvard-Westlake như Cate (Ventura) và Webb (Los Angeles.)

Cựu học sinh nổi tiếng gồm Thống đốc California Gray Davis và nhiều tài tử (Candice Bergen, Shirley Temple … ), nhà sản xuất phim (Steven Bing), CEO, phi hành gia và đại sứ.

2. Phillips Academy Andover (Andover, Massachusetts)

Massachusetts là cái nôi của nền giáo dục Hoa kỳ với nhiều Đại học và Trung học nổi tiếng. Hai cha con Tổng thống Bush đều đã theo học Phillips Academy Andover. Đây là một trong 5 trường nội trú lâu đời nhất nhất nước Mỹ, trường đã được thành lập năm 1778.

Hiện nay trường có 1,105 học sinh bao gồm 806 em nội trú. Quỹ hiến tặng do cựu học sinh đóng góp là $777.7 triệu, đứng hạng 4 các trường trung học Mỹ. Quỹ hiến tặng càng giầu có, ngân sách cho các học bổng và các câu lạc bộ thể thao, văn nghệ, âm nhạc … càng phong phú. Tỷ lệ tuyển sinh của trường là 16%. Trường có phòng triển lãm tranh tầm cỡ thế giới.

Học sinh của Andover đến từ 50 tiểu bang và 39 quốc gia khác nhau (năm học 2008 – 2009.) Tỷ lệ học sinh/giáo viên là 5/1, trong đó 72% giáo viên có văn bằng Cao học hoặc Tiến sĩ. Trung bình một lớp học có 13 học sinh và SAT trung bình là 2076. Vào sân trường, người ta có thể gặp một công chúa Âu châu hay một hoàng tử con vua dầu hoả Trung đông. Trong 330 học sinh tốt nghiệp năm 2008 thì 36% vào được các đại học hàng đầu của Mỹ.

Trường đã đào tạo những nhân vật lừng lẫy cho nước Mỹ, từ Tổng thống cho tới Giải Nobel Kinh tế, từ tài tử điện ảnh, nhà báo Pulitzer tới phi hành gia, thượng nghị sĩ, thống đốc.

Học phí hiện nay là $39,100/năm cho học sinh nội trú (boarding school.)

3. Buckingham Browne and Nichols (Cambridge, Massachusetts)

Burkingham Browne and Nichols (BB & N) là một trong những trường trung học tư thục không nội trú (day school) tốt nhất Massachusetts. Trường có từ lớp Mẫu giáo tới lớp 12. Học phí 2008 – 2009 thay đổi tùy lớp (Mẫu giáo: $24,000 và lớp 9 – 12: $33,330.) Trong lịch sử hơn 100 năm trường đã đào tạo được những Presidential Scholars và Rhodes Scholars.

Cựu học sinh của trường gồm nhiều nhân vật thành đạt như Thống đốc tiểu bang, dân biểu, viện trưởng đại học, đại sứ, CEO, nhà báo đoạt giải Pulitzer, nghệ sĩ, vận động viên …

4. Deerfield Academy (Deerfield, Massachusetts)

Trường hiện có 600 học sinh. Tỷ lệ học sinh/giáo viên là 5.1/1. Mỗi lớp học trung bình có 12 học sinh nên thầy cô giúp học sinh rất chu đáo. SAT trung bình là 2040.

Học phí 2008 – 2009 cho học sinh nội trú (520 em) là $37,756 và cho học sinh không nội trú (60 em) là $27,642. Quỹ hiến tặng (endowment) của trường là $415 triệu. Tuyển sinh vào trường này khá gắt gao, số lượng học sinh được nhận vào chỉ là 16%.

Vì thành lập đã lâu năm nên trường có nhiều cựu học sinh nổi tiếng bao gồm Thống đốc, Bộ trưởng, Viện trưởng đại học, Huy chương vàng Olympic, Giải thưởng Nobel …

5. Hotchkiss School (Lakeville, Connecticut)

Hotchkiss được thành lập năm 1891 và là trường nội trú bao gồm lớp 9 –12. Trường có 587 học sinh đến từ 39 tiểu bang nước Mỹ và 31 quốc gia khác. Tỷ lệ tuyển sinh 21%, nghĩa là cứ 100 em nộp đơn thì 21 em được nhận vào. Tỷ lệ học sinh/giáo viên là 5.1/1. Trong số đó 66% thầy cô có văn bằng Cao học hay Tiến sĩ. Điểm SAT trung bình là 2013. Quỹ hiến tặng $513 triệu và đã dành ra $6.5 triệu cung cấp học bổng cho 36% học sinh. Trường có một thính phòng 700 chỗ ngồi được trang bị Fazioli piano và nổi tiếng về các chương trình âm nhạc.

Cựu học sinh của trường bao gồm nhiều nhân vật thành đạt như hai nhà sáng lập Tạp chí Time Henry Luce và Briton Hadden, nhà đại tư bản xe hơi Henry Ford, Thống đốc New Jersy Charles Edison, nhà sáng lập ra Morgan Stanley là Harold Stanley, Chánh án Toà án Tối cao Potter Stewart, Giám đốc CIA Porter Goss. Giải thưởng Nobel Y học Dickinson Richards và những nhà đoạt giải Pulitzer khác.

6. Lawrenceville School (Lawrenceville, New Jersey)

Được thành lập năm 1810 và là trường nội trú gồm lớp 9 – 12. Trường có 804 học sinh gồm 549 học sinh nội trú đến từ 37 tiểu bang của Mỹ và 29 quốc gia khác. Tỷ lệ học sinh/giáo viên là 6/1. Điểm SAT trung bình là 2000. Quỹ hiến tặng là $229 triệu. Tỷ lệ tuyển sinh 21%. Trường có cả một sân golf 9 lỗ phục vụ cho học sinh.

Lawrenceville cùng với Phillips Academy Exeter và Phillips Academy Andover đã hợp tác với Yale, Harvard và Princeton để sáng lập ra chương trình AP (lấy chứng chỉ đại học ở trung học) đầu thập niên 1950. Các học sinh giỏi ngày nay thường lấy lớp AP ở trung học.

Cựu học sinh nổi tiếng bao gồm Tổng thống Honduras Ricardo Maduro, Thượng nghị sĩ liên bang David Baird, các Thống đốc Oklahoma (Dewey Barlett), New Jersey (Rodman Price) và Connecticut (Lowell Weicker), CEO công ty Mobil (Raleigh Warner) và CEO Walt Disney (Michael Eisner), các Viện trưởng Đại học: Võ bị West Point (Hugh Scott), Priceton (Robert Goheen), Wesleyan (Edwin Etherington), Nobel Kinh tế (George Akerlof), nhà sáng lập viện thăm dò Gallup (George Gallup) và nhà phát hành tạp chí Forbes (Malcolm Forbes.)

Ngoài 6 trường nêu trên, Hoa kỳ còn rất nhiều trường trung học tư thục nổi tiếng đã đào tạo không biết bao nhiêu nhân tài cho nước Mỹ nhưng chưa muốn gia nhập G20. Học sinh trong cộng đồng Việt nam nên nộp đơn xin vào khoá hè (summer schools) của các trường này trước khi nộp đơn theo khoá học thường xuyên. Ngoài phẩm chất giảng dạy tuyệt vời, các trường còn có những câu lạc bộ (clubs) thể thao, âm nhạc, báo chí … nổi tiếng. Đừng lo ngại về tiền bạc, các trường tư này thường cho học bổng rất hậu hĩnh (kể cả phí tổn chuyến bay) cho con em gia đình lợi tức thấp. Với những em có đầu óc khám phá, không sợ xa nhà và muốn tìm tòi thế giới mới thì đây là cơ hội tuyệt vời không nên bỏ lỡ.

No comments: