Thursday, 7 May 2009

126 Giải Nobel Khoa Học và Những Tranh Chấp





Giải thưởng Nobel bắt đầu được trao tặng vào năm 1901; từ đó đến nay nhiều tranh cãi đã bộc phát – nhất là những giải về Văn chương và Hoà bình. Tuy vậy, giải Nobel về Khoa học cũng có những mâu thuẫn không thể giải quyết ngay từ khi phát sinh giải thưởng; có khi do lỗi của những cá nhân được đề cử nhưng cũng có khi do lỗi của Ủy ban trao tặng giải thưởng Nobel.

Thomas Edison và Nikola Tesla

Vào năm 1915 Thomas Edison và Nikola Tesla đều được coi như những ứng viên có nhiều triển vọng, cả hai đều là những nhà khoa học hàng đầu thời bấy giờ nhưng vì nghi kỵ lẫn nhau nên không ai được giải thưởng Nobel – cho dù những cống hiến lớn lao của họ cho khoa học và nhân loại.

Đã có những bằng chứng cho thấy Thomas Edison và Nikola Tesla đều tìm cách giảm thiểu uy tín và thành tựu khoa học của nhau. Họ bắn tiếng rằng: nếu người kia được giải Nobel trước thì họ sẽ không lãnh giải. Đi xa hơn, cả hai cùng lên tiếng (khi chưa được trao tặng) rằng: họ sẽ không chấp thuận cùng chung nhau lãnh giải.

Nikola Tesla là kỹ sư điện người gốc Serbia. Ông được mô tả như một khoa học gia quan trọng nhất của thời cận đại và là người “đã thắp sáng bộ mặt trái đất.” Tesla cống hiến những hiểu biết và thực hành quan trọng nhất về điện và từ trường vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Nhiều nhà khoa học đã xem ông như “Người sáng tạo ra thế kỷ 20” và “Vị thánh bảo trợ điện lực hiện đại.”

Nikola Tesla đến định cư tại Hoa kỳ và làm việc trong phòng nghiên cứu của Thomas Edison ở New Jersy. Trong khi Edison lo phát triển dòng điện một chiều (DC) thì Tesla để tâm nghiên cứu thêm dòng điện xoay chiều (AC) vì Tesla tin rằng trong tương lai dòng điện xoay chiều sẽ có hiệu năng lớn lao hơn, dễ dàng truyền tải xa hơn. Chính vì vậy những xung đột giữa hai tài năng hàng đầu của nhân loại bắt đầu nảy sinh do cạnh tranh quỹ tài trợ nghiên cứu của chính phủ cũng như của những công ty tư nhân.

Năm 1915 tờ New York Times thông báo rằng Tesla và Edison chia nhau giải Nobel về Vật Lý. Chưa biết thực hư thế nào nhưng Edison lên tiếng từ chối trước. Edison cho rằng nhận giải thưởng Nobel chung chỉ khiến cho Tesla được tăng thêm danh giá, nhất là khi Tesla được đứng chung trên bục nhận giải thưởng với ông.

Vào thời gian này (1915) Tesla đang ngập đầu trong nợ nần với những thiếu thốn và khó khăn nên khoản tiền giải thưởng Nobel rất cần thiết với ông. Hành động của Edison là một hình thức “cấm vận” đối với Tesla đã bị nhiều nhà khoa học đương thời chê bai và chế diễu.

Nikola Tesla cũng không vừa. Khi Madison qua đời, mọi người đều chia buồn trên New York Times thì chỉ Tesla lạnh lùng phê phán, “Tôi là nhân chứng đáng thương của những gì ông ta (Edison) đã làm, tôi biết rằng, chỉ cần một ít lý thuyết và tính toán có thể đã để dành được 90% công sức. Nhưng ông ta thực sự thiếu lòng kính trọng hiểu biết lý thuyết và kiến thức toán học, chỉ hoàn toàn tin vào bản năng phát minh … ” Tesla cho đăng tải những nhận định tiêu cực trên vào ngay trang chia buồn ngày Madison qua đời đủ để thấy sự rạn nứt giữa hai người trầm trọng như thế nào.

Và như chúng ta đã biết, Edison cũng là một nhà phát minh vĩ đại, chỉ đến trường học được ít tháng còn thì ở nhà để Mẹ dạy nên thiếu hẳn nền tảng lý thuyết. Vào những ngày cuối đời, Edison đã thú nhận sai lầm lớn nhất trong đời ông là đã không dám bỏ dòng điện một chiều (DC) để nghiên cứu dòng điện xoay chiều (AC.) Và thật ra người có công thắp sáng bộ mặt trái đất nhiều hơn chính là Nikola Tesla.

Dimitri Mendeleev và Arrehenius

Dimitri Mendeleev là người có công sắp xếp lại các nguyên tố Hoá học trong bảng Phân loại tuần hoàn mà học sinh nào cũng đã từng biết qua. Ông cũng không được trao tặng giải Nobel mà đáng lẽ phải nhận được vinh dự đó.

Bảng Phân loại Tuần hoàn các nguyên tố Hoá học hình thành năm 1869 và được nhiều nhà khoa học khác đóng góp thêm cho hoàn hảo hơn. Trong đầu thế kỷ 20 Mendeleev là một trong những nhà Hoá học vĩ đại và việc trao giải thưởng cho ông là xứng đáng. Tên của Mendeleev đã được Ủy ban Hoá học đệ trình lên Hàn lâm viện Khoa học Hoàng gia Thụy điển nhưng bị gửi trả về và được yêu cầu biểu quyết lại.

Sau này người ta khám phá ra rằng trong ủy ban biểu quyết giải thưởng Nobel Hoá học có một ủy viên không đồng ý với đóng góp tích cực của Mendeleev đã nêu ra lý do “… (Bảng Phân loại tuần hoàn) đã được công nhận rộng rãi như là một phần căn bản của kiến thức khoa học …” nghĩa là những đóng góp của Mendeleev hơn 30 năm trước đã xưa cũ và không còn mới mẻ. Hơn nữa, ủy viên này còn cho rằng Mendeleev phát triển công trình dựa vào nghiên cứu của nhà Hoá học Ý tên Stalisnao Cannizzaro. Nếu trao giải cho Mendeleev mà không trao cho Cannizzaro thì thật thiếu công bằng!!!

Dưới sự hướng dẫn và giải thích sai lạc đó, 9 Ủy viên của Ủy ban Hoá học đã biểu quyết lại để chọn lựa một trong hai ứng viên là Mendeleev và Henri Mossain. Kết quả là Mendeleev đã thua khít khao với chỉ một phiếu, tỷ số 5/4 nghiêng về Mossain, một nhà Hoá học Vô cơ (Inorganic Chemist) trẻ hơn Mendeleev 25 tuổi.

Ủy viên Hoá học nhiều quyền năng đề cập trên là Svante Arrehenius, người được giải Nobel 1903 về công trình nghiên cứu sự điện ly (electrolytic dissociation.)

Vì cùng quốc tịch Thụy điển với người sáng lập giải Nobel là Alfred Nobel, Arrehenius có chân ngay từ ngày đầu trong việc tuyển chọn ứng viên cho giải. Ông là thành viên của Ủy ban Vật lý và là thành viên (không chính thức) của Ủy ban Hoá học. Các Ủy ban có nhiệm vụ chọn lựa ứng viên và đề nghị lên Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy điển là nơi ra quyết định cuối cùng có trao giải Nobel hay không. Lạ lùng thay, Arrehenius lại còn có cả chân trong Viện Hàn lâm đầy quyền năng này. Với tư cách đó, ông đã dùng giải Nobel để tưởng thưởng cho những người bạn của ông như Jacobus Van’t Hoff, Wilhlm Ostwarl, Theodore Richards … và từ chối trao tặng giải thưởng cho những ai không được ông ưa thích như Paul Ehrlich, Walther Nernst … trong suốt gần 30 năm làm việc trong Viện Hàn lâm Khoa học.

Trong nhiều thập niên, Arrehenius và Mendelev cùng nghiên cứu về lãnh vực điện ly và đã có lời qua tiếng lại giữa hai bên. Nhiều người tin rằng Arrehenius đã lợi dụng cơ hội để trả thù Mendeleev. Điều đó có nghĩa là tranh cãi khoa học đã biến thành tranh chấp cá nhân và Mendeleev đã phải trả giá bằng cả … một giải Nobel.

Trong một hành động thừa nhận sai lầm hiếm có, vào năm 1950, Ban Tổ chức Giải thưởng Nobel đã nhận lỗi về việc từ chối không trao giải thưởng Nobel Hoá học cho Mendeleev và công nhận Bảng Phân loại tuần hoàn đã đóng góp những tiến bộ quan trọng nhất cho Hoá học lý thuyết thế kỷ 19.

Tuy nhiên những cống hiến của Mendeleev không rơi vào quên lãng. Năm 1955, nhóm nghiên cứu của đại học UC Berkeley tiểu bang California đã tổng hợp thành công nguyên tố thứ 101 và họ đặt tên nguyên tố đó là Mendelevium mang tên ông để vinh danh những cống hiến của ông cho khoa học. Vinh dự này có lẽ còn cao quý hơn cả giải thưởng Nobel.

Giải thưởng Nobel đóng góp nhiều điều xây dựng và tích cực nhưng đồng thời nó cũng kích thích sự cạnh tranh tiêu cực trong Khoa học. Tuy nhiên những đóng góp của những vĩ nhân này cao quí đến nỗi những lời nói và hành vi xúc phạm riêng tư rồi cũng được tha thứ và chìm dần vào quên lãng.

No comments: