
Thành công của học sinh bắt đầu từ gia đình
Chính gia đình chứ không phải học đường đã giúp các em thành công trong học tập. Kỳ vọng của Cha Mẹ đóng góp phần lớn vào thành công của con cái ở lớp học. Những nghiên cứu mới đây tại đại học Columbia cho thấy học sinh trường tư thành công hơn học sinh trường công chính vì phụ huynh của các em học sinh trường tư lưu tâm tới giáo dục con em hơn chứ không phải vì trường tư tốt hơn trường công.
Giáo dục kỷ luật cho con em là chìa khóa đầu tiên của sự thành công. Ngay khi các em biết nói giờ trên đồng hồ phụ huynh nên yêu cầu các em tự vặn đồng hồ báo thức để xếp đặt giờ giấc cho mình. Và như vậy đã gián tiếp yêu cầu các em phải tự đánh thức mình đi học mỗi sáng và phải tuân theo những sắp xếp do chính mình đặt ra.
Dành thời giờ cho con cái cũng quan trọng. Mặc dù các chuyên gia về giáo dục chưa xác định được số lượng thời gian lý tưởng mà Cha Mẹ nên dành cho con cái nhưng họ đã xác định rõ ràng rằng: Phụ huynh nên dành thời gian ngoài giờ làm việc chủ yếu cho con cái. Thời giờ Cha Mẹ gần gũi các em giúp ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển nhân cách của con cái trong bất cứ lứa tuổi nào. Chúng học tập được những kiến thức căn bản của cuộc sống.
Nếu quan tâm hơn, có nhiều hoạt động không mất thời giờ mà các em vẫn học được nhiều thứ. Một bà Mẹ dâng tặng hội từ thiện một món tiền, bà đã nhờ con bỏ check vào phong bì, dán tem (stamp) và bỏ vào hộp thư. Bà tin rằng, con bà được dạy dỗ phương cách biết nghĩ tới người khác qua những việc làm nhỏ nhoi như thế.
Đối với các em dưới tuổi Mẫu giáo, những hành động đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày tạo ra sự tò mò và kích thích trí tưởng tượng. Đếm quần áo trước khi đi giặt ủi giúp phát triển khả năng tính toán và phân loại. Tờ báo mà phụ huynh đọc cũng giúp phát triển thêm một ngữ vựng mới. Đi bộ ra một khu công viên dưới một cầu vồng sau trời mưa cũng đưa tới một thắc mắc khoa học … Có rất nhiều dịp trong đời sống hằng ngày có thể biến thành một cơ hội học tập vui thú!
Nuôi dưỡng sự thông minh
Thông minh do bẩm sinh hay do kết quả của môi trường giáo dục? Câu hỏi đã và vẫn còn gây nhiều tranh cãi nóng bỏng giữa nhiều nhà tâm lý học và giáo dục học.
Giáo sư Jonathan Plucker chuyên giảng dạy về học tập, nhận thức và cũng là một chuyên viên nghiên cứu về những trẻ em tài năng tại Đại học Sư phạm Indiana cho rằng, “Đó là sự kết hợp của cả hai yếu tố (bẩm sinh và môi trường) cùng tác dụng hỗ tương, mặc dù rằng có một phần của thông minh và khả năng thành công là do yếu tố di truyền, phương thức Cha Mẹ nuôi dạy con cái vẫn có một ảnh hưởng rất lớn.”
Ông đưa ra lời khuyên như sau, “Sự thành đạt, giỏi giang của Cha Mẹ là điều không quan trọng lắm … Điều tốt nhất có thể làm là giúp con em trở nên người giải quyết tốt vấn đề và có nhân cách.” Như vậy Plucker đã gia tăng giá trị ảnh hưởng và nhấn mạnh lên giá trị của gia đình trên sự hình thành và phát triển của một đứa trẻ.
Giáo sư Anne Dopkins Stright cũng của đại học sư phạm Indiana cho biết như sau, “Ngay khi con còn bé, một bà Mẹ tốt đã cố gắng đáp ứng lại nhu cầu của con khi chúng ọ oẹ, kêu khóc, hay thì thầm những câu nói chưa thành lời; lúc đó đứa trẻ cảm nhận trong tâm trí rằng kêu khóc hay thủ thỉ với Mẹ sẽ mang lại kết quả. Các em nghĩ rằng mình là người ảnh hưởng tới người khác và họ phải tuân theo mình …”
Phương thức Cha Mẹ cư xử với con cái tiên đoán sự thành công của chúng tại trường tiểu học, những em có phụ huynh đáp ứng kịp thời (đòi hỏi của con cái) thường nghĩ rằng giáo viên sẽ đáp ứng lại đòi hỏi của mình và do vậy không sợ hãi khi đặt ra câu hỏi lúc cần được giúp đỡ.
Chính nhà khoa học lỗi lạc Einstein đã ca ngợi sự tò mò và trí tưởng tượng thể hiện qua việc đặt ra những câu hỏi. Không có thắc mắc, không có câu hỏi tất nhiên sẽ không có câu trả lời. Albert Einstein cho rằng, "Điều quan trọng là không ngừng thắc mắc. Sự tò mò có lý do để tồn tại." Chính từ những quan niệm căn bản này các nhà giáo dục đã khuyến khích phụ huynh và học đường giúp các em đặt ra những câu hỏi hơn là giúp trả lời những câu hỏi đó.
Như vậy thông minh không chỉ bao hàm ý nghĩa giải quyết vấn đề tại trường học một cách nhanh chóng mà còn phải biết cách nêu ra câu hỏi, đặt ra vấn đề và tìm cách giải quyết chúng.
Kích thích suy nghĩ
Khi các em lớn hơn lên, phụ huynh không chỉ chờ đợi các em nêu ra những câu hỏi như lúc còn bé mà còn phải tích cực khơi mào sự suy nghĩ của chúng. Nếu không duy trì được sự kích thích suy nghĩ thì khi vào tới trung học sức học các em sẽ suy giảm và không tích cực tham gia học hành. Để tránh sự buồn chán tẻ nhạt này, người lớn nên tạo ra một môi trường kích thích suy nghĩ.
Một gia đình đi thăm Viện Bảo tàng và nếu chỉ đi đi lại lại ngắm nghía, “cưỡi ngựa xem hoa”, sẽ không mang lại lợi ích thiết thực. Phụ huynh nên khuyến khích các em nói ra suy nghĩ về những gì chúng nhìn ngắm. Sự thụ động không mang lại lợi ích giúp các em phát triển.
Khi đi thăm viếng một thắng cảnh, hãy liên kết những biến cố, lịch sử và ghi nhận những phê phán của các em. Nếu ghé vào một khu vực di tích lịch sử, hãy đọc về nó trước và thảo luận khi xem chúng.
Đọc sách cho các em nghe là công cụ tốt giúp tiên đoán khả năng học hành của con em. Việc đọc sách chứng tỏ cho các em thấy phụ huynh thực sự quan tâm đến giá trị học tập. Tuy nhiên việc dạy con em đọc sách lúc còn nhỏ không đủ giúp cho các em thành đạt tại trường học. Chúng phải hiểu những gì mình đang nghe – nghĩa là đòi hỏi người lớn theo dõi con em trong lúc đọc, đặt câu hỏi, phê phán, kích thích các em tham dự tích cực vào tiến trình học tập.
Nói tóm lại, việc phụ huynh can dự vào giáo dục con em có một kết quả tích cực không thể chối cãi. Trong mọi sinh hoạt của gia đình hay xã hội, các em nếu được dạy dỗ phương cách đóng góp công sức và say mê học hỏi sẽ trở thành những thành viên tốt của cộng đồng.
No comments:
Post a Comment