Wednesday, 27 May 2009

Những Điều Phụ Huynh Cần Lưu Ý về Prom




Prom là buổi khiêu vũ ra trường long trọng của các học sinh năm cuối bậc trung học. Vào tháng Tư và tháng Năm, bất cứ gia đình nào có con em học lớp 12 cũng thấy các em hăm hở bàn tán về sự kiện đáng nhớ và đầy kỷ niệm này. Đối với một số em thì đây là dịp vui chơi thoải mái mà các em đã trông đợi trong nhiều tháng.

Tuy nhiên, trong quá khứ, đã có nhiều rủi ro xảy đến ngược với mong đợi. Một số em say rượu lái xe bị phạt, đôi khi gây tai nạn xe cộ chết người, một số khác dùng ma túy và có trường hợp nữ sinh mang thai hoặc bị bệnh đường sinh dục trong dịp này.

Prom thật sự quan trọng đối với các em. Phụ huynh nên tham gia giúp ý kiến, ủng hộ tinh thần cũng như vật chất. Quan trọng hơn: dạy dỗ các em biết tự bảo vệ chính mình được an toàn.

Diễn tiến trong ngày Prom

Các em có thể tụ tập tại nhà bạn bè để chụp hình và chuẩn bị limousine tới trường tham dự buổi khiêu vũ chính thức (Prom.) Trong khi chờ đợi các em có thể dùng một ít hoa quả, bánh kẹo, nước ngọt … song song với việc nghe nhạc hoặc xem phim. Mỗi em thường sẽ rủ một em khác phái (gọi là “date”) đi cùng, có thể họ là “bồ bịch” mà cũng có thể chỉ ghép đôi đi cho vui. Một số em khác chỉ đi một mình, không ít em (thuộc các tôn giáo nghiêm khắc) thường ở nhà không tham dự. Nhiều tạp chí dành cho “Prom” đã đề nghị một số bánh kẹo nhai để giữ cho “hơi thở thơm tho!!!”

Buổi khiêu vũ thường được tổ chức trong trường học và có bán vé. Trong dịp này các em khiêu vũ, trò chuyện, đôi khi bầu “Vua và Hoàng hậu” của buổi lễ.

Sau buổi khiêu vũ chính thức (Prom) các em ra về để đến một nơi khác như nhà hàng, nhà bạn bè … để vui chơi thoải mái. Đây là lúc Cha Mẹ cần quan tâm nhất. Một số em dùng thời gian này để uống rượu, chơi ma túy và có những hoạt động tình dục. Những hành vi này thường bị phụ huynh ngăn cấm nhưng đáng ngại thay đã trở nên hơi phổ biến.

Hoạch định trước

Tham dự vào việc chuẩn bị

Nếu có thể phụ huynh hãy tham dự vào việc chuẩn bị mua hoa hay thuê quần áo. Đây cũng là lúc thuận tiện để hỏi về người bạn khác phái (date) của con cái. Đồng thời cũng nên biết: có hay không có một bữa tiệc sau buổi khiêu vũ (post-prom party) và ai đưa đón từ trường học tới nơi đó. Trong khi các em vui vẻ chuẩn bị, nên thảo luận cởi mở về chương trình sau buổi prom.

Một tuần trước khi prom, hãy nói chuyện với con cái về biện pháp an toàn

Phụ huynh nên giải thích cho con cái rằng những biện pháp an ninh là cần thiết và trong quá khứ đã xảy ra nhiều điều đáng tiếc. Ngoài ra người lớn cũng nên được biết chi tiết từng hoạt động của con em trong buổi tối hôm đó. Giờ giấc bắt đầu tới nhà bạn, tới trường và những nơi lui tới sau buổi khiêu vũ. Cuộc thảo luận đó giúp con cái có chương trình đúng giờ và giúp Cha Mẹ dễ kiểm soát hơn.

Thảo luận về những hướng dẫn và giới hạn

Đưa ra một số luật lệ cho các em. Có những quy tắc đúng với các em trai nhưng không thích hợp cho các em gái. Nếu một em thường tỏ ra có trách nhiệm và đáng tin cậy thì sẽ đàng hoàng hơn trong dịp này.

Nói về nguy hiểm của rượu và ma túy

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Xa lộ Quốc gia năm 2001 trong 2,950 trường hợp tử vong do đụng xe dưới ảnh hưởng của rượu bia thì 1012 trường hợp chết vào mùa Prom và Tốt nghiệp Trung học (tháng Tư, tháng Năm, tháng Sáu.) Cũng theo báo cáo đó, trong năm 2005 cũng đã có 676 học sinh dưới 21 tuổi chết do cùng nguyên nhân – nghĩa là vào mùa này số học sinh tử vong gia tăng hơn 30%.

Không nên giả định rằng con cái đã biết rõ về sự nguy hiểm của rượu và ma túy. Hãy nói rõ cho chúng biết về sự nguy hiểm của 2 loại này và cho các em biết uống rượu khi chưa tới tuổi và mang ma túy trong người là vi phạm pháp luật. Đã có những tiểu bang quy định rằng: Cha Mẹ nào cho phép các em dưới 21 tuổi uống rượu trong nhà mình sẽ bị phạt $2,500.

Lái xe an toàn

Nếu thuê limousine, nên tìm hiểu xe có được dùng sau buổi khiêu vũ không? Hãy có tên một em không dùng rượu trong danh sách dự phòng nếu các em tự lái xe.

Biện pháp an toàn

Người nhà chở các em từ nơi này tới nơi kia là an toàn hơn cả. Tuy nhiên, một số em không thích những biện pháp chặt chẽ như thế mà muốn tự do thoải mái hơn. Tóm lại phụ huynh nên đưa ra một số chỉ dẫn rõ ràng như sau:

1. Tuyệt đối không bước vào xe một học sinh đã dùng rượu hay ma túy

Cần giải thích cho các em biết sự nguy hiểm của việc dùng ma túy hay rượu khi lái xe, ngay cả khi một người bạn nào đó nài nỉ. Điều này phải được lặp đi lặp lại

2. Áp lực bạn bè

Nhiều em coi Prom như là một đêm “vui chơi không biên giới”; sự nhận thức này dẫn đến những hành vi nguy hiểm. Hãy nhắc nhở các em biết nói lời từ chối với bạn bè khi biết việc đang làm là sai lầm. Hãy biết tránh né, đừng tỏ ra “chịu chơi.”

Khi được mời dùng thử ma túy hay rượu phụ huynh hãy dạy các em cương quyết nói những câu như sau (để nguyên văn tiếng Anh.)

- "No thanks"

- "Are you kidding? I want to remember this night!"

- "Actually, I'd rather have a soda. Do you have one?"

3. Phải biết địa chỉ những nơi con cái lui tới

Nên thu thập địa chỉ và số điện thoại những nơi các em định đến. Phụ huynh có thể gọi tới gia đình đó để đề nghị giúp một tay. Nên chắc chắn rằng có người lớn hiện diện và không có rượu bia hay ma túy. Lộ trình di chuyển, giờ giấc, địa điểm phải được phụ huynh biết trước.

4. Nhắc con cái gọi về thông báo nếu có gì thay đổi trong chương trình. Nên gợi ý một số giờ giấc con cái phải gọi về.

5. Nếu các em muốn ngủ lại nhà người bạn, hãy liên lạc với Cha Mẹ của người đó để xác định cho rõ ràng.

6. Nếu không bận bịu, hãy nói với các em rằng, “Trong bất cứ lúc nào, bất cứ tình huống nào, nếu có gì trục trặc hãy gọi điện thoại để Ba Mẹ đón con về nhà.”

Mùa Prom và Ra trường đã gần kề, đây là dịp vui cho các em cũng như gia đình, nhưng tiếc thay, một số em đã dùng rượu mà vẫn lái xe khiến gây ra những điều đáng tiếc, trong đó tỷ lệ những em nữ uống rượu ngang ngửa với các em nam. Phụ huynh nên thường xuyên nhắc nhở con em mình vào những dịp lễ như hiện nay.

Friday, 15 May 2009

127 Tầm Quan Trọng của Gia Đình với Giáo Dục




Thành công của học sinh bắt đầu từ gia đình

Chính gia đình chứ không phải học đường đã giúp các em thành công trong học tập. Kỳ vọng của Cha Mẹ đóng góp phần lớn vào thành công của con cái ở lớp học. Những nghiên cứu mới đây tại đại học Columbia cho thấy học sinh trường tư thành công hơn học sinh trường công chính vì phụ huynh của các em học sinh trường tư lưu tâm tới giáo dục con em hơn chứ không phải vì trường tư tốt hơn trường công.

Giáo dục kỷ luật cho con em là chìa khóa đầu tiên của sự thành công. Ngay khi các em biết nói giờ trên đồng hồ phụ huynh nên yêu cầu các em tự vặn đồng hồ báo thức để xếp đặt giờ giấc cho mình. Và như vậy đã gián tiếp yêu cầu các em phải tự đánh thức mình đi học mỗi sáng và phải tuân theo những sắp xếp do chính mình đặt ra.

Dành thời giờ cho con cái cũng quan trọng. Mặc dù các chuyên gia về giáo dục chưa xác định được số lượng thời gian lý tưởng mà Cha Mẹ nên dành cho con cái nhưng họ đã xác định rõ ràng rằng: Phụ huynh nên dành thời gian ngoài giờ làm việc chủ yếu cho con cái. Thời giờ Cha Mẹ gần gũi các em giúp ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển nhân cách của con cái trong bất cứ lứa tuổi nào. Chúng học tập được những kiến thức căn bản của cuộc sống.

Nếu quan tâm hơn, có nhiều hoạt động không mất thời giờ mà các em vẫn học được nhiều thứ. Một bà Mẹ dâng tặng hội từ thiện một món tiền, bà đã nhờ con bỏ check vào phong bì, dán tem (stamp) và bỏ vào hộp thư. Bà tin rằng, con bà được dạy dỗ phương cách biết nghĩ tới người khác qua những việc làm nhỏ nhoi như thế.

Đối với các em dưới tuổi Mẫu giáo, những hành động đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày tạo ra sự tò mò và kích thích trí tưởng tượng. Đếm quần áo trước khi đi giặt ủi giúp phát triển khả năng tính toán và phân loại. Tờ báo mà phụ huynh đọc cũng giúp phát triển thêm một ngữ vựng mới. Đi bộ ra một khu công viên dưới một cầu vồng sau trời mưa cũng đưa tới một thắc mắc khoa học … Có rất nhiều dịp trong đời sống hằng ngày có thể biến thành một cơ hội học tập vui thú!

Nuôi dưỡng sự thông minh

Thông minh do bẩm sinh hay do kết quả của môi trường giáo dục? Câu hỏi đã và vẫn còn gây nhiều tranh cãi nóng bỏng giữa nhiều nhà tâm lý học và giáo dục học.

Giáo sư Jonathan Plucker chuyên giảng dạy về học tập, nhận thức và cũng là một chuyên viên nghiên cứu về những trẻ em tài năng tại Đại học Sư phạm Indiana cho rằng, “Đó là sự kết hợp của cả hai yếu tố (bẩm sinh và môi trường) cùng tác dụng hỗ tương, mặc dù rằng có một phần của thông minh và khả năng thành công là do yếu tố di truyền, phương thức Cha Mẹ nuôi dạy con cái vẫn có một ảnh hưởng rất lớn.”

Ông đưa ra lời khuyên như sau, “Sự thành đạt, giỏi giang của Cha Mẹ là điều không quan trọng lắm … Điều tốt nhất có thể làm là giúp con em trở nên người giải quyết tốt vấn đề và có nhân cách.” Như vậy Plucker đã gia tăng giá trị ảnh hưởng và nhấn mạnh lên giá trị của gia đình trên sự hình thành và phát triển của một đứa trẻ.

Giáo sư Anne Dopkins Stright cũng của đại học sư phạm Indiana cho biết như sau, “Ngay khi con còn bé, một bà Mẹ tốt đã cố gắng đáp ứng lại nhu cầu của con khi chúng ọ oẹ, kêu khóc, hay thì thầm những câu nói chưa thành lời; lúc đó đứa trẻ cảm nhận trong tâm trí rằng kêu khóc hay thủ thỉ với Mẹ sẽ mang lại kết quả. Các em nghĩ rằng mình là người ảnh hưởng tới người khác và họ phải tuân theo mình …”

Phương thức Cha Mẹ cư xử với con cái tiên đoán sự thành công của chúng tại trường tiểu học, những em có phụ huynh đáp ứng kịp thời (đòi hỏi của con cái) thường nghĩ rằng giáo viên sẽ đáp ứng lại đòi hỏi của mình và do vậy không sợ hãi khi đặt ra câu hỏi lúc cần được giúp đỡ.

Chính nhà khoa học lỗi lạc Einstein đã ca ngợi sự tò mò và trí tưởng tượng thể hiện qua việc đặt ra những câu hỏi. Không có thắc mắc, không có câu hỏi tất nhiên sẽ không có câu trả lời. Albert Einstein cho rằng, "Điều quan trọng là không ngừng thắc mắc. Sự tò mò có lý do để tồn tại." Chính từ những quan niệm căn bản này các nhà giáo dục đã khuyến khích phụ huynh và học đường giúp các em đặt ra những câu hỏi hơn là giúp trả lời những câu hỏi đó.

Như vậy thông minh không chỉ bao hàm ý nghĩa giải quyết vấn đề tại trường học một cách nhanh chóng mà còn phải biết cách nêu ra câu hỏi, đặt ra vấn đề và tìm cách giải quyết chúng.

Kích thích suy nghĩ

Khi các em lớn hơn lên, phụ huynh không chỉ chờ đợi các em nêu ra những câu hỏi như lúc còn bé mà còn phải tích cực khơi mào sự suy nghĩ của chúng. Nếu không duy trì được sự kích thích suy nghĩ thì khi vào tới trung học sức học các em sẽ suy giảm và không tích cực tham gia học hành. Để tránh sự buồn chán tẻ nhạt này, người lớn nên tạo ra một môi trường kích thích suy nghĩ.

Một gia đình đi thăm Viện Bảo tàng và nếu chỉ đi đi lại lại ngắm nghía, “cưỡi ngựa xem hoa”, sẽ không mang lại lợi ích thiết thực. Phụ huynh nên khuyến khích các em nói ra suy nghĩ về những gì chúng nhìn ngắm. Sự thụ động không mang lại lợi ích giúp các em phát triển.

Khi đi thăm viếng một thắng cảnh, hãy liên kết những biến cố, lịch sử và ghi nhận những phê phán của các em. Nếu ghé vào một khu vực di tích lịch sử, hãy đọc về nó trước và thảo luận khi xem chúng.

Đọc sách cho các em nghe là công cụ tốt giúp tiên đoán khả năng học hành của con em. Việc đọc sách chứng tỏ cho các em thấy phụ huynh thực sự quan tâm đến giá trị học tập. Tuy nhiên việc dạy con em đọc sách lúc còn nhỏ không đủ giúp cho các em thành đạt tại trường học. Chúng phải hiểu những gì mình đang nghe – nghĩa là đòi hỏi người lớn theo dõi con em trong lúc đọc, đặt câu hỏi, phê phán, kích thích các em tham dự tích cực vào tiến trình học tập.

Nói tóm lại, việc phụ huynh can dự vào giáo dục con em có một kết quả tích cực không thể chối cãi. Trong mọi sinh hoạt của gia đình hay xã hội, các em nếu được dạy dỗ phương cách đóng góp công sức và say mê học hỏi sẽ trở thành những thành viên tốt của cộng đồng.

Thursday, 7 May 2009

126 Giải Nobel Khoa Học và Những Tranh Chấp





Giải thưởng Nobel bắt đầu được trao tặng vào năm 1901; từ đó đến nay nhiều tranh cãi đã bộc phát – nhất là những giải về Văn chương và Hoà bình. Tuy vậy, giải Nobel về Khoa học cũng có những mâu thuẫn không thể giải quyết ngay từ khi phát sinh giải thưởng; có khi do lỗi của những cá nhân được đề cử nhưng cũng có khi do lỗi của Ủy ban trao tặng giải thưởng Nobel.

Thomas Edison và Nikola Tesla

Vào năm 1915 Thomas Edison và Nikola Tesla đều được coi như những ứng viên có nhiều triển vọng, cả hai đều là những nhà khoa học hàng đầu thời bấy giờ nhưng vì nghi kỵ lẫn nhau nên không ai được giải thưởng Nobel – cho dù những cống hiến lớn lao của họ cho khoa học và nhân loại.

Đã có những bằng chứng cho thấy Thomas Edison và Nikola Tesla đều tìm cách giảm thiểu uy tín và thành tựu khoa học của nhau. Họ bắn tiếng rằng: nếu người kia được giải Nobel trước thì họ sẽ không lãnh giải. Đi xa hơn, cả hai cùng lên tiếng (khi chưa được trao tặng) rằng: họ sẽ không chấp thuận cùng chung nhau lãnh giải.

Nikola Tesla là kỹ sư điện người gốc Serbia. Ông được mô tả như một khoa học gia quan trọng nhất của thời cận đại và là người “đã thắp sáng bộ mặt trái đất.” Tesla cống hiến những hiểu biết và thực hành quan trọng nhất về điện và từ trường vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Nhiều nhà khoa học đã xem ông như “Người sáng tạo ra thế kỷ 20” và “Vị thánh bảo trợ điện lực hiện đại.”

Nikola Tesla đến định cư tại Hoa kỳ và làm việc trong phòng nghiên cứu của Thomas Edison ở New Jersy. Trong khi Edison lo phát triển dòng điện một chiều (DC) thì Tesla để tâm nghiên cứu thêm dòng điện xoay chiều (AC) vì Tesla tin rằng trong tương lai dòng điện xoay chiều sẽ có hiệu năng lớn lao hơn, dễ dàng truyền tải xa hơn. Chính vì vậy những xung đột giữa hai tài năng hàng đầu của nhân loại bắt đầu nảy sinh do cạnh tranh quỹ tài trợ nghiên cứu của chính phủ cũng như của những công ty tư nhân.

Năm 1915 tờ New York Times thông báo rằng Tesla và Edison chia nhau giải Nobel về Vật Lý. Chưa biết thực hư thế nào nhưng Edison lên tiếng từ chối trước. Edison cho rằng nhận giải thưởng Nobel chung chỉ khiến cho Tesla được tăng thêm danh giá, nhất là khi Tesla được đứng chung trên bục nhận giải thưởng với ông.

Vào thời gian này (1915) Tesla đang ngập đầu trong nợ nần với những thiếu thốn và khó khăn nên khoản tiền giải thưởng Nobel rất cần thiết với ông. Hành động của Edison là một hình thức “cấm vận” đối với Tesla đã bị nhiều nhà khoa học đương thời chê bai và chế diễu.

Nikola Tesla cũng không vừa. Khi Madison qua đời, mọi người đều chia buồn trên New York Times thì chỉ Tesla lạnh lùng phê phán, “Tôi là nhân chứng đáng thương của những gì ông ta (Edison) đã làm, tôi biết rằng, chỉ cần một ít lý thuyết và tính toán có thể đã để dành được 90% công sức. Nhưng ông ta thực sự thiếu lòng kính trọng hiểu biết lý thuyết và kiến thức toán học, chỉ hoàn toàn tin vào bản năng phát minh … ” Tesla cho đăng tải những nhận định tiêu cực trên vào ngay trang chia buồn ngày Madison qua đời đủ để thấy sự rạn nứt giữa hai người trầm trọng như thế nào.

Và như chúng ta đã biết, Edison cũng là một nhà phát minh vĩ đại, chỉ đến trường học được ít tháng còn thì ở nhà để Mẹ dạy nên thiếu hẳn nền tảng lý thuyết. Vào những ngày cuối đời, Edison đã thú nhận sai lầm lớn nhất trong đời ông là đã không dám bỏ dòng điện một chiều (DC) để nghiên cứu dòng điện xoay chiều (AC.) Và thật ra người có công thắp sáng bộ mặt trái đất nhiều hơn chính là Nikola Tesla.

Dimitri Mendeleev và Arrehenius

Dimitri Mendeleev là người có công sắp xếp lại các nguyên tố Hoá học trong bảng Phân loại tuần hoàn mà học sinh nào cũng đã từng biết qua. Ông cũng không được trao tặng giải Nobel mà đáng lẽ phải nhận được vinh dự đó.

Bảng Phân loại Tuần hoàn các nguyên tố Hoá học hình thành năm 1869 và được nhiều nhà khoa học khác đóng góp thêm cho hoàn hảo hơn. Trong đầu thế kỷ 20 Mendeleev là một trong những nhà Hoá học vĩ đại và việc trao giải thưởng cho ông là xứng đáng. Tên của Mendeleev đã được Ủy ban Hoá học đệ trình lên Hàn lâm viện Khoa học Hoàng gia Thụy điển nhưng bị gửi trả về và được yêu cầu biểu quyết lại.

Sau này người ta khám phá ra rằng trong ủy ban biểu quyết giải thưởng Nobel Hoá học có một ủy viên không đồng ý với đóng góp tích cực của Mendeleev đã nêu ra lý do “… (Bảng Phân loại tuần hoàn) đã được công nhận rộng rãi như là một phần căn bản của kiến thức khoa học …” nghĩa là những đóng góp của Mendeleev hơn 30 năm trước đã xưa cũ và không còn mới mẻ. Hơn nữa, ủy viên này còn cho rằng Mendeleev phát triển công trình dựa vào nghiên cứu của nhà Hoá học Ý tên Stalisnao Cannizzaro. Nếu trao giải cho Mendeleev mà không trao cho Cannizzaro thì thật thiếu công bằng!!!

Dưới sự hướng dẫn và giải thích sai lạc đó, 9 Ủy viên của Ủy ban Hoá học đã biểu quyết lại để chọn lựa một trong hai ứng viên là Mendeleev và Henri Mossain. Kết quả là Mendeleev đã thua khít khao với chỉ một phiếu, tỷ số 5/4 nghiêng về Mossain, một nhà Hoá học Vô cơ (Inorganic Chemist) trẻ hơn Mendeleev 25 tuổi.

Ủy viên Hoá học nhiều quyền năng đề cập trên là Svante Arrehenius, người được giải Nobel 1903 về công trình nghiên cứu sự điện ly (electrolytic dissociation.)

Vì cùng quốc tịch Thụy điển với người sáng lập giải Nobel là Alfred Nobel, Arrehenius có chân ngay từ ngày đầu trong việc tuyển chọn ứng viên cho giải. Ông là thành viên của Ủy ban Vật lý và là thành viên (không chính thức) của Ủy ban Hoá học. Các Ủy ban có nhiệm vụ chọn lựa ứng viên và đề nghị lên Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy điển là nơi ra quyết định cuối cùng có trao giải Nobel hay không. Lạ lùng thay, Arrehenius lại còn có cả chân trong Viện Hàn lâm đầy quyền năng này. Với tư cách đó, ông đã dùng giải Nobel để tưởng thưởng cho những người bạn của ông như Jacobus Van’t Hoff, Wilhlm Ostwarl, Theodore Richards … và từ chối trao tặng giải thưởng cho những ai không được ông ưa thích như Paul Ehrlich, Walther Nernst … trong suốt gần 30 năm làm việc trong Viện Hàn lâm Khoa học.

Trong nhiều thập niên, Arrehenius và Mendelev cùng nghiên cứu về lãnh vực điện ly và đã có lời qua tiếng lại giữa hai bên. Nhiều người tin rằng Arrehenius đã lợi dụng cơ hội để trả thù Mendeleev. Điều đó có nghĩa là tranh cãi khoa học đã biến thành tranh chấp cá nhân và Mendeleev đã phải trả giá bằng cả … một giải Nobel.

Trong một hành động thừa nhận sai lầm hiếm có, vào năm 1950, Ban Tổ chức Giải thưởng Nobel đã nhận lỗi về việc từ chối không trao giải thưởng Nobel Hoá học cho Mendeleev và công nhận Bảng Phân loại tuần hoàn đã đóng góp những tiến bộ quan trọng nhất cho Hoá học lý thuyết thế kỷ 19.

Tuy nhiên những cống hiến của Mendeleev không rơi vào quên lãng. Năm 1955, nhóm nghiên cứu của đại học UC Berkeley tiểu bang California đã tổng hợp thành công nguyên tố thứ 101 và họ đặt tên nguyên tố đó là Mendelevium mang tên ông để vinh danh những cống hiến của ông cho khoa học. Vinh dự này có lẽ còn cao quý hơn cả giải thưởng Nobel.

Giải thưởng Nobel đóng góp nhiều điều xây dựng và tích cực nhưng đồng thời nó cũng kích thích sự cạnh tranh tiêu cực trong Khoa học. Tuy nhiên những đóng góp của những vĩ nhân này cao quí đến nỗi những lời nói và hành vi xúc phạm riêng tư rồi cũng được tha thứ và chìm dần vào quên lãng.

Saturday, 4 April 2009

125 Sinh Viên Y Khoa và Match Day







Kể từ năm 1952, vào ngày thứ Năm của tuần thứ ba trong tháng Ba, các sinh viên Y khoa năm cuối toàn nước Mỹ hồi hộp trông đợi kết quả bệnh viện nào sẽ là nơi họ nội trú từ 3 đến 7 năm thực tập chuyên khoa. Thời gian nội trú thay đổi tùy theo mỗi chuyên khoa; Bác sĩ Gia đình 3 năm, Sản Phụ khoa 4 năm, Giải phẫu Tổng quát 5 năm, Giải phẫu Thần kinh (Ngoại Thần kinh) 7 năm …

Theo quan điểm của Bác sĩ Michael McCullough, bệnh viện nội trú còn có tầm quan trọng hơn cả đại học Y khoa. Trong khi trường Y cung cấp những kiến thức và thực hành căn bản thì bệnh viện nội trú huấn luyện Bác sĩ trở thành nhà chuyên khoa.

Chính tại bệnh viện nội trú mà tân Bác sĩ học trở thành Bác sĩ Nội khoa, Nhi khoa, Mắt, Da … Và lương bổng của họ sau này cũng thay đổi tùy theo chuyên khoa.

Tại sao gọi là Match Day?

Gọi là Match Day vì ngày này sẽ công bố kết quả mà máy điện toán “match” (ghép đôi) một sinh viên Y khoa năm cuối với một chương trình nội trú.

Chương trình nội trú có thể là Khoa Nhi Bệnh viện UCI, Khoa Mắt Bệnh viện UCLA, Khoa Gia đình của Kaiser ở Orange County …

Đối với 15,638 sinh viên Y khoa năm cuối toàn nước Mỹ, Match Day 2009 (03/19) là đỉnh cao của những năm học tập, những tháng nộp đơn và phỏng vấn, những tuần phân vân viết danh sách xếp hạng thứ tự (Rank Order List.) Chính danh sách xếp hạng thứ tự này góp phần quyết định sinh viên sẽ “match” với chương trình nội trú nào.

Các chương trình nội trú sẽ liệt kê thứ tự sinh viên họ ưa thích qua tiến trình phỏng vấn ít tháng trước và ngược lại các sinh viên cũng xếp hạng những chương trình phỏng vấn họ. Kết quả “match” dựa vào 2 danh sách sắp xếp thứ tự của 2 bên.

Nếu Khoa Nhi của bệnh viện UCLA phỏng vấn 4 sinh viên rồi gửi danh sách như sau: 1) Mary, 2) Barry, 3) John, 4) Ann, – có nghĩa là ho ưạ thích Mary nhất.

Ngược lại Mary liệt kê Khoa Nhi của các Bệnh viện: 1) UCLA, 2) UCI, 3) UCSD nghĩa là sau khi được 3 nơi trên phỏng vấn cô đã chọn Khoa Nhi UCLA là số 1.

Dĩ nhiên sẽ có nhiều danh sách liệt kê thứ tự (Rank Order List) của những sinh viên khác và các chương trình nội trú khác gửi đến để máy điện toán sắp xếp sao cho 2 bên “xứng đôi” (match) sau nhiều so sánh, lọc lựa.

Vào giữa Tháng Hai, sinh viên nộp danh sách liệt kê thứ tự của mình cho hệ thống điện toán của National Resident Matching Program ở thủ đô Washington. Cũng cùng thời gian đó, những chương trình nội trú tại các Bệnh viện khắp nơi trong nước Mỹ cũng gửi về đây danh sách thứ tự (Rank Order List) các ứng viên (sau những cân nhắc dựa trên điểm GPA, điểm thi Board, phỏng vấn, thư giới thiệu, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm lâm sàng thực tập, luận văn.)

Từ danh sách đánh số thứ tự (Rank Order List) hai phía đệ trình, trung tâm điện toán sẽ “xếp đôi”(match) một sinh viên với một chương trình nội trú nào đó của một bệnh viện. Dĩ nhiên cũng có trường hợp sinh viên không “match” được với chương trình nào (khoảng 7%) hoặc cũng có những chương trình nội trú không “match” được đủ chỗ.

Ý nghĩa của Match Day

Match Day là một ngày đáng nhớ. Hôm đó, phần lớn các sinh viên tụ tập hồi hộp chờ đợi phong bì đựng kết quả. Có những cặp cùng làm đơn xin đi chung một chương trình nội trú (couple match), nghĩa là nếu một chương trình nội trú nhận người này thì cũng phải nhận người kia. Song song đó, cũng có những cặp yêu nhau mà hai người khó cùng nhau tới được một bệnh viện thực tập. Và như thế kết quả Match Day cũng gần như khởi đầu một lời chia tay.

Khi phong bì được mở ra, nhiều sinh viên nhảy lên vui mừng, một số chỉ mỉn cười, đâu đó có vài nữ sinh viên im lặng ôm một chàng sinh viên khác rồi lau nước mắt … Một người chồng của cô sinh viên sắp phải từ giã công việc ổn định ở công ty Luật để theo vợ đi nội trú tại một phương trời khác. Một số khác phải đi những nơi có số thứ tự thấp đành tự an ủi rồi ra mọi sự sẽ ổn định và mình sẽ yêu thích nơi chốn mới.

Vào Thứ Hai hôm trước, thường gọi là Thứ Hai đen, một số ít sinh viên được thông báo không có tên trong danh sách nội trú. Họ phải đôn đáo tìm kiếm trong 3 ngày còn lại để liên lạc, fax hồ sơ học tập … cho các bệnh viện hầu hy vọng có chỗ nội trú trong những năm sắp tới. Một sinh viên Y khoa khát khao trở thành Bác sĩ Da nay phải thay đổi ý thích để chạy qua một chuyên khoa khác.

Và như vậy, một chỗ nội trú sẽ nhận được nhiều đơn xin tới tấp gửi đến và bệnh viện chẳng có đủ thời gian đọc cho hết.

Các sinh viên Y khoa là những người siêng năng học hành. Với tài năng và thông minh, họ tưởng nhự nắm chắc định mệnh trong tay nhưng trong Match Day này, rõ ràng mọi sư đã vượt quá tầm tay và không thể hoàn toàn chủ động.

Dĩ nhiên họ có thể chủ động đôi chút nếu biết sớm sủa mình muốn chuyên khoa nào và nghiên cứu kỹ những nơi đánh số theo thứ tự ưa thích; nhưng khi đã gửi giấy xếp thứ tự (Rank Order List) đó đi rồi thì đành buông xuôi cho số phận vì không thể thay đổi gì được nữa cả. Máy tính chỉ cho một chỗ nội trú duy nhất mà thôi.

Sự chọn lựa chương trình nội trú qua phương thức này phần lớn tỏ ra hiệu quả vì đa số các sinh viên (gần 90%) có được một trong 3 lựa chọn cao nhất. Tuy vậy, hiệu quả không có nghĩa là vẹn toàn. Tiến trình này phát sinh nhiều lo lắng vì sinh viên mất đi khá nhiều tính chủ động trên số phận của mình.

Đối với các chương trình nội trú, nếu tất cả những vị trí được lấp đầy, điều đó chứng tỏ bệnh viện của họ có phẩm chất cao và được ưa chuộng. Nếu còn chỗ trống, họ sẽ gọi tới các trường Y khác để “vớt” thêm cho đủ túc số sinh viên mong muốn.

Match Day không chỉ là ngày công bố kết quả bệnh viện nội trú; nó mang một ý nghĩa nhiều hơn như thế. Đây là bài học sống động của nghề nghiệp: ngành Y thật đáng vui, đáng tưởng thưởng. Tuy nhiên, hệ thống mà các Bác sĩ tương lai phục vụ có khả năng quy định đời sống của chính họ và của những người thân yêu họ – kể cả bệnh nhân.

Những chương trình nội trú cũng ảnh hưởng tới việc một sinh viên Y khoa sẽ làm việc trong chuyên khoa nào cũng như tương lai cá nhân và nghề nghiệp. Phần lớn những Bác sĩ này cuối cùng thường làm việc tại bệnh viện hay tại địa phương mình đã được nội trú.





Sunday, 29 March 2009

124 TT Obama và Bài Học Chuyển Trường





Trong lịch sử có rất nhiều danh nhân đã từ đại học (hay cao đẳng cộng đồng) chuyển tiếp (transfer) sang đại học khác vì nhiều lý do khác nhau. Tổng Thống Barack Obama chuyển tiếp lên đại học Columbia từ Occidental College ở Los Angeles vì Occidental (Oxy) có chương trình liên kết với Columbia (combined program.) Chương trình liên kết giữa các đại học cho phép sinh viên ưu tiên hơn khi chuyển tiếp giữa các trường trong hệ thống của họ.

Hiện nay do chi phí đại học đắt đỏ, ngày càng gia tăng khuynh hướng học 2 năm đầu tại Cao đẳng Cộng đồng rồi mới chuyển tiếp lên Đại học 4 năm. Sự chuyển tiếp không suông sẻ bước đầu cho khoảng 30% sinh viên. Dựa vào kinh nghiệm chuyển trường của Barack Obama chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm nhằm giúp cho các sinh viên có những bước chuyển tiếp dễ chịu và thoải mái hơn.

Tìm hiểu sớm trường chuyển tiếp

Biết chuẩn bị sớm sủa là đức tính căn bản của Obama. Từ Hawaii, cậu quyết định theo học Occidental (gọi tắt là Oxy) vì 2 lý do: cô bạn gái đi Oxy và học bổng cho Obama tại Oxy cao hơn so với những đại học khác. Quan trọng nhất là Oxy có chương trình liên kết với đại học Columbia nên Columbia mở rộng vòng tay đón nhận những sinh viên đã hoàn thành chương trình 2 năm của Oxy. Trong cuốn “Những Ước Mơ của Cha Tôi” (Dreams from My Father) Obama đã xác định muốn đi Columbia vì muốn tìm một môi trường rộng lớn hơn và muốn học hành nghiêm chỉnh hơn. Thực tế cho thấy cậu đã mang sẵn ý định đi Columbia khi chọn học ở Oxy.

Biết mình sẽ chuyển tiếp lên Đại học nào là điều rất quan trọng. Sinh viên có thể tham khảo trường đó để biết họ sẽ nhận những môn nào để lấy lớp. Điều này giúp tiết kiệm tiền bạc, công sức và thời gian. Thông thường những thông tin này có thể tìm thấy nơi website của trường định đến hoặc sinh viên có thể email hỏi trường.

Khi mua nhà người ta nghĩ tới địa điểm (location) thì khi chuyển trường sinh viên cũng nên tìm hiểu những chương trình (program) của đại học đó. Lúc chuyển trường qua Columbia, Obama dự định theo một chương trình liên kết (combined program) của Columbia là lấy Cử nhân và Tiến sĩ Luật tại đây. Đây là một chương trình cho phép sinh viên học tiếp những năm còn lại của bậc Cử nhân chung với chương trình Luật khoa (combined bachelor's degree-law degree program) tại Columbia mà không phải thi LSAT cũng như không phải nộp đơn vào trường Luật – miễn là sinh viên giữ được yêu cầu tối thiểu nào đó về GPA. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, Obama chỉ lấy Cử nhân Khoa học Chính trị rồi ra làm việc. Mãi 5 năm sau Obama mới quay lại trường Luật Harvard học tiếp.

Điều này cho thấy rằng những sinh viên khôn ngoan biết chọn những hướng đi có lợi ích nhất cho mình. Họ nghiên cứu kỹ các chương trình của những trường định chuyển tới và chuẩn bị cá nhân mình đáp ứng với những yêu cầu và thách thức đó.

Một trong những thiếu sót của sinh viên Việt nam có lẽ là nhắm quá nhiều vào GPA và không nghiên cứu những chương trình đặc biệt của trường mình định tới.

Hiểu rõ những thách thức của môi trường mới

Một khó khăn thực tế đầu tiên khi chuyển trường là chỗ ăn ở. Dời Oxy ở Los Angeles để đến Manhattan vào năm 1981, Obama mới khám phá ra rằng Columbia không cung cấp chỗ ở cho sinh viên chuyển tiếp (transfer students.) Do vậy trong những ngày đầu mới tới, cậu phải ngủ vật vã trong hành lang đại học hay lang thang ngủ nhờ trong cư xá đại học khi được bạn bè cho phép. Điều này tạo ra những thử thách cho tân sinh viên trong lúc khởi đầu nơi môi trường mới lạ.

Khó khăn cứ vậy chồng chất thêm. Không biết nhiều về New York và không có nhiều tiền, Obama phải thuê một phòng ở lầu ba trong một chung cư đầy rẫy tội phạm. Môi trường mới nảy sinh nhiều vấn đề tốn thời gian và công sức giải quyết. Căn chung cư này thiếu thốn các phương tiện. Lò sưởi bị nứt nẻ không đủ ấm nên Obama luôn phải ngủ trong sleeping bags, đôi khi máy sưởi trở chứng quá nóng thì cậu lại phải mở cửa sổ giữa mùa đông. Nước nóng cũng chập chờn lúc có lúc không nên phải vào tắm trong cư xá đại học …

Việc học hành thường sẽ gặp khó khăn, ai cũng biết rằng sau khi chuyển trường sinh viên sẽ bị giảm GPA cho mùa đầu tiên. Giả sử một sinh viên tại Cao đẳng Cộng đồng có GPA là 3.7 thì mùa đầu tiên tại Đại học 4 năm chỉ hy vọng được 3.2 – nghĩa là mất đi một nửa điểm GPA. Các nhà giáo dục gọi đó là hiện tượng “weather shock.” Điều đáng mừng là vào mùa sau, GPA sẽ tăng lên trở lại.

Về mặt tâm lý, tân sinh viên cảm thấy cô đơn vì chưa kết được bạn mới. Đa số các sinh viên chung lớp đã quen biết nhau vì đều học chung nhau hai năm qua.

Tuy nhiên cũng chính tại môi trường đầy thách đố mới mẻ này, Obama trở nên kỷ luật và ý thức hơn trong học hành. Lúc đó cậu có ước mơ trở thành một nhà văn chứ không phải một chính trị gia. Tương tự như Obama, các sinh viên trẻ ngày nay cũng thường có khó khăn tìm hướng đi trước sự sốt ruột của người lớn.

Từ bài học của Barack Obama, người ta thấy rằng trong nhiều trường hợp, nếu sinh viên chuyển trường sống trong cư xá sinh viên thì đó là lợi thế vì sẽ bắt nhịp tốt hơn với cuộc sống chung quanh. Xáo trộn sẽ xảy ra những ngày đầu nhưng rồi ra mọi sự sẽ đâu vào đó.

Bạn bè


Hãy kết thân với những bạn cùng trường cũ và cũng chuyển tới trường mới như mình để học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau. Việc học hành tại các đại học 4 năm thường khó khăn và thách đố hơn. Sự thành công tùy thuộc một phần vào bước khởi đầu.

Phil Boerner là bạn tại Oxy của Barack Obama và cùng chuyển tới Columbia vào mùa Thu 1981. Như chúng ta đã biết, Barack Obama đã tìm một căn chung cư và rủ Phil thuê chung phòng để tiết kiệm tiền. Họ chia sẻ những khó khăn và thiếu thốn ban đầu. Vào giờ rảnh rỗi họ rủ nhau đi thăm Viện Bảo tàng hay chạy bộ chung một công viên gần đó. Họ cũng cùng nhau uống bia, ăn tối tại chung một nhà hàng …

Mối giao hảo của họ vẫn còn tốt đến nay, Phil Boerner cho rằng, “… Barack là người có nhiều nhân cách, tôi tin tưởng ông sẽ làm những việc đúng đắn khi làm một Tổng thống.”

Obama tốt nghiệp trường Luật Harvard với Magna Cum Laude (with great honor), một vinh dự chỉ được trao tặng cho 10% sinh viên hàng đầu (top 10) của trường Luật Harvard. Điều này chứng tỏ ông đã có những dự định và điều chỉnh thích hợp cho giáo dục cá nhân để trở thành một sinh viên sáng chói tại trường Luật Harvard.

Tóm lại, trong việc chuyển tiếp từ đại học này sang đại học khác, nếu sinh viên biết chuẩn bị đầy đủ thì kết quả cho dù không ổn định ban đầu nhưng rồi sẽ khả quan và tốt đẹp như mong muốn.

Monday, 23 March 2009

123 So Sánh Financial Aid






Khoảng cuối tháng ba hay đầu tháng tư là thời gian có kết quả đại học. Các học sinh năm cuối bậc trung học sẽ vào internet xem kết quả; nếu thấy hàng chữ bắt đầu bằng “We are sorry …” thì chúng tôi xin chia buồn (cho dù thật sự thì chưa chắc đã là đáng buồn!) Với những bạn thấy chữ “Congratulations!” thì … hãy hét to lên. Xin chúc mừng bạn!!!

Vài ngày sau, thư thông báo chính thức của ban tuyển sinh sẽ về kèm theo thư của văn phòng trợ cấp tài chánh (Financial Aid Office, gọi tắt là FAO.) Khoản tiền phải chi tiêu cho giáo dục đại học được ước tính (estimated) sẽ làm học sinh và gia đình chóng mặt. Vui mừng chưa qua mà lo lắng đã vội vàng chạy tới!!!

Ngoại trừ một số học sinh quyết định đi những trường hàng đầu của ngành học với bất cứ giá tiền nào như đi Columbia học báo chí, đi USC học đạo diễn, đóng phim, đi Stanford học về Computer Science, đi MIT học về Kỹ sư, đi UCSF học về nursing …; còn thì đa số học sinh phải cân nhắc tài chánh đầu tư cho giáo dục đại học.

Thông thường, một học sinh sẽ được nhiều đại học nhận, điều quan trọng là phải chọn lựa, so sánh số tiền thực sự đầu tư cho giáo dục đại học giữa các trường đã chọn mình. Văn phòng Trợ cấp Tài chánh (FAO) mỗi trường sẽ đề nghị những khoản trợ cấp khác nhau. Phải hiểu và chọn lựa những đề nghị này sao cho đúng. Điều này không dễ dàng với một số phụ huynh và các em học sinh.

Nhìn vậy mà không phải vậy

Các trường đại học tính toán trợ cấp tài chánh (financial aid) khác nhau, có trường mang cả tài sản của Cha Mẹ kế, giá trị căn nhà, tiền dự định khi về hưu … vào tính toán tạo ra những phương pháp phức tạp. Mỗi FAO (Văn phòng Trợ cấp Tài chánh trường đại học) có những tính toán khác nhau và dĩ nhiên đưa tới những kết quả khác nhau. Điều căn bản là phải hiểu rõ nghĩa những chữ grants và scholarship (tiền không phải trả lại, hãy mỉn cười khi ngắm nghía những con số này) và loans (tiền mượn phải trả lại, hãy cẩn thận coi chừng nhé!)

Nếu chỉ nhìn đơn giản vào trang tóm tắt (summary page) của FAO sẽ thấy bài toán trừ đơn giản dưới đây. Chúng tôi ghi thêm tiếng Anh để độc giả dễ tham khảo.

family’s contribution = costs of attendant – financial aid package

Tiền gia đình phải trả = chi phí học hành – tổng số tiền trợ cấp.

Hai yếu tố chính được lưu ý đầu tiên là: “family’s contribution” (đóng góp của gia đình) và costs of attendant (chi phí giáo dục đại học.)

Phần “family’s contribution” được tính toán từ những số liệu do học sinh cung cấp khi làm đơn FAFSA xin trợ cấp tài chánh của liên bang. Do vậy phần này lệ thuộc nhiều yếu tố như: lợi tức gia đình, tài sản, số lượng thành viên (bao nhiêu đứa con), số người đang học đại học và tuổi của Cha Mẹ … Gia đình có đông con học đại học và Cha Mẹ nhiều tuổi thì thường nhận được số tiền rộng rãi hơn từ chính phủ. Thông thường, nếu có một chút kinh nghiệm, ngay sau khi làm đơn FAFSA học sinh đã biết kết quả phải chịu trách nhiệm chi trả một khoản tiền là bao nhiêu cho giáo dục đại học dựa vào một chỉ số của FAFSA.

Phần “costs of attendant” là tổng số tiền chi phí cho giáo dục hàng năm bao gồm tiền học phí, ăn ở, sách vở, đi lại, chi tiêu cá nhân, bảo hiểm … và cả chục thứ phí tổn linh tinh khác gọi là “fee.” Một lần nữa, những chi phí này cũng khác nhau tùy vào FAO của mỗi trường liệt kê.

Từ 2 yếu tố nêu trên FAO tính ra “financial aid package” (tổng số tiền trợ cấp.) Chỉ cần lấy “costs of attendant” trừ đi “family’s contribution” sẽ suy ra được “financial aid package.” Gọi là package (tổng) vì nó bao gồm nhiều khoản khác nhau. Financial aid package gồm 2 phần: tiền không phải hoàn trả (scholarships, grants) và tiền phải hoàn trả lại sau khi ra trường (loans.)

Tiền không phải hoàn trả:

+ Grants từ liên bang bao gồm: Federal Pell Grant, Federal Supplemental Educational Opportunity Grant (SEOG) …

+ Grant của tiểu bang (California gọi là Cal Grant)

+ Học bổng ngoài trường đại học và của chính trường đại học.

Tiền phải hoàn trả (loans):

Bao gồm Perkins loans, subsidized Stafford loans và work study. Xin đặc biệt chú ý phần này. Hãy coi chừng các khoản tiền mượn (loans) được lồng vào trong tổng số tiền trợ cấp giáo dục (financial aid package.) Một số đại học liệt kê tiền nợ (loan) giống như một khoản tiền (grant) không phải trả lại. Một phần nào họ cũng có lý vì một số con em những gia đình khá giả không mượn được khoản tiền với lãi suất thấp của chính phủ.

Một khó khăn khác là các trường đại học còn gọi tên những yếu tố tính toán rất khác nhau khi tính financial aid. Thí dụ đại học UCLA gọi là “cost of education, expected family contribution và financial need.” Trong khi đó hệ thống CSU như Long Beach, Fullerton … gọi lần lượt là “Total expenses, Total resources, Need.”

Hãy nên để ý sự khác biệt về tên gọi này và các đại học dù có tên khác nhau nhưng thực chất vẫn bao gồm 3 yếu tố chính như trên.

Chi phí giáo dục đại học: Một bài toán cộng đơn giản

Hãy làm bài toán cộng sau đây để tìm ra chi phí giáo dục thực sự phải bỏ tiền túi ra trả: family’s contribution + loans các loại + work study (tiền do làm việc trong trường) sẽ được một con số. Đây chính là chi phí giáo dục thực sự tức số tiền túi bỏ ra cho giáo dục đại học. Công thức trên khá hiệu quả; nó giúp quý vị phụ huynh còn mù mờ về Financial Aid có một cách nhìn tương đối chính xác.

Nhiều trường đại học cho trợ cấp giáo dục nhiều nhưng thực sự lại thua những đại học khác vì họ coi tiền mượn (loan) là một phần được trợ cấp. Một nguyên tắc đơn giản nên nhớ, “Đại học lớn thường cho nhiều” do quỹ tài chánh giầu có của họ.

Có đại học cho nhiều học bổng nhưng toàn là học bổng ít tiền để chứng minh họ rộng rãi. Câu hỏi đặt ra là: “Gia đình phải chi ra (pay), mượn (borrow) và làm việc trong trường là bao nhiêu?”

Hãy “trả giá” với Financial Aid Office (Văn phòng Trợ giúp Tài chánh )

Nếu được yêu cầu, nhà trường có thể xem xét lại hồ sơ trợ cấp tài chánh. Trong trường hợp đó, phải chứng minh có sự thay đổi so với khi làm đơn FAFSA. Những thí dụ thường được kể ra là: người cha mới bị thất nghiệp, gia đình phải chi tiêu một món tiền lớn để chữa bệnh, hoặc gia đình bán một cơ sở thương mại nhưng lại quên khai là để trả nợ. Khi yêu cầu được đánh giá lại nên viết thư và gửi kèm giấy tờ chứng minh.

Nếu định “cò cưa” với FAO thì nên đích thân gặp mặt hay gọi điện thoại để có thêm kinh nghiệm. Một số nhà chuyên môn khuyên hãy gọi những trường đại học không muốn đi trước để rút kinh nghiệm và trường muốn đi nên gọi sau cùng.

Một số yếu tố ảnh hưởng tới Financial Aid Package

Financial Aid thay đổi mỗi năm. Lợi tức của cha mẹ và sinh viên thay đổi khiến cho Financial Aid thay đổi theo. Một sinh viên được trợ cấp tài chánh năm này có thể năm sau trợ cấp tài chánh sẽ khác đi vì có anh hay chị đã tốt nghiệp đại học.

Nếu sinh viên được nhận vào vì là một học sinh giỏi thì hãy giữ GPA bằng hay hơn yêu cầu. Một chểnh mảng trong học hành sẽ đánh mất học bổng. Nên coi lại khả năng của mình khi phải đáp ứng yêu cầu về GPA của đại học. Đôi khi những đại học không yêu cầu giữ GPA cao về lâu về dài lại tốt hơn cho dù đề nghị ban đầu xem ra không được rộng rãi.

Mỗi đại học có những cách tính financial aid khác nhau. Điều quan trọng là tính được chi phí giáo dục thực sự – nghĩa là số tiền túi phải bỏ ra cho giáo dục đại học, tìm hiểu những điều kiện ràng buộc về GPA và hoạch định chương trình giáo dục sao cho có hiệu quả nhất so với khả năng mình. Trong thời buổi khó khăn hiện nay, vấn đề tài chánh nên được cân nhắc kỹ lưỡng vì đang có khá nhiều sinh viên buộc phải thôi học do gia đình không thể kiếm thêm nguồn tài chánh khác và các ngân hàng cũng ngày càng thắt hầu bao lại tạo thêm khó khăn cho sinh viên muốn vay tiền.

122 Bất Đồng Giữa Phụ Huynh Khi Kỷ Luật Con Cái




Khi dạy dỗ con cái, nhất là khi cần kỷ luật, một vấn đề hay xảy ra là sự mâu thuẫn giữa hai người Cha và Mẹ. Hậu quả dễ thấy nhất là họ cãi cọ nhau trong việc áp dụng kỷ luật. Một sai phạm của con cái dẫn thêm đến sai phạm của phụ huynh.

Sự mâu thuẫn thường do một bên dễ dãi trong khi bên kia lại khắt khe, đôi khi độc tài. Trong phần lớn các gia đình, người Mẹ thường nghiêng về khuynh hướng nuông chiều con, trong khi người Cha nghiêm khắc, nặng về kỷ luật – dĩ nhiên cũng có những tình huống trái ngược.

Phương cách dạy dỗ con cái là một tiến trình phức tạp đi từ ảnh hưởng của một nền giáo dục mà chính bản thân Cha Mẹ thụ hưởng thời ấu thơ tới kiến thức và kinh nghiệm khi đã làm người lớn. Một người được giáo dục trong môi trường kỷ luật sẽ nghiêng về khả năng trừng phạt.

Dưới đây là những phương thức khiến cả hai người cùng nhau dùng kỷ luật một cách hiệu quả. Con cái có dịp sửa sai và Cha Mẹ vui vẻ trong giáo dục con cái.


Xác định một hành vi không thích hợp

Để tránh mâu thuẫn, phụ huynh phải cùng nhau xác định mục tiêu của biện pháp kỷ luật: những hành vi nào phải sửa đổi và đức tính nào cần phát triển thêm.

Trước hết, hai người phải cùng đồng ý rằng một hành vi nào đó của con cái là không thích hợp. Thí dụ: họ đồng ý với nhau là “nói dối là hành vi sai trái cần dùng kỷ luật để ngăn ngừa con cái khỏi tái phạm.”

Nên bình tĩnh khi bàn bạc. Sự khác biệt quan điểm chắc chắn sẽ có và nên quan niệm đây là diễn tiến bình thường trong cuộc sống gia đình. Khác biệt không phải để loại trừ nhưng là để bổ túc lẫn nhau. Nếu cảm thấy căng thẳng hãy nghỉ xả hơi chừng 10 phút và quay lại khi bình tĩnh. Mục tiêu là làm cho vợ hay chồng mình hiểu rõ vấn đề. Khi đã trình bày quan điểm của mình xong hãy lắng nghe người kia. Dĩ nhiên việc bất đồng ý kiến không phải là điều xấu xa nhưng la hét, trách móc nhau là không thể chấp nhận. Cha và Mẹ cần dùng ngôn ngữ thích hợp để làm gương mẫu cho con cái. Hãy kính trọng nhau khi có bất đồng.

Nếu cần thiết thì phải biết lui bước khi bàn bạc, hãy cho người kia biết lần sau họ sẽ phải nhường quyền ưu tiên. Sau khi đã đồng ý rằng hành vi của con là không xứng hợp thì nên bàn tới biện pháp kỷ luật.


Áp dụng kỷ luật

Biện pháp kỷ luật không phải chỉ để trừng phạt “cho chừa.” Nó phải bao hàm ý nghĩa tích cực bằng cách đưa ra được giải pháp xây dựng. Thí dụ: kỷ luật việc “nói dối” phải kèm theo khuyến khích, khen thưởng việc “nói thật” của các em.

Học tập từ lỗi lầm là một tiến trình học hỏi; để đạt được điều này việc trừng phạt phải tương xứng với “tội lỗi.” Nếu biện pháp kỷ luật quá nhẹ các em sẽ khinh thường. Ở thái cực bên kia, nếu áp dụng quá nặng nề các em sẽ thù hận Cha Mẹ, trở nên giận dỗi và đối nghịch khi suy nghĩ tới lầm lỗi. Cảm giác không được đối xử công bằng sẽ xuất hiện. Các em chỉ nhìn thấy mình bị đối xử vô lý, thiếu cân nhắc hoặc đôi khi tạo nên cảm giác sợ hãi quá đáng.

Dĩ nhiên tạo nên sợ hãi không phải là một nền giáo dục tích cực, các em bắt đầu xa tránh, không tìm đến Cha Mẹ khi phải đối diện với những áp lực hay quyến rũ của bạn bè. Cha Mẹ không còn là nơi chốn các em tìm tới tâm sự khi gặp vấn đề nghiêm trọng hơn như ma túy, rượu hay tình dục quá sớm … Hậu quả là thay vì học hỏi từ lỗi lầm, các em học cách cẩn thận, dè dặt và không tìm đến phụ huynh nữa khi có khó khăn trong cuộc sống.


Bài học đáng nhớ

Cha Mẹ thường được chia thành 2 nhóm chính: nghiêm khắc và dễ dãi

Nhóm nghiêm khắc nên nhẩn nha lắng nghe và đưa con cái vào những sinh hoạt chung trong gia đình. Họ cần tìm kiếm những hiểu biết về khả năng và nhu cầu của giới trẻ. Hãy cùng với con cái tận hưởng thời gian bên nhau, tìm cách đi vào thế giới của chúng bằng cách lắng nghe, tìm học để hiểu biết hơn quan điểm của chúng.

Nhóm có tính dễ dãi, trái lại, nên cứng rắn và đòi hỏi nơi con cái nhiều hơn. Họ phải áp dụng những chiến thuật kỷ luật con cái sao cho có hiệu quả. Cách hay nhất là xây dựng nơi con cái sự tự chủ, biết kiểm soát hành vi và biết đối thoại.

Hai người Cha và Mẹ nên cùng đồng ý về biện pháp kỷ luật, bàn bạc ôn tồn đằng sau cánh cửa đóng kín. Hãy bình tĩnh và biết lắng nghe, đặt trọng tâm về mục tiêu giáo dục; tự hỏi hành vi nào muốn sửa đổi và phải áp dụng kỷ luật thế nào để sửa chữa những tiêu cực đó.

Nếu không đồng ý với nhau, nên dùng chữ “tôi” hơn là dùng chữ “ông/bà” (you) để nói chuyện. Thí dụ: nên nói “Tôi thấy không thể lái xe an toàn khi con cái chí choé với nhau phía sau. Điều này có thể dẫn tới tai nạn và chúng ta phải dùng kỷ luật.” Dĩ nhiên chẳng bao giờ nên nói, “Bà (you) toàn là thả lỏng tụi nhỏ muốn làm gì thì làm, tại sao không phạt thằng Hai làm lộn xộn đằng sau. Bà ngồi đó làm gì?”

Trước khi kỷ luật con cái, hãy cảnh cáo trước, “Nếu con không làm xong homework, con sẽ không được xem TV tối nay.” Nếu đã nói mà con vẫn vi phạm thì chính mình phải áp dụng kỷ luật, không nên đợi người kia, thí dụ đợi chồng về rồi “méc” chồng để phạt con. Người cảnh cáo phải là người áp dụng kỷ luật.

Khi áp dụng kỷ luật, câu hỏi quan trọng là: biện pháp kỷ luật này có giúp con cái làm điều tốt (siêng năng hơn) hay từ bỏ thói xấu (lười làm homework) không?


Không để cho con cái thấy Cha Mẹ mâu thuẫn.

Không phải Cha và Mẹ luôn có được sự đồng thuận khi lựa chọn phương pháp kỷ luật. Đừng nên để sự mâu thuẫn giữa hai người đưa đến sự “buông xuôi” và các em thoát khỏi việc áp dụng kỷ luật. Cũng không nên thả lỏng con cái khi không có mặt của người kia.

Hãy bàn luận kín đáo về việc trừng phạt và quan trọng hơn không nên để con cái nhìn thấy Cha Mẹ mâu thuẫn nhau trong việc kỷ luật chúng. Làm như vậy chẳng khác nào khuyến khích chúng tái phạm.

Không nên tấn công cá nhân mà hãy chỉ nhắm vào thuyết phục quan điểm.

Thí dụ về tấn công cá nhân như sau: “Ông quá độc tài, lúc nào cũng muốn bắt mọi người theo ý mình” hay “Bà chỉ to mồm bênh vực con khiến nó hư hỏng thêm.”

Thí dụ về thuyết phục quan điểm như sau: “Nói dối là lỗi phạm và là điều xấu. Hôm qua Kim đã nói dối với thầy giáo về làm homework. Việc nói dối phải được ngăn chặn.”

Nếu cảm thấy cần thêm thời gian bàn luận thì nên nói với con cái, “John, hôm qua con đã chơi game nhiều hơn số giờ được quy định, điều này không đúng, Cha Mẹ sẽ bàn bạc biện pháp kỷ luật và nói chuyện với con sau bữa ăn tối.”


Nuôi dạy con cái là điều khó khăn và căng thẳng. Cả hai nên làm việc như một nhóm (team-work) để đạt mục tiêu chung. Hãy ủng hộ và khuyến khích nhau để cùng đạt được mục đích chung là nuôi dạy một đứa con thành đạt và hạnh phúc.