Sunday, 27 April 2008

89 Quyết Định Chọn Trường Đại Học




Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở

Phần lớn học sinh lớp 12 phải quyết định theo học trường đại học nào và gửi thư nhận lời vào đầu tháng 5 tới.

Chọn lựa một đại học trong số những trường đã nhận mình là một quyết định cá nhân nhưng không phải không có căng thẳng. Vấn đề này thường gây tranh cãi trong gia đình – giữa phụ huynh và các em học sinh. Mục đích của bài viết nhằm đưa ra vài chỉ dẫn giúp quý vị tham khảo trước khi quyết định chung cuộc.

Trước hết xin dành thời gian thăm lại những đại học định đi để thu nhỏ lại danh sách. Hãy đi bộ chung quanh khu vực nhà trường, tìm hiểu vấn đề an ninh, gặp gỡ các sinh viên khác, dự một vài lớp học, ngủ lại đêm trong khu đại học xá, đọc báo trường, ăn uống trong khu vực trường học và xem các chương trình thi đấu thể thao.

Sau đó, để bắt đầu tiến trình chọn lựa, các thành viên trong gia đình hãy làm danh sách liệt kê những yếu tố quan trọng khi chọn trường. Và dĩ nhiên những yếu tố liệt kê này khác nhau cho mỗi gia đình. Sau đây là một thí dụ:

– Chuyên ngành và Bằng cấp định theo
– Chi phí theo học và Tổng trợ cấp tài chánh
– Gần nhà hay Xa nhà?

Chuyên ngành và Bằng cấp định theo

Một số tân sinh viên dựa vào chuyên ngành định theo để chọn trường theo học. Không phải các đại học đều nổi bật về mọi mặt như nhau. UCLA, UC San Diego, UC Irvine mạnh về lãnh vực Y khoa, Sinh học; Caltech mạnh về Kỹ thuật; USC mạnh về Báo chí, phim ảnh … Dĩ nhiên họ còn rất nhiều ưu điểm khác chưa đề cập tới.

Vấn đề đôi khi phức tạp hơn. Nhiều tân sinh viên chưa quyết định chuyên ngành khi nhập học. Nếu các em có vài suy nghĩ về ngành định theo thì điều này khá hữu ích khi chọn trường. Hãy tới văn phòng cố vấn (counselor’s office) trường trung học xin tham khảo hay làm một vài bài thi trắc nghiệm khả năng để lượng định ý thích.

Nếu vẫn chưa quyết định được, hãy theo học một trường dành cho sinh viên có nhiều lựa chọn (options.) Những trường này đa số thuộc nhóm Nhân văn Nghệ thuật (Liberal Arts.) Các em sẽ chọn ngành nghề sau hai năm theo học. Và như vậy có thêm thời gian để tìm hiểu mình.

Một số trường đại học cũng có những quy định khắt khe hơn trường khác đối với một chuyên ngành nào đó – thí dụ: UCLA có những đòi hỏi cao cho ngành Điều dưỡng. Ứng viên phải tìm hiểu rõ ràng, không nên để đến khi vào trường học rồi mới biết tới những tiêu chuẩn đòi hỏi cao đó thì đã trễ tràng không thay đổi được.

Bằng cấp định theo cũng đóng một vai trò quan trọng. Nếu tân sinh viên chỉ muốn lấy văn bằng Cử nhân rồi đi làm thì việc chọn trường theo học đóng vai trò ít quan trọng hơn. Ngược lại, nếu muốn học cao hơn như đi các trường Y, Nha, MBA… sau này thì tên tuổi của trường theo học bậc Cử nhân đóng một vai trò khá quan trọng.

Trường theo học bậc Cử nhân càng xếp hạng cao thì cơ hội vào các chương trình sau đại học càng nhiều. Nói như vậy không có nghĩa là theo học các đại học ít tên tuổi thì không có cơ hội nhưng có những bằng chứng cho thấy cơ hội đó là ít hơn.

Các nhà tâm lý giáo dục khuyên rằng: hãy để các em tuân theo linh tính của mình vì nhiều khi các em không thể phân tích và diễn đạt thành lời cho cha mẹ thấu hiểu hết cảm nghĩ – nhất là trong các gia đình thuộc cộng đồng Việt nam. Nếu bản năng các em cảm thấy một đại học nào đó chính là chỗ để các em theo học và vui sống trong thời gian ít nhất là bốn năm thì các em đã đúng trong không ít trường hợp.

Tổng Trợ cấp Tài chánh và Phí tổn theo học

Vấn đề tài chánh cho con cái theo học được cha mẹ quan tâm hàng đầu và do vậy không ít phụ huynh đã dựa trên tổng trợ cấp tài chánh (Financial Aid Package) và phí tổn theo học để quyết định đại học cho con em.

Hãy xem xét kỹ các khoản hỗ trợ tài chánh. Nhiều trường đại học liệt kê tiền mượn (loan) để học hay tiền làm trong trường (work study) cũng thuộc khoản hỗ trợ tài chánh. Điều quan trọng cần lưu ý là số tiền thực sự phải bỏ ra bao nhiêu.

Nếu trường đại học định theo học cho trợ cấp tài chánh không nhiều như các trường khác xin hãy gọi lên Văn phòng Trợ cấp Tài chánh (Financial Aid Office) để thảo luận thêm. Có thể học sinh sẽ đạt được kết quả như ý hơn.

Việc mượn tiền theo học – nhất là các chương trình cho vay của chính phủ hay của chính các trường đại học thường có phân lời thấp và không hoàn toàn bất lợi. Một số phụ huynh đã trải qua kinh nghiệm rằng: khi phải mượn tiền, các em chăm học hẳn lên vì sợ những con số như lưỡi gươm đang treo lung lẳng trên đầu. Nhìn một cách tích cực, nợ nần đã thúc đẩy các em học hành.

Xa nhà hay Gần nhà?

Khuynh hướng của cha mẹ thường muốn con cái học gần nhà để có thể giúp đỡ và hạn chế phí tổn học hành nhờ ăn ở tại nhà. Vào năm 2005, người ta tính rằng nếu sinh viên ăn ở tại nhà thì mỗi năm tiết kiệm được khoảng $20 ngàn (dĩ nhiên con số này ngày nay phải cao hơn do lạm phát.)

Vấn đề là nhiều em chỉ đợi tới ngày đi đại học để tung bay lên một bầu trời cao hơn, xa hơn. Và chúng hăm hở mơ tưởng tới “thiên đường mơ ước” mới mẻ này, một phần để khám phá tương lai, một phần cũng để thoát khỏi những ràng buộc, kỷ cương của cha mẹ. Đây là điểm khác biệt nhất giữa con cái và phụ huynh ở một số gia đình: cha mẹ muốn con học gần nhà trong khi con chỉ muốn bay xa.

Một số phụ huynh cho rằng nên để con cái đi học tại trường cách nhà một vài tiếng đồng hồ lái xe là lý tưởng nhất vì các em có thể sống độc lập nhưng vẫn đi về cuối tuần nếu muốn hoặc lỡ khi có việc phải giúp đỡ cha mẹ có thể có mặt ngay.

Tuy vậy, cá tính của mỗi em là điều quan trọng hơn cả. Nhiều em có tính độc lập cao và thích tự lập, có em lại sống nội tâm nhiều tình cảm cần sự lo lắng của cha mẹ. Mỗi gia đình có những lý do riêng để quyết định cho mình.

Điều không nên làm

Theo chân bạn bè là điều không nên làm. Một số em vốn là bạn trung học thường quyết định đi theo nhau, bạn đi trường nào thì mình cũng đi theo đó bất kể đến hoàn cảnh gia đình, tính nết cá nhân, khả năng học vấn và khả năng tài chánh của mỗi em là khác nhau. Do vậy, việc học hành bị thử thách bởi những đòi hỏi khác biệt.

Quá gắn bó với bạn trung học cũng đưa tới một hạn chế: các em không mở lòng ra tìm kiếm bạn mới vốn cũng là một phần của giáo dục đại học.

Tóm lại, mục đích cao nhất của giáo dục đại học chính là trả lời được câu hỏi: Tôi (con tôi) sẽ thành công tại đâu? Vai trò của người lớn là phân tích, nhận định lợi hại của từng lựa chọn nhưng nên để con cái quyết định chung cuộc con đường tương lai của chúng. Nếu có quá nhiều khó khăn khi quyết định, điều đó chỉ chứng tỏ thêm rằng mọi thành viên trong gia đình đang làm một quyết định cẩn thận mà thôi.

Thursday, 17 April 2008

88 Áp Lực Giáo Dục




Uốn cây từ thuở còn non
Dạy con từ thuở con còn ngây thơ

Kim muốn chơi bóng rổ trong trường học nhưng Mẹ muốn em chơi Field Hockey vì các trường đại học trong hệ thống Ivies (gồm 8 trường nổi tiếng miền Đông là Harvard, Yale, Princeton, Brown, Columbia, Cornell, Dartmouth, Pennsylvania) thích nhận nữ sinh viên chơi môn thể thao này.

Một em trai khác được Bố dặn phải ứng cử President (trưởng lớp) nhằm dọn chỗ cho việc làm President ở trường trung học. Bố em là một phụ tá pháp lý, ông muốn em phải trở thành một Luật sư, và dĩ nhiên ứng viên có ảnh hưởng cộng đồng như Trưởng lớp luôn được các trường đại học Luật yêu thích.

Vấn đề là: cả hai chỉ mới học lớp 6 và mới 12 tuổi!

Trong chỗ riêng tư hai em đã thú nhận muốn có một resume (lý lịch) tốt nhưng thật sự không thích chơi Field Hockey và cũng chẳng muốn làm trưởng lớp.

Ngoài việc bắt buộc con cái phải làm và phải chơi những thứ chúng không thích các em còn được dặn dò phải thi đua học hành sao cho bằng hay hơn những bạn khác.

Ý kiến trái ngược giữa phụ huynh và học sinh

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây tại trường trung học Westlake thuộc tiểu bang California cho thấy: 70% học sinh được hỏi cho rằng đôi khi áp lực của cha mẹ trong việc thúc đẩy các em học hành là cần thiết nhưng cũng có tới 85% cho rằng cha mẹ đã đi quá xa trong việc đặt áp lực học hành lên con cái.

Tuy nhiên, về phía cha mẹ, một nhóm nghiên cứu không chuyên nghiệp khác có tên là “Công luận Hoa kỳ” đã có ý kiến trái ngược: phụ huynh Hoa kỳ không thúc giục các em đủ trong việc giáo dục.

Cũng theo cuộc khảo sát mới đây của Pew Global Attitudes thì phần lớn phụ huynh Hoa kỳ nghĩ rằng cha mẹ đã không tạo đủ áp lực lên con cái (Richard Wike & Juliana Menasce Horowitz.) Cuộc khảo sát này đã được tiến hành trên mọi sắc dân, thuộc mọi tầng lớp kinh tế xã hội và học vấn Hoa kỳ. Kết quả được ghi nhận như sau:

– 24% phụ huynh cho rằng áp lực học hành đặt lên con cái là vừa đủ

– 15% cho rằng quá nhiều

– 56% cho rằng cha mẹ cần đặt thêm áp lực lên con cái

Những mâu thuẫn giữa ý kiến của cha mẹ và con cái gợi lên một câu hỏi: áp lực của cha mẹ là cần thiết nhưng làm thế nào là vừa đủ và có lợi cho con cái?

Câu trả lời này không có một mẫu số chung. Tất cả tùy thuộc vào mỗi gia đình với những hoàn cảnh khác nhau và tùy thuộc cả vào những điều chỉnh của mỗi thành viên. Một em chăm học thường cảm thấy ít bị áp lực của cha mẹ hơn; con em gia đình có lợi tức thấp cũng cảm thấy ít bị áp lực hơn con em gia đình giầu có và con em gia đình cha mẹ có học vấn thấp cũng ít bị áp lực hơn con em cha mẹ có học vấn cao.

Để đạt được tác dụng tối ưu, phụ huynh nên theo dõi những tín hiệu tiêu cực và tích cực khi tạo sức ép lên con cái. Hãy biết ngừng lại sự thúc ép khi con cái biểu lộ những hành vi tiêu cực như cãi lại, điểm xuống thấp, mệt mỏi, mất ngủ hoặc nóng nảy.

So sánh giữa Hoa kỳ và các nước Á châu

Những cuộc tranh luận trong giới giáo dục về áp lực học hành đang là vấn đề nổi cộm trên toàn nước Mỹ. Để tìm kiếm câu trả lời thoả đáng họ bèn quay sang các nước Á châu nơi mà sự phát triển kinh tế được biết tới do có một truyền thống tôn trọng giáo dục trong gia đình cũng như toàn xã hội.

Alexandra Robbins cho rằng ở các nước Á châu, đại học mà một người đã theo học dẫn tới sự kính trọng cá nhân khác nhau và ảnh hưởng tới lương bổng làm việc.

Theo một cuộc thăm dó tại Á châu thì ngược với Hoa kỳ, đa số phụ huynh ở 3 nước Trung hoa, Nhật, Ấn độ cho rằng cha mẹ và trường học đã đặt một áp lực quá nặng nề lên con cái. Khảo sát này được thực hiện vào tháng 05/2006.

– 30% cho rằng áp lực học hành lên con cái là vừa đủ (Hoa kỳ 24%.)

– 59% cho rằng quá nhiều (Hoa kỳ 15%.)

– 9% cho rằng cha mẹ cần đặt thêm áp lực lên con cái (Hoa kỳ 56%.)

Mâu thuẫn xảy ra là phụ huynh Nhật không muốn con cái bị áp lực học hành nhưng vẫn không muốn hy sinh vị trí cao trong nền giáo dục thế giới. Sau khi giảm nhẹ chương trình học kết quả nhìn thấy rõ: học sinh Nhật bản đã từ hạng nhất năm 2000 tụt xuống hạng 4 năm 2003 trong cuộc thi toán PISA (Program for International Student Assessment) quốc tế. Rõ ràng rằng nếu tạo áp lực lên học sinh, khả năng cạnh tranh có thể nâng cao hơn. Dĩ nhiên mọi sự đều phải trả một giá nào đó.

Tại Hoa kỳ, các em học sinh đứng vị trí khá thấp khi so sánh chung. Thí dụ trong 29 nước dự thi PISA 2003 thì học sinh Hoa kỳ đứng hạng 24 về Toán và 19 về Khoa học. Để tìm kiếm lý do, Viện Brookings khảo sát sâu rộng hơn và họ tìm thấy rằng học sinh Mỹ trung bình dành ra ít hơn một giờ để làm homework (bài tập về nhà) và phụ huynh Hoa kỳ cũng không muốn tạo áp lực học hành lên con cái.

Phản ứng ngược

Phụ huynh ráo riết đẩy con cái vào cuộc tranh đua sớm sủa, điều này đôi khi tỏ ra hữu ích nhưng cũng tạo ra những “phản ứng ngược.”

Tiến sĩ Giáo dục Denise Pope của Khoa Giáo dục Đại học Stanford cho rằng, “Áp lực đặt lên con cái tại trường học là vì điểm (grades) chứ không phải vì kiến thức và do vậy các em đôi khi đã phải gian lận trong thi cử.” Giáo dục vô tình đã “phản giáo dục” vì đã tạo ra sự căng thẳng, dối trá và nhất là làm mất chức năng chính là đào tạo một con người tử tế!

Những lệch lạc xuất hiện khi cha mẹ quá nhấn mạnh vào sự thành công của con cái tại học đường. Phụ huynh cảm thấy hổ thẹn khi con em không đáp ứng được mong đợi của mình mà nhiều khi do cha mẹ đặt mục tiêu quá cao. Một em đi học nhạc không có nghĩa là sẽ trở thành một giọng hát nổi tiếng.

Khi thất bại không hoàn thành được ước vọng của cha mẹ các em bị mặc cảm tự ti. Hậu quả là các em lớn lên với ý nghĩ rằng mình không tốt đủ và không tạo được tự hào nơi cha mẹ. Do vậy các em đánh mất niềm tin vào năng lực mình.

Những cuộc nghiên cứu giữa các nhà giáo dục và lâm sàng học khắp Hoa kỳ đã xác định rằng: con cái của những gia đình tạo quá nhiều áp lực về học hành đang có tỷ lệ cao bị suy sụp tinh thần, rối loạn thần kinh và lạm dụng chất gây nghiện.

Vui thú trong học tập phải là trọng tâm giáo dục. Đại học Y khoa Stanford đã chỉ chấm điểm theo Pass (Đậu) và Fail (Rớt) – nghĩa là không theo thang điểm chữ A, B, C, D, F cũng là để sinh viên không phải cạnh tranh nhau và vui vẻ học tập.

Cuối cùng, những áp lực tích cực và vừa phải từ gia đình sẽ là tốt đẹp nếu như nó cần thiết cho sự điều chỉnh một sút giảm học hành. Đầu tư quá nhiều tình cảm, thời gian và tiền bạc để thúc đẩy con cái phải chiến thắng bạn bè tại học đường (điểm cao, ganh đua thứ hạng, cạnh tranh các giải thưởng … ) là dấu hiệu đầu tiên của một áp lực không lành mạnh. Giáo dục đích thực phải khuyến khích các em phát triển nhân cách và kiến thức của chính mình chứ không phải cạnh tranh và chiến thắng lẫn nhau.

87 Kỳ Thi SAT II






Bống bồng bông
Màn Đông Tử gối Ôn Công
Lớn lên con phải ra công học hành
Làm trai gắng lấy chữ danh
Hi thư nếp cũ trâm anh dấu nhà

Học sinh càng ngày càng phải đương đầu với các loại kỳ thi mà nhiều người không nhớ hết và cũng không thể phân biệt nổi. Đối với cộng đồng Việt nam chúng ta điều này dẫn đến một bất lợi: phụ huynh trở nên lúng túng khi phải thảo luận với con em mình về các kỳ thi và do vậy không cung cấp đủ sự giúp đỡ cần thiết.

Trước khi đi vào những nét chính của SAT II hẳn chúng ta còn nhớ kỳ thi PSAT đầu năm lớp 11 dùng để thực tập cho SAT. Các chương trình học bổng cũng như các đại học dựa vào kỳ thi PSAT này để tìm kiếm nguồn tài năng. Tuy nhiên các đại học không căn cứ vào PSAT trong việc tuyển sinh.

Kỳ thi SAT I hay còn được gọi vắn tắt hơn là SAT bao gồm các môn: Toán, Đọc hiểu và Viết (Writing). Môn Toán dựa vào trí thông minh và suy luận nhiều hơn. Ngoài ra môn Đọc hiểu và môn Viết cũng có nhiều điểm phải rèn luyện cho thuần thục nên cũng đòi hỏi có một chiến thuật thi cử. SAT I được các đại học xem xét kỹ lưỡng trong việc tuyển sinh.

Kỳ thi SAT II hay còn gọi là Kỳ thi SAT Môn học (SAT Subject Tests) đặt căn bản trên các môn đã học đúng như tên gọi. Nói khác đi, SAT II dựa vào chương trình được giảng dạy tại nhà trường và kỳ thi này nhằm mục đích đo lường những kiến thức đã thu thập được cũng như khả năng ứng dụng những hiểu biết đó.

Điểm thi của SAT II tối thiểu là 200 và tối đa là 800. Riêng môn Toán trình độ 2 được tính theo thực tế mỗi năm, có năm điểm tối thiểu (không đúng một câu nào!) là 310.

SAT II bao gồm 20 môn và thi theo hình thức trắc nghiệm. Trong một ngày học sinh có thể dự thi 3 môn. Các đại học xem xét SAT II trong tuyển sinh với mức quan tâm khác nhau.

Khác biệt giữa SAT I và SAT II

Nhiều nhà giáo dục cho rằng SAT II giúp các đại học chọn lọc tân sinh viên tốt hơn SAT I bởi vì chương trình thi SAT II bao gồm những môn học rõ ràng chứ không mơ hồ như SAT I. So sánh hai loại SAT này người ta thấy có những điểm khác biệt sau:

– SAT II là một kỳ thi về các môn học nên học sinh biết mình phải học và ôn tập phần nào. Nếu không hiểu rõ thì chỉ việc coi lại phần đó. Do vậy, học sinh dễ dàng cải tiến và trau dồi kiến thức của mình hơn.

– Thông thường những lớp tại trường trung học đã giúp đủ kiến thức cho học sinh thi cử. Và rõ ràng, kỳ thi SAT II giúp học sinh củng cố kiến thức đã học một cách tích cực.

– Những chiến thuật thi cử của SAT I không giúp ích nhiều cho học sinh thi SAT II vì SAT II buộc phải nhớ bài học.

Môn thi

Những môn thi SAT II bao gồm 20 môn được phân chia làm 5 lãnh vực chính: Anh văn, Lịch sử, Toán, Khoa học và Ngôn ngữ.

Vào năm 2005 môn Viết (Writing) đã được chuyển từ SAT II qua SAT I.

1. Anh văn

Thường thi về Văn chương. Môn này đo lường khả năng đọc và diễn dịch ý nghĩa văn chương Anh Mỹ. Bài thi bao gồm nhiều đoạn văn (6 đến 8) được khảo sát riêng biệt và gồm 60 câu hỏi trắc nghiệm dựa vào những đoạn văn đó. Phương pháp chuẩn bị tốt nhất là luyện kỹ năng phân tích qua những bài tập.

2. Lịch sử

Có thể chọn một trong hai môn Lịch sử Hoa kỳ hay Lịch sử Thế giới.

Thông thường các em thi Lịch sử Hoa kỳ thành công hơn vì có ít kiến thức phải nhớ hơn. Hơn nữa, các em học sinh đã được học Lịch sử Mỹ ngay từ các lớp nhỏ.

3. Ngôn ngữ

Bao gồm các thứ tiếng như Pháp, Đức, Tây ban Nha, Do thái, Ý, La tinh, Hàn quốc (Đại Hàn), Trung hoa và Nhật bản. Những kỳ thi ngôn ngữ này được chia ra làm 12 môn thi – có hoặc không có kết hợp với Listening (Nghe.)

Thông thường học sinh trong cộng đồng chúng ta thường lấy môn Spanish và đây là một môn ít khi được điểm cao nếu lấy Spanish có điểm Listening (Nghe.)

Về phương diện cộng đồng, nếu so sánh thực lực chung của chúng ta với cộng đồng Hàn Quốc (Đại Hàn) tại Hoa kỳ thì đã đến lúc các trung tâm Việt ngữ, các hội sinh viên, quý vị dân cử, các thầy cô dạy tiếng Việt tại các đại học và mọi thành viên trong cộng đồng cần cử đại diện thảo luận với College Board để học sinh trong cộng đồng mình thi SAT II Tiếng Việt hay AP Tiếng Việt.

Nếu đạt được điều này, đây sẽ là một liều thuốc kích thích con em chúng ta học tiếng mẹ đẻ. Dĩ nhiên sự thương thảo không dễ dàng lúc ban đầu nhưng cần phải được bắt đầu (vì tiến trình kéo dài nhiều năm) nhằm khuyến khích các em học tiếng Việt.

4. Toán

Học sinh có thể ghi danh thi:

– Toán trình độ 1

– Toán trình độ 2 (sâu hơn và cao hơn trình độ 1)

Nếu các em học sinh đã lấy 2 năm Đại số, 1 năm Hình học, 1 năm Lượng giác hay Pre-Calculus thì đã đủ kiến thức để thi SAT II cho dù trong bài thi có cấu trúc một số câu hỏi thêm về tập hợp, thống kê. Đa số học sinh gốc Việt thi Toán trình độ 2.

5. Khoa học

Ba môn Khoa học chính là Vật lý, Hoá học, Sinh học. Một số em thường chọn Sinh học là môn dễ lấy điểm cao hơn hai môn kia.

Nhiều em chọn thi môn tương ứng với chuyên ngành (major) định theo trên đại học. Thí dụ một em định học ngành Kỹ sư thường lấy SAT II môn Vật Lý hay Hoá học.

Một số chương trình đặc biệt như liên kết Cử nhân và Bác sĩ Y khoa (Bac./MD) đòi hỏi phải có SAT II Hoá học. Do vậy em nào muốn theo chương trình Bac./MD nên lấy AP Hoá năm lớp 11.

Đòi hỏi của các trường đại học

Những trường đại học hàng đầu vẫn đòi hỏi học sinh lấy tối thiểu 3 hoặc 2 môn SAT II. Ứng viên cho các trường đại học cần tìm hiểu những thông tin này tại các website của mỗi trường định nộp đơn.

Một số thí dụ như các trường Harvard, Princeton đòi hỏi học sinh lấy 3 môn SAT II khác nhau trong khi Stanford và các trường trong hệ thống UC đòi hỏi học sinh lấy 2 môn SAT II. Viện đại học kỹ thuật MIT đòi học sinh nộp 2 môn SAT II là Toán (trình độ 1 hoặc trình độ 2 cũng được) và một môn Khoa học. Riêng Caltech đòi hỏi SAT II Toán trình độ 2 và một môn Khoa học.

Vài lưu ý

Nên thi SAT II vào cuối năm lớp 11. Đó là thời gian lý tưởng cho thi Toán và US History (Lịch sử Mỹ.) Một số em học Sinh học (Biology AP) năm lớp 10 nên lấy SAT II Sinh học cuối năm lớp 10.

Dĩ nhiên thi SAT II môn nào thì lấy môn đó theo lớp AP hay IB. Một học sinh định thi SAT II Hoá học sẽ lấy Hoá AP hay Hoá IB vào năm lớp 11.

SAT II tự bản thân nó không phải là một kỳ thi khó nhưng quá nhiều kỳ thi dồn dập vào hai năm cuối trung học khiến các em căng thẳng. Điều quan trọng là phải biết phân chia thời gian hợp lý cho các kỳ thi cũng như những hoạt động ngoại khoá và các chương trình học hành khác.

Wednesday, 16 April 2008

86 Chương Trình Giáo Dục Tài Năng Trẻ Đại Học Stanford




Học hành thì ích vào thân
Chức cao quyền trọng dần dần theo sau

Các trường đại học không ngồi chờ học sinh nộp đơn, họ thường có kế hoạch tìm kiếm nhân tài để tạo ra nguồn vốn sinh viên có nhiều triển vọng thành công cho trường mình. Một trong những chương trình như thế của Viện Đại Học Stanford có tên là “Chương trình Giáo dục Tài năng Trẻ” (Education Program for Gifted Youth) hay còn được gọi tắt là EPGY.

Website của chương trình là: epgy.stanford.edu

EPGY bắt đầu năm 1985 tại Viện Nghiên cứu Toán học đại học Stanford dưới sự bảo trợ của Tổ chức Khoa học Quốc gia như một dự án phát triển môn Toán Giải tích (Calculus) cho một số học sinh các trường trung học xa xôi không được dạy dỗ môn học này.

Chương trình sau đó được mở rộng theo thời gian. Các môn khác như Anh văn, Vật Lý, Thảo chương, Âm nhạc được đưa thêm vào và dành thêm cho nhiều lứa tuổi để các em từ lớp 6, 7 trở lên đều có thể tham dự. Những lớp này không chỉ giới hạn online (qua Internet) mà còn bao gồm cả lớp hè, lớp thực tập, nghiên cứu được tổ chức ngay tại đại học Stanford.

“Chương trình Giáo dục Tài năng Trẻ” gồm có 3 hình thức như sau:

Chương trình Trung học online

Website: epgy.stanford.edu/ohs

Học sinh được học online, nghĩa là dùng các phương tiện thông tin Internet qua sự trợ giúp của máy vi tính. Với sự tiến bộ của hình thức giao tiếp mới mẻ này, lớp học online gần giống như một lớp học thật sự: học sinh có thể góp ý, thảo luận bằng lời nói, chia sẻ bảng viết với thầy cô cũng như với các học sinh khác. Bài giảng trong lớp học được thu hình cho học sinh tham khảo. Nhiều học sinh đã lợi dụng cơ hội này làm việc một thầy một trò hoặc làm việc trong một nhóm nhỏ và như vậy, hiệu quả đạt được có khi cao hơn một lớp học thật sự tại trường trung học địa phương vì thầy cô và bạn học là những người có trình độ cao hơn.

Học phí toàn thời gian là $13,000 một năm. Các em thuộc gia đình lợi tức thấp có thể nộp đơn xin trợ cấp tài chánh (financial aid.)

Những em từ 13 tuổi trở lên đều có thể nộp đơn (không giới hạn các em nhỏ hơn.)

1. Tiêu chuẩn:

– Có điểm trung bình GPA cao

– Nộp một số đề án (projects) hay bài luận văn mẫu đã chấm điểm ở trường

– Điểm SAT, PSAT (nếu có) hoặc bằng chứng là học sinh giỏi

– Thư giới thiệu của thầy cô

– Luận văn: một bài chính và nhiều bài phụ

– Ý kiến cha mẹ

2. Nộp đơn: gồm 2 phần

– Mẫu Đơn Thông Tin Của Ứng Viên: bao gồm những thông tin cá nhân

– Mẫu Đơn Đầy Đủ xin theo học (17 trang.)

Xin xem thêm chi tiết tại http://epgy.stanford.edu/ohs/admissions.html

3. Tốt nghiệp và Tín chỉ

Muốn có văn bằng tốt nghiệp trung học online của đại học Stanford, học sinh phải lấy đủ những lớp – của Stanford hay của các trường trung học khác – như sau:

– 4 năm tiếng Anh

– 4 năm Toán

– 3 năm Khoa học Tự nhiên

– 3 năm Khoa học Xã hội

– 2 năm Ngoại ngữ

– 2 năm Vật lý

– 1 năm Sức khoẻ

– 4 năm Các khoá học bổ sung đặc biệt của đại học Stanford

Học sinh nhập học vào năm lớp 10 sẽ phải lấy ít nhất 11 khoá học (courses), nhập học vào năm lớp 11 phải lấy 8 khoá học và nhập học vào năm lớp 12 phải lấy 5 khoá học nếu muốn có bằng Trung học online của Đại học Stanford.

Một số khoá học có trình độ đại học (university level courses) cũng được đưa vào chương trình Toán (11 khoá) và Vật Lý (7 khoá) nhằm thoả mãn những em muốn theo đuổi một học trình thách đố hơn. Dĩ nhiên đây là những khoá học được cấp tín chỉ đại học.

3. Lợi ích của văn bằng trung học online Đại học Stanford

– Có lợi thế hơn khi nộp đơn vào các đại học, nhất là đại học Stanford

– Được lấy một số lớp có trình độ đại học và được chuẩn bị tốt hơn cho bậc đại học

– Được tham dự các chương trình mùa hè đặc biệt, làm nghiên cứu (research) hay internship (thực tập nội trú) ngay tại đại học Stanford.

Chương trình học Hàm thụ

Website: epgy.stanford.edu/courses

Nếu không thể theo đuổi văn bằng Trung học online của đại học Stanford, phương cách đơn giản hơn là lấy một số lớp quan trọng qua chương trình hàm thụ (Distance Learning) được hỗ trợ và theo dõi của một số thầy cô tại Stanford. Họ là những sinh viên bậc Tiến sĩ.

Những lớp hàm thụ (học từ xa) này bao gồm các khoá học (courses) của học sinh trung học (lớp 7 tới 12) và một số lớp AP (Advanced Placement.) Ngoài ra học sinh tham dự cũng có thể lấy những lớp Toán và Vật Lý của chương trình đại học như đã đề cập bên trên.

Mỗi học sinh đều được một thầy cô theo dõi việc học tập. Sau khi học lý thuyết, một số bài tập từ dễ đến khó được chấm bằng máy vi tính. Có nhiều bài tập như Anh văn, Vật Lý, Thảo chương sẽ được các thầy cô chấm điểm.

Khoá học hè của EPGY

Website: epgy.stanford.edu/summer

Khoá hè của EPGY kéo dài từ 2 đến 5 tuần dành cho học sinh từ lớp 6, 7 tới lớp 11.

Lẽ dĩ nhiên, khoá hè EPGY không cấu trúc lớp khó như khoá học hè chính thức có lấy tín chỉ hay những lớp hàm thụ khác. Học sinh tham dự chương trình hè “vui vẻ” này đến từ 44 quốc gia và khắp nước Mỹ. Chi phí từ $4,200 đến $5,400.

Khoá học hè dành cho học sinh quốc tế được tổ chức ngoài nước Mỹ. Vào mùa hè năm 2008, những khoá học này sẽ được tổ chức tại 3 địa điểm trên thế giới: Bắc Kinh, Singapore và Istanbul. Điều này chứng tỏ Stanford đang tìm kiếm các tài năng Á châu cũng như tạo ảnh hướng tới lục địa này. Đây cũng là dịp để các học sinh quốc tế thực tập tiếng Anh đã học.

Học sinh trung học được yêu cầu lấy 1 khoá học (course) và thường là khoá học tương đối nhẹ để học sinh có thể “vừa học, vừa chơi” trong một thời gian từ 3 đến 4 tuần lễ. Đối tượng của những khoá hè này thường kết hợp du lịch, giao tiếp xã hội với việc tìm hiểu một trường đại học họ định nộp đơn. Trường đại học cũng nhờ vậy giới thiệu tên tuổi mình tới một tầng lớp xã hôi thành đạt trong nước Mỹ cũng như quốc tế. Hầu hết học sinh là con cái của “giai cấp quý tộc” và sẽ theo học các ngành Thương mại, Chính trị, Luật … sau này.

Tham dự các chương trình giáo dục tài năng trẻ của đại học Stanford nêu trên sẽ giúp học sinh có được kinh nghiệm về học hành và kinh nghiệm về đời sống trong môi trường đại học. Ngoài ra, chương trình còn giúp gia tăng cơ hội vào được các đại học tiếng tăm hay các chương trình nội trú, học bổng đặc biệt. Các em học sinh và quý vị phụ huynh có con em chăm học nên khuyến khích các em tham dự. Hãy xin trợ cấp tài chánh nếu hội đủ điều kiện.

Muốn có links hay thông tin thêm xin liên lạc: giaoduc@aol.com

85 Khoá Hè Giúp Học Sinh Vào Đại Học Mơ Ước




Tiếc thay hoa hỡi là hoa
Mùa xuân chẳng nở, nở ra mùa hè!


Bạn là một học sinh giỏi và muốn đi Harvard, Stanford, Yale, Berkeley, UCLA … ư?

Hãy tham dự khoá hè có lấy tín chỉ đại học (credit/unit) của những trường này.

Nếu thật sự mơ ước một đại học nào đó, học sinh hãy nộp đơn vào chương trình mùa hè để gia tăng cơ hội. Càng ngày càng có nhiều em theo học khoá hè rồi sau đó được thu nhận làm sinh viên thực thụ. Dĩ nhiên không phải tất cả học sinh theo học khoá hè đều thành công khi nộp đơn vào đại học nhưng các khoá học hè đã chứng tỏ một sức mạnh đáng kể.

Ban Tuyển sinh đại học thường coi ứng viên theo học chương trình mùa hè của họ như một cơ hội “hò hẹn và tìm hiểu nhau.” Trường đại học có dịp biết được tài năng học hành, khả năng gây ảnh hưởng cộng đồng của ứng viên và ngược lại, ứng viên cũng có dịp biết được trường có thích hợp cho tương lai học tập của mình trong 4 năm sắp tới (đôi khi lâu hơn) ở đại học này hay không?

Tuy các đại học có minh định rằng theo học khoá hè không có nghĩa là sẽ được thu nhận làm sinh viên chính thức của trường nhưng thực tế cho thấy việc theo học và học thành công khoá hè đã giúp nhiều ứng viên vào được đại học mơ ước.

Ngoài những tín chỉ đại học có giá trị được cấp, khoá hè cũng là dịp để học sinh trải nghiệm về đời sống trong đại học xá và các phương diện học hành nói chung ở bậc đại học. Khoá hè cũng cung cấp thêm cơ hội về văn nghệ, thể thao, báo chí, phòng thí nghiệm … để các em thoả chí vẫy vùng trong môi trường rộng lớn và nhiều thách đố hơn.

Sau đây là một vài chương trình mùa hè của các đại học nổi tiếng và của California:

Harvard

Website của chương trình www.summer.harvard.edu/2008/programs/ssp

Năm nay Harvrad nhận khoảng 1000 học sinh xuất sắc bao gồm cả du học sinh vào chương trình mùa hè. Điều kiện tối thiểu phải là học sinh lớp 10 trở lên của niên học 07 – 08. Harvrad sẽ nhận học sinh cho tới khi đủ sĩ số (rolling admission.) Hầu như các học sinh ưu tú đều dễ dàng được thu nhận vào chương trình mùa hè nếu nộp đơn xin theo học.

Các em thuộc gia đình thu nhập thấp có thể xin trợ cấp tài chánh. Harvard là một viện đại học có quỹ hiến tặng lên tới $34 tỷ (2008) nên họ khá rộng rãi trong việc trao tặng học bổng. Tuy nhiên, ngân quỹ dành cho chương trình hè cũng không phải là không có giới hạn; do vậy phải nhanh chân nộp đơn xin, nếu không thì “trâu chậm uống nước đục.”

Tại Harvard các em có thể lấp lớp 8 tuần hay 4 tuần tùy theo từng sở thích. Những em ghi danh theo lớp 8 tuần có thể lấy 2 lớp mỗi lớp 4 tín chỉ hay một lớp 8 tín chỉ.

Các lớp mùa hè dành cho học sinh trung học tại Harvard được thiết kế sao cho các em có cơ hội học hành thành công cao. Trường đã cấu trúc nhiều lớp dẫn nhập (introduction) trong mùa hè. Nếu tận tâm học tập khả năng được điểm tốt của các em là thực tế và khá cao.

Stanford

Website của chương trình: summer.stanford.edu/highschool/summercollege.asp

Mặc dầu có nhiều điểm giống nhau giữa hai khoá học mùa hè dành cho học sinh trung học của trường Stanford và Harvard nhưng cả hai chương trình vẫn có một số khác biệt:

– Stanford chỉ có chương trình 8 tuần và không có chương trình 4 tuần. Học sinh nên nghiên cứu thời khoá biểu của trường trung học, các chương trình mùa hè khác và của Stanford xem có sự trùng lặp lên nhau hay không trước khi quyết định nộp đơn.

– Các lớp (courses) của Stanford nhiều hơn (gồm cả lớp khó) nếu so sánh với Harvard. Đây cũng là một lợi điểm khi lựa chọn nhưng cũng có thể tạo thành vấn đề cho các emỉ. Hãy chọn những lớp mình yêu thích học và có khá năng học thành công. Xin cẩn thận khi chọn lớp.

– Học tại Harvard lợi về tín chỉ hơn Stanford. Trong 8 tuần theo học, một học sinh lấy trung bình 8 tín chỉ quarter (tam cá nguyệt) tại Stanford trong khi tại Harvard thì 8 tín chỉ semester (học kỳ hay lục cá nguyệt.) Nếu đổi ra tín chỉ quarter thì học tại Harvard được (8 x 1.5) 12 tín chỉ còn tại Stanford chỉ được 8. Trong lúc đó phí tổn theo học như nhau ($10,000.)

– Quỹ hỗ trợ tài chánh khoá hè của Harvard hình như (?) rộng rãi hơn Stanford trong những năm trước.

– Nhiều em học sinh giỏi đã theo học hai mùa hè sau lớp 10 và sau lớp 11 tại Harvard và Stanford rồi nộp đơn vào hai đại học trên. Kinh nghiệm cho thấy nếu định đi đại học nào thì nên theo học lớp hè tại đó vào sau lớp 11 thì có được nhiều lợi thế hơn.

West Point

Website của chương trình: www.admissions.usma.edu

Viện Đại học Quân sự West Point có chương trình mùa hè 2008 Summer Leaders Seminar kéo dài có 1 tuần và chỉ dành cho học sinh lớp 11. Trong thời gian này học sinh không lấy lớp tức là không được cấp tín chỉ đại học nhưng được trợ giúp tìm hiểu về các chương trình học, huấn luyện quân sự, huấn luyện thể chất cũng như thi đua thể thao. Số lượng ứng viên được thu nhận là 800. Vì là một chương trình ngắn hạn nên nhiều em có đủ thời gian đi West Point rồi mới đi dự khoá hè lấy tín chỉ tại đại học khác.

Đây là một trong những chương trình mùa hè nhiều hứng thú. Học sinh được làm quen với trang thiết bị tân tiến nhất trong quân đội về các môn Khoa học. Những lớp về tranh luận và lãnh đạo chỉ huy cũng là ưu điểm đặc biệt của khoá học tại trường Võ bị nổi tiếng này.

Chương trình mùa hè của các UC (University of California)

Nếu các em muốn theo học gần nhà hay định đi các đại học thuộc hệ thống UC thì các lớp hè tại những nơi này là một cơ hội tìm hiểu về học hành và đời sống tại đại học đó.

Sau đây là một số chương trình mùa hè có cung cấp tín chỉ đại học dành cho học sinh trung học của các trường đại học trong hệ thống UC:

UC Berkeley: summer.berkeley.edu/mainsite/type_highschool.html

UCLA: summer.ucla.edu/HighSchool/hsgeneral.htm

UC San Diego: summersession.ucsd.edu

UC Irvine: summer.uci.edu/studentservices/students/highschool/index.asp

Khoá hè cho các em lớp 9

Những chương trình nêu trên không dành cho học sinh lớp 9. Do vậy các em nên tham dự những khoá học không có tín chỉ nhưng cung cấp cơ hội tìm hiểu về các đại học tại các trường trung học nội trú (boarding schools) nổi tiếng của Mỹ như Phillip Academy Andover hay Exeter hoặc vô số các trường nội trú khác trên toàn quốc.

Nếu không, các em cũng có thể xin làm nghiên cứu (research) tại các phòng thí nghiệm của một trong 4 đại học thuộc hệ thống UC là UC Irvine, UC San Diego, UC Santa Cruz và UC Davis theo một chương trình đặc biệt được gọi là COSMOS.

Website của chương trình: www.ucop.edu/cosmos

COSMOS cho phép các em cơ hội làm việc với các giáo sư trong phòng thí nghiệm và nếu nộp đơn vào các đại học thuộc hệ thống UC thì đây là một lợi điểm rất đáng kể.

Tóm lại, muốn thành công hơn khi nộp đơn vào một đại học, nhất là đại học nổi tiếng, ứng viên thường phải tìm cách làm cho Ban Tuyển sinh của trường mơ ước chú ý đặc biệt đến mình. Và một trong các phương cách tốt nhất là theo học lớp mùa hè của đại học đó. Các em nên nộp đơn sớm để có thể xin được hỗ trợ tài chánh (financial aid.) Học sinh thuộc gia đình có lợi tức thấp xin đừng ngần ngại nộp đơn vì nhiều trường cung cấp học bổng một phần hay toàn phần; xin đừng để tiền bạc là rào cản ngăn trở ước mơ của mình.

84 Kỳ Thi ACT




Khái niệm

Ra đời năm 1959, ACT (American College Testing) mau chóng xác định vị trí của mình so với đối thủ đàn anh lâu đời hơn là SAT (ra đời năm 1901.) Trong năm học 2006 – 2007 đã có hơn 1.3 triệu học sinh thi ACT (khoảng 46%.)

Cũng giống như SAT, các nam sinh thi thành công hơn các nữ sinh. Trong kỳ thi này, cứ khoảng 4100 học sinh dự thi thì một em được điểm tối đa 36 (so sánh với SAT thì khoảng 5,500 em mới có một em được điểm tối đa 2,400.)

Giống như SAT, ACT là một kỳ thi được ban tuyển sinh của các đại học dùng khi thu nhận tân sinh viên. Đối với hầu hết các đại học, ứng viên có thể nộp điểm thi SAT hay ACT. Để chắc chắn, nên tham khảo ban tuyển sinh của mỗi trường trước khi quyết định lấy một trong hai loại trên.

Khuynh hướng chung ngày nay là càng ngày càng có nhiều học sinh thi cả hai điểm SAT và ACT; họ so sánh điểm nào lợi hơn rồi nộp cho đại học điểm đó. Vì một số học sinh làm SAT điểm tốt hơn trong khi một số khác thì ngược lại có điểm ACT cao hơn.

Nhiều học sinh trên thế giới cũng thi vào các đại học Mỹ nên mỗi năm các kỳ thi ACT quốc tế được tổ chức 4 đến 6 lần tùy theo từng quốc gia hay vùng lãnh thổ. Riêng tại Mỹ ACT được thi 6 lần vào tháng 9, tháng 10, tháng 12, tháng 2, tháng 4, tháng 6 và đều thi vào các ngày thứ Bảy. Một số tiểu bang của Hoa kỳ không tổ chức thi ACT vào tháng 9.

Các đại học vùng Trung Tây và Nam Hoa kỳ có khuynh hướng khuyến khích học sinh nộp điểm ACT trong khi vùng Tây (bao gồm California) và Đông Hoa kỳ nghiêng về SAT.

Các học sinh lớp 10 nếu định thi ACT thường lấy “Test Plan” để xem coi đã chuẩn bị đủ và có nên lấy ACT hay không? Một câu hỏi khác: học sinh thi tốt nhất vào lúc nào? Thống kê cho thấy 55% học sinh thi ACT lần thứ hai có kết quả cao hơn lần thứ nhất và kết quả đạt mức tối ưu nếu thi lần đầu vào cuối năm lớp 11 và lần thứ hai vào đầu năm lớp 12.

Các ứng viên không thi Viết nộp lệ phí là $30 (2008) còn nếu thi thêm Viết thì $44.50. Nếu tính cả thời gian thi Viết (30 phút) thì tổng số thời gian sẽ khoảng 5 tiếng đồng hồ, kể cả giờ nghỉ ngơi. Điểm sẽ được gửi về cho các em, trường trung học và 6 đại học định nộp đơn hay các chương trình học bổng. Dĩ nhiên những kết quả điểm này sẽ được gửi trực tiếp tới các nơi yêu cầu mà không qua tay các em nhằm tạo sự công bằng và tránh trường hợp gian lận.

Khác biệt chính giữa ACT và SAT

Giữa ACT và SAT có những tương đồng nhưng cũng có hai khác biệt chính:

Thứ nhất, ACT có thêm phần Khoa học và như vậy giúp các trường đại học có thêm dữ kiện tìm hiểu và đánh giá khả năng Khoa học của học sinh. Đối với sinh viên trên đại học các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học (Vạn vật) thường là những môn “khó thương” và đầy thách thức nên nhiều sinh viên đã bỏ học chỉ vì những môn này. Khi sinh viên bỏ học, các đại học bị xuống hạng. Chính vì vậy ban tuyển sinh các trường thường để ý tới điểm các môn Khoa học của ứng viên cho dù họ theo học các ngành về Nhân văn, Nghệ thuật.

Để có thể đạt điểm cao môn Khoa học trong các kỳ thi ACT, học sinh phải chuẩn bị kiến thức 3 năm học về những môn như Khoa học Trái đất, Vât lý, Hoá học và Sinh học … Nếu nhà trường không cung cấp đủ kiến thức trên, học sinh phải tìm cách tự ôn thi qua sách luyện thi hay các tài liệu khác.

Thứ hai, SAT là một kỳ thi dựa vào suy luận và đặt cơ sở trên năng lực, thông minh – giống như IQ test – nghĩa là nếu một học sinh giỏi, em có thể lấy SAT vào bất cứ lúc nào. Một thí dụ là Terence Tao (hiện đang là Giáo sư thực thụ dạy Toán tại UCLA) khi được 8 năm 10 tháng, Tao lấy SAT Toán và đã ghi được 760 điểm trên bậc thang 800. Trái ngược lại, ACT dựa vào chương trình giảng dạy và học sinh phải học qua mới có thể hiểu và làm được bài. Vì vậy nhiều đại học cho rằng ACT giúp đánh giá phẩm chất học sinh tốt hơn.

Kết quả kỳ thi ACT được dùng ra sao?

Các trường trung học dùng các kết quả của kỳ thi ACT để tìm hiểu các ưu, khuyết điểm và hướng dẫn học sinh đạt những kết quả cao hơn dựa theo các dữ kiện thu thập được. Đồng thời qua những thống kê và nghiên cứu về điểm, họ có thể đánh giá hiệu năng giảng dạy của các thầy cô giáo trong trường và đưa ra biện pháp cải tiến phương pháp giảng dạy. Ngoài ra họ cũng đùng ACT để sắp xếp chương trình sắp tới cho có nhiều hiệu quả hơn.

Các đại học dùng ACT cho 3 mục đích.

Trước hết, như đã được đề cập bên trên, ACT được ban tuyển sinh các trường dùng khi tuyển mộ tân sinh viên nhằm tìm kiếm nhân tài giỏi nhất trong các ứng viên nộp đơn xin học.

Kế tiếp các đại học coi ACT như một kỳ thi xếp lớp dựa vào trình độ sẵn có của tân sinh viên. Nếu ứng viên có đủ trình độ căn bản thì sẽ được lấy những lớp cao hơn còn nếu không sẽ phải lấy lại những lớp căn bản đó. Ngoài ra các cố vấn của trường cũng dùng ACT để hướng dẫn tân sinh viên như giúp chọn lớp, sinh hoạt ngoại khoá, học bổng hay các chương trình làm việc trong trường học.

Cuối cùng, các chương trình cấp học bổng hay cho mượn tiền cũng dùng ACT tiên đoán sự thành công của học sinh để quyết định. Dĩ nhiên họ không chỉ nhìn vào ACT mà còn nhìn vào nhiều lãnh vực khác để đánh giá, lượng định ứng viên. Trong nhiều trường hợp, cánh cửa các chương trình học bổng tài năng thường rộng mở cho các ứng viên có điểm ACT cao.

Các môn thi của ACT

ACT bao gồm 4 môn Anh văn, Toán, Đọc hiểu và Khoa học. Kể từ tháng 02/2005, thí sinh nếu muốn có thể chọn thêm môn Viết (Writing.)

1. Anh văn:

Thường được cho làm đầu tiên trong 45 phút với 75 câu hỏi. Học sinh nên thực hành trên nhiều bài tập, học thêm các phương pháp diễn tả cũng như cách thức sửa câu. Một phần sẽ chú ý về Văn phạm (cách dùng các dấu chấm, phẩy, hỏi chấm … , sự hoà hợp của các thì, khi nào phải viết hoa …) và phần khác là về cách dùng câu sao cho đạt hiệu quả cao và chính xác. Học sinh đọc sách nhiều thường có lợi thế trong môn thi Anh văn này.

2. Toán:

Phần thứ nhì là môn Toán. Môn này bao gồm 60 câu hỏi được làm trong 60 phút. Trong đó 14 câu dành cho Toán học sơ cấp, 19 câu cho Đại số, 23 câu cho Hình học và 4 câu cho Lượng giác. Do cấu trúc như vậy, ACT giúp các học sinh ôn tập dễ dàng hơn.

3. Đọc hiểu:

Môn này gồm 40 câu hỏi được làm trong 35 phút và đòi hỏi học sinh trước hết phải giầu có về vốn ngữ vựng của các môn học. Thí sinh được đọc một đoạn văn rồi dùng lý luận hay tìm những ý tưởng đã được đề cập một cách gián tiếp để trả lời cho bài thi. Những đoạn văn dài khoảng 1000 chữ này thường được lấy từ các tạp chí, bài báo hay sách xuất bản và bao gồm các lãnh vực như Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên, Nhân văn và Văn học.

4. Khoa học:

Gồm 40 câu hỏi trong thời gian 40 phút. Phần này gồm 7 đoạn văn và sau mỗi đoạn văn là 5 đến 7 câu hỏi. Mục đích là để tìm hiểu khả năng diễn dịch biểu đồ, phân tích các dữ kiện, mô tả các thí nghiệm và nhận xét những giả thiết mâu thuẫn về Khoa học.

5. Viết (tùy ý):

Trong khi các học sinh không thi Viết ra về thì các em ghi danh dự thi môn Viết sẽ ngồi lại thi tiếp một bài luận văn ngắn trong 30 phút. Những đề tài thường được đề cập là về các vấn đề xã hội và được 2 thầy cô giáo chấm điểm. Có khá nhiều đại học đòi hỏi các ứng viên phải nộp điểm môn Viết (Writing) – cho dù là SAT hay ACT – và các đại học của California trong hệ thống UC cũng không nằm ngoài luật lệ ấy.

Học sinh trong cộng đồng Việt nam chúng ta nếu có khả năng Khoa học nên thi thêm ACT để so sánh với điểm SAT và nộp cho đại học một trong hai điểm tốt hơn. Tuy không công bố rõ ràng nhưng nếu học sinh định theo các ngành Khoa học thì nhiều đại học rất thích học sinh nộp điểm ACT. Mặt khác, ACT cũng giúp các em củng cố kiến thức, làm quen với việc thi cử các môn Khoa học và khi học lên cao hơn sẽ góp phần chuẩn bị cho các kỳ thi cần nhiều kiến thức Khoa học như thi vào Y, Nha, Dược (MCAT, DAT, PCAT) hay Ph.D sau này.