Thursday, 17 April 2008

88 Áp Lực Giáo Dục




Uốn cây từ thuở còn non
Dạy con từ thuở con còn ngây thơ

Kim muốn chơi bóng rổ trong trường học nhưng Mẹ muốn em chơi Field Hockey vì các trường đại học trong hệ thống Ivies (gồm 8 trường nổi tiếng miền Đông là Harvard, Yale, Princeton, Brown, Columbia, Cornell, Dartmouth, Pennsylvania) thích nhận nữ sinh viên chơi môn thể thao này.

Một em trai khác được Bố dặn phải ứng cử President (trưởng lớp) nhằm dọn chỗ cho việc làm President ở trường trung học. Bố em là một phụ tá pháp lý, ông muốn em phải trở thành một Luật sư, và dĩ nhiên ứng viên có ảnh hưởng cộng đồng như Trưởng lớp luôn được các trường đại học Luật yêu thích.

Vấn đề là: cả hai chỉ mới học lớp 6 và mới 12 tuổi!

Trong chỗ riêng tư hai em đã thú nhận muốn có một resume (lý lịch) tốt nhưng thật sự không thích chơi Field Hockey và cũng chẳng muốn làm trưởng lớp.

Ngoài việc bắt buộc con cái phải làm và phải chơi những thứ chúng không thích các em còn được dặn dò phải thi đua học hành sao cho bằng hay hơn những bạn khác.

Ý kiến trái ngược giữa phụ huynh và học sinh

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây tại trường trung học Westlake thuộc tiểu bang California cho thấy: 70% học sinh được hỏi cho rằng đôi khi áp lực của cha mẹ trong việc thúc đẩy các em học hành là cần thiết nhưng cũng có tới 85% cho rằng cha mẹ đã đi quá xa trong việc đặt áp lực học hành lên con cái.

Tuy nhiên, về phía cha mẹ, một nhóm nghiên cứu không chuyên nghiệp khác có tên là “Công luận Hoa kỳ” đã có ý kiến trái ngược: phụ huynh Hoa kỳ không thúc giục các em đủ trong việc giáo dục.

Cũng theo cuộc khảo sát mới đây của Pew Global Attitudes thì phần lớn phụ huynh Hoa kỳ nghĩ rằng cha mẹ đã không tạo đủ áp lực lên con cái (Richard Wike & Juliana Menasce Horowitz.) Cuộc khảo sát này đã được tiến hành trên mọi sắc dân, thuộc mọi tầng lớp kinh tế xã hội và học vấn Hoa kỳ. Kết quả được ghi nhận như sau:

– 24% phụ huynh cho rằng áp lực học hành đặt lên con cái là vừa đủ

– 15% cho rằng quá nhiều

– 56% cho rằng cha mẹ cần đặt thêm áp lực lên con cái

Những mâu thuẫn giữa ý kiến của cha mẹ và con cái gợi lên một câu hỏi: áp lực của cha mẹ là cần thiết nhưng làm thế nào là vừa đủ và có lợi cho con cái?

Câu trả lời này không có một mẫu số chung. Tất cả tùy thuộc vào mỗi gia đình với những hoàn cảnh khác nhau và tùy thuộc cả vào những điều chỉnh của mỗi thành viên. Một em chăm học thường cảm thấy ít bị áp lực của cha mẹ hơn; con em gia đình có lợi tức thấp cũng cảm thấy ít bị áp lực hơn con em gia đình giầu có và con em gia đình cha mẹ có học vấn thấp cũng ít bị áp lực hơn con em cha mẹ có học vấn cao.

Để đạt được tác dụng tối ưu, phụ huynh nên theo dõi những tín hiệu tiêu cực và tích cực khi tạo sức ép lên con cái. Hãy biết ngừng lại sự thúc ép khi con cái biểu lộ những hành vi tiêu cực như cãi lại, điểm xuống thấp, mệt mỏi, mất ngủ hoặc nóng nảy.

So sánh giữa Hoa kỳ và các nước Á châu

Những cuộc tranh luận trong giới giáo dục về áp lực học hành đang là vấn đề nổi cộm trên toàn nước Mỹ. Để tìm kiếm câu trả lời thoả đáng họ bèn quay sang các nước Á châu nơi mà sự phát triển kinh tế được biết tới do có một truyền thống tôn trọng giáo dục trong gia đình cũng như toàn xã hội.

Alexandra Robbins cho rằng ở các nước Á châu, đại học mà một người đã theo học dẫn tới sự kính trọng cá nhân khác nhau và ảnh hưởng tới lương bổng làm việc.

Theo một cuộc thăm dó tại Á châu thì ngược với Hoa kỳ, đa số phụ huynh ở 3 nước Trung hoa, Nhật, Ấn độ cho rằng cha mẹ và trường học đã đặt một áp lực quá nặng nề lên con cái. Khảo sát này được thực hiện vào tháng 05/2006.

– 30% cho rằng áp lực học hành lên con cái là vừa đủ (Hoa kỳ 24%.)

– 59% cho rằng quá nhiều (Hoa kỳ 15%.)

– 9% cho rằng cha mẹ cần đặt thêm áp lực lên con cái (Hoa kỳ 56%.)

Mâu thuẫn xảy ra là phụ huynh Nhật không muốn con cái bị áp lực học hành nhưng vẫn không muốn hy sinh vị trí cao trong nền giáo dục thế giới. Sau khi giảm nhẹ chương trình học kết quả nhìn thấy rõ: học sinh Nhật bản đã từ hạng nhất năm 2000 tụt xuống hạng 4 năm 2003 trong cuộc thi toán PISA (Program for International Student Assessment) quốc tế. Rõ ràng rằng nếu tạo áp lực lên học sinh, khả năng cạnh tranh có thể nâng cao hơn. Dĩ nhiên mọi sự đều phải trả một giá nào đó.

Tại Hoa kỳ, các em học sinh đứng vị trí khá thấp khi so sánh chung. Thí dụ trong 29 nước dự thi PISA 2003 thì học sinh Hoa kỳ đứng hạng 24 về Toán và 19 về Khoa học. Để tìm kiếm lý do, Viện Brookings khảo sát sâu rộng hơn và họ tìm thấy rằng học sinh Mỹ trung bình dành ra ít hơn một giờ để làm homework (bài tập về nhà) và phụ huynh Hoa kỳ cũng không muốn tạo áp lực học hành lên con cái.

Phản ứng ngược

Phụ huynh ráo riết đẩy con cái vào cuộc tranh đua sớm sủa, điều này đôi khi tỏ ra hữu ích nhưng cũng tạo ra những “phản ứng ngược.”

Tiến sĩ Giáo dục Denise Pope của Khoa Giáo dục Đại học Stanford cho rằng, “Áp lực đặt lên con cái tại trường học là vì điểm (grades) chứ không phải vì kiến thức và do vậy các em đôi khi đã phải gian lận trong thi cử.” Giáo dục vô tình đã “phản giáo dục” vì đã tạo ra sự căng thẳng, dối trá và nhất là làm mất chức năng chính là đào tạo một con người tử tế!

Những lệch lạc xuất hiện khi cha mẹ quá nhấn mạnh vào sự thành công của con cái tại học đường. Phụ huynh cảm thấy hổ thẹn khi con em không đáp ứng được mong đợi của mình mà nhiều khi do cha mẹ đặt mục tiêu quá cao. Một em đi học nhạc không có nghĩa là sẽ trở thành một giọng hát nổi tiếng.

Khi thất bại không hoàn thành được ước vọng của cha mẹ các em bị mặc cảm tự ti. Hậu quả là các em lớn lên với ý nghĩ rằng mình không tốt đủ và không tạo được tự hào nơi cha mẹ. Do vậy các em đánh mất niềm tin vào năng lực mình.

Những cuộc nghiên cứu giữa các nhà giáo dục và lâm sàng học khắp Hoa kỳ đã xác định rằng: con cái của những gia đình tạo quá nhiều áp lực về học hành đang có tỷ lệ cao bị suy sụp tinh thần, rối loạn thần kinh và lạm dụng chất gây nghiện.

Vui thú trong học tập phải là trọng tâm giáo dục. Đại học Y khoa Stanford đã chỉ chấm điểm theo Pass (Đậu) và Fail (Rớt) – nghĩa là không theo thang điểm chữ A, B, C, D, F cũng là để sinh viên không phải cạnh tranh nhau và vui vẻ học tập.

Cuối cùng, những áp lực tích cực và vừa phải từ gia đình sẽ là tốt đẹp nếu như nó cần thiết cho sự điều chỉnh một sút giảm học hành. Đầu tư quá nhiều tình cảm, thời gian và tiền bạc để thúc đẩy con cái phải chiến thắng bạn bè tại học đường (điểm cao, ganh đua thứ hạng, cạnh tranh các giải thưởng … ) là dấu hiệu đầu tiên của một áp lực không lành mạnh. Giáo dục đích thực phải khuyến khích các em phát triển nhân cách và kiến thức của chính mình chứ không phải cạnh tranh và chiến thắng lẫn nhau.

No comments: