Wednesday, 9 July 2008

93 Barack Obama, Trường Học và Giáo Dục




Cả hai Cha Mẹ của TNS Barack Obama đều có văn bằng Tiến sĩ (Ph. D) – Mẹ ông là Tiến sĩ Nhân chủng học (Anthropology) và Cha ông là Tiến sĩ Kinh tế tốt nghiệp Đại học Harvard. Do vậy nền giáo dục của ông đã được gia đình coi trọng ngay từ bé. Theo dõi những trường ông đã theo học và những việc ông đã làm trong từng thời kỳ giúp học sinh trong cộng đồng một khái niệm căn bản để thành công trên đường học vấn. Câu hỏi đặt ra là: Obama đã trải qua những chọn lựa và hoạch định lộ trình học tập ra sao khi đi học?

Mục đích của bài viết nhắm vào khía cạnh giáo dục hơn là chính trị.

Punahou

Sau những năm tháng lưu lạc theo Mẹ ở Indonesia, lúc 10 tuổi Obama được ông bà ngoại đưa về Hawaii và thụ hưởng một nền giáo dục tốt nhất. Tại đây, cậu được vào học lớp năm của trường Punahou, một trường học có từ lớp mẫu giáo tới lớp 12 và là một trong những trường trung học tư thục tốt nhất Hoa kỳ. Học phí của trường niên học 08 – 09 là gần $17,000 – chưa kể chi phí linh tinh khác. Vì ông ngoại là một thương gia, bà ngoại là Phó Giám đốc một ngân hàng Hawaii địa phương nên họ có khả năng chi trả học phí cho Obama.

Trường Punahou đã đào tạo rất nhiều nhà lãnh đạo cho Hoa kỳ. Cựu học sinh trường gồm nhiều nhân vật nổi tiếng như các thống đốc Sanford B. Dole, Lawrence M. Judd, thượng nghị sĩ liên bang Hiram Bingham III, bộ trưởng John W. Gardner, chánh án liên bang Elbert Tuttle. Ít nhất 9 vị tướng lãnh thuộc đủ mọi binh chủng trong Quân Lực Hoa kỳ và ngay cả Tổng thống Cộng hoà Trung hoa Tôn Dật Tiên cũng đã học hành tại Punahou.

Ngoài ra Punahou còn đào tạo những nhân vật nổi tiếng khác như Steve Case – người sáng lập AOL; Pierre Omidyar – đồng sáng lập eBay, Carrie Ann Inaba – giám khảo cuộc thi Dancing With The Stars và Norm Chow – huấn luyện viên football của UCLA …

Theo lời kể của Obama, những ngày tháng học hành tại Punahou có những khó khăn và dằn vặt: các cô gái da trắng và Á châu không muốn hò hẹn với cậu. Hơn nữa, cạnh tranh với học sinh Á châu trong lãnh vực học vấn là điều không dễ dàng. Bơ vơ, lạc lõng, chàng tuổi trẻ tìm những câu hỏi về thân phận da màu và đôi khi đã dùng đến các chất gây nghiện.

Học xong trung học Obama quyết định theo học trường Occidental College ở Los Angeles. Trong lãnh vực học vấn, cậu đã chọn những trường ít sinh viên cùng màu da để học.

Occidental College

Đây là một trường khá nổi tiếng và phần lớn sinh viên là da trắng con nhà giầu. Sự cạnh tranh do vậy không dữ dội như ở Punahou và sĩ số sinh viên cùng màu da với cậu tương đối nhiều hơn. Tuy vậy, giống như ở trung học, Obama vẫn cho rằng mình không được đối xử công bằng. Theo lời kể của Obama, cậu đã cùng bạn bè party, uống rượu, thuốc lá và ma túy.

Tại Oxy (gọi tắt của Occidental College), Obama gặp một cô gái cùng màu da tên là Regina. Sau khi nghe tâm sự buồn bã của Obama đã khuyên rằng: cuộc sống quả thực nhiều khi không bình đẳng nhưng chúng ta có nhiệm vụ làm cho nó tốt đẹp hơn.

Nghe lời, chàng trai Obama bắt đầu tham gia biểu tình và lên tiếng công khai bênh vực người da màu. Thất vọng cá nhân được chuyển đổi thành hy vọng cộng đồng.

Quan trọng hơn, Obama bắt đầu nhận thức rằng: phải thay đổi hẳn chính bản thân mình để thành công và phải tìm một môi trường mới rộng lớn hơn. Sau hai năm theo học, Obama quyết định chuyển trường qua đại học Columbia, New York — một Ivy nổi tiếng miền Đông.

Việc dùng ma túy của Obama đã bị nhiều bạn học cũ tai Punahou và Occidental phủ nhận. Họ cho rằng Obama là học sinh khá đứng đắn, chuyên cần và có mục đích.

Columbia

Khi theo học tại đại học Columbia, Obama vẫn theo ngành Chính trị, tập trung sâu vào Bang giao Quốc tế và tạm bỏ qua một bên những cay đắng về màu da cũng như những tật xấu (uống rượu, ma túy … ) trước kia. Obama không giao thiệp với bạn bè, vùi đầu vào học hành và gần như sống cuộc đời của một “tu sĩ” để có thể thay đổi mình bằng tinh thần tích cực.

Sau hai năm “tu tâm dưỡng tính”, Obama tốt nghiệp đại học và có trong tay Cử nhân Chính trị học – một văn bằng dường như vẫn còn nhỏ bé so với mơ ước của cậu.

Đi làm

Ra trường, Obama bắt đầu làm việc cho Business International Corporation và New York Public Interest Research Group nhằm củng cố tốt hơn hồ sơ cá nhân của mình.

Mục tiêu của Obama lúc này là trường Luật Harvard vì cậu có trong tay 3 lợi thế:

– Xuất thân từ những trường nổi tiếng (Punahou, Oxy, Columbia)

– Người da màu được ưu tiên trong tuyển sinh

– Cha là cựu sinh viên bậc Tiến sĩ (Kinh tế) của Harvard. Con cháu cựu sinh viên thường được ưu tiên nhận vào do chính sách legacy

Với những biệt đãi của số phận như thế chắc Obama không trách xã hội bất công nữa!

Tuy nhiên trường Luật Harvard cũng như Yale hay Stanford không dễ vào. Obama đã phải trải qua thời gian 5 năm làm việc thực tế trước khi bước vào được giảng đường danh giá trường Luật Harvard. Lúc này Obama đã 27 tuổi. Quả thật chàng trai trẻ là người biết chờ đợi.

Một bài học rút ra ở đây: Đừng ngại lấy những “năm nghỉ xả hơi.” Hãy dùng những “years off” để đi làm việc mà củng cố (build up) hồ sơ tuyển sinh xin nhập học của mình.

Harvard Law và Harvard Law Review

Obama biết rằng học Harvard có những lợi thế rất đáng kể của mạng lưới trường. Các cựu sinh viên của các trường lớn hiện diện khắp nước Mỹ. Hãy tưởng tượng cựu học sinh hay sinh viên Pinahou, Oxy, Columbia, Harvard đồng tâm góp sức cổ động cho ông thì kết quả sẽ rộng lớn ra sao. Trường nào cũng muốn cựu sinh viên của mình làm Tổng thống. Và dĩ nhiên vị Tổng thống tân cử sau đó sẽ dẫn theo cả một phái đoàn cựu sinh viên khác vào Toà Bạch Ốc với những chức vụ khác nhau. Danh tiếng của trường nhờ vậy lan rộng rất nhanh. Cuộc chiến giữa Hillary Clinton và Barack Obama sẽ là cuộc chiến của Yale và Harvard.

Khi theo học tại Harvard, một điểm nổi bật nhất là Obama được bầu làm Chủ tịch của Harvard Law Review, một nguyệt san (8000 ấn bản) do sinh viên Luật Harvard phụ trách.

Chức vụ Chủ tịch được lựa chọn theo tiêu chuẩn cao về GPA, các bài thi viết đoạt giải cũng như các bài phê bình quyết định của toà án. Những sinh viên Luật giữ chức Chủ tịch Harvard Law Review sau đó thường dảm nhiệm khá nhiều địa vị quan trọng như Chủ tịch Tối cao Pháp viện Johns Roberts, Viện trưởng Harvard Derek Bok, Bộ trưởng Michael Chertoff, Thống đốc New York Eliot Spitzer … và rất nhiều nhân vật tên tuổi khác. Vị trí này là một dấu hiệu sinh viên sẽ toả sáng. Không ai dám nghi ngờ một tài năng như thế !!!

Bài học rút ra ở đây là khi đi học đại học đừng chỉ miệt mài cặm cụi với sách vở. Những sinh hoạt ngoại khoá có ảnh hưởng cộng đồng luôn là dịp giúp sinh viên được biết đến.

TNS Obama được thừa hưởng sự thông minh của Cha Me, sự quan tâm đến giáo dục của ông bà ngoạiỉ nhưng quan trọng hơn ông đã biết đầu tư vào giáo dục, đặt căn bản trên các trường tên tuổi – trung học cũng như đại học – và kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn cắp sách tới trường để đạt được mục tiêu học vấn cao nhất.


*Bài viết được thực hiện khi Obama đang tranh cử và chưa làm TT Hoa kỳ

No comments: