Wednesday, 9 July 2008

95 Năm Điều Căn Bản Nuôi Dạy Thanh Thiếu Niên (1)




Đánh con mình dạy con láng giềng


Sau khi nghiên cứu những em bị lao vào vòng tù tội, các nhà giáo dục nhận ra rằng con hư một phần là do lỗi của Cha Mẹ. Và thay vì tập trung vào các em, họ đổi hướng qua giáo dục các phụ huynh.

Tiến sĩ A. Rae Simpson của đại học Harvard trong bản báo cáo “Raising Teens” đã đưa ra những phương thức chung nhằm giúp Cha Mẹ hiểu rõ hơn nhiệm vụ của mình.

Sau đây là lượm lặt vài ý chính của chương “Năm Điều Căn Bản Nuôi Dạy Thanh Thiếu Niên” (The Five Basics of Parenting Adolescents) và được thêm thắt những thí dụ cho phù hợp với cộng đồng chúng ta.

Yêu thương và gần gũi

Mỗi khi có dịp ôm hôn con cái xin phụ huynh đừng ngần ngại. Cô con gái mua hoa tặng Mẹ nhân ngày Mother’s Day thật sự mong đợi Mẹ sẽ ôm hôn mình. Đửng ngại ngùng bỏ lỡ cơ hội biểu lộ tình cảm cao quý với con cái.

Một em trai rửa xe cho Ba xong, em muốn được nghe lời cảm ơn và khen ngợi. Hãy cho con cái những lời khích lệ. Chúng xứng đáng được khuyến khích và tưởng thưởng.

Các bậc làm Cha Mẹ nên tìm dịp gần gũi khi có thể như cùng tham dự lễ nghi tôn giáo, cùng ăn bữa tối, cùng vui chơi… Hiện diện bên cạnh con cái thường xuyên là căn cước của phụ huynh. Nếu không gần gũi con cái thì người khác – có thể là kẻ xấu – sẽ thay thế chỗ đứng của Cha Mẹ trong ngay trái tim con mình.

Khi con cái bước vào tuổi thanh thiếu niên, phụ huynh nên trông đợi các em sẽ mưu tìm thế đứng độc lập hơn và gia tăng sự phê bình người lớn. Hãy coi đó như một diễn tiến bình thường của lứa tuổi – giống như các em bé 5, 6 tháng bắt đầu mọc răng thì 14, 15 tuổi bắt đầu … tranh luận. Khi các em còn bé Cha Mẹ đã từng đưa tay nâng đỡ lúc chúng tập đi thì bây giờ cũng nên giúp chúng biết bày tỏ quan điểm và bãn cãi sao cho đúng. Điều căn bản nhất là phụ huynh phải học phương pháp trao đổi ý kiến, cho phép các em biểu lộ quan điểm Đừng coi lý luận trái ngược là hỗn hào, vô lễ; cũng đừng diễn dịch đó là “cãi lại.”

Sự thay đổi – và cũng là một thách đố – cho Cha Mẹ là: trong khi cố gắng gần gũi giúp đỡ thì cũng ý thức được những nỗ lực tạo dựng thế đứng độc lập của con cái; các em thường biểu lộ thái độ xa cách về tình cảm, rút lui khỏi những sinh hoạt gia đình, không muốn chia sẻ những thông tin cá nhân (điểm tại trường học, bank statement … ) Vào độ tuổi này, khi Cha Mẹ cố gắng nhích lại gần thì con cái dường như hăm hở bay ra xa hơn.

Kiên nhẫn lắng nghe những lo âu và biểu lộ lòng quan tâm tới vấn đề các em đang nói tới là bài học đầu tiên của Cha Mẹ. Hãy cư xử với con như người lớn và biết cách góp ý nhằm chứng minh lòng yêu thương của mình. Để làm được chuyện này, Cha Mẹ cần biết cách thuyết phục, tìm hiểu thông tin và học những kỹ năng mới để theo kịp con cái.

Trong nhiều cuộc phỏng vấn, khi được hỏi: em có cần sự chú ý và hướng dẫn của Cha Mẹ không thì các em đều trả lời rất cần. Vâng, con cái rất cần Cha Mẹ cho dẫu chúng đang lần mò đi tìm một thế giới độc lập và tập tành quyết định những vấn đề của riêng mình.

Nếu Cha Mẹ không yêu thương và gần gũi đủ, sợi dây liên lạc giữa hai thế hệ bị thách đố. Cha Mẹ cảm thấy bất lực không dạy được con cái trong khi các em cảm thấy cô đơn trước những vấp ngã khi tập tành làm người lớn. Và chính khi vấp ngã, các em cần Cha Mẹ. Thế giới chung quanh các em đang thay đổi nhưng xin hãy giữ lại tình yêu thương cho chúng.

Quan sát và theo dõi

Cha Mẹ cần cho các em biết rằng tất cả những hoạt động của chúng như học hành, làm việc, chơi với bạn bè … đều được Cha Mẹ để mắt tới.

Tuổi thanh thiếu niên mang nhiều rủi ro và nguy cơ. Cha Mẹ do vậy phải học cách quan sát và theo dõi con cái. Phương cách đơn giản nhưng hiệu quả nhất là biết được “giờ này con ở đâu?” Sự hiểu biết nơi chốn hiện diện đó hạn chế rất nhiều nguy cơ dùng rượu, ma túy, hoạt động tình dục sớm, có thai, băng đảng … hay nhẹ nhất cũng là bị bạn xấu ảnh hưởng. Việc theo dõi, kiểm soát phải cân bằng với việc tôn trọng quyền riêng tư của chúng.

Sự theo dõi không gây khó chịu cho con cái. Về mặt tích cực, nó chứng tỏ sự quan tâm của Cha Mẹ và giúp ảnh hưởng lên quyết định chọn bạn cũng như phát triển khả năng giao tiếp xã hội, đồng thời cũng khuyến khích sự can dự của những người lớn khác như thầy cô giáo, cố vấn trường học … vào việc dạy dỗ con em mình.

Hãy quan sát những thay đổi về hành vi, lắng nghe con tâm sự và trao đổi thông tin với những người khác. Một em trai trước kia hay nói cười bỗng dưng đăm chiêu trầm lặng, đi học xong nhủi ngay vào phòng riêng thì phụ huynh phải đặt câu hỏi và tìm hiểu lý do.

Hình thức bên ngoài cũng nên để ý. Một em gái ăn diện hơn thường lệ có thể có bạn trai; một em trai chỉ mặc quần áo một mầu sắc hay chỉ một loại quần áo có thể là băng đảng. Dĩ nhiên các em thường hay chối cãi nhưng đó là những dấu chỉ nên được Cha Mẹ nghi ngờ. Sau đây là một số lãnh vực cần được người lớn đặc biệt quan tâm:

– Điểm học

Nếu phụ huynh theo dõi điểm học (grade) của thanh thiếu niên thì thông thường các em sẽ giữ việc học tập tốt và GPA sẽ cao hơn. Khi GPA của con em đi xuống phải tìm hiểu lý do ngay. Có phải là lý do sức khoẻ, bài quá khó không hợp trình độ, ham chơi, bạn xấu… ?

Hãy coi chừng, GPA giảm có thể do hâu quả của một vấn đề ngoài phạm vi học hành. Đó là tiếng chuông báo động sớm nhất cho phụ huynh.

Ngoài ra, phụ huynh nên đóng góp công sức vào trường học, tham dự vào Hội Cha Mẹ – Giáo chức – Học sinh (PTSA), giữ liên lạc tốt với thầy cô giáo, huấn luyện viên thể thao và cố vấn trường học. Đó là những nguồn giúp đỡ rất tích cực cần tận dụng đầu tiên.

– Sinh hoạt sau giờ học

Khoảng 40% thời gian của thanh thiếu niên dành cho những hoạt động thiếu tính xây dựng và không được kiểm soát. Biết “giờ này con ở đâu” sau giờ học chính thức tại trường giúp con cái hạn chế những áp lực xấu từ bạn bè. Một con số đáng suy nghĩ: 75% giới trẻ báo cáo không có những hoạt động được Cha Mẹ sắp xếp sau giờ học.

Buông lỏng con cái để chúng muốn làm gì thì làm sau giờ học sẽ chỉ mang tời những hậu quả bất lợi. Một thời khoá biểu sau giờ học nên được nêu ra, chẳng hạn như tham gia các sinh hoạt ngoại khoá, học võ, học vẽ, làm bài tập về nhà …

– Biết bạn bè của con cái

Tìm hiểu bạn bè của con cái là một chiến lược giáo dục quan trọng. Nếu em chơi với bạn tốt, đó là dấu hiệu để chúng ta yên tâm. Khi đó hãy khuyến khích em chơi thân hơn với người bạn này. Chơi với bạn tốt sẽ hạn chế được bạn xấu.

Ngoài ra nếu các em đi làm thêm, bạn bè tại chỗ làm cũng đáng được lưu tâm.

– Các phương tiện giải trí

Nên âm thầm để mắt tới.những bài nhạc các em hay nghe, những tạp chí và chương trình TV các em thường coi. Chỉ cần mở máy TV chúng ta sẽ biết đài (channel) các em vừa mới coi xong còn lưu lại trong máy; đây có lẽ là phương pháp theo dõi sự trưởng thành của con cái dễ dàng nhất. Đối với computer, nếu có thể, nên để ý tới những websites các em hay lui tới. Các phương tiện giải trí này cho Cha Mẹ những thông tin rất hữu ích về con em mình.

(còn tiếp)




No comments: