
Dạy con con chẳng nghe lời
Con nghe ông Hễnh đi đời nhà con
Hướng dẫn và đặt giới hạn
Các em cần được căn dặn một số quy luật trong gia đình một cách xây dựng và rõ ràng. Những giới hạn này nhằm duy trì sự an toàn, bảo vệ những giá trị đạo đức gia đình cũng như gia tăng khả năng và mức độ trưởng thành.
Trong nhiểu cuộc phỏng vấn, các em đều đồng ý phụ huynh nên đặt những quy luật gia đình nhưng không đồng ý về mức độ giới hạn. Thí dụ: các em đồng ý không được ngủ đêm ở nhà những bạn khác nếu không có sự đồng ý của Cha Mẹ nhưng lại muốn nếu phải trở về nhà thì về lúc 11 giờ đêm thay vì 10 giờ như Cha Mẹ mong muốn.
Phụ huynh nên kết hợp quy định gia đình với tấm lòng rộng mở, cho phép các em đưa ra ý kiến đóng góp khi cần thiết và không nên cứng nhắc. Ngoài ra cũng nên giải thích lý do tại sao phải đưa ra những quy định và cần nhấn mạnh rằng những giới hạn đặt ra vì muốn bảo vệ, hướng dẫn con mà thôi.
Quy định đặt ra phải cương quyết nhưng cũng phải linh động. Một số về an toàn cho con cái nên cương quyết như không được ra xa lộ, không được lái xe ban đêm trong vòng một tháng đầu mới có bằng lái xe … còn ngoài ra những quy định khác nên gia giảm và linh động dựa trên khả năng khôn ngoan hay tính độc lập của con cái. Nếu một em muốn đi chơi tới 12 giờ đêm trong khi quy luật gia đình là 10 giờ thì hãy yêu cầu em nêu ra lý do, ý thức được những rủi ro và phương cách tự bảo vệ. Nếu gia đình sống trong một thành phố an ninh, luật lệ có thể được nới lỏng hơn.
Cha Mẹ cũng nên học phương cách thuyết phục. Ở nhà trường Mỹ các em được học cách đọc ý nghĩa của xác suất thống kê nên Cha Mẹ cần có những con số để nói chuyện với con cái.
Thí dụ một em sắp tốt nghiệp trung học đi dự prom – một loại party trong dịp ra trường trung học – cần được Cha Mẹ cho biết rằng: trong những đêm tổ chức prom, số lượng thanh thiếu niên chết do uống rượu lái xe là 62% trong khi lực lượng thanh thiếu niên của toàn dân số chỉ là 10% (Hội Các Bà Mẹ Chống Uống Rượu Lái Xe) và căn dặn con không nên lái xe hay phải rất cẩn thận khi ngồi trên xe của các bạn khác; tốt hơn nên dặn Cha Mẹ đưa đón. Những con số nêu trên sẽ gìúp phụ huynh thuyết phục chúng hơn là áp đặt mệnh lệnh.
Khuynh hướng chung ngày nay là các em ngày càng chống đối những giới hạn của Cha Mẹ. Sau những “trận chiến” kéo dài phụ huynh thường mỏi mệt và buông xuôi thay vì phải tìm một phương cách khác.
Hãy biết chọn “trận địa” – nghĩa là chọn chiến trường để giao tranh. Trong “cuộc chiến tranh trường kỳ” với các thanh thiếu niên, phụ huynh nên chọn những mục tiêu quan trọng, Hãy chỉ nhắc nhở vừa phải về vi phạm thời khóa biểu, nhuộm tóc xanh đỏ … trong khi phải cứng rắn trong vấn đề uống rượu lái xe, dùng ma túy. Đừng vội đưa ra những biện pháp kỷ luật. Mỗi lần trừng phạt con cái là một thất bại của phương pháp giáo dục đã đưa ra.
Làm gương và Hướng dẫn
Cha Mẹ ảnh hưởng lên con cái qua hành động và lời nói, do vậy, họ trở thành mẫu mực để con cái noi theo. Những mẫu mực này ảnh hưởng từ cách suy nghĩ, phương pháp giữ gìn sức khoẻ đến việc chọn bạn, quan điểm chính trị, tôn giáo của con em. Đã có những thanh niên khi chọn bạn gái được Mẹ dạy rằng: cần phải để ý cả đến Mẹ của bạn gái, bà Mẹ thế nào thì con gái bà ấy trong tương lai sẽ khá giống như vậy.
Về phiá Cha Mẹ, hãy cẩn thận khi có mặt con cái. Một hành động thiếu kính trọng của người chồng đối với vợ mình trước mặt con có thể làm gương xấu cho đứa con trai sau này khi em đóng vai trò người chồng. Cũng thế, các em gái sẽ “copy” (sao chép) hành động và lời nói của người Mẹ khi em lập gia đình.
Vai trò hướng dẫn của Cha Mẹ cũng rất quan trọng. Khi con cái vươn ra những thế giới rộng lớn hơn thì kiến thức của Cha Mẹ cũng nên được mở rộng để có thể giúp đỡ hiệu quả và gây được niềm tin cũng như sự kính phục nơi các em. Muốn vậy Cha Mẹ phải nhậy cảm tiên đoán nhu cầu của chúng.
Một em đang lưỡng lự phải lựa chọn giữa hai trường trung học gần nhà, phụ huynh hãy tìm hiểu và cung cấp thêm thông tin cần thiết giúp em quyết định. Khi đó, các em cảm thấy Cha Mẹ vẫn còn là chỗ dựa cho mình và phụ huynh cũng có cảm nghĩ rằng mình còn giúp ích được cho con cái; do vậy phát triển một mối tương quan tin cậy giữa hai thế hệ.
Một em khác sắp ra trường đại học, Cha Mẹ cần phải giúp em ý kiến về xin việc làm, cách thức thanh toán món nợ khi đi học hay những nhu cầu di chuyển chỗ ở khác.
Cha Mẹ cần thu lượm những thông tin liên quan đến các vấn đề của con cái và quan trọng hơn là giúp các em tìm kiếm cũng như đánh giá được những thông tin đó.
Cung cấp và Hỗ trợ
Cha Mẹ nào cũng mong muốn cung cấp cho con cái đầy đủ không những về phương diện vất chất mà còn cả về phương diện tinh thần. Tuy nhiên nhiều gia đình do hoàn cảnh tài chánh bị giới hạn không cung cấp được cho con cái những hoạt động sau trường học (học võ, học vẽ, học nhạc … ) và nhiều khi không hiểu được guồng máy giáo dục tại Hoa kỳ hoạt động ra sao nên không giúp được con cái một cách hiệu quả.
Điều cần thiết nhất là không nên tự cô lập với cộng đồng. Hãy giúp con em tìm những mối quan hệ hai chiều – giúp đỡ và được giúp đỡ, đóng góp và được nhận lại – ở các tổ chức tôn giáo (nhà thờ, chùa chiền), trường Việt ngữ … Khi tham gia vào những sinh hoạt này, các em được giám sát nhiều hơn và Cha Mẹ nhận được nhiều thông tin về con mình hơn và nếu có vấn đề nảy sinh cũng được sự giúp đỡ của cộng đồng nhiều hơn.
Ý thức cộng đồng cũng nên được lưu ý trong vấn đề chọn trường học và chọn lớp học, những lớp Honors hay AP là những lớp mà phần lớn là những em chăm ngoan. Do vậy phụ huynh biết rằng khi học những lớp AP con em mình sẽ có bạn tốt. Nếu em đang học trung học và có bạn mới, phụ huynh nên đặt câu hỏi, “Bạn đó học chung với con lớp nào?”
Những bạn trẻ là những người có rất nhiều năng lượng nên nếu phụ huynh không chọn đúng chỗ cho các em tiêu thụ năng lượng đó thì tất nhiên các em sẽ tìm đến những nơi chốn khác mà chúng ta không thể kiểm soát được. Môi trường xấu sẽ gặp bạn xấu. Hư hỏng bắt đầu từ đây. Do vậy, cung cấp một môi trường hoạt động lành mạnh là bổn phận của Cha Mẹ.
Nhiệm vụ của phụ huynh dường như khó khăn. Xin đừng nản lòng, mọi gia đình và mọi thởi đại đều phải đối phó với những vấn đề tương tự do tuổi trẻ gây ra. Ngay trong thế kỷ 13, Matthew Paris, một nghệ sĩ, và cũng đồng thời là một nhà Sử học Anh đã than thở, “Thế giới đang trải qua những thời điểm khó khăn. Thanh thiếu niên ngày nay không nghĩ đến gì khác ngoài bản thân họ. Họ không có sự kính trọng Cha Mẹ và những người già cả. Họ mất kiên nhẫn với tất cả những kỷ luật bản thân: họ nói như là chỉ có họ biết mọi sự trên đời.” Trải qua 8 thế kỷ, những lời phàn nàn vẫn như còn mới và chúng ta không cô đơn trong vấn đề này.
No comments:
Post a Comment