Tuesday, 2 September 2008

98 Để Thành Công Trên Đại Học




Cộng đồng Việt nam hãnh diện vì mỗi cuối năm học số lượng các em Thủ khoa trung học tràn ngập mặt báo. Nhiều em được những học bổng cao quý của Bill & Melinda Gates Foundation. Một số khác được vào những đại học tên tuổi nhất của Hoa kỳ mà ngay cả những người da trắng bản xứ cũng ước mơ.

Đằng sau những hào quang đó, báo chí quên không nhắc nhở tới một số em đang phải vất vả trong học hành. Các em bị bỏ quên và không được nâng đỡ. Tệ hại hơn, có khi phải gánh chịu những trách móc thay vì khuyến khích của Cha Mẹ.

Mục tiêu của giáo dục cộng đồng là nhắm vào thành công của số đông nên cần nhìn tới những em trung bình để giúp các em thành công hơn là chỉ ca tụng một số em sáng chói.

Những kinh nghiệm dưới đây được viết ra nhằm giúp đỡ các em có trình độ vừa phải đang gặp khó khăn trong học hành. Những kinh nghiệm này đã được lượm lặt hoàn toàn từ thực tế nơi các trường đại học Hoa kỳ.

Sau đây là một vài nguyên tắc căn bản:

Chọn bạn trong cùng cộng đồng

Xin được kể một kinh nghiệm: Em Hai mới qua Mỹ, một năm sau em bước chân vào trường cao đẳng cộng đồng.

Lúc ban đầu, bạn của em chủ yếu là người Việt nam. Khi nghe Hai lấy cùng lớp English 1A cũng là Giáo sư năm trước em Kim đã cho Hai sách giáo khoa (thường đắt tiền) và quan trọng hơn là cho Hai cả “notes” (bài ghi chép khi Giáo sư giảng.) Nhờ vậy Hai có thì giờ tập trung vào học viết essay (Luận văn) và soạn bài trước. Số lượng thời gian cho lớp này ít đi và việc học hành nhẹ nhàng hơn, dễ dàng thành công hơn. Biết chọn bạn tốt để chơi là nguyên tắc thành công quan trọng nhất.

Tìm sự giúp đỡ từ nhóm bạn trong cộng đồng là điều cần thiết. Nhờ bạn bè các em có thêm thông tin về thầy cô, cách chọn lớp phải lấy, chương trình trợ cấp tài chánh, đi xe chung, cách xin việc trong trường học và ngay cả làm sao có được chỗ đậu xe trong giờ cao điểm mà nhiều khi là nỗi kinh hoàng cho sinh viên mới vào học.

Nhân tiện đây cũng xin được chia sẻ một kinh nghiệm: các em gốc Việt sinh tại Mỹ thường bơ vơ, không chơi với sinh viên Mỹ mà cũng không chơi với Việt nam mới qua. Tuy nghe nói tiếng Anh thông thạo nhưng các em cảm thấy không có một cộng đồng để dựa vào hầu chia sẻ kinh nghiệm. Tỷ lệ thành công do vậy bấp bênh hơn những em từ Việt nam mới qua thường biết làm việc và học hỏi kinh nghiệm của nhau.

Một dấu hiệu dễ nhận thấy con em mình gặp khó khăn là không chơi với các em khác trong cộng đồng Việt nam. Dĩ nhiên những em siêng năng, học giỏi thì không cần điều đó nhưng đối với một số em trung bình thì trong nhiều trường hợp các em có thể học tập nơi nhau nhiều điều cần thiết.

Chọn lớp

Học hành bên Mỹ khác bên Việt nam. Các sinh viên trong một chuyên ngành phải lấy những lớp chuyên ngành và một số lớp bắt buộc giống nhau nhưng cũng có một số lớp để tùy nghi sinh viên lựa chọn.

Việc lựa chọn những lớp tùy nghi này đòi hỏi một sự tìm hiểu vì đôi khi một lớp học có thể dễ dàng cho người này nhưng lại khó khăn cho người khác.

Thí dụ: em Hai sau khi học xong cao đẳng cộng đồng chuyển lên đại học phải lấy một số lớp giáo dục phổ thông cao cấp (Advance General Education), Hai cẩn thận lên hỏi counselor và được cho biết nên lấy lớp về nhạc rock vừa vui mà vừa dễ thành công, đó là ngôn ngữ của cố vấn trường thường ngụ ý là dễ có điểm A.

Nghe theo lời, Hai ghi tên vào học. Chương trình thi cuối khoá (final) nghe khá đơn giản, chỉ cần thuộc một số bài nhạc rock và vài chi tiết về nhạc là có thể điền vào chỗ trống trong các bài thi. Lớp này đông nghẹt sinh viên và phải ghi danh trước giữ chỗ là dấu hiệu cho thấy lớp này dễ. Hai yên tâm và chờ một điểm A bỏ túi.

Thực tế hoàn toàn khác hẳn. Với các em sinh viên Mỹ từ bé đã nghe nhạc này thì khác nhưng với Hai, bảo nghe nói tiếng Anh thì còn đáp ứng được chứ nghe hát thì Hai … bó tay. Kết quả hú hồn hú viá, Hai bằng lòng với điểm C vì không thể nào thuộc hết được những bài hát các ca sĩ hò hét cho dẫu trong suốt mùa học lúc nào lên xe cũng mở CD này.

Một kinh nghiệm khác: có một số lớp Hai không thể nào thành công cho dù cố gắng, thế là em chuyển qua lớp mùa hè hay chuyển qua lớp tối là lớp mà sinh viên thường là những người đi làm nên Giáo sư đòi hỏi ít hơn và thật sự có dễ dàng hơn. Nói chung khi phải đương đầu với một lớp khó phải nghĩ ngay đến một cách khác, lớp khác hay thầy khác để học. Có nhiều phương cách để thành công. Hãy hỏi bạn bè.

Chọn thầy

Có những môn vừa phải, không khó không dễ, nhưng nếu gặp Giáo sư đòi hỏi cao nơi sinh viên thì việc học vẫn rất khó khăn và rất mất thời giờ.

Lấy lớp US History (Lịch sử Mỹ) trong trường cao đẳng cộng đồng của Hai làm thí dụ. Các Giáo sư khác trong trường thường đòi hỏi cao, riêng một ông Giáo sư có ra chỉ thị ghi rõ trong syllabus (tờ hướng dẫn) chỉ cần đi 4 field trips là có điểm A. Hai ghi tên theo học lớp này, được đi thăm các viện bảo tàng và một số di tích lịch sử, vào lớp chỉ xem phim rồi thảo luận, Hai không cần phải viết luận văn, ôn bài thi cuối khoá mà vẫn có điểm A.

Nhiều em khác không lưu tâm, không hỏi thăm bạn bè như Hai nên không có được những thông tin cần thiết như Hai đã có, thấy lớp nào thuận tiện giờ giấc thì ghi danh. Do vậy, họ học rất vất vả ở những lớp của các Giáo sư khác.

Ngược lại thí dụ trên, có những môn khó nhưng nhờ Giáo sư “nhẹ tay” nên việc học hành trở thành đơn giản hơn. Có Giáo sư môn Giải tích 3 (cao cấp nhất của Calculus Khoa Kỹ sư) cho sinh viên thi mở sách hay mang bài về nhà. Việc học hành do vậy nhẹ nhàng nhiều.

Từ những kinh nghiệm trên, mỗi đầu năm học, Hai thường ghi danh nhiều lớp học thử để tìm hiểu về thầy, về lớp và ngay cả kết bạn mới trong lớp học. Khoảng một hai tuần sau em bỏ một số lớp do bài quá khó hay thầy cô quá khó. Có những lớp cho dù đã “drop out” (bỏ mùa này để theo học mùa sau) nhưng Hai vẫn tới dự lớp học hỏi thêm, kiếm bạn để xin notes hay tài liệu với ý định tham khảo và chuẩn bị trước cho mùa học sau.

Đi chậm khi chuyển lên đại học 4 năm

Sau thời gian theo học cao đẳng cộng đồng sinh viên sẽ chuyển lên đại học 4 năm. Đây là thời gian các em rơi rụng nhiều nhất vì bài vở quá khó. Trong thời gian này ngoài những nguyên tắc nêu trên các em cần phải đi chậm lại, trước kia có thể lấy 12 tới 15 units nhưng bây giờ hãy chỉ lấy 9 tới 12 units mà thôi. Đừng mong học cho mau xong mà thất bại.

Việc học hành sẽ dễ dàng thành công nếu phụ huynh biết nhắc nhở con em những nguyên tắc nhỏ nêu trên. Biết chọn bạn, chọn thầy, chọn lớp và đừng vội vã học cho xong thì các sinh viên sẽ thành công trên con đường học vấn.

No comments: