Friday, 26 September 2008

106 Trường Cao Đẳng Cộng Đồng




Các trường Cao đẳng Cộng đồng (community colleges) thuộc tiểu bang California được đánh giá là những trường phục vụ hai năm đầu giáo dục đại học (lower division education) rất tốt trên toàn nước Mỹ. Tiểu bang California có 109 trường Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ) rải rác khắp các địa phương.

Rất nhiều nhân vật thành danh đã xuất thân từ Cao đẳng Cộng đồng như Chánh án Toà án Tối cao Calfornia Eile Joyce Luther Kennard, phi hành gia NASA Eileen Collins, cựu đại sứ Hoa kỳ tại Liên hiệp Quốc Jeanne Krikpatrick, CEO hệ thống Cosco James Sinegal …

Ưu điểm

1. Giá rẻ

Vào năm 2004 mỗi đơn vị tín chỉ là $26 nhưng hiện nay đã giảm xuống $20 (rẻ nhất nước Mỹ.) Theo học tại các trường Cao đẳng Cộng đồng giúp gia đình tiết kiệm vài chục ngàn một năm so sánh với theo học tại UC và nếu so sánh với các đại học tư nổi tiếng thì số tiền tiết kiệm được còn lớn lao hơn.

Hiện nay các trường Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ) cũng có học bổng như các trường trong hệ thống UC. Số tiền học bổng có được do Bernard Osher Foundation trao tặng.

2. Phẩm chất

Thông thường dạy tại các trường CĐCĐ là những Giáo sư có văn bằng Tiến sĩ hay Cao học trong khi tại các đại học 4 năm (Universities) hai năm đầu thường do các sinh viên bậc Tiến sĩ phụ giảng. Dĩ nhiên những Giáo sư tại CĐCĐ mang mục đích giảng dạy hơn là nghiên cứu (research) nên họ chuyên tâm giảng dạy hơn và kết quả là sinh viên theo học nhận được một nền giáo dục 2 năm đầu có phẩm chất cao hơn.

3. Gần nhà

Hầu như địa phương nào cũng có vài ba trường CĐCĐ nên việc đi học đỡ tốn kém tiền bạc và thời gian. Kinh nghiệm cho thấy chỗ đậu xe (parking lots) trong trường CĐCĐ cũng dễ dàng hơn tại các đại học 4 năm vốn là nỗi kinh hoàng cho sinh viên tại các đại học 4 năm.

Ngoài ra, sinh viên vẫn có thể vui hưởng sự trợ giúp ăn ở của gia đình thường quen thuộc và thoải mái. Cha mẹ cũng an tâm một phần khi con cái học gần nhà và đi về mỗi ngày nên cũng có thể giúp đỡ gia đình. Trong khi đó, nếu theo học đại học 4 năm nhiều em phải vất vả tìm thuê mướn chỗ ở, trả các loại hoá đơn (điện, nước, …), chi phí di chuyển trở về nhà vào ngày lễ nghỉ và Cha Mẹ cũng mất công đi lại phụ giúp cho các em.

4. Những đơn vị tín chỉ được hợp thức hoá

Khi chuyển lên các đại học 4 năm công lập (UC và Cal State) thi tất cả tín chỉ lấy ở CĐCĐ hầu như đều được công nhận hết.

5. Tốt cho những em chưa có hướng đi rõ ràng

Nhiều em chưa được chuẩn bị để theo đuổi bậc đại học, chưa biết mình sẽ học ngành gì hay học ở đâu và như vậy chưa có định hướng rõ ràng cho tương lai. Trong trường hợp đó, CĐCĐ là nơi lý tưởng nhất để các em có thêm thời gian cân nhắc.

6. Không bị căng thẳng do học hành

Với một số em việc học hành dường như dễ dàng nhưng với một số khác, có thể các em còn ham chơi thì CĐCĐ là giải pháp tốt nhất. Bắt ép các em này vào đại học 4 năm sau thời gian trung học khiến cho ngân quỹ gia đình hao tốn và đồng thời tạo ra căng thẳng cho các em và phụ huynh một cách không cần thiết. Lại nữa đối với những em lãnh trợ cấp giáo dục cần GPA cao thì CĐCĐ là phương thức tốt nhất vì Giáo sư tại CĐCĐ “nhẹ tay” hơn.

Phương pháp chọn trường CĐCĐ

1. Vị trí

Ngày nay hầu hết các em đều vừa đi học và vừa đi làm nên vị trí của trường so với nhà ở và chỗ làm việc cần được tính toán. Chọn một trường CĐCĐ phù hợp với đòi hỏi chỗ ở cá nhân là một chọn lựa khôn ngoan.

Phương tiện đi lại cũng cần được cân nhắc. Nếu không có phương tiện di chuyển cá nhân như xe hơi riêng thì cách hay nhất là tìm kiếm những trường mà sự di chuyển cộng cộng (xe bus) dễ dàng cho cá nhân sinh viên.

2. Tìm hiểu tiếng tăm, câu lạc bộ và thế mạnh của trường

Có thể tìm hiểu những thông tin về trường qua Cố vấn học đường (counselors), bạn bè, đến tại chỗ thăm viếng và cuối cùng đừng quên là vào website của trường để có thêm chi tiết.

Một em muốn chơi bóng bầu dục hãy hỏi xem trường có đội bóng bầu dục không?

Một em khác muốn tương lai làm Luật sư em có thể hỏi trường có mạnh về môn Nói Chuyện Trước Công Chúng (Public Speaking) và có những cơ hội ứng cử làm việc trong Ban Đại diện Sinh viên không?

Thông thường mỗi trường có một thế mạnh nào đó. Trường thì mạnh về Vật lý, trường khác mạnh về viết chương trình Vi tính, trường khác nữa mạnh về Thiên văn vì trong trường có hệ thống kính Viễn vọng mạnh. Chẳng hạn như trường CĐCĐ Moorpark ở Ventura County là một trong những trường hiếm có đào tạo nhân viên làm việc coi sóc và huấn luyện thú vật. Bên trong cơ sở trường có những chuồng thú cho sinh viên thực tập.

3. Trường hợp chuyển lên đại học 4 năm

Nếu các sinh viên có ý định chuyển (transfer) lên đại học 4 năm thì đừng quên tìm hiểu bao nhiêu phần trăm (%) sinh viên chuyển lên đại học 4 năm và đi những trường nào?

Các tân sinh viên nên tin vào linh tính và tình cảm của mình. Nếu bạn yêu thích một trường nào đó lúc đầu thì nhiều phần sẽ thành công tại đó. Như vậy sau khi nghiên cứu và tìm hiểu các trường, sinh viên nên tự hỏi mình sẽ thích hợp với môi trường giáo dục nào?

Xin đừng quá lo lắng, CĐCĐ là chỗ cho thử nghiệm, các sinh viên có thể thay đổi mà không hề bị trừng phạt. Sự linh động đó là một ưu điểm của các trường CĐCĐ California và nói chung của toàn nước Mỹ. Sẽ không dễ dàng có câu trả lời toàn vẹn cho sinh viên khi chọn trường CĐCĐ để theo học. Đây là một lựa chọn có tính cách cá nhân do vậy nên dành thời gian tìm kiếm trường sao cho phù hợp.

Quan niệm sai lầm cho rằng: chỉ học sinh kém mới bắt đầu giáo dục sau trung học tại CĐCĐ đã lỗi thời. Đồng thời cũng có những thành kiến khác cho rằng nếu theo học tại CĐCĐ thì sau khi chuyển lên Đại học 4 năm học sẽ rất khó khăn (gọi là “weather shock”) khiến cho GPA giảm. Thống kê cho thấy rằng: những em chuyển lên đại học 4 năm chỉ bị “shock” mùa đầu tiên (giảm một nửa điểm GPA) và sau đó sẽ ổn định lại ở các mùa sau. Những công trình nghiên cứu khác được College Board đưa ra cũng cho thấy sinh viên chuyển trường và sinh viên bắt đầu năm thứ nhất tại đại học 4 năm thường có điểm tốt nghiệp như nhau. Tóm lại quý vị phụ huynh nên yên tâm khi con cái chọn đi CĐCĐ.

105 Các Trường Đại Học Dược Khoa




Ngành Dược hiện đang thu hút các sinh viên trong cộng đồng Việt nam theo học vì dễ xin việc sau khi ra trường, lương bổng cao và điều kiện làm việc tương đối ít căng thẳng hơn những ngành khác.

Hiện nay tại California và hầu hết trên toàn nước Mỹ, hành nghề Dược sĩ đòi hỏi văn bằng Tiến sĩ Dược khoa (Doctor of Pharmacy hay gọi tắt là PharmD.)
Ngoài ra ngành Dược cũng là một trong những ngành được sự tín nhiệm về thành thực và đạo đức nghề nghiệp cao nhất (Honesty and Ethics in Professions) – cao hơn cả quan toà, bác sĩ và nhà giáo. (Gallup Poll 2004.)

Sau thời gian học dự bị Dược hay sau khi có bằng Cử nhân, các ứng viên được tuyển chọn vào đại học Dược khoa sẽ theo học chương trình Tiến sĩ Dược 4 năm – nhưng cũng có trường rút ngắn lại 3 năm như các trường đại học Dược khoa sau: Massachusetts College of Pharmacy – Worcester, Midwestern University – Glendale, Midwestern University – Chicago, Duquesne University, University of Appalachia, University of Southern Nevada, Albany College of Pharmacy …

Những yếu tố ảnh hưởng khi nộp đơn vào Đại học Dược khoa

Ban tuyển sinh các trường đại học Dược khoa xem xét hồ sơ trên mọi lãnh vực, đặc biệt những việc như tình nguyện trong bệnh viện, nghiên cứu trong phòng lab … là những điểm mạnh của một ứng viên.

Trường đại học ứng viên theo học bậc Cử nhân (trước khi vào trường Dược) cũng rất quan trọng. Nếu ứng viên xuất thân từ một trường đại học tên tuổi thì đó là một ưu điểm. Một số trường Dược đòi hỏi phải có văn bằng Cử nhân Khoa học trước khi nhập học nhưng cũng có một số trường chỉ đòi hỏi học xong một số lớp yêu cầu ở cao đẳng cộng đồng. Sau đây là những yếu tố ảnh hưởng tới quyết định tuyển sinh của các đại học Dược khoa:

1. GPA
Thông thường, các trường đại học Dược khoa tìm kiếm những ứng viên có thể đáp ứng được chương trình thách đố của trường Dược mà không bỏ ngang làm mất nguồn lợi thu nhập cũng như danh tiếng trường.
Muốn vậy họ nhìn vào GPA tổng quát (thường là trên 3.2) cũng như những môn khoa học dự bị Dược (Pre-Pharm.) Một số trường Dược lớn đòi hỏi kinh nghiệm trong các phòng thí nghiệm. Các ứng viên vào được trường Dược có GPA từ 3.0 – 4.0. Trung bình là từ 3.2 – 3.5. Để gia tăng tính cạnh tranh, ứng viên nên giữ GPA từ 3.3 trở lên.
Tuy nhiên, cho dù GPA có thấp vẫn lên mạnh dạn nộp đơn vì các trường đại học không chỉ nhìn vào GPA mà thôi. Ngoài ra khuynh hướng đi lên của điểm (năm sau tốt hơn năm trước) cũng được xem xét.

2. Điểm thi PCAT
PCAT (Pharmacy College Admission Test) là kỳ thi dành cho những ứng viên muốn vào trường Dược. Kỳ thi này đo lường khả năng thành công của ứng viên khi theo học tại các trường đại học Dược khoa.
PCAT khảo sát :
- Năng lực chung (240 câu hỏi)
- Viết và Đọc hiểu Anh văn: đo lường khả năng dùng ngôn ngữ để giải quyết vấn đề bằng văn viết.
- Kiến thức khoa học như Toán, Hoá (Đại cương và Hữu cơ), Sinh.
Tuy vậy, chỉ 2/3 các trường Dược đòi hỏi điểm PCAT, 1/3 còn lại không đòi hỏi kết quả thi này.
Ứng viên nên xem xét kỹ càng đòi hỏi của mỗi trường hoặc nếu như không thành công trong kỳ thi PCAT thì nên nộp đơn vào những trường không đòi hỏi kết quả PCAT. Tuy nhiên nói một cách tổng quát những trường Dược có tên tuổi thường đòi hỏi kết quả PCAT.

3. Luận văn
Bài luận văn thường là dịp để các ứng viên mô tả những kinh nghiệm khiến cho họ muốn trở thành Dược sĩ. Lý tưởng nhất là mô tả được làm việc hay tình nguyện trong một nhà thuốc, bệnh viện và những suy nghĩ, quyết tâm chọn lựa ngành Dược làm nghề nghiệp. Kinh nghiệm về làm việc hay tình nguyện trong lãnh vực Dược là điều không thể thiếu trong đơn xin nhập học. Các ứng viên nên
quan tâm đến điều này.
Ngoài ra, tất cả các trường Dược đều tìm kiếm ứng viên có tình nguyện phục vụ cộng đồng trong việc thiện nguyện giúp đỡ mọi người. Ứng viên nên tìm hiểu những trường nộp đơn để biết được yêu cầu của mỗi trường. Ban tuyển sinhỉ tin tưởng rằng: qua phục vụ cộng đồng, ứng viên biết làm việc với người khác, phát triển kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo chỉ huy.

4. Thư giới thiệu:
Ứng viên hãy tình nguyện làm việc thiện nguyện trong một nhà thuốc và xin thư giới thiệu
(recommendation) từ Dược sĩ coi sóc nhà thuốc này.

5. Thoả mãn một số môn học đòi hỏi

Những phương cách các trường đại học Dược khoa nhận sinh viên

1. Chương trình liên kết:
Được dành cho những học sinh trung học xuất sắc. Những học sinh này sau hai năm học dự bị Dược được chuyển thẳng vào đại học Dược khoa mà không phải qua quá trình tuyển chọn nên tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Một số trường tiêu biểu như: Albany College of Pharmacy, Florida A & M University, Massachusetts – Boston, Northeastern University, Ohio Northern University, Philadelphia College of Pharmacy, Rutgers University, St. John's University, St. Louis College of Pharmacy, University of Texas Austin, Pacific California …

2. Từ trường cao đẳng cộng đồng
Sau khi hoàn thành dự bị Dược, sinh viên nộp đơn vào một số trường không đòi hỏi văn bằng Cử nhân. Không phải tất cả các trường Dược đều có chương trình này.

3. Tốt nghiệp Cử nhân
Dĩ nhiên các trường Dược muốn nhận những người có văn bằng cao hơn và do vậy các ứng viên có văn bằng Cử nhân thường được ưu tiên hơn.

PharmCAS (Pharmacy College Application Service)

Vì vào các trường đại học Dược khoa rất cạnh tranh nên các ứng viên thường phải nộp đơn nhiều trường. PharmCAS là một hệ thống nhận đơn của các ứng viên rồi sau đó chuyển xuống các trường đại học Dược khoa. Họ làm dịch vụ của một người trung gian giúp cho sinh viên cũng như các trường đại học Dược khoa trên khắp lãnh thổ Hoa kỳ.

PharmCAS giúp các trường đại học Dược khoa gom góp hồ sơ và phân tích mức độ hợp lệ của các ứng viên. Với các ứng viên, PharmCAS cung cấp thông tin của các trường, nhận hồ sơ và giúp các ứng viên điều chỉnh những sai sót nếu có.
Muốn vào được các trường đại học Dược khoa, ngoài việc học hành chăm chỉ các ứng viên phải có thởi gian làm việc hay công tác thiện nguyện trong ngành Dược hoặc làm nghiên cứu (research) trong các phòng thí nghiệm của các trường đại học khi theo học bậc Cử nhân để có một hồ sơ tương đối hấp dẫn các trường đại học Dược khoa.

Thursday, 25 September 2008

108 Trường Y Khoa và Những Huyền Thoại




Bác sĩ là một trong những nghề có con số tự tử, suy thoái thần kinh, lạm dụng chất gây nghiện và ly dị cao nhất. Những cuộc khảo sát mới đây cho thấy hơn một nửa số Bác sĩ được hỏi đã nói mình sẽ chọn nghề nghiệp khác nếu được “làm lại cuộc đời.” … Tuy nhiên trong thực tế, nhiều phụ huynh và học sinh trong cộng đồng rất thích ngành Y khoa – một số đã bị những “huyền thoại” (myths) không đúng đắn cản trở ước mơ của mình.

Được phép của Bác sĩ Michael McCullough, tác giả bài viết “Pre-Med Myths: Getting Into Medical School.” Chúng tôi xin lược dịch một số đoạn hữu ích nhằm cung cấp cho phụ huynh và các sinh viên Pre-Med (dự bị Y khoa) một số kiến thức rõ ràng hơn.

Ở Hoa kỳ, điều kiện để vào trường Y khoa là các sinh viên Pre-Med tối thiểu học lấy bằng Cử nhân (ngành nào cũng được) và hoàn thành những lớp Khoa học (Toán, Lý, Hoá, Sinh) gọi là “requirements“ theo quy định riêng của mỗi trường Y khoa. Vì tác giả Michael McCullough là cựu sinh viên Stanford và bài viết này nhằm chia sẻ quan điểm với các sinh viên Pre-Med của Stanford nên chúng tôi có sửa đổi về mặt ngôn ngữ sao cho phù hợp với mọi sinh viên của các đại học. Những chữ trong ngoặc là chú thích thêm của chúng tôi.

Huyền thoại 1: Tôi phải học giỏi năm 1 đại học vì điều đó tạo ấn tượng cho trường Y.

Không hoàn toàn đúng. Các trường Y chú ý nhiều vào khuynh hướng đi lên (chẳng hạn điểm năm thứ hai tốt hơn năm thứ nhất.) Điểm của năm thứ nhất không phải là dấu chỉ bạn sẽ học tốt tại trường Y … Lẽ tự nhiên, học tốt năm thứ nhất thì tốt hơn nhưng điểm GPA toàn bộ các môn và GPA Khoa học thường quan trọng hơn điểm năm thứ nhất.

Tôi rất thất vọng năm thứ nhất của mình tại Stanford vì trong năm thứ nhất tôi không được một điểm A nào và GPA năm đó của tôi là 3.1. Tuy nhiên tôi đã vào được tất cả những trường Y mà tôi mong muốn. (Đừng lo lắng, các sinh viên năm 1 thường có GPA thấp.)

Huyền thoại 2: Tôi chỉ có một con đường để vào trường Y

Sai. Có nhiều cách để trở thành Bác sĩ. Hãy tìm những con đường thích hơp cho chính mình. (Tác giả muốn các sinh viên Pre-Med tìm tòi con đường riêng cho mình. Có những em vào được trường Y nhờ điểm MCAT và GPA cao, nhiều em khác có 2 điểm trên thấp hơn nhưng nhờ làm nghiên cứu (research), học thêm bằng Master, làm công tác thiện nguyện, viết sách, sinh hoạt gây ảnh hưởng trong cộng đồng … nên cũng vào được trường Y mong muốn.)

Huyền thoại 3: Tôi phải lấy tất cả những lớp đòi hỏi (requirements) trước khi nộp đơn vào trường Y

Sai. Một khi bạn đã được nhận vào trường Y khoa bạn có thể sẽ không phải lấy những lớp đòi hỏi, đặc biệt là nếu bạn lấy những lớp thích thú hơn. Trường Y có thể không bắt buộc bạn lấy (waive) những lớp đó hay có thể thay thế bằng những lớp khác. Trong trường hợp khó khăn nhất, bạn có thể lấy pass/fail (không tính điểm.)

Bạn không phải lấy tất cả những lớp Pre-Med trước khi nộp đơn vào trường Y. Điều đó không làm mạnh thêm đơn xin vào trường Y của bạn.

Trường Y linh động hơn bạn nghĩ. Tất cả những môn học đòi hỏi (requirements) chỉ là hướng dẫn và họ không khó khăn trong vấn đề này. Có một số lớp quá khó nên sinh viên đợi đến khi vào được trường Y mới lấy lớp đó không tính điểm (pass/fail.) Nhiều sinh viên Pre-Med không lấy những lớp mà các trường đại học đòi hỏi nhưng thay vào đó là những lớp cao hơn – những lớp này dễ hơn và không có sinh viên Pre-Med khác nên ít bị cạnh tranh. Tôi biết một sinh viên làm như vậy và đã vào được tất cả những trường Y khoa mà anh ta nộp đơn.

Các trường đại học Y khoa thường đòi hỏi 2 năm Hoá (có thí nghiệm), 1 năm Vật lý (có thí nghiệm), 1 năm Sinh học (có thí nghiệm.) Tuy vậy họ không nói rõ là phải lấy những lớp nhất định nào nên sinh viên có thể chọn theo cách mình thích. Dĩ nhiên không gì có thể thay thế cho học hành chăm chỉ nhưng hãy theo đuổi những lớp định lấy một cách sáng tạo.

Huyền thoại 4: Tôi cần phải lấy những lớp Pre-Med tại đại học 4 năm.

Sai. Những lớp Pre-Med như Hoá hữu cơ, Vật lý quá khó đối với một số sinh viên đại học 4 năm cho dù ngày xưa họ là một học sinh giỏi. Tại một số đại học lớn, sinh viên Pre-Med phải lấy chung môn Hoá với những sinh viên học chuyên ngành về Hoá. Trong trường hợp này bạn đừng quá lo lắng. Hãy lợi dụng dịp hè học các môn khó tại những trường Cao đẳng Cộng đồng vì chúng thường dễ hơn, Giáo sư “nhẹ tay” hơn nên được điểm cao hơn.

Huyền thoại 5: Tôi phải vào trường Y khoa ngay sau khi tốt nghiệp Cử nhân

Sai. Rất sai. Nếu bạn nghỉ một vài năm sau khi tốt nghiệp Cử nhân thì bạn có kinh nghiệm về đời sống đa dạng hơn. Những sinh viên Y khoa dạng này cho thấy họ thành công hơn khi tiếp xúc với bệnh nhân. Các trường đại học Y khoa nhận biết điều này và họ thường thích những ứng viên trưởng thành và già dặn hơn.

Tuổi trung bình của các sinh viên năm đầu của trường Y là 24 tuổi. Thật ra, những ứng viên mạnh nhất là những người dùng thời gian nghỉ sau khi tốt nghiệp Cử nhân để phong phú hoá đời sống, cảm nhận thêm hương vị cuộc đời và tạo ấn tượng cho đơn xin tuyển sinh của mình. (Nhiều người ra nước ngoài làm việc từ thiện, tham gia Peace Corps …)

Đừng sợ khi phải lấy thêm thời gian nghỉ sau bậc Cử nhân. Hãy dùng chúng một cách có ý nghĩa. Điều đó không làm xấu đơn xin nhập học trường Y khoa nhưng củng cố đơn xin một cách đáng kể nếu bạn dùng nó một cách khôn ngoan.

Huyền thoại 6: Tôi không biết mình có muốn trở thành Bác sĩ không cho tới khi vào được trường Y?

Sai. Trường Y không thực sự bảo bạn có chọn đúng hướng đi hay không? Hai năm đầu của trường Y bạn phải học rất nhiều và hai năm sau tập trung cho thực hành lâm sàng – đó là thời gian khó khăn và vất vả. Bạn cần biết rõ ý thích của mình trước khi đầu tư $160,000 vào học hành tại trường Y của Stanford (ngày nay khoảng $400,000 cho 4 năm học tại Stanford nếu tính đầy đủ học phí và ăn ở.) Có nhiều Bác sĩ vui với công việc nhưng cũng có khá nhiều Bác sĩ chán chường. Do vậy, bạn nên tìm xem sự hy sinh thời gian, tiền bạc, thú vui trong đời đó có xứng đáng với ước vọng của bạn hay không?

Để chắc chắn rằng bạn muốn trở thành Bác sĩ hãy dành thời gian tìm hiểu xem bạn có thể vừa học vừa thụ hưởng thú vui là một Bác sĩ không? Hãy dành thời gian tình nguyện trong bệnh viện để cảm nhận niềm vui, nỗi lo lắng và căng thẳng trong nhiệm vụ của người Bác sĩ.

Huyền thoại 7: Phần quan trọng nhất trong đơn xin vào trường Y là điểm GPA.

Trong một chừng mực nào đó thì điều này đúng. GPA là yếu tố chiếm 35% - 40% tầm mức quan trọng của đơn xin. Những yếu tố như thư giới thiệu (recommendation), luận văn, sinh hoạt ngoại khoá, điểm MCAT và phỏng vấn cũng rất quan trọng.

Bài luận văn rất quan trọng và nên dành ra từ 50 – 100 giờ để viết. Bạn cũng nên làm nghiên cứu khoa học nếu muốn vào được những trường Y khoa nổi tiếng – những nghiên cứu này có thể là công trình khoa học trong phòng thí nghiệm mà cũng có thể thuộc lãnh vực Y tế cộng đồng. Đã có những sinh viên Pre-Med có GPA toàn hảo 4.0 không vào được trường Y mong muốn trong khi bạn mình có GPA thấp hơn nhưng dành thời gian chuẩn bị làm tốt mọi thứ nên được nhận vào. Do vậy, nên tập trung chú ý vào mọi phần của đơn xin nhập học và cố gắng làm tốt tất cả. Muốn chuẩn bị trước, bạn hãy nói chuyện với các cố vấn (advisors), vào webiste của AMCAS để tìm hiểu mỗi việc phải làm khi nộp đơn vào trường Y khoa để có được sự chuẩn bị tốt nhất và sớm sửa nhất.



107 Chương Trình Trợ Giúp Giáo Dục Tiểu Bang California




Chương trình trợ giúp giáo dục tiểu bang California (Cal Grants) là hình thức giúp đỡ về mặt tài chánh của chính phủ tiểu bang cho con em những gia đình lợi tức thấp về việc học hành. Số tiền trợ giúp này không phải hoàn trả.

Các sinh viên có thể nhận lãnh tối đa $9,708 một năm trong tối đa 4 năm khi theo học tại trường Cao đẳng Cộng đồng, Đại học 4 năm hay trường dạy nghề. Trong nhiều trường hợp, nếu một sinh viên được sự trợ giúp tài chánh của chính quyền liên bang (Pell Grant) và tiều bang (Cal Grant) thì số tiền của tiểu bang vẫn nhiều hơn.

Nếu một sinh viên phải lấy bằng Cử nhân trong 5 năm thì năm thứ 5 không được hưởng Cal Grant và sinh viên phải bỏ tiền túi hay vay nợ trả cho năm học thứ 5 này.

Trang nhà (website) của chương trình: http://www.csac.ca.gov/ hay www.calgrants.org

Đơn xin:

Việc nộp đơn xin giản dị và dễ dàng:

– Đơn Miễn phí Xin Trợ giúp Cho Sinh viên Của Liên Bang (Free Application for Federal Student Aid) hay gọi tắt là FAFSA.

– Giấy Xác Nhận GPA (GPA Verification)

Thời hạn nộp 2 đơn trên từ 01/01 tới 02/03 mỗi năm cho học sinh lớp 12.

Cal Grant A, B và C

Có nhiều loại trợ giúp giáo dục của tiểu bang California nhưng trong phạm vi hạn hẹp chúng ta chỉ xem xét 3 loại chính là Cal Grant A, B và C. Dĩ nhiên mỗi sinh viên chỉ được thụ hưởng một loại Cal Grant mà thôi.

- Cal Grant A

Dành cho học phí và những lệ phí khác tại các trường (công lập và tư thục) đại học 4 năm cũng như tại trường cao đẳng dạy nghề 2 năm (bằng AA.)

Cal Grant A trợ cấp $2,772 nếu theo học hệ thống CSU, $6,636 nếu theo học hệ thống UC và $9,708 nếu theo học tại trường đại học tư.

Học sinh khi nộp đơn Cal Grant A phải có GPA tối thiểu là 3.0

Muốn xin trợ cấp, lợi tức gia đình không được quá $68,700 cho gia đình 2 người, $70,300 cho gia đình 3 người, $76,400 cho gia đình 4 người … vào niên học 2008 – 2009.

- Cal Grant B

Cung cấp cho sinh viên tiền học phí cũng như các lệ phí khác cho các chương trình 1 năm hay dài hơn. Cal Grant B thường dành cho những học sinh có GPA thấp hơn.

Vào năm thứ nhất các sinh viên nhận được $1,551 cho sách vở, đi lại và những chi tiêu lặt vặt từ Cal Grant B. Sau đó, nếu tiếp tục học tiếp sang năm thứ 2 sẽ được giúp chi trả tiền học phí, lệ phí tại các đại học 4 năm. Nếu GPA tăng cao hơn có thể chuyển qua Cal Grant A.

Học sinh khi nộp đơn Cal Grant B phải có GPA tối thiểu là 2.0

Muốn xin trợ cấp, lợi tức gia đình không được quá $32,100 cho gia đình 2 người, $36,100 cho gia đình 3 người, $40,200 cho gia đình 4 người … cho niên học 2008 – 2009.

- Cal Grant C

Thường được dùng cho sinh viên theo học tại các trường dạy nghề hay các trường Cao đẳng Kỹ thuật với thời gian đào tạo tối thiểu là 4 tháng.

Số tiền thụ hưởng là $576 dùng cho sách vở, dụng cụ học nghề.
Các sinh viên cũng có thể nhận thêm $2,596 tiền học phí. Sự giúp đỡ này có thể kéo dài tối đa là 2 năm. Lợi tức giới hạn của gia đình giống như Cal Grant A.

Điều kiện

- Nộp đơn FAFSA và Giấy Xác Nhận GPA

- Công dân Mỹ hay thường trú nhân hợp lệ

- Tốt nghiệp trung học khi là cư dân California

- Có số An sinh xã hội

- Không có văn bằng Cử nhân hay Cao hơn.

- Lợi tức và tổng tài sản thấp.

- Đủ tiêu chuẩn đòi hỏi về GPA

- Theo học một chương trình lấy bằng Cử nhân hay chứng chỉ. Nếu học ít đơn vị tín chỉ hơn thì số tiền trợ giúp sẽ ít đi. Học toàn thời gian (full time) được tính là 12 đơn vị tín chỉ.

- Thời gian theo học tối thiểu là 6 đơn vị tín chỉ (half time)
- Không có thành tích xấu về tiền mượn

Nên nộp đơn Cal Grant khi nào?

Không phải lúc nào cũng xin được Cal Grant. Có 4 thời điểm nộp đơn xin Cal Grant lý tưởng nhất:

1. Khi đang là học sinh lớp 12 trung học

2. Trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp Trung học:

Nếu không nộp đơn khi đang học lớp 12 trung học. Các sinh viên nên nộp đơn trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp Trung học, cho dù sau đó đi du lịch hay đi làm, các em vẫn được hưởng Cal Grant khi đi học lại sau đó.

3. Sinh viên chuyển trường từ cao đẳng lên đại học 4 năm và dưới 28 tuổi

4. Trong vòng 1 năm sau khi có bằng GED (Bằng Trung học Tráng Niên dành cho người lớn.) Trong trường hợp này nếu sinh viên không có GPA thì một vài điểm thi khác được dùng, chẳng hạn như chính điểm của GED.

Trong nhiểu trường hợp sinh viên có thể nộp điểm khi theo học tại Cao đẳng Cộng đồng, tại trường trung học hay các điểm thi SAT, ACT.

Một số điểm cần lưu ý

- Đôi khi một số sinh viên được nhiều Cal Grant thì nên thảo luận với counselors để biết loại nào có giá trị hơn.

- Mỗi năm sinh viên thụ hưởng Cal Grant đều được tái xem xét. Điều quan trọng là phải giữ điểm trung bình hàng năm (GPA) theo đúng yêu cầu. Những thay đổi về tài chánh, tài sản của sinh viên và gia đình cũng được ghi nhận và điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh mới.

– Cal Grant A và B không trợ cấp cho các khoá học mùa hè (đa số sinh viên ở trong các trường hợp này.) Tuy nhiên các sinh viên có thể dùng quỹ tài trợ khác để trang trải. Cal Grant C, ngược lại, có chi trả cho khoá mùa hè nhưng đừng quên rằng số tiền nhận được sẽ ít đi cho những mùa học sau.

Nền giáo dục tại Hoa kỳ tuyệt vời với những trợ giúp tài chánh cho sinh viên con em gia đình lợi tức thấp. Điều quan trọng là phải biết dùng sự giúp đỡ này một cách khôn ngoan và nộp đơn xin theo đúng thời hạn chỉ dẫn. Trong mọi trường hợp nên tham khảo với cố vấn trường đại học (counselors.)

Wednesday, 3 September 2008

97 John McCain và Đại Học Hải Quân




Thượng Nghị Sĩ (TNS) John McCain, ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hoà, sinh trưởng trong một gia đình truyền thống binh nghiệp có Ông Nội và Cha đều là Đô đốc Hải quân - tướng bốn sao của lực lượng Hải quân Mỹ. Lớn lên McCain tốt nghiệp văn bằng Cử nhân Khoa học (BS) Đại học Hải quân với thứ hạng 894 (gần chót!) trong tổng số 899 sinh viên sĩ quan năm đó của trường do tính tình ngang bướng của ông.

Nền giáo dục đầu đời

Trong những năm đầu cuộc đời, gia đình McCain thường xuyên dời chổ ở khi phải trôi dạt đến vô số căn cứ tại Thái Bình Dương. Giống như những em sống trong trại gia binh, cậu bé học bất cứ những gì diễn ra tại một doanh trại Hải quân và thường không có lợi cho giáo dục tuổi thơ.

Trong thời gian này McCain theo cha đổi chỗ ở nhiều lần nên việc học hành khá vất vả. Từ lúc đi học cho tới khi vào trường trung học cậu đã phải theo học vào khoảng 20 trường học khác nhau. Lúc đó John McCain là một học sinh ít nói, có tính độc lập cao, thích tranh đua nhưng cũng dễ nổi nóng, ương ngạnh.

Trường trung học nội trú Episcopal

Khi tới tuổi vào trung học, McCain được theo học trường Episcopal, một trường nội trú lâu đời nhất và có tiếng tăm nhất ở tiểu bang Virginia. Tại đây, cậu theo học từ năm 1951 – 1954. Lúc đó trường chỉ dành cho nam sinh nhưng kể từ năm 1991 trường nhận thêm nữ sinh (khoảng gần một nửa là nữ sinh.) Khuynh hướng chung của những gia đình giầu có vào thời bấy giờ là cho con trai học trường nam và con gái học trường nữ.

Thành phần học sinh trong trường hiện nay khá đa dạng. Các em đến từ hơn 30 tiểu bang của nước Mỹ và gần 17 quốc gia khác trên thế giới. Trường đã từng giáo dục con của Tổng thống Hoa kỳ. Học phí hiện nay khá đắt, khoảng $38,200 cho niên học 2007 – 2008 chưa kể một số phụ phí linh tinh khác. Số tiền này cho chúng ta thấy những gia đình giầu có sẵn sàng chi phí cho giáo dục con em của họ như thế nào.

Các em học sinh siêng năng nhưng nghèo trong cộng đồng muốn theo học trường Episcopal nên nộp đơn xin học bổng và khả năng vào được trường không phải là quá khó khăn. Trong năm học 2007 – 2008 trường đã chi ra hơn $3 triệu để cung cấp học bổng cho học sinh.

Tại trường Episcopal học sinh được học 5 môn chính và 2 môn văn nghệ, thể thao. Đối với bộ môn thể thao, John McCain là một trong những học sinh xuất sắc về môn vật (wrestling.) Trung bình một lớp chỉ có 12 học sinh và cứ 1 nhân viên nhà trường coi sóc 6 học sinh. Hầu hết nhân viên nhà trường (80%) sống trong khu vực trường học.

Cựu học sinh của trường nhiều người thành danh bao gồm Bộ trưởng, Thượng nghị sĩ, Dân biểu liên bang, Thống đốc, Giám mục, CEO … và được những giải thưởng cao quý như Pulitzer.

Trường Đại học Hải quân Hoa kỳ

Khi lên Đại học, John McCain theo bước chân của Cha và Ông Nội theo học đại học quân sự Hải quân Hoa kỳ tại Annapolis, Maryland.

Tại đây, John McCain nổi tiếng về tính khí ngang bướng sẵn sàng tranh đấu với “cấp trưởng” tức là những sinh viên sĩ quan đàn anh hướng dẫn khoá mình cũng như những sĩ quan huấn luyện và ban lãnh đạo nhà trường. Nhiều lúc cậu còn lên tiếng bênh vực cả những người khác nên thường được bạn cùng lớp và khoá đàn em thương mến, kính nể.

McCain là một sinh viên sĩ quan nổi loạn. Hễ trong trường có xảy ra điều không hay thì cậu là người được nghĩ đến đầu tiên trong danh sách. Mỗi năm McCain bị phạt kỷ luật cả trăm lần vì những lý do vụn vặt như xếp hàng không chỉnh tề, nói chuyện linh tinh, quần áo lôi thôi ... Dĩ nhiên điều đó làm cậu bị điểm xấu nhưng McCain không quan tâm đến điểm và do vậy cậu ra trường với một thứ hạng gần chót.

Về học hành McCain chỉ siêng năng học những môn gì mình thích như Lịch sử, Văn chương, Chính trị … còn những môn Toán hay Khoa học cậu chỉ học cho vừa đủ điểm đậu mà thôi.

Nhân tiện đây xin mọi người để ý đến khuynh hướng chung của các em học sinh ngày nay khá giống McCain là: không quan tâm về điểm và không thích thì không học. Phụ huynh nên biết trước để khuyên răn hay có những biện pháp ngăn ngừa trước. Đừng bắt con cái học những gì chúng không thích.

Một số chi tiết về tuyển sinh của Đại học Hải quân Hoa kỳ

Website của trường: http://www.usna.edu

Đại học Hải quân Hoa kỳ không chỉ đào tạo những sĩ quan chỉ huy cho Hải quân và Thủy quân lục chiến mà còn đào tạo những nhà lãnh đạo đủ mọi thành phần trong tương lai. Nhiều sĩ quan sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về đã đảm đương những chức vụ lãnh đạo quan trọng. Trong lịch sử của mình trường đã đào tạo được 1 Tổng thống Hoa kỳ (Jimmy Carter), 2 Bộ trưởng, 6 Đại sứ, 1 Tư lệnh Không quân, 5 Tư lệnh Hải quân, 2 nhà khoa học giải Nobel, 5 Thống đốc tiểu bang, 52 phi hành gia, 44 học bổng Rhodes … và không biết bao nhiêu tướng lãnh tài năng khác.

Vào trường Đại học Hải quân Hoa kỳ rất khó. Ngoài việc giỏi về học vấn học sinh còn phải có được thư giới thiệu của những nhân vật cao cấp trong chính quyền như Dân biểu, Thượng nghị sĩ, Tổng thống, Phó Tổng thống …, và phải đủ tiêu chuẩn sức khoẻ cũng như vượt qua kỳ thi trắc nghiệm thể chất (chạy, hít đất … ) Cuối cùng học sinh sẽ phải qua một cuộc phỏng vấn theo ngày giờ dự trù.

Sau đây là một vài chi tiết về những tân sinh viên được nhận vào khoá học mùa thu 2007 và ra trường năm 2011.

Trong tổng số 12,003 đơn xin nhập học, số lượng sinh viên đáp ứng đủ 3 tiêu chuẩn học vấn, sức khoẻ và thể chất được đề cử chỉ còn lại 1893 và số tân sinh viên được nhận vào cuối cùng là 1419. Số lượng sinh viên quyết định theo học là 1202.

Trong số trúng tuyển thì 78% thuộc 5% giỏi nhất của lớp (top 5%) trung học, điểm SAT 700 – 800 Toán là 30% và Đọc hiểu là 23%. Số tân sinh viên nữ là 20.9%.

Trường thích những học sinh có nhiều đóng góp cho công tác thiện nguyện hay lãnh đạo chỉ huy. 62% tân sinh viên có chân trong National Honors Society, 90% sinh hoạt trong các câu lạc bộ thể thao trường và đoạt huy chương thể thao, 88.4% hoạt động trong các câu lạc bộ tranh luận (debate) hay nói trước công chúng (public speaking.)

Muốn vào một đại học yêu thích nào đó thì điều quan trọng là chuẩn bị và dành thời gian tìm hiểu trường. Nếu các em học sinh trong cộng đồng muốn có số liệu chi tiết hơn xin vào:

http://www.usna.edu/Admissions/documents/Classof2011Profile.pdf

Để gia tăng tính cạnh tranh khi nộp đơn vào một trường đại học, học sinh thường nên tham dự các khoá học mùa hè. Đại học Hải quân thường nhận khoảng 2000 ứng viên cho lớp hè sau lớp 11 và khoá hè này chỉ kéo dài một tuần lễ. Các em nên cố gắng tham dự trước khi theo học những lớp hè khác. Muốn biết thêm chi tiết xin tham khảo:

http://www.usna.edu/Admissions/nass.htm

Nhìn xem cuộc đời của TNS John McCain giúp phụ huynh có một cái nhìn bình tĩnh hơn trong việc nuôi dạy con cái. Một đứa con cho dù bướng bỉnh thế nào đi nữa cũng vẫn sẽ có những cơ hội thành công nếu chúng có được môi trường thích hợp để vùng vẫy.

Tuesday, 2 September 2008

104 Phí Tổn Theo Học Tại UC






Được theo học tại các trường đại học trong hệ thống UC (University of California) như UCLA, UC Berkeley, UC Irvine, UC San Diego … là ước mơ của nhiều phụ huynh cũng như của nhiều con em chúng ta. Tuy nhiên, chi phí đắt đỏ cho việc học hành đang ngày càng thực sự trở nên một mối lo lắng cho nhiều gia đình.

Dĩ nhiên các em có thể đi làm thêm, xin trợ cấp tài chánh hay mượn tiền chính phủ để theo học. Tuy vậy, những chi phí lặt vặt như đổ xăng, các loại bảo hiểm, chi tiêu cá nhân đều chưa được tính đến và để thanh toán những khoản này các em không còn phương cách gì hơn là hoặc trông cậy vào cha mẹ hoặc là phải đi làm thêm.

Trong trường hợp phải đi làm thêm thì thời gian học xong đại học sẽ lâu hơn. Số tín chỉ lấy trong một mùa (semester hay quarter) giảm xuống và trong khá nhiều trường hợp điểm học cũng xuống theo do phải vất vả đi làm.


Những nguồn tài chánh cung cấp cho giáo dục đại học

Theo cách tính thông thường, tổng số tiền chi trả cho việc học hành tại các trường trong hệ thống UC bao gồm các nguồn như sau:

- Trợ cấp của chính các đại học (University Student Aid Program)

Đây là những nguồn dồi dào do quỹ riêng của mỗi trường, mục đích là cung cấp học bổng cho những tân sinh viên tài năng nhằm quyến rũ những em này khỏi bỏ đi các trường đại học khác.

- Trợ cấp do chính quyền liên bang (Federal Pell Grant) và tiểu bang California (Cal Grant)

Những trợ cấp này dựa trên mức thu nhập (lương bổng) của cha mẹ và của cá nhân sinh viên. Khi cung cấp những chương trình giúp đỡ tài chánh, hệ thống UC căn cứ vào đơn xin FAFSA (Free Application for Federal Student Aid) mà mọi sinh viên phải làm hằng năm.

Các chương trình giúp đỡ tài chánh được thiết kế nhằm bảo đảm cho các sinh viên chỉ cần làm việc bán thời gian (part time) trong khi theo học là có thể giới hạn số tiền nợ của mình.

- Một số học bổng thuộc nhiều tổ chức khác nhau

Chỉ có một số ít ỏi các em tích cực xin học bổng vì các học bổng thường đòi hỏi viết nhiều luận văn và thủ tục giấy tờ rườm rà. Phụ huynh nên khuyến khích và giúp đỡ các em điền đơn xin học bổng thường có sẵn của rất nhiều tổ chức lớn nhỏ có tầm mức quốc gia, tiểu bang hay địa phương.

- Phần đóng góp của phụ huynh và sinh viên (net cost.)

Sự trợ giúp tài chánh của chính phủ tiểu bang và liên bang không cung ứng hoàn toàn đầy đủ. Cha mẹ và cá nhân mỗi em được hy vọng góp phần vào đầu tư cho giáo dục. Phần đóng góp này cần được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm tìm ra phương thức tiết kiệm cho ngân quỹ gia đình và giảm bớt nợ nần về sau.


Vài thí dụ

Sau đây là ước tính phí tổn theo học bao gồm học phí, ăn ở và một vài chi phí phụ linh tinh khác khi theo học tại UC. Theo website của UC, ước tính chi phí hàng năm cho một sinh viên khoảng $25,300 cho niên học 2008 – 2009.

1. Một em cha mẹ có lợi tức là $20,000 một năm sẽ được trợ giúp tài chánh $15,900 từ chính phủ liên bang và tiểu bang.

Nếu không có học bổng, không có thêm nguồn trợ giúp tài chánh của trường thì em và gia đình sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả $9,400.

Làm sao em có thể kiếm ra số tiền $9,400 này? Chính phủ sẽ cho mượn $5,000, em sẽ làm trong thời gian theo học tại đại học để kiếm thêm $2,400 và làm trong mùa hè $2,400 nữa. Trong trường hợp này vì lợi tức của gia đình quá thấp nên cha mẹ em không phải chi trả phí tổn theo học của con cái.

2. Một em khác cha mẹ có lợi tức là $40,000 một năm sẽ được trợ giúp tài chánh $14,500 từ chính phủ liên bang và tiểu bang.

Nếu không có học bổng, không có thêm nguồn trợ giúp tài chánh của trường thì em và gia đình sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả $10,800.

Làm sao em có thể kiếm ra số tiền $10,800 này? Chính phủ sẽ cho vay $5,000, em sẽ làm trong thời gian theo học tại đại học để kiếm thêm $2,400 và làm trong mùa hè $2,400 nữa. Trong trường hợp này cha mẹ phải chịu trách nhiệm chi trả một mức khiêm tốn là $1,400 phí tổn theo học của con cái.

3. Nếu một em cha mẹ có lợi tức là $60,000 một năm thì em sẽ được trợ giúp tài chánh $10,950 từ chính phủ liên bang và tiểu bang.

Nếu không có học bổng, không có thêm nguồn trợ giúp tài chánh của trường thì em và gia đình sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả $14,350.

Làm sao em có thể kiếm ra số tiền $14,350 này? Chính phủ sẽ cho mượn $5,000, em sẽ làm trong thời gian học để kiếm thêm $2,400 và làm trong mùa hè $2,400 nữa. Trong trường hợp này cha mẹ phải chịu trách nhiệm chi trả $4,950 phí tổn theo học của con cái.

4. Nếu một em cha mẹ có lợi tức là $80,000 một năm em sẽ được trợ giúp tài chánh $4,850 từ chính phủ liên bang và tiểu bang.

Nếu không có học bổng, không có thêm nguồn trợ giúp tài chánh của trường thì em và gia đình sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả $20,450.

Làm sao em có thể kiếm ra số tiền $20,450 này? Chính phủ sẽ cho mượn $5,000, em sẽ làm trong thời gian học để kiếm thêm $2,400 và làm trong mùa hè $2,400 nữa. Trong trường hợp này cha mẹ phải chịu trách nhiệm chi trả $11,050 phí tổn theo học của con cái.

Một số gia đình dùng tiền tiết kiệm và lương bổng kiếm được để hỗ trợ việc học hành cho con cái. Tuy nhiên, do tình trạng kinh tế khó khăn, không phải gia đình nào cũng cung ứng được chi phí giáo dục cho con em mình. Nếu khó khăn cha mẹ có thể vay tiền từ ngân sách chính phủ với phân lời thấp.


Tuy các đại học thuộc hệ thống UC ước tính chi phí giáo dục hàng năm cho một sinh viên là $25,300 cho niên học 2008 – 2009 nhưng thực tế cho thấy con số này tiết kiệm ra cũng phải $30,000 mới là hợp lý. Các em thường đua nhau đi UC vì theo chân bạn bè, một phần vì thích cuộc sống không bị gia đình kiểm soát và chỉ giật mình sau khi ra trường với một món nợ nhiều chục ngàn đô la mà chưa làm gì ra hồn. Một nền giáo dục tốt đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao nghĩa là phải chăm chỉ học hành sao cho xứng đáng với đồng tiền bỏ ra. Để tránh nợ nần về sau xin đừng loại trừ việc theo học tại trường cao đẳng cộng đồng trước rồi hãy chuyển lên hệ thống UC vài năm sau.

103 Có Nên Bỏ Trường Đại Học?




Trong diễn văn ra trường đọc năm 2007 tại viện đại học Harvard, Bill Gates sau khi nhận văn bằng Tiến sĩ Danh dự đã mở đầu bài diễn văn như sau, “Tôi đã chờ đợi hơn 30 năm để nói, “Ba, con đã luôn nói với Ba rằng con sẽ quay lại trường để lấy bằng đại học”.” Điều này cho thấy việc bỏ học khiến cha mẹ buồn rầu là nỗi lo âu lớn của nhiều sinh viên. Thực tế đòi hỏi cha mẹ nên bình tĩnh trong trường hợp này.

Đây là một quyết định quan trọng có liên hệ tới cả cuộc đời các em cũng như hy vọng cho con ăn học thành người của cha mẹ nên cần được cân nhắc cẩn thận. Có thể các em chỉ muốn trì hoãn việc học hành trong vài năm mà cũng có thể các em muốn theo đuổi một đường hướng hoàn toàn khác cho đời mình. Tuy việc bỏ học mang nhiều rủi ro nhưng trong nhiều trường hợp, bỏ học không phải là sự đổ vỡ và bế tắc hoàn toàn cho tương lai các em như một số người lớn thường suy nghĩ.

Các sinh viên bỏ học vì nhiều lý do, có thể do không theo kịp chương trình đòi hỏi cao của đại học, do khó khăn tài chánh hay vì nhiều lý do cá nhân khác.

Bỏ học vì không theo kịp chương trình

John Steinbeck là một thí dụ bỏ học vì không theo kịp chương trình. Ông là nhà văn nổi tiếng nhất của văn học Mỹ thế kỷ 20 và đã từng đoạt giải Pulitzer năm 1940 cùng với giải Nobel Văn chương năm 1962. Tuy nhiên, khi bước chân vào đại học với ý định học chuyên nghành về Anh văn cậu chỉ đạt được điểm C cho môn này năm thứ nhất và nản chí bỏ học vào năm 1921. Cuối cùng, nghe lời cha mẹ cậu quay lại trường vào năm 1923, đổi qua học về báo chí nhưng lại bỏ ngang lần thứ hai vì không thể cố gắng hơn. Lực bất tòng tâm. Trong nhiều trường hợp các em không thể cố gắng hơn.

Các em muốn bỏ học hay muốn đổi qua trường học khác vì không đáp ứng được đòi hỏi cao của chương trình. Thông thường các đại học đưa ra một chương trình thách đố nhưng họ vẫn muốn sinh viên thành công nên đã cung cấp nhiều phương tiện hỗ trợ như các giáo sư thường ngồi ở văn phòng giúp đỡ sinh viên thêm ngoài giờ học, các chương trình kèm cặp do chính các sinh viên lớp trên phụ trách ở các trung tâm dạy kèm bên trong trường đại học (tutoring centers.)

Phụ huynh nên khuyến khích các em bàn luận với cố vấn trường học (academic advisors) để tìm hiểu những chương trình giúp đỡ sinh viên học hành có sẵn trong trường. Các em có thể xin nói chuyện với nhiều cố vấn, đi lại thường xuyên các văn phòng trợ giúp học hành đó để có thêm giúp đỡ. Các trường đại học không muốn các em thất bại, do vậy họ có những nguồn trợ giúp thiết thực, các em tận dụng những nguồn giúp đỡ sẵn có này.

Đôi khi các em bỏ học không phải vì điểm xuống thấp nhưng vì cảm thấy không thích hợp với môi trường hiện tại và muốn đổi qua trường đại học khác. Nguyên nhân có thể là trường không có chuyên ngành các em định theo, hoặc có thể chương trình học trong trường quá thách đố hoặc quá dễ đối với các em. Trường càng nổi tiếng thì chương trình học càng thách đố và khó khăn hơn.

Chuyển trường trong một vài trường hợp là giải pháp tốt nhưng vẫn cần thận trọng. Điều hay nhất các em phải làm là cố gắng tìm hiểu rõ ràng trường đại học mình định chuyển đến có chương trình đáp ứng đòi hỏi của riêng mình và những đơn vị tín chỉ (units) đã lấy ở trường cũ có được chấp nhận ở trường mới hay không?

Bỏ học vì lý do tài chánh

Một thí dụ là Warren Buffett, người giầu nhất thế giới hiện nay (2008.) Cậu theo học ngành Tài chánh và thương mại tại University of Pennsylvania, một trong những đại học tư thuộc hệ thống Ivy nổi tiếng nhất về thương mại. Học được 2 năm, không tìm thấy giá trị gì nhiều ở trường đại học đắt tiền này, cậu chuyển trường về quê nhà học tiếp tại University of Nebraska cho đỡ tốn kém. Trong một số trường hợp các em đã phải nghỉ học một trường đại học đắt tiền để theo học một trường gần nhà có học phí ít tốn kém hơn nhằm tiết kiệm ngân quỹ gia đình.

Chi phí cho giáo dục ngày càng cao khiến nhiều em nản chí vì không kiếm đủ tiền trang trải cho việc học hành mỗi ngày một tốn kém. Và như vậy việc bỏ học dường như là điều khó tránh khỏi. Một số sinh viên chọn nghỉ học vài năm nhằm mục đích đủ trưởng thành không lệ thuộc tài chánh vào cha mẹ và do vậy có được sự trợ giúp tốt hơn từ các chương trình trợ giúp tài chánh của chính phủ.

Trước khi thôi học vì lý do khó khăn tài chánh các em nên cân nhắc một số giải pháp. Các trường đại học không muốn mất sinh viên vì lý do tài chánh nên thường dự trù những phương án thích hợp như các chương trình cho vay tiền học hay các học bổng địa phương. Phụ huynh hãy khuyến khích con em tâm sự khó khăn với họ, chắc chắn văn phòng trợ giúp tài chánh (financial aid office) sẽ có những đề nghị hữu ích. Ngoài ra cũng nên để mắt tới một số học bổng, đây là những món tiền tuy không nhiều lắm nhưng vì không phải hoàn trả lại nên khá hữu ích cho sinh viên.

Bỏ học vì lý do cá nhân

Lấy trường hợp của PTT Dick Cheney làm thí dụ. Sau 3 học kỳ (semester) không đáp ứng được những đòi hỏi cao của đại học Yale vì quá nhớ người yêu (là vợ hiện nay của ông), văn phòng nhà trường gọi Dick lên yêu cầu nghỉ dưỡng sức một học kỳ. Mùa thu 1961 chàng quay lại học tiếp nhưng cố gắng này không thành công, nhà trường buộc chàng thôi học luôn vì không thực hiện được sự tiến bộ. Nhớ người yêu đã tạo ra thảm họa cho Dick Cheney cũng như một vài tân sinh viên khác khi phải đối đầu với lần xa nhà đầu tiên.

Có nhiều lý do cá nhân như nhớ nhà, có bạn trai bạn gái, bệnh tật … khiến cho sinh viên không thể tiếp tục học hành. Với một số em việc bỏ học có thể là phương cách tốt nhưng với một số khác cần phải cẩn thận vì việc quay lại môi trường đại học bao giờ cũng khó khăn hơn (quên kiến thức cũ, không thích hợp với môi trường học đường mới, không quen gò bó …) Hãy tham khảo ý kiến chuyên môn thích hợp như Bác sĩ (nếu có bệnh tật), tâm lý gia (nếu bị nhớ nhà, nhớ người yêu … )

Quyết định thôi học không dễ dàng cho sinh viên cũng như phụ huynh. Các em chắc chắn buồn lo vì khả năng, phương tiện hạn hữu hay hoàn cảnh riêng và càng lo lắng hơn vì sợ cha mẹ thất vọng. Đây là lúc phụ huynh nên gần gũi an ủi và nâng đỡ thay vì rầy la trách mắng. Dĩ nhiên bỏ học là một quyết định đáng tiếc nuối vì các em đã đầu tư nhiều công sức và tiền bạc cho lãnh vực giáo dục. Tuy vậy nếu các em cảm thấy quá khổ sở trong học hành và cảm thấy một nhu cầu lớn phải thay đổi thì dựa vào lịch sử những nhân vật bỏ học thành đạt, đây chưa hẳn là một quyết định sai lầm.

102 Trường Trung Học Middle College High




Hiện nay khuynh hướng chung của các trường cao đẳng cộng đồng hay ngay cả một viện đại học cũng thiết kế một loại trường trung học trong phạm vi quản trị của mình – một phần nhằm đáp ứng nguyện vọng đa dạng của học sinh và phần khác cũng nhằm tìm kiếm nhân tài cho trường.

Trung học Middle College toạ lạc bên trong trường cao đẳng cộng đồng Santa Ana College (community college.) Trường cung cấp nhiều cơ hội học hành hơn cho học sinh. Số lượng học sinh trung học (gần 300 em) chỉ chiếm khoảng 1% tổng số 30,000 sinh viên của trường. Trường mở đầu chương trình hoạt động từ năm 1997.

Trang nhà (website): http://www.sausd.us/middlecollege/site/default.asp

Tuyển sinh

Các em học sinh lớp 8 có thể nộp đơn kèm theo thư giới thiệu của thầy cô giáo đang dạy mình. Mỗi năm trường nhận khoảng 80 học sinh mới cho chương trình lớp 9. Những học sinh không trúng tuyển sẽ được ở trong danh sách chờ đợi (waiting list.) Mỗi năm trường từ chối trung bình khoảng 12 em mà thôi. Nói khác đi, tỷ lệ được nhận vào trường tương đối vẫn cao.

Bà Hiệu trưởng Jean B. Williams cho biết trong tiến trình tuyển sinh trường không chỉ chọn lựa những học sinh toàn điểm A mà muốn có một thành phần đa dạng. Bà nói, “Chúng tôi biết những học sinh toàn điểm A đã đi đúng hướng. Chúng tôi muốn có nhiều hơn những học sinh sẽ nở rộ tài năng nếu được thêm sự hỗ trợ.”

Nguồn tin mới nhất cho hay trường gần đây đã có Hiệu trưởng mới là bà Lucinda Nares Pueblos.

Mục tiêu

Tên gọi của trung học Middle College gợi cho chúng ta hình ảnh của một trường trung học gắn liền với một chương trình giáo dục đại học.

Thật vậy, trường trung học Middle College đã giúp một số học sinh trung học hoàn thành một phần chương trình đại học và vì vậy một số em xuất sắc khi vào đại học 4 năm có thể ra trường chỉ trong vòng 2 năm sau vì đã lấy được 60 đơn vị tín chỉ. Một sinh viên được gọi là học toàn thời gian (full time student) nếu lấy 12 đơn vị tín chỉ trong một mùa học (học kỳ.) Nói chung, một sinh viên có được bằng Cử nhân sau khi hoàn thành 120 – 130 đơn vị tín chỉ, tùy theo ngành học.

Căn cứ theo trình độ, mỗi em thường lấy 3 đến 11 đơn vị tín chỉ (units) mỗi mùa học (semester.) Một số có được bằng AA hai năm (tương đương Cán sự hay Kỹ thuật viên) song song với bằng tốt nghiệp Trung học. Trong năm học vừa qua, 13 em đã đạt được thành tích cao nhất như trên.

Dĩ nhiên học sinh thường lấy pha trộn lớp trung học và đại học sao cho có được kết quả tốt nhất. Thông thường các em lấy các đơn vị tín chỉ dựa vào ý thích, khả năng, mức độ trưởng thành của mỗi cá nhân.

Trường có những cố vấn giúp học sinh chọn lớp đại học pha trộn với chương trình trung học và có 12 thầy cô giảng dạy, trong số đó có một cô giáo gốc Việt.

Ưu điểm của trung học Middle College so với các trung học địa phương

- Những lớp lấy theo chương trình Community College có ưu điểm là được giảng dạy bởi những Giáo sư có trình độ cao hơn thầy cô trung học.

- Phòng thí nghiệm Khoa học có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất hơn các trường trung học địa phương.

- Lớp AP lấy tại các trường trung học đang càng ngày càng giảm giá trị; nhiều trường đại học đã từ chối nhận những lớp AP này. Công sức học các lớp AP và các lớp của Cao đẳng cộng đồng cũng khó khăn như nhau vậy thì tại sao lại lấy lớp AP ít giá trị công nhận? Tín chỉ của cao đẳng cộng đồng được các đại học công nhận nhiều hơn.

- Sách giáo khoa thường miễn phí. Xin đừng quên sách giáo khoa trên đại học rất đắt đỏ. Học sinh được hưởng trợ cấp tài chánh. Những khoá học tại trường thường miễn phí do tài trợ của một số tổ chức như Bill & Melinda Gates Foundation. Học sinh chỉ được hưởng tiêu chuẩn này khi là học sinh trung học. Khi các em vào cao đẳng cộng đồng rồi, trợ cấp tài chánh (financial aid) chỉ dành cho con em gia đình lợi tức thấp mà thôi.

- Sĩ số học sinh trong mỗi lớp từ 15 – 28 em, tương đối nhỏ nên thầy cô có thời giờ chăm sóc các em nhiều hơn. Trường hiện có 299 học sinh, bao gồm như sau: lớp 9 có 80 em, lớp 10 có 76 em, lớp 11 có 76 em và lớp 12 có 64 em.

Xếp hạng

- Trung học Middle College High được xếp hạng 4 trong 10 trường trung học tốt nhất Orange County 2008 của báo Orange County Register.

- Tạp chí US News & World Report trong trang Giáo dục đã xếp trường Middle College High là một trong những trung học tốt nhất (Huy chương bạc.) Chỉ khoảng 3% các trường trung học trên toàn cõi Hoa kỳ được vinh dự này

Các chương trình thể dục thể thao

Trường không có nhiều chương trình thể thao giống các trường trung học khác và chỉ có một số lớp dành cho các sinh viên đại học. Muốn tham dự những lớp này, phụ huynh phải ký giấy (CAP forms) cho phép các em tham dự nhằm thoả mãn đòi hỏi về Thể dục thể thao (PE classes) của chương trình trung học.

Những lớp thể dục thể thao tại trường Middle College thường đa dạng, từ yoga, khiêu vũ, chạy bộ tới bơi lội, đá bóng …

Những thành tựu của trường

Mặc dù vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển nhưng trường đã có được những thành tựu như sau:

- Honorable Mention as California Distinguished High School: thông thường trong một quận (county) chỉ có vài trường cấp 2 và trung học được vinh dự trên.

- 100% học sinh vượt qua kỳ thi tiêu chuẩn trung học CAHSEE 3 năm liền.

- Điểm API (Academic Performance Index) cao và tăng liên tục.

- Title I Academic Achievement Award và là trường trung học duy nhất trong học khu nhận được danh hiệu này.

Các em học sinh ngày nay đang đứng trước những cơ hội tốt đẹp cho sự thành đạt học vấn. Những chương trình của trường Middle College High giúp các em phát triển cao nhất năng lực của mình, tiết kiệm ngân quỹ gia đình cho chi phí giáo dục và thời gian ra trường trở nên ngắn hạn hơn.

101 Có Nên Khen Ngợi Con Cái Thông Minh?






Theo một cuộc khảo cứu của đại học Columbia, New York thì 85% phụ huynh cho rằng cần phải khen con cái thông minh để khuyến khích chúng và hầu như mọi người đều coi điều đó như một thói quen. Họ nghĩ rằng lời khen tặng con cái như vậy sẽ chắp đôi cánh thiên thần cho chúng thành công. Vậy có nên khen ngợi con cái thông minh không?

Công trình nghiên cứu Tâm lý Giáo dục của Tiến sĩ Carl Dweck đang dạy ở đại học Stanford đã cho biết rằng: không nên khen ngợi con cái thông minh (smart) mà chỉ nên khen ngợi các em đã cố gắng làm việc (work hard.)


Phương pháp nghiên cứu.

Cuộc nghiên cứu được thựỉc hiện trên 400 học sinh lớp 5 ở thành phố New York và bao gồm 4 lượt thi do các phụ tá khác nhau đảm trách mỗi phần riêng biệt công trình nghiên cứu.

1. Lượt thi thứ nhất:

Từng em được đưa ra khỏi lớp học để lấy một trắc nghiệm thông minh rất dễ dàng mà em nào cũng làm được. Sau khi xong, các em đươc cho biết điểm và một lời khen.

Các em mang số chẵn được khen, “Em chắc hẳn là thông minh khi giải bài này.” (You must be smart at this.) Người nói nhấn mạnh vào chữ “thông minh.”

Các em mang số lẻ được khen, “Em chắc hẳn đã cố gắng làm việc” (You must have worked really hard.) Người nói nhấn mạnh vào chữ “cố gắng làm việc.”

Hai lời khen nêu trên được đưa ra một cách đơn giản nhằm giúp các nhà nghiên cứu thu thập những phản ứng tương đối khác nhau từ 2 nhóm học sinh.

2. Lượt thi thứ hai:

Các em học sinh cả chẵn và lẻ được nhận hai đề thi, một đề dễ và một đề khó. Các em được tự do chọn một trong hai đề kèm theo lời nhắn nhủ chung như sau: đề 1 dễ như đề thi lượt thứ nhất, đề thi 2 khó hơn nhưng nhờ vậy các em có cơ hội được học hỏi thêm rất nhiều.

Kết quả cho thấy 90% các em được khen ngợi “cố gắng” đã chọn đề thi khó. Trong khi đó đa số các em được khen ngợi “thông minh” đã chọn để thi dễ.

Dweck đã giải thích kết quả như sau, “Khi khen ngợi các em thông minh, chúng ta đã dặn dò các em rằng đây là cái tên (thông minh) của cuộc chơi. Hãy cho mọi người thấy mình thông minh. Đừng mạo hiểm để phạm phải sai lầm.” Bà đặt câu hỏi thêm, “Tại sao nhiều học sinh giỏi không chịu làm việc khi phải đối đầu với những bài học khó?”

Bà kêu gọi chuyển đổi lời khen “thông minh” qua lời khen chú trọng vào “cố gắng” để nỗ lực giải quyết vấn đề. Những lời khen ngợi “cố gắng” làm các em đối đầu với thách thức và đưa khả năng lên tầm mức cao nhất.

3. Lượt thi thứ 3:

Lần này bài thi gồm những câu hỏi có trình độ cao hơn, bao gồm những câu hỏi của lớp 7 nên rất khó đối với học sinh lớp 5 nói chung. Điều dễ dàng tiên đoán là hầu hết các em đều “rớt”, không thành công trong bài thi. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu thấy rằng, hai nhóm được khen ngợi “thông minh” và “cố gắng” đã có những phản ứng khác nhau.

Nhóm được khen ngợi “cố gắng” được Dweck ghi nhận, “Các em tìm cách này hay cách khác để giải, sẵn sàng đi hết phương pháp này tới phương pháp khác. Các em cảm thấy thoải mái, không bị khiêu khích và đã nói, “Em thích bài thi này.”. “

Nhóm được khen ngợi “thông minh” đã hành xử khác hẳn. Các em cảm thấy thất bại là bằng chứng rằng mình chẳng thông minh chút nào nên hồi hộp, chảy mồ hôi và căng thẳng,

4. Lượt thi thứ tư và cũng là lượt thi cuối cùng:

Đề thi được ra dễ y như lần thứ nhất. Kết quả là, so với lần đầu tiên, điểm của các em được khen là “cố gắng” đã gia tăng 30% trong khi các em được khen là “thông minh” rớt xuống 20% so với lượt thi thứ nhất.

Như vậy, việc khen ngợi “thông minh” đã có tác dụng ngược. Các em “thông minh” cảm thấy suy sụp sau lượt thi thứ 3 (bài khó) nên kết quả lượt thứ tư kém hẳn lượt đầu. Sự thất bại đã khiến các em hổ thẹn, nản chí và không muốn cố gắng.

Ngược lại các em “cố gắng” hưng phấn hơn lên sau khi gặp bài khó mà các em muốn thử nên đạt kết quả cuối cùng cao hơn ban đầu. Những học sinh “chăm chỉ” nhấn mạnh vào giá trị học hỏi hơn là tìm cách được mọi người đánh giá “thông minh.” Khi gặp thử thách các em “cố gắng” không cảm thấy mình ngu xuẩn nên dễ dàng vươn lên từ những thất bại.


Nhận xét về cuộc nghiên cứu

Khi những lời khen “cố gắng” được nhấn mạnh, các em cảm thấy không bị lệ thuộc vào kết quả nên thoải mái làm bài thi để đạt kết quả cuối cùng cao hơn, tốt hơn.

Sự chấp nhận mạo hiểm (chọn giải quyết những vấn đề khó khăn) và làm việc cần cù hết sức mình mới chính là dấu chỉ của thông minh thực sự.

Một em được khen ngợi là “thông minh” thường đánh giá cao sự thành công bên ngoài (điểm cao) và sợ hãi thất bại (điểm thấp.) Các em chỉ cốt tìm kiếm những cách thức an toàn sao cho mọi người nghĩ rằng mình thông minh. Nhược điểm này khiến những em “thông minh” thường nhìn vào những nỗ lực một cách tiêu cực. Đối với chúng, “cố gắng” gắn liền với kém tài năng, ngu dốt.

Dweck làm đi làm lại những thí nghiệm của mình tại đại học Stanford và đại học Reed để rút thêm một kết luận rằng: hiệu quả của 2 loại lời khen nêu trên trong việc học hành đúng cho các học sinh thuộc mọi tầng lớp kinh tế xã hội và cả 2 phái tính. Tuy vậy những em nữ sinh thông minh nhất thì lại hoàn toàn bị suy sụp khi gặp thất bại. Quí vị phụ huynh có con em nữ thông minh nên chú ý đến điều này.

Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy rằng những học sinh với tinh thần cầu tiến chú trọng vào học hỏi thường thành công hơn những em chỉ muốn điểm cao. Điều này càng đúng hơn khi các em ra trường hành nghề.

Trong dịp này Dweck cũng tiết lộ thêm một bí mật: các trường đại học trong tuyển sinh thường muốn những học sinh phiêu lưu dám chấp nhận thử thách lấy những lớp khó và có vài tì vết hơn là những học sinh có thành tích toàn hảo.


Vài nguyên tắc khi khen ngợi con cái

– Nhìn vào mắt con, mỉn cười, tiến lại gần hơn khi nói.

– Giọng nói phải chân thành, tình cảm

– Câu khen ngợi phải rõ ràng, cụ thể. Thay vì nói, “Hôm nay con đá banh hay quá!” thì nên nói, “Con đã cố gắng chuyền cho Hai một trái banh ghi bàn thật đẹp.”

– Khi khen nên vỗ nhẹ vào lưng vàụ nói trước mặt một người thân khác trong gia đình.

Não bộ giống như một bắp thịt cần phải được tập luyện thường xuyên bằng những cố gắng. Những em “thông minh” sẽ bỏ cuộc khi gặp thất bại trong khi những em “cố gắng” xem thất bại là điều tất yếu của con đường đi lên đỉnh cao hơn. “Thất bại là mẹ thành công.”


Khen ngợi sự thông minh thiên phú chỉ lấy đi ý nghĩa của nỗ lực làm việc. Nhấn mạnh vào cố gắng tạo cho các em một ý nghĩa là chúng có thể kiểm soát được sự thông minh bằng cần cù làm việc. Những nỗ lực này tỷ lệ thuận với thành công và thực tế cuộc đời cho thấy rằng khi học hành cũng như khi bước chân vào môi trường làm việc, con người sẽ chỉ thành công nếu biết cố gắng mà thôi.


100 Bài Diễn Văn Ra Trường Hay Nhất (II)




(tiếp theo)

Jobs bỏ học ngang rồi lấy nhiều lớp về tôn giáo và dành đủ tiền sang Ấn độ nghiên cứu Ấn giáo nên bài diễn văn ra trường được yêu thích vì tính triết lý nhẹ nhàng.

Phần trước, Steve Jobs đã kể lại ông bị sa thải khỏi công ty Apple năm 30 tuổi do chính ông sáng lập. Trong phần này Jobs kể lại thời gian sau khi bị sa thải, việc ông quay về Apple nắm lại công ty 12 năm sau và vài tản mạn khác về sống cuộc đời theo đam mê của mình.

*****************************

Trong vòng 5 năm tiếp theo, tôi thành lập công ty NeXT rồi công ty khác là Pixar sau đó yêu một người đàn bà tuyệt vời nay đã trở thành vợ tôi. Pixar tiến lên sáng tạo ra phim hoạt hình màn ảnh rộng, không gian 3 chiều Toy Story và trở nên phim trường hoạt hình thành công nhất thế giới.

Trong một khúc rẽ đặc biệt của những biến cố xảy ra, Apple mua lại NeXT nên tôi quay về Apple và kỹ thuật đã phát triển ở NeXT được đặt vào trung tâm thời kỳ phục hưng hiện nay của Apple. Tôi và Laurene, vợ tôi, có chung một mái ấm gia đình tuyệt vời.

Tôi chắc rằng những điều như trên không xảy ra nếu tôi không bị sa thải khỏi Apple. Đó là liều thuốc đắng mà một người bệnh cần. Đôi khi cuộc đời đánh vào đầu bạn bằng cục gạch. Đừng mất niềm tin. Điều duy nhất giúp tôi đi lên là làm những việc mình yêu thích. Bạn phải tìm kiếm những gì mình yêu thích. Điều đó đúng với công việc mà cũng đúng với những người bạn yêu mến. Công việc chiếm phần lớn đời bạn, cách duy nhất thoả mãn thực sự là làm những gì bạn cho là một công việc thú vị (great work.) Và cách duy nhất để làm một công việc thú vị là làm những gì mình yêu thích. Nếu bạn chưa tìm ra, hãy cứ tiếp tục săn lùng và đừng ngừng lại. Tất cả sẽ tùy thuộc vào trái tim bạn, bạn sẽ biết khi bạn tìm ra nó. Và giống như những mối quan hệ thân thiết, nó trở nên ngày càng tốt đẹp hơn khi năm tháng trôi đi. Vậy thì hãy tìm kiếm. Đừng ngừng nghỉ.

Truyện thứ ba là về sự chết

Khi được 17 tuổi, tôi đọc một câu danh ngôn tương tự như, “Nếu bạn sống mỗi ngày như ngày cuối cùng trong đời thì một ngày nào đó bạn sẽ thấy chắc chắn rằng mình đúng.” Câu nói gây ấn tượng mạnh nơi tôi, và từ đó, trong 33 năm qua, mỗi buổi sáng nhìn vào gương tôi đều hỏi chính mình, “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi, tôi có sẽ làm những gì tôi sắp làm hôm nay không?” Và mỗi khi câu trả lời là “Không” trong nhiều ngày liên tiếp, tôi biết tôi phải thay đổi một điều gì đó.

Nhớ rằng mình sẽ chết nay mai là điều quan trọng nhất tôi thường dùng để giúp mình làm những chọn lựa lớn trong đời. Bởi vì hầu như tất cả mọi sự – tất cả những trông đợi đến từ bên ngoài, tất cả kiêu hãnh, tất cả nỗi sợ hãi bị xấu hổ hay sợ hãi thất bại – những thứ này sẽ vỡ vụn tan tác khi đối diện với tử thần, để chỉ còn lưu lại những gì thật sự quan trọng. Nhớ rằng bạn sẽ chết là phương thức tốt nhất mà tôi biết để tránh cạm bẫy của ý nghĩ rằng bạn có điều gì đó để mất. Bạn đã trần truồng tay không rồi. (Bạn thực sự chẳng có gì để mất.) Không có lý do gì để không nghe theo trái tim mình.

Khoảng một năm trước tôi bị chẩn đoán là có bệnh ung thư. Tôi làm siêu âm chẩn đoán lúc 7.30 sáng và rõ ràng có một bướu độc nơi tụy tạng. Tôi thậm chí không biết tụy tạng là cơ quan gì. Các bác sĩ bảo tôi đây hầu như là một dạng ung thư không thể chữa trị và rằng tôi nên trông đợi sống không lâu hơn khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng nữa. Bác sĩ khuyên tôi nên vềụ nhà thu xếp công việc cho đâu vào đó, đây là ngôn ngữ của Bác sĩ ngầm ngụ ý nói tới “chuẩn bị đi vào cõi chết.” Điều này cũng có nghĩa là trong vài tháng bạn phải nói với con cái những lời của 10 năm sau. Và cũng có nghĩa là phải làm hết sức để mọi sự được chu đáo sao cho gia đình mình được ổn thoả càng nhiều càng tốt. Nó cũng có nghĩa là nói lời chia tay cuối cùng với mọi người.

Tôi sống với sự chẩn đoán bệnh đó trong nguyên cả một ngày. Tối hôm ấy, tôi làm sinh thiết, họ bỏ một đèn nội soi xuống từ cổ họng, qua dạ dầy và ruột rồi cho một cái kim vào tụy tạng để lấy ít tế bào trong bướu. Tôi bị chích thuốc ngủ nhưng vợ tôi ở đó theo dõi đã bảo rằng khi họ quan sát những tế bào trong kính hiển vi những Bác sĩ đã reo hò sung sướng vì đây là dạng ưng thu tụy tạng hiếm hoi có thể chữa trị bằng giải phẫu. Tôi đã được giải phẫu xong và nay hoàn toàn bình phục, khoẻ mạnh.

Đấy là lần gần với tử thần nhất mà tôi phải đối đầu và hy vọng nó là lần gần nhất trong vài chục năm nữa. Sống qua kinh nghiệm đó, nay tôi có thể nói với các bạn bằng một chút chắc chắn hơn lúc tôi từng nghĩ cái chết là một khái niệm hữu ích nhưng thuần lý.

Không ai muốn chết . Ngay cả người muốn lên Trời cũng không muốn chết để tới đó, tuy nhiên, cái chết là bến bờ cuối cùng chúng ta cùng chia sẻ. Không ai có thể vượt thoát được cái chết. Sự thể như vậy sẽ mãi mãi là như vậy, bởi vì Thần Chết giống như một phát minh đơn độc tốt nhất của Đời Sống. Thần Chết là tác nhân thay đổi Đời Sống. Nó quét sạch cái xưa cũ để dọn đường cho cái mới. Bây giờ, cái mới là các bạn. Nhưng chẳng bao lâu sau, các bạn sẽ dần dần trở nên xưa cũ và bị quét sạch. Xin lỗi đã quá bi thảm nhưng điều này hoàn toàn đúng.

Thời gian của các bạn có giới hạn nên đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của người khác. Đừng để bị vướng vào bẫy những giáo điều – nghĩa là sống với những kết quả do suy nghĩ của người khác. Đừng để những tiếng ồn ào do ý kiến của người khác làm soi mòn tiếng nói từ bên trong bạn.

Và quan trọng nhất, hãy có can đảm nghe theo trái tim và bản năng mình. Bằng cách này hay cách khác trái tim và bản năng bạn sẽ biết những gì bạn thực sự muốn trở thành. Những thứ khác chỉ là thứ yếu.

Khi tôi còn trẻ, có một ấn phẩm rất hay là The Whole Earth Catalog, là một trong những thánh kinh của tuổi trẻ thời chúng tôi. Ấn bản được sáng tạo bởi một người là Stewart Brand ở Menlo Park cách đây không bao xa và ông đã mang ấn bản đó vào đời bằng những văn phong đầy thi vị. Lúc đó vào khoảng cuối thập niên 1960’s, trước khi có xuất bản bằng máy tính ra đời nên nó được làm bằng máy đánh chữ, kéo cắt và máy hình chụp lấy ngay. Ấn phẩm đó gần giống như Google dạng bằng giấy, tuy ra đời trước Google 35 năm, nó cũng lý tưởng, tràn ngập những công cụ gọn gàng và khái niệm tuyệt vời.

Stewart và nhóm của ông cho ra đời nhiều số The Whole Earth Catalog và rồi khi đã hoàn thành nhiệm vụ ông cho ra số cuối cùng. Hồi đó khoảng giữa thập niên 1970’s và tôi đang ở tuổi các bạn. Bìa sau của số cuối cùng là hình chụp một buổi sáng bình minh trên đường làng quê, con đường mà bạn thấy mình thường đạp xe trên đó nếu bạn thích phiêu lưu, mạo hiểm. Dưới tấm hình là dòng chữ: Hãy Cứ Đói Khát. Hãy Cứ Dại Dột. Đó là thông điệp họ từ giã khi đình bản.

Cứ Đói Khát. Hãy Cứ Dại Dột. Và tôi đã luôn luôn mơ ước điều đó cho mình. Bây giờ khi các bạn tốt nghiệp đại học để bắt đầu một chân trời mới, tôi cầu chúc điều đó cho các bạn.

Hãy Cứ Đói Khát. Hãy Cứ Dại Dột.

99 Bài Diễn Văn Ra Trường Hay Nhất (I)




Bài được giới thiệu sau đây là của Steve Jobs, người sáng lập Apple đọc tại buổi lễ ra trường Stanford 2005 lúc ông 50 tuổi. Bài phảng phất tư tưởng phương Đông do ông từng cạo đầu ngao du Ấn độ nhiều tháng. Đám cưới ông do Thiền sư Kobun Chino Otogowa chủ trì.

Đây là bài được nhiều người đưa lên youtube, kể cả trường Stanford – một bài có số lượt người xem nhiều nhất (hơn 2.6 triệu) – và được nằm trong những bài diễn văn ra trường hay nhất. Steve Jobs khuyên sinh viên chọn những việc mình đam mê dù không thấy tương lai sáng sủa và ngay trong hoàn cảnh thất bại, nếu yêu thích công việc mình làm sẽ thành công trở lại.

Bài diễn văn ra trường này cho phụ huynh thấy một khuynh hướng chung: các em ngày nay thường tìm kiếm công việc mình yêu thích thay vì tìm công việc ổn định, lương cao.

---------------------------------------------------------------


Hôm nay tôi vinh hạnh được cùng các bạn tham dự lễ ra trường taị một trong những đại học tốt nhất thế giới. Nói thật ra, tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học và đây là dịp gần gũi nhất với một lễ ra trường. Tôi muốn kể với các bạn 3 truyện của đời tôi. Có thế thôi. Chẳng có gì lớn lao cả. Chỉ 3 truyện

Truyện thứ nhất là kết nối những biến cố nhỏ trong đời

Tôi đã bỏ ngang đại học Reed chỉ sau 6 tháng theo học và quanh quẩn ở đó 18 tháng trước khi thực sự nghỉ luôn. Tại sao tôi bỏ ngang việc học hành?

Câu chuyện bắt đầu trước khi tôi được sinh ra. Mẹ đẻ tôi là một sinh viên trẻ bậc sau đại học, có thai khi chưa cưới hỏi và quyết định cho tôi làm con nuôi sau khi sanh. Bà muốn tôi phải được nuôi nấng trong một gia đình học thức. Tôi được chuẩn bị giao cho một luật sư và vợ ông ta nhưng họ đổi ý vào giây phút cuối khi tôi được mang ra vì họ muốn một đứa con gái. Do vậy, cha mẹ nuôi tôi hiện nay lúc đó đang trong danh sách chờ đợi (waiting list) được gọi điện thoại vào nửa đêm hỏi rằng, “Chúng tôi có một bé trai không trông đợi ra đời, ông bà có muốn nó không?” Họ trả lời,"Dĩ nhiên muốn.” Mẹ đẻ tôi sau đó biết rằng mẹ nuôi tôi chưa tốt nghiệp đại học và cha nuôi tôi thậm chí không tốt nghiệp trung học nên từ chối ký giấy tờ. Bà chỉ nhượng bộ vài tháng sau khi Cha Mẹ nuôi hứa hẹn sẽ cho tôi theo học đại học.

Đây là khởi điểm của đời tôi. Và 17 năm sau tôi vào đại học nhưng ngây thơ chọn một trường đắt tiền gần như Stanford, và tất cả tiền để dành của Cha Me tôi thuộc tầng lớp lao động được dùng trả học phí. Sau 6 tháng, tôi không tìm thấy một chút giá trị gì trong đó. Tôi không biết sẽ phải làm gì cho đời mình và cũng không biết đại học sẽ giúp gì tôi trả lời câu hỏi đó, và nay tôi đã tiêu hết tiền mà Cha Mẹ tôi góp nhặt trong cả đời họ. Tôi quyết định bỏ học và tin rằng rồi ra mọi việc cũng sẽ ổn. Lúc đó tôi cũng khá sợ hãi, nhưng nhìn lại quyết định bỏ học, đó là một trong những quyết định tốt nhất tôi đã làm. Ngay khi bỏ học, tôi không phải lấy những lớp đòi hỏi mà tôi không thích thú và bắt đầu học những lớp tôi yêu thích hơn.

Bỏ học không phải là điều lãng mạn. Không có chỗ trong đại học xá, tôi ngủ lậu trên nền nhà ở phòng của người bạn. Tôi trả lại vỏ chai nước đổi lấy 5 xu mua thức ăn và đi bộ 7 dặm (miles) mỗi tối Chủ nhật hàng tuần để có một bữa ăn từ thiện ngon miệng tại đền Hare Krishna. Tôi yêu thích làm điều này. Phần lớn những điều tôi làm theo bản năng và sự tò mò sau này đã trở nên vô giá. Tôi cho các bạn một thí dụ.

Vào lúc đó đại học Reed có những lớp dạy về cách viết chữ đẹp thuộc hạng tốt nhất quốc gia. Khắp nơi trong trường, trên những ngăn kéo, bích chương là những kiểu chữ viết tay rất đẹp. Bởi vì đã bỏ học, không buộc phải lấy những lớp thông thường nên tôi quyết định lấy lớp dạy chữ đẹp và học phương cách viết chúng. Tôi học về những bộ chữ serif và san serif, về những khoảng cách khác nhau giữa chúng, về các phương cách làm kiểu in sao cho mỹ thuật. Những mẫu chữ đó thật đẹp đẽ, có tính lịch sử và tinh tế nghệ thuật khiến khoa học kỹ thuật không thể nắm bắt hết được, và tôi thấy chúng vô cùng quyến rũ.

Kiễu mẫu chữ này không mang hy vọng ứng dụng thực tế vào đời tôi. Nhưng 10 năm sau, khi tôi thiết kế máy vi tính Macintosh đầu tiên thì tất cả mẫu chữ đó hiện về lại với tôi. Và tôi đã thiết kế chúng trong Macintosh. Đó là máy vi tính có cách trình bày bản chữ in đẹp đầu tiên. Nếu tôi không lấy lớp đó ở đại học, máy vi tính Mac không bao giờ có nhiều bộ chữ đẹp hoặc những kiểu chữ tỷ lệ cân xứng. Vì Windows sao chép Mac nên hầu như các máy vi tính cá nhân đều có những kiểu chữ trên. Nếu không bỏ học ngang tôi không học về viết chữ đẹp thì máy tính sẽ chẳng có những thứ đó.

Dĩ nhiên, không thể kết nối những biến cố nhỏ ảnh hưởng tới tương lai khi tôi còn ở đại học nếu nhìn về phía trước, nhưng 10 năm sau quay nhìn lại thì chúng liên kết nhau rất rõ ràng. Một lần nữa, bạn không thể nối kết những việc đã làm nếu chỉ nhìn về phía trước. Bạn chỉ có thể liên kết chúng khi nhìn về quá khứ nên bạn phải tin tưởng những việc mình làm, bằng cách này hay cách khác có liên hệ tới tương lai. Bạn phải tin vào điều gì đó – linh tính, số mạng, cuộc đời, nghiệp chướng, hay bất cứ thứ gì khác – bởi vì tin tưởng những biến cố nhỏ nhoi sẽ ảnh hưởng tới con đường tương lai tạo cho bạn lòng tự tin đi theo con tim mình, ngay cả khi điều đó dẫn bạn tách khỏi một lối mòn quen thuộc, và sự tin tưởng đó đã tạo nên tất cả khác biệt trong đời tôi.

Truyện thứ hai về tình yêu và sự thua cuộc.

Thật may mắn – tôi đã tìm thấy những gì mình yêu thích trong đời khá sớm sủa. Woz và tôi cùng sáng lập Apple trong nhà để xe (garage) của Cha Mẹ tôi khi mới 20 tuổi. Chúng tôi làm việc cật lực và trong 10 năm Apple đã lớn mạnh từ hai người trong một cái garage trở thành một công ty có vốn $2 tỷ và hơn 4000 nhân viên. Chúng tôi mới cho chào đời một sản phẩm tốt nhất – Macintosh – một năm trước đó và tôi chỉ 30 tuổi. Và rồi tôi bị đuổi việc. Làm sao bạn có thể bị sa thải bởi chính công ty bạn đã sáng lập ra? Thế này, khi Apple lớn mạnh, chúng tôi thuê một người mà chúng tôi nghĩ rất tài năng để quản lý công ty chung với tôi. Khoảng năm đầu, mọi sự thuận buồm xuôi gió. Nhưng rồi tầm nhìn tương lai bắt đầu khác biệt và cuối cùng chúng tôi cãi nhau. Khi xảy ra điều đó, ban Giám đốc quyết định đứng về phiá ông ta. Do vậy, lúc 30 tuổi, tôi bị mất việc và chìm lỉm trong bóng tối. Tất cả những nỗ lực từ khi trưởng thành tan biến, và điều này thật khủng khiếp.

Tôi thật sự không biết phải làm gì trong vài tháng. Tôi có cảm giác đã làm cho thế hệ những nhà kinh doanh trước thất vọng và đã bỏ rơi cây gậy lãnh đạo vì nó được trao cho tôi. Tôi gặp David Packard và Bob Noyce để xin lỗi vì đã làm hỏng mọi chuyện. Tôi là người thất bại trước công chúng nên định bỏ (Silicon) Valley. Nhưng một cái gì đó loé sáng chậm chạp trong đầu, tôi vẫn thích việc tôi đã làm. Khúc rẽ tại Apple không thay đổi tôi chút nào. Tôi bị loại trừ khỏi công việc nhưng tôi vẫn thích nó. Do vậy tôi quyết định làm lại từ đầu.

Lúc đó tôi không nhận ra nhưng bị đuổi việc khỏi Apple đã trở thành điều tốt nhất chưa từng xảy ra trong đời. Gánh nặng thành công được thay thế bởi sự nhẹ nhàng của người khởi đầu từ bàn tay trắng, không chắc chắn về điều gì. Nó giải phóng tôi để tiến vào những thời kỳ sáng tạo nhất trong đời.

(còn tiếp)

98 Để Thành Công Trên Đại Học




Cộng đồng Việt nam hãnh diện vì mỗi cuối năm học số lượng các em Thủ khoa trung học tràn ngập mặt báo. Nhiều em được những học bổng cao quý của Bill & Melinda Gates Foundation. Một số khác được vào những đại học tên tuổi nhất của Hoa kỳ mà ngay cả những người da trắng bản xứ cũng ước mơ.

Đằng sau những hào quang đó, báo chí quên không nhắc nhở tới một số em đang phải vất vả trong học hành. Các em bị bỏ quên và không được nâng đỡ. Tệ hại hơn, có khi phải gánh chịu những trách móc thay vì khuyến khích của Cha Mẹ.

Mục tiêu của giáo dục cộng đồng là nhắm vào thành công của số đông nên cần nhìn tới những em trung bình để giúp các em thành công hơn là chỉ ca tụng một số em sáng chói.

Những kinh nghiệm dưới đây được viết ra nhằm giúp đỡ các em có trình độ vừa phải đang gặp khó khăn trong học hành. Những kinh nghiệm này đã được lượm lặt hoàn toàn từ thực tế nơi các trường đại học Hoa kỳ.

Sau đây là một vài nguyên tắc căn bản:

Chọn bạn trong cùng cộng đồng

Xin được kể một kinh nghiệm: Em Hai mới qua Mỹ, một năm sau em bước chân vào trường cao đẳng cộng đồng.

Lúc ban đầu, bạn của em chủ yếu là người Việt nam. Khi nghe Hai lấy cùng lớp English 1A cũng là Giáo sư năm trước em Kim đã cho Hai sách giáo khoa (thường đắt tiền) và quan trọng hơn là cho Hai cả “notes” (bài ghi chép khi Giáo sư giảng.) Nhờ vậy Hai có thì giờ tập trung vào học viết essay (Luận văn) và soạn bài trước. Số lượng thời gian cho lớp này ít đi và việc học hành nhẹ nhàng hơn, dễ dàng thành công hơn. Biết chọn bạn tốt để chơi là nguyên tắc thành công quan trọng nhất.

Tìm sự giúp đỡ từ nhóm bạn trong cộng đồng là điều cần thiết. Nhờ bạn bè các em có thêm thông tin về thầy cô, cách chọn lớp phải lấy, chương trình trợ cấp tài chánh, đi xe chung, cách xin việc trong trường học và ngay cả làm sao có được chỗ đậu xe trong giờ cao điểm mà nhiều khi là nỗi kinh hoàng cho sinh viên mới vào học.

Nhân tiện đây cũng xin được chia sẻ một kinh nghiệm: các em gốc Việt sinh tại Mỹ thường bơ vơ, không chơi với sinh viên Mỹ mà cũng không chơi với Việt nam mới qua. Tuy nghe nói tiếng Anh thông thạo nhưng các em cảm thấy không có một cộng đồng để dựa vào hầu chia sẻ kinh nghiệm. Tỷ lệ thành công do vậy bấp bênh hơn những em từ Việt nam mới qua thường biết làm việc và học hỏi kinh nghiệm của nhau.

Một dấu hiệu dễ nhận thấy con em mình gặp khó khăn là không chơi với các em khác trong cộng đồng Việt nam. Dĩ nhiên những em siêng năng, học giỏi thì không cần điều đó nhưng đối với một số em trung bình thì trong nhiều trường hợp các em có thể học tập nơi nhau nhiều điều cần thiết.

Chọn lớp

Học hành bên Mỹ khác bên Việt nam. Các sinh viên trong một chuyên ngành phải lấy những lớp chuyên ngành và một số lớp bắt buộc giống nhau nhưng cũng có một số lớp để tùy nghi sinh viên lựa chọn.

Việc lựa chọn những lớp tùy nghi này đòi hỏi một sự tìm hiểu vì đôi khi một lớp học có thể dễ dàng cho người này nhưng lại khó khăn cho người khác.

Thí dụ: em Hai sau khi học xong cao đẳng cộng đồng chuyển lên đại học phải lấy một số lớp giáo dục phổ thông cao cấp (Advance General Education), Hai cẩn thận lên hỏi counselor và được cho biết nên lấy lớp về nhạc rock vừa vui mà vừa dễ thành công, đó là ngôn ngữ của cố vấn trường thường ngụ ý là dễ có điểm A.

Nghe theo lời, Hai ghi tên vào học. Chương trình thi cuối khoá (final) nghe khá đơn giản, chỉ cần thuộc một số bài nhạc rock và vài chi tiết về nhạc là có thể điền vào chỗ trống trong các bài thi. Lớp này đông nghẹt sinh viên và phải ghi danh trước giữ chỗ là dấu hiệu cho thấy lớp này dễ. Hai yên tâm và chờ một điểm A bỏ túi.

Thực tế hoàn toàn khác hẳn. Với các em sinh viên Mỹ từ bé đã nghe nhạc này thì khác nhưng với Hai, bảo nghe nói tiếng Anh thì còn đáp ứng được chứ nghe hát thì Hai … bó tay. Kết quả hú hồn hú viá, Hai bằng lòng với điểm C vì không thể nào thuộc hết được những bài hát các ca sĩ hò hét cho dẫu trong suốt mùa học lúc nào lên xe cũng mở CD này.

Một kinh nghiệm khác: có một số lớp Hai không thể nào thành công cho dù cố gắng, thế là em chuyển qua lớp mùa hè hay chuyển qua lớp tối là lớp mà sinh viên thường là những người đi làm nên Giáo sư đòi hỏi ít hơn và thật sự có dễ dàng hơn. Nói chung khi phải đương đầu với một lớp khó phải nghĩ ngay đến một cách khác, lớp khác hay thầy khác để học. Có nhiều phương cách để thành công. Hãy hỏi bạn bè.

Chọn thầy

Có những môn vừa phải, không khó không dễ, nhưng nếu gặp Giáo sư đòi hỏi cao nơi sinh viên thì việc học vẫn rất khó khăn và rất mất thời giờ.

Lấy lớp US History (Lịch sử Mỹ) trong trường cao đẳng cộng đồng của Hai làm thí dụ. Các Giáo sư khác trong trường thường đòi hỏi cao, riêng một ông Giáo sư có ra chỉ thị ghi rõ trong syllabus (tờ hướng dẫn) chỉ cần đi 4 field trips là có điểm A. Hai ghi tên theo học lớp này, được đi thăm các viện bảo tàng và một số di tích lịch sử, vào lớp chỉ xem phim rồi thảo luận, Hai không cần phải viết luận văn, ôn bài thi cuối khoá mà vẫn có điểm A.

Nhiều em khác không lưu tâm, không hỏi thăm bạn bè như Hai nên không có được những thông tin cần thiết như Hai đã có, thấy lớp nào thuận tiện giờ giấc thì ghi danh. Do vậy, họ học rất vất vả ở những lớp của các Giáo sư khác.

Ngược lại thí dụ trên, có những môn khó nhưng nhờ Giáo sư “nhẹ tay” nên việc học hành trở thành đơn giản hơn. Có Giáo sư môn Giải tích 3 (cao cấp nhất của Calculus Khoa Kỹ sư) cho sinh viên thi mở sách hay mang bài về nhà. Việc học hành do vậy nhẹ nhàng nhiều.

Từ những kinh nghiệm trên, mỗi đầu năm học, Hai thường ghi danh nhiều lớp học thử để tìm hiểu về thầy, về lớp và ngay cả kết bạn mới trong lớp học. Khoảng một hai tuần sau em bỏ một số lớp do bài quá khó hay thầy cô quá khó. Có những lớp cho dù đã “drop out” (bỏ mùa này để theo học mùa sau) nhưng Hai vẫn tới dự lớp học hỏi thêm, kiếm bạn để xin notes hay tài liệu với ý định tham khảo và chuẩn bị trước cho mùa học sau.

Đi chậm khi chuyển lên đại học 4 năm

Sau thời gian theo học cao đẳng cộng đồng sinh viên sẽ chuyển lên đại học 4 năm. Đây là thời gian các em rơi rụng nhiều nhất vì bài vở quá khó. Trong thời gian này ngoài những nguyên tắc nêu trên các em cần phải đi chậm lại, trước kia có thể lấy 12 tới 15 units nhưng bây giờ hãy chỉ lấy 9 tới 12 units mà thôi. Đừng mong học cho mau xong mà thất bại.

Việc học hành sẽ dễ dàng thành công nếu phụ huynh biết nhắc nhở con em những nguyên tắc nhỏ nêu trên. Biết chọn bạn, chọn thầy, chọn lớp và đừng vội vã học cho xong thì các sinh viên sẽ thành công trên con đường học vấn.