
Bác sĩ là một trong những nghề có con số tự tử, suy thoái thần kinh, lạm dụng chất gây nghiện và ly dị cao nhất. Những cuộc khảo sát mới đây cho thấy hơn một nửa số Bác sĩ được hỏi đã nói mình sẽ chọn nghề nghiệp khác nếu được “làm lại cuộc đời.” … Tuy nhiên trong thực tế, nhiều phụ huynh và học sinh trong cộng đồng rất thích ngành Y khoa – một số đã bị những “huyền thoại” (myths) không đúng đắn cản trở ước mơ của mình.
Được phép của Bác sĩ Michael McCullough, tác giả bài viết “Pre-Med Myths: Getting Into Medical School.” Chúng tôi xin lược dịch một số đoạn hữu ích nhằm cung cấp cho phụ huynh và các sinh viên Pre-Med (dự bị Y khoa) một số kiến thức rõ ràng hơn.
Ở Hoa kỳ, điều kiện để vào trường Y khoa là các sinh viên Pre-Med tối thiểu học lấy bằng Cử nhân (ngành nào cũng được) và hoàn thành những lớp Khoa học (Toán, Lý, Hoá, Sinh) gọi là “requirements“ theo quy định riêng của mỗi trường Y khoa. Vì tác giả Michael McCullough là cựu sinh viên Stanford và bài viết này nhằm chia sẻ quan điểm với các sinh viên Pre-Med của Stanford nên chúng tôi có sửa đổi về mặt ngôn ngữ sao cho phù hợp với mọi sinh viên của các đại học. Những chữ trong ngoặc là chú thích thêm của chúng tôi.
Huyền thoại 1: Tôi phải học giỏi năm 1 đại học vì điều đó tạo ấn tượng cho trường Y.
Không hoàn toàn đúng. Các trường Y chú ý nhiều vào khuynh hướng đi lên (chẳng hạn điểm năm thứ hai tốt hơn năm thứ nhất.) Điểm của năm thứ nhất không phải là dấu chỉ bạn sẽ học tốt tại trường Y … Lẽ tự nhiên, học tốt năm thứ nhất thì tốt hơn nhưng điểm GPA toàn bộ các môn và GPA Khoa học thường quan trọng hơn điểm năm thứ nhất.
Tôi rất thất vọng năm thứ nhất của mình tại Stanford vì trong năm thứ nhất tôi không được một điểm A nào và GPA năm đó của tôi là 3.1. Tuy nhiên tôi đã vào được tất cả những trường Y mà tôi mong muốn. (Đừng lo lắng, các sinh viên năm 1 thường có GPA thấp.)
Huyền thoại 2: Tôi chỉ có một con đường để vào trường Y
Sai. Có nhiều cách để trở thành Bác sĩ. Hãy tìm những con đường thích hơp cho chính mình. (Tác giả muốn các sinh viên Pre-Med tìm tòi con đường riêng cho mình. Có những em vào được trường Y nhờ điểm MCAT và GPA cao, nhiều em khác có 2 điểm trên thấp hơn nhưng nhờ làm nghiên cứu (research), học thêm bằng Master, làm công tác thiện nguyện, viết sách, sinh hoạt gây ảnh hưởng trong cộng đồng … nên cũng vào được trường Y mong muốn.)
Huyền thoại 3: Tôi phải lấy tất cả những lớp đòi hỏi (requirements) trước khi nộp đơn vào trường Y
Sai. Một khi bạn đã được nhận vào trường Y khoa bạn có thể sẽ không phải lấy những lớp đòi hỏi, đặc biệt là nếu bạn lấy những lớp thích thú hơn. Trường Y có thể không bắt buộc bạn lấy (waive) những lớp đó hay có thể thay thế bằng những lớp khác. Trong trường hợp khó khăn nhất, bạn có thể lấy pass/fail (không tính điểm.)
Bạn không phải lấy tất cả những lớp Pre-Med trước khi nộp đơn vào trường Y. Điều đó không làm mạnh thêm đơn xin vào trường Y của bạn.
Trường Y linh động hơn bạn nghĩ. Tất cả những môn học đòi hỏi (requirements) chỉ là hướng dẫn và họ không khó khăn trong vấn đề này. Có một số lớp quá khó nên sinh viên đợi đến khi vào được trường Y mới lấy lớp đó không tính điểm (pass/fail.) Nhiều sinh viên Pre-Med không lấy những lớp mà các trường đại học đòi hỏi nhưng thay vào đó là những lớp cao hơn – những lớp này dễ hơn và không có sinh viên Pre-Med khác nên ít bị cạnh tranh. Tôi biết một sinh viên làm như vậy và đã vào được tất cả những trường Y khoa mà anh ta nộp đơn.
Các trường đại học Y khoa thường đòi hỏi 2 năm Hoá (có thí nghiệm), 1 năm Vật lý (có thí nghiệm), 1 năm Sinh học (có thí nghiệm.) Tuy vậy họ không nói rõ là phải lấy những lớp nhất định nào nên sinh viên có thể chọn theo cách mình thích. Dĩ nhiên không gì có thể thay thế cho học hành chăm chỉ nhưng hãy theo đuổi những lớp định lấy một cách sáng tạo.
Huyền thoại 4: Tôi cần phải lấy những lớp Pre-Med tại đại học 4 năm.
Sai. Những lớp Pre-Med như Hoá hữu cơ, Vật lý quá khó đối với một số sinh viên đại học 4 năm cho dù ngày xưa họ là một học sinh giỏi. Tại một số đại học lớn, sinh viên Pre-Med phải lấy chung môn Hoá với những sinh viên học chuyên ngành về Hoá. Trong trường hợp này bạn đừng quá lo lắng. Hãy lợi dụng dịp hè học các môn khó tại những trường Cao đẳng Cộng đồng vì chúng thường dễ hơn, Giáo sư “nhẹ tay” hơn nên được điểm cao hơn.
Huyền thoại 5: Tôi phải vào trường Y khoa ngay sau khi tốt nghiệp Cử nhân
Sai. Rất sai. Nếu bạn nghỉ một vài năm sau khi tốt nghiệp Cử nhân thì bạn có kinh nghiệm về đời sống đa dạng hơn. Những sinh viên Y khoa dạng này cho thấy họ thành công hơn khi tiếp xúc với bệnh nhân. Các trường đại học Y khoa nhận biết điều này và họ thường thích những ứng viên trưởng thành và già dặn hơn.
Tuổi trung bình của các sinh viên năm đầu của trường Y là 24 tuổi. Thật ra, những ứng viên mạnh nhất là những người dùng thời gian nghỉ sau khi tốt nghiệp Cử nhân để phong phú hoá đời sống, cảm nhận thêm hương vị cuộc đời và tạo ấn tượng cho đơn xin tuyển sinh của mình. (Nhiều người ra nước ngoài làm việc từ thiện, tham gia Peace Corps …)
Đừng sợ khi phải lấy thêm thời gian nghỉ sau bậc Cử nhân. Hãy dùng chúng một cách có ý nghĩa. Điều đó không làm xấu đơn xin nhập học trường Y khoa nhưng củng cố đơn xin một cách đáng kể nếu bạn dùng nó một cách khôn ngoan.
Huyền thoại 6: Tôi không biết mình có muốn trở thành Bác sĩ không cho tới khi vào được trường Y?Sai. Trường Y không thực sự bảo bạn có chọn đúng hướng đi hay không? Hai năm đầu của trường Y bạn phải học rất nhiều và hai năm sau tập trung cho thực hành lâm sàng – đó là thời gian khó khăn và vất vả. Bạn cần biết rõ ý thích của mình trước khi đầu tư $160,000 vào học hành tại trường Y của Stanford (ngày nay khoảng $400,000 cho 4 năm học tại Stanford nếu tính đầy đủ học phí và ăn ở.) Có nhiều Bác sĩ vui với công việc nhưng cũng có khá nhiều Bác sĩ chán chường. Do vậy, bạn nên tìm xem sự hy sinh thời gian, tiền bạc, thú vui trong đời đó có xứng đáng với ước vọng của bạn hay không?
Để chắc chắn rằng bạn muốn trở thành Bác sĩ hãy dành thời gian tìm hiểu xem bạn có thể vừa học vừa thụ hưởng thú vui là một Bác sĩ không? Hãy dành thời gian tình nguyện trong bệnh viện để cảm nhận niềm vui, nỗi lo lắng và căng thẳng trong nhiệm vụ của người Bác sĩ.
Huyền thoại 7: Phần quan trọng nhất trong đơn xin vào trường Y là điểm GPA.
Trong một chừng mực nào đó thì điều này đúng. GPA là yếu tố chiếm 35% - 40% tầm mức quan trọng của đơn xin. Những yếu tố như thư giới thiệu (recommendation), luận văn, sinh hoạt ngoại khoá, điểm MCAT và phỏng vấn cũng rất quan trọng.
Bài luận văn rất quan trọng và nên dành ra từ 50 – 100 giờ để viết. Bạn cũng nên làm nghiên cứu khoa học nếu muốn vào được những trường Y khoa nổi tiếng – những nghiên cứu này có thể là công trình khoa học trong phòng thí nghiệm mà cũng có thể thuộc lãnh vực Y tế cộng đồng. Đã có những sinh viên Pre-Med có GPA toàn hảo 4.0 không vào được trường Y mong muốn trong khi bạn mình có GPA thấp hơn nhưng dành thời gian chuẩn bị làm tốt mọi thứ nên được nhận vào. Do vậy, nên tập trung chú ý vào mọi phần của đơn xin nhập học và cố gắng làm tốt tất cả. Muốn chuẩn bị trước, bạn hãy nói chuyện với các cố vấn (advisors), vào webiste của AMCAS để tìm hiểu mỗi việc phải làm khi nộp đơn vào trường Y khoa để có được sự chuẩn bị tốt nhất và sớm sửa nhất.
No comments:
Post a Comment