Tuesday, 2 September 2008

103 Có Nên Bỏ Trường Đại Học?




Trong diễn văn ra trường đọc năm 2007 tại viện đại học Harvard, Bill Gates sau khi nhận văn bằng Tiến sĩ Danh dự đã mở đầu bài diễn văn như sau, “Tôi đã chờ đợi hơn 30 năm để nói, “Ba, con đã luôn nói với Ba rằng con sẽ quay lại trường để lấy bằng đại học”.” Điều này cho thấy việc bỏ học khiến cha mẹ buồn rầu là nỗi lo âu lớn của nhiều sinh viên. Thực tế đòi hỏi cha mẹ nên bình tĩnh trong trường hợp này.

Đây là một quyết định quan trọng có liên hệ tới cả cuộc đời các em cũng như hy vọng cho con ăn học thành người của cha mẹ nên cần được cân nhắc cẩn thận. Có thể các em chỉ muốn trì hoãn việc học hành trong vài năm mà cũng có thể các em muốn theo đuổi một đường hướng hoàn toàn khác cho đời mình. Tuy việc bỏ học mang nhiều rủi ro nhưng trong nhiều trường hợp, bỏ học không phải là sự đổ vỡ và bế tắc hoàn toàn cho tương lai các em như một số người lớn thường suy nghĩ.

Các sinh viên bỏ học vì nhiều lý do, có thể do không theo kịp chương trình đòi hỏi cao của đại học, do khó khăn tài chánh hay vì nhiều lý do cá nhân khác.

Bỏ học vì không theo kịp chương trình

John Steinbeck là một thí dụ bỏ học vì không theo kịp chương trình. Ông là nhà văn nổi tiếng nhất của văn học Mỹ thế kỷ 20 và đã từng đoạt giải Pulitzer năm 1940 cùng với giải Nobel Văn chương năm 1962. Tuy nhiên, khi bước chân vào đại học với ý định học chuyên nghành về Anh văn cậu chỉ đạt được điểm C cho môn này năm thứ nhất và nản chí bỏ học vào năm 1921. Cuối cùng, nghe lời cha mẹ cậu quay lại trường vào năm 1923, đổi qua học về báo chí nhưng lại bỏ ngang lần thứ hai vì không thể cố gắng hơn. Lực bất tòng tâm. Trong nhiều trường hợp các em không thể cố gắng hơn.

Các em muốn bỏ học hay muốn đổi qua trường học khác vì không đáp ứng được đòi hỏi cao của chương trình. Thông thường các đại học đưa ra một chương trình thách đố nhưng họ vẫn muốn sinh viên thành công nên đã cung cấp nhiều phương tiện hỗ trợ như các giáo sư thường ngồi ở văn phòng giúp đỡ sinh viên thêm ngoài giờ học, các chương trình kèm cặp do chính các sinh viên lớp trên phụ trách ở các trung tâm dạy kèm bên trong trường đại học (tutoring centers.)

Phụ huynh nên khuyến khích các em bàn luận với cố vấn trường học (academic advisors) để tìm hiểu những chương trình giúp đỡ sinh viên học hành có sẵn trong trường. Các em có thể xin nói chuyện với nhiều cố vấn, đi lại thường xuyên các văn phòng trợ giúp học hành đó để có thêm giúp đỡ. Các trường đại học không muốn các em thất bại, do vậy họ có những nguồn trợ giúp thiết thực, các em tận dụng những nguồn giúp đỡ sẵn có này.

Đôi khi các em bỏ học không phải vì điểm xuống thấp nhưng vì cảm thấy không thích hợp với môi trường hiện tại và muốn đổi qua trường đại học khác. Nguyên nhân có thể là trường không có chuyên ngành các em định theo, hoặc có thể chương trình học trong trường quá thách đố hoặc quá dễ đối với các em. Trường càng nổi tiếng thì chương trình học càng thách đố và khó khăn hơn.

Chuyển trường trong một vài trường hợp là giải pháp tốt nhưng vẫn cần thận trọng. Điều hay nhất các em phải làm là cố gắng tìm hiểu rõ ràng trường đại học mình định chuyển đến có chương trình đáp ứng đòi hỏi của riêng mình và những đơn vị tín chỉ (units) đã lấy ở trường cũ có được chấp nhận ở trường mới hay không?

Bỏ học vì lý do tài chánh

Một thí dụ là Warren Buffett, người giầu nhất thế giới hiện nay (2008.) Cậu theo học ngành Tài chánh và thương mại tại University of Pennsylvania, một trong những đại học tư thuộc hệ thống Ivy nổi tiếng nhất về thương mại. Học được 2 năm, không tìm thấy giá trị gì nhiều ở trường đại học đắt tiền này, cậu chuyển trường về quê nhà học tiếp tại University of Nebraska cho đỡ tốn kém. Trong một số trường hợp các em đã phải nghỉ học một trường đại học đắt tiền để theo học một trường gần nhà có học phí ít tốn kém hơn nhằm tiết kiệm ngân quỹ gia đình.

Chi phí cho giáo dục ngày càng cao khiến nhiều em nản chí vì không kiếm đủ tiền trang trải cho việc học hành mỗi ngày một tốn kém. Và như vậy việc bỏ học dường như là điều khó tránh khỏi. Một số sinh viên chọn nghỉ học vài năm nhằm mục đích đủ trưởng thành không lệ thuộc tài chánh vào cha mẹ và do vậy có được sự trợ giúp tốt hơn từ các chương trình trợ giúp tài chánh của chính phủ.

Trước khi thôi học vì lý do khó khăn tài chánh các em nên cân nhắc một số giải pháp. Các trường đại học không muốn mất sinh viên vì lý do tài chánh nên thường dự trù những phương án thích hợp như các chương trình cho vay tiền học hay các học bổng địa phương. Phụ huynh hãy khuyến khích con em tâm sự khó khăn với họ, chắc chắn văn phòng trợ giúp tài chánh (financial aid office) sẽ có những đề nghị hữu ích. Ngoài ra cũng nên để mắt tới một số học bổng, đây là những món tiền tuy không nhiều lắm nhưng vì không phải hoàn trả lại nên khá hữu ích cho sinh viên.

Bỏ học vì lý do cá nhân

Lấy trường hợp của PTT Dick Cheney làm thí dụ. Sau 3 học kỳ (semester) không đáp ứng được những đòi hỏi cao của đại học Yale vì quá nhớ người yêu (là vợ hiện nay của ông), văn phòng nhà trường gọi Dick lên yêu cầu nghỉ dưỡng sức một học kỳ. Mùa thu 1961 chàng quay lại học tiếp nhưng cố gắng này không thành công, nhà trường buộc chàng thôi học luôn vì không thực hiện được sự tiến bộ. Nhớ người yêu đã tạo ra thảm họa cho Dick Cheney cũng như một vài tân sinh viên khác khi phải đối đầu với lần xa nhà đầu tiên.

Có nhiều lý do cá nhân như nhớ nhà, có bạn trai bạn gái, bệnh tật … khiến cho sinh viên không thể tiếp tục học hành. Với một số em việc bỏ học có thể là phương cách tốt nhưng với một số khác cần phải cẩn thận vì việc quay lại môi trường đại học bao giờ cũng khó khăn hơn (quên kiến thức cũ, không thích hợp với môi trường học đường mới, không quen gò bó …) Hãy tham khảo ý kiến chuyên môn thích hợp như Bác sĩ (nếu có bệnh tật), tâm lý gia (nếu bị nhớ nhà, nhớ người yêu … )

Quyết định thôi học không dễ dàng cho sinh viên cũng như phụ huynh. Các em chắc chắn buồn lo vì khả năng, phương tiện hạn hữu hay hoàn cảnh riêng và càng lo lắng hơn vì sợ cha mẹ thất vọng. Đây là lúc phụ huynh nên gần gũi an ủi và nâng đỡ thay vì rầy la trách mắng. Dĩ nhiên bỏ học là một quyết định đáng tiếc nuối vì các em đã đầu tư nhiều công sức và tiền bạc cho lãnh vực giáo dục. Tuy vậy nếu các em cảm thấy quá khổ sở trong học hành và cảm thấy một nhu cầu lớn phải thay đổi thì dựa vào lịch sử những nhân vật bỏ học thành đạt, đây chưa hẳn là một quyết định sai lầm.

No comments: