Tuesday, 2 September 2008

101 Có Nên Khen Ngợi Con Cái Thông Minh?






Theo một cuộc khảo cứu của đại học Columbia, New York thì 85% phụ huynh cho rằng cần phải khen con cái thông minh để khuyến khích chúng và hầu như mọi người đều coi điều đó như một thói quen. Họ nghĩ rằng lời khen tặng con cái như vậy sẽ chắp đôi cánh thiên thần cho chúng thành công. Vậy có nên khen ngợi con cái thông minh không?

Công trình nghiên cứu Tâm lý Giáo dục của Tiến sĩ Carl Dweck đang dạy ở đại học Stanford đã cho biết rằng: không nên khen ngợi con cái thông minh (smart) mà chỉ nên khen ngợi các em đã cố gắng làm việc (work hard.)


Phương pháp nghiên cứu.

Cuộc nghiên cứu được thựỉc hiện trên 400 học sinh lớp 5 ở thành phố New York và bao gồm 4 lượt thi do các phụ tá khác nhau đảm trách mỗi phần riêng biệt công trình nghiên cứu.

1. Lượt thi thứ nhất:

Từng em được đưa ra khỏi lớp học để lấy một trắc nghiệm thông minh rất dễ dàng mà em nào cũng làm được. Sau khi xong, các em đươc cho biết điểm và một lời khen.

Các em mang số chẵn được khen, “Em chắc hẳn là thông minh khi giải bài này.” (You must be smart at this.) Người nói nhấn mạnh vào chữ “thông minh.”

Các em mang số lẻ được khen, “Em chắc hẳn đã cố gắng làm việc” (You must have worked really hard.) Người nói nhấn mạnh vào chữ “cố gắng làm việc.”

Hai lời khen nêu trên được đưa ra một cách đơn giản nhằm giúp các nhà nghiên cứu thu thập những phản ứng tương đối khác nhau từ 2 nhóm học sinh.

2. Lượt thi thứ hai:

Các em học sinh cả chẵn và lẻ được nhận hai đề thi, một đề dễ và một đề khó. Các em được tự do chọn một trong hai đề kèm theo lời nhắn nhủ chung như sau: đề 1 dễ như đề thi lượt thứ nhất, đề thi 2 khó hơn nhưng nhờ vậy các em có cơ hội được học hỏi thêm rất nhiều.

Kết quả cho thấy 90% các em được khen ngợi “cố gắng” đã chọn đề thi khó. Trong khi đó đa số các em được khen ngợi “thông minh” đã chọn để thi dễ.

Dweck đã giải thích kết quả như sau, “Khi khen ngợi các em thông minh, chúng ta đã dặn dò các em rằng đây là cái tên (thông minh) của cuộc chơi. Hãy cho mọi người thấy mình thông minh. Đừng mạo hiểm để phạm phải sai lầm.” Bà đặt câu hỏi thêm, “Tại sao nhiều học sinh giỏi không chịu làm việc khi phải đối đầu với những bài học khó?”

Bà kêu gọi chuyển đổi lời khen “thông minh” qua lời khen chú trọng vào “cố gắng” để nỗ lực giải quyết vấn đề. Những lời khen ngợi “cố gắng” làm các em đối đầu với thách thức và đưa khả năng lên tầm mức cao nhất.

3. Lượt thi thứ 3:

Lần này bài thi gồm những câu hỏi có trình độ cao hơn, bao gồm những câu hỏi của lớp 7 nên rất khó đối với học sinh lớp 5 nói chung. Điều dễ dàng tiên đoán là hầu hết các em đều “rớt”, không thành công trong bài thi. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu thấy rằng, hai nhóm được khen ngợi “thông minh” và “cố gắng” đã có những phản ứng khác nhau.

Nhóm được khen ngợi “cố gắng” được Dweck ghi nhận, “Các em tìm cách này hay cách khác để giải, sẵn sàng đi hết phương pháp này tới phương pháp khác. Các em cảm thấy thoải mái, không bị khiêu khích và đã nói, “Em thích bài thi này.”. “

Nhóm được khen ngợi “thông minh” đã hành xử khác hẳn. Các em cảm thấy thất bại là bằng chứng rằng mình chẳng thông minh chút nào nên hồi hộp, chảy mồ hôi và căng thẳng,

4. Lượt thi thứ tư và cũng là lượt thi cuối cùng:

Đề thi được ra dễ y như lần thứ nhất. Kết quả là, so với lần đầu tiên, điểm của các em được khen là “cố gắng” đã gia tăng 30% trong khi các em được khen là “thông minh” rớt xuống 20% so với lượt thi thứ nhất.

Như vậy, việc khen ngợi “thông minh” đã có tác dụng ngược. Các em “thông minh” cảm thấy suy sụp sau lượt thi thứ 3 (bài khó) nên kết quả lượt thứ tư kém hẳn lượt đầu. Sự thất bại đã khiến các em hổ thẹn, nản chí và không muốn cố gắng.

Ngược lại các em “cố gắng” hưng phấn hơn lên sau khi gặp bài khó mà các em muốn thử nên đạt kết quả cuối cùng cao hơn ban đầu. Những học sinh “chăm chỉ” nhấn mạnh vào giá trị học hỏi hơn là tìm cách được mọi người đánh giá “thông minh.” Khi gặp thử thách các em “cố gắng” không cảm thấy mình ngu xuẩn nên dễ dàng vươn lên từ những thất bại.


Nhận xét về cuộc nghiên cứu

Khi những lời khen “cố gắng” được nhấn mạnh, các em cảm thấy không bị lệ thuộc vào kết quả nên thoải mái làm bài thi để đạt kết quả cuối cùng cao hơn, tốt hơn.

Sự chấp nhận mạo hiểm (chọn giải quyết những vấn đề khó khăn) và làm việc cần cù hết sức mình mới chính là dấu chỉ của thông minh thực sự.

Một em được khen ngợi là “thông minh” thường đánh giá cao sự thành công bên ngoài (điểm cao) và sợ hãi thất bại (điểm thấp.) Các em chỉ cốt tìm kiếm những cách thức an toàn sao cho mọi người nghĩ rằng mình thông minh. Nhược điểm này khiến những em “thông minh” thường nhìn vào những nỗ lực một cách tiêu cực. Đối với chúng, “cố gắng” gắn liền với kém tài năng, ngu dốt.

Dweck làm đi làm lại những thí nghiệm của mình tại đại học Stanford và đại học Reed để rút thêm một kết luận rằng: hiệu quả của 2 loại lời khen nêu trên trong việc học hành đúng cho các học sinh thuộc mọi tầng lớp kinh tế xã hội và cả 2 phái tính. Tuy vậy những em nữ sinh thông minh nhất thì lại hoàn toàn bị suy sụp khi gặp thất bại. Quí vị phụ huynh có con em nữ thông minh nên chú ý đến điều này.

Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy rằng những học sinh với tinh thần cầu tiến chú trọng vào học hỏi thường thành công hơn những em chỉ muốn điểm cao. Điều này càng đúng hơn khi các em ra trường hành nghề.

Trong dịp này Dweck cũng tiết lộ thêm một bí mật: các trường đại học trong tuyển sinh thường muốn những học sinh phiêu lưu dám chấp nhận thử thách lấy những lớp khó và có vài tì vết hơn là những học sinh có thành tích toàn hảo.


Vài nguyên tắc khi khen ngợi con cái

– Nhìn vào mắt con, mỉn cười, tiến lại gần hơn khi nói.

– Giọng nói phải chân thành, tình cảm

– Câu khen ngợi phải rõ ràng, cụ thể. Thay vì nói, “Hôm nay con đá banh hay quá!” thì nên nói, “Con đã cố gắng chuyền cho Hai một trái banh ghi bàn thật đẹp.”

– Khi khen nên vỗ nhẹ vào lưng vàụ nói trước mặt một người thân khác trong gia đình.

Não bộ giống như một bắp thịt cần phải được tập luyện thường xuyên bằng những cố gắng. Những em “thông minh” sẽ bỏ cuộc khi gặp thất bại trong khi những em “cố gắng” xem thất bại là điều tất yếu của con đường đi lên đỉnh cao hơn. “Thất bại là mẹ thành công.”


Khen ngợi sự thông minh thiên phú chỉ lấy đi ý nghĩa của nỗ lực làm việc. Nhấn mạnh vào cố gắng tạo cho các em một ý nghĩa là chúng có thể kiểm soát được sự thông minh bằng cần cù làm việc. Những nỗ lực này tỷ lệ thuận với thành công và thực tế cuộc đời cho thấy rằng khi học hành cũng như khi bước chân vào môi trường làm việc, con người sẽ chỉ thành công nếu biết cố gắng mà thôi.


No comments: