
Giáo đa thành oán
Tuổi thiếu niên là một giai đoạn khó khăn cho cha mẹ cũng như cho chính các em. Những áp lực liên tục chồng chất tại trường học và gia đình cộng với những nỗ lực chứng minh tích cách độc lập để lần mò tìm một chỗ đứng trong thế giới người lớn đã dẫn tới nhiều cơn nóng giận với mức độ khác nhau. Kiềm chế hay làm giảm được cơn nóng giận của con cái là một việc làm nhiều khi không dễ dàng cho phụ huynh.
Xác định nguyên nhân
Những nguyên nhân làm phát khởi những cơn nóng nảy và giận hờn của con cái thường do nguyên nhân bên ngoài hay bên trong, những trường hợp thường gặp là: sự chọc giận hay bắt nạt từ những em khác, không được thoả mãn hay bị cấm cản trong gia đình (đi chơi với bạn bè, gặp người yêu, cách ăn mặc, đi đứng, nói năng … ), cảm giác thất bại trong một kỳ thi hay cảm thấy ngu muội do không hiểu bài học và rất nhiều những nguyên nhân từ “trên trời rơi xuống” khác.
Sự bùng nổ cơn nóng giận đôi khi được biểu lộ quá trớn như to tiếng cãi lại, chửi thề, ném đồ đạc, đe doạ bạo lực … Những em này làm vậy đo thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội không biết giải quyết vấn đề một cách thích hợp. Các em không được học tập phương pháp đối phó với thách đố chung quanh nên chỉ biết giải quyết bằng to tiếng cãi cọ. Ngoài ra, tự ti và quá nhậy cảm với những chọc ghẹo, phê bình cũng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Một em học hành không được tốt, Mẹ em mang người bạn hàng xóm ra giảng giải, “Con thấy đó, thằng Hai nhà bên cạnh lúc nào cũng ngoan ngoãn, học hành giỏi giang còn con thì đầu tóc bê bối, con nên nhìn vào nó mà học hỏi.” Thế là cậu con to tiếng lấn áp lời nói của Mẹ. Và mỗi lần nó làm như thế, bà Mẹ đành im lặng cho gia đình êm ấm. Cậu con thì ngược lại, nó rút kinh nghiệm đó sử dụng cho lần sau nếu cần. Trong trường hợp này nguyên nhân cơn giận dữ của con là do bà Mẹ so sánh con mình với con người khác.
Trên thực tế, mỗi em có những căn nguyên dễ nổi giận riêng mà cha mẹ cần xác định rõ để đối phó. Biết trước được điều đó, không nhiều thì ít, có thể làm giảm bớt những hoàn cảnh hay lời nói làm bộc phát cơn nóng giận của các em.
Biện pháp đối phó
Để có thể chế ngự được cơn nóng giận của các em, một trong những biện pháp tương đối hữu dụng trong thực tế là áp dụng phương pháp “quả bóng.”
Khi nhiều đợt hơi liên tiếp được bơm vào, áp lực bên trong tăng lên và quả bóng sẽ bị nổ tung. Mỗi đợt hơi bơm vào có thể là một điểm xấu tại trường học, một lời chê bai của bạn bè, một lần bị cấm đi chơi … Tất cả tích tụ lại dần cho đến khi nổ tung ra một cơn bão nóng giận. Việc làm của chúng ta do vậy là cố gắng không “bơm thêm hơi” vào và tìm mọi cách “xì hơi” để giảm áp suất bên trong quả bóng. Sau đây là một số biện pháp:
– Tránh đối đầu
Đây là nguyên tắc quan trọng cần chú ý thực hành. Có một số hành động của con cái mà đôi khi cha mẹ phải “nén lòng” làm ngơ vì nếu như phản ứng lại chỉ “bơm thêm hơi” vào quả bóng và tạo thêm ra nhiều rắc rối khác không có lợi cho giáo dục con em.
Một bà Mẹ sai con gái dọn bàn ăn tối, trong khi làm em lẩm bẩm một mình nhưng đủ to cho Mẹ nghe thấy, “Cứ tưởng người ta làm nô lệ muốn sai sao cũng được, ngày mai đi qua nhà bà ngoại ở cho mà coi … ” Trong trường hợp này tốt nhất bà Mẹ hãy coi như không nghe thấy gì, con nói con nghe, miễn là con làm việc theo yêu cầu của bà là được rồi. Hãy coi những ca cẩm của con như phương thuốc giúp chúng “xì hơi” xả bớt tức tối. Cẩn thận không nên tạo ra căng thẳng bằng cách bắt lỗi “tội lầu bầu.” Nhiều bà Mẹ có kinh nghiệm vẫn thường tâm niệm rằng “thua” một tí là chắc ăn nhất. Tránh “con” chẳng xấu mặt nào!!!
– Khuyến khích đối thoại
Phương cách hữu hiệu nhất để đương đầu với các cơn nóng giận có cường độ cao của con cái, nhất là con trai, là nói chuyện và bàn luận thẳng thắn về vấn đề đã gây ra tranh cãi. Trong mọi hoàn cảnh, sau khi “giao chiến” với con, phụ huynh nên mau chóng đưa nó vào “bàn hội nghị”, khuyến khích con nói ra những gì làm cho nó không thích hay khó chịu.
Đối thoại là một nguyên tắc “xì hơi” quan trọng. Trước hết phải yêu cầu con ngồi xuống ghế, đừng để nó đứng ngoài cửa đôi co chống nạnh nói vọng vào. Động tác khởi đầu này của cha mẹ có ảnh hưởng rất mạnh mẽ, một là nó thấy mình quan trọng, hai là đưa con vào khung cảnh phải nói chuyện tử tế. Phụ huynh hãy im lặng lắng nghe, đừng ngắt ngang phê bình khiến chúng mất phương hướng không biết đã nói tới đâu hoặc có cảm giác là cha mẹ không thực sự muốn lắng nghe. Nên tìm hiểu quan điểm của con cái và để cho chúng được tự do diễn tả ý kiến – cho dù là rất trái ngược. Nếu những lời phàn nàn của chúng là tương đối thực tế, hãy tìm hiểu và thoả hiệp một phần nếu có thể được.
– Canh chừng hành động xấu nhưng hãy khen ngợi việc làm tốt
Hành vi tốt hay xấu đều cần được lưu tâm với mức độ như nhau. Chú ý nhiều tới lầm lỗi, thất bại mà không xem xét tới những việc làm tốt của con cái thường làm cho chúng bất bình. Các em hay nói tới chữ “không fair” và chúng thực sự để tâm tới điều đó.
Nên khen ngợi những hành vi tốt hơn là quở trách những hành vi xấu. Các em thường rất nhậy cảm với lời khen chê, cho dù các em có sai vẫn nên tìm cách thêm lời khen và bớt tiếng chê. Bởi vì khen chính là để “xì hơi” còn chê là đã “bơm thêm hơi” vào quả bóng.
– Tập trung vào điểm chính
Liên tục kể tội con hoặc lan man moi thêm ra những “tội lỗi” khác thì giống như liên tục “bơm thêm hơi” vào quả bóng. Kết quả sẽ là bắt nguồn một cơn nóng giận khác. Nếu cần thiết phải nói thì nên vắn tắt đừng quá 15 phút. Hãy giải thích một cách bình tĩnh và chỉ tập trung vào điểm quan trọng nhất. Thời điểm lý tưởng để nói vẫn là chờ đợi sau khi con “hạ hoả.” Trong khi khuyên bảo hãy linh động, tránh đừng đe doa, thách thức hay áp dụng những biện pháp kỷ luật một cách cứng nhắc và nên cho con cái cơ hội được giải thích.
– Cứng rắn hợp lý
Không phải lúc nào cha mẹ cũng nên nhượng bộ. Có những trường hợp nếu không đủ can đảm lên tiếng là đã không làm tròn nhiệm vụ và bổn phận của mình. Cũng có khi phải đặt ra một ranh giới kỷ luật mà nếu vi phạm sẽ phải được răn đe. Khi cần thiết nên chọn một không gian và thời gian hợp lý, đúng nơi đúng lúc. Xin đừng đưa ngay ra biện pháp mạnh mà hãy dành cho lần sau. Sau khi giảng giải nên kèm theo biện pháp thích hợp. “Lần này Ba bỏ qua nhưng lần sau Ba sẽ kỷ luật con bằng cách không cho đi chơi cuối tuần.”
Làm gương mẫu
Các em học tập nhiều từ những hành động và lời nói dù tốt hay xấu của cha mẹ. Phương cách người lớn giải quyết những bất đồng với nhau thường được các em bắt chước. Nếu trong khi nóng giận phụ huynh la mắng, chửi thề, ném đồ đạc … thì dĩ nhiên con cái sẽ học thuộc lòng và áp dụng khi phải đứng trước những tình huống tương tự trong đời sống hằng ngày. Khi có những bất bình trước mặt con cái, cha mẹ nên bình tĩnh, tránh những hành vi tiêu cực dễ khiến cho con cái sao chép. Tốt hơn vẫn là “đóng cửa bảo nhau.” Đây là cách cư xử tương kính dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau để không ảnh hưởng tới hành vi của con cái.
Tóm lại, chìa khoá của thành công khi đối phó với những hành động nổi loạn hay nóng nảy của thiếu niên là tránh phải đương đầu trong những vấn đề nhỏ nhặt như ăn mặc, đầu tóc, đi đứng, trang trí phòng riêng, nghe nhạc ... Phụ huynh hãy dùng một ít kiên nhẫn, cư xử với con như người lớn, cho phép những bất đồng ý kiến của con cái được trình bày và chấp nhận với lòng cởi mở. Ngoài ra nên dùng sự hài hước, giảm nhẹ tầm quan trọng của những lời nói hay việc làm “khó thương” của chúng … Làm được như vậy con cái sẽ bình tâm hơn và giai đoạn thử thách này rồi sẽ qua đi.