
Lịch sử
Kỳ thi Olympiad Toán Quốc tế (IMO) đầu tiên được tổ chức tại Rumani năm 1959 với 7 nước trong khối Đông Âu. Hoa kỳ bắt đầu tham dự năm 1974 nghĩa là 15 năm sau. Hiện nay có trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ (Hồng kông, Đài loan ... ) tham dự các kỳ thi này.
Thể thức
Mỗi đoàn tham dự được phép có tối đa 6 thí sinh, một trưởng đoàn, một phó đoàn và một số quan sát viên. Theo quy định, thí sinh tham gia phải dưới 20 tuổi và trình độ không được là sinh viên đại học chính thức. Ngoài ra những học sinh này phải mang quốc tịch hay qui chế thường trú nhân của nước đó.
Thí sinh được thi trong 2 ngày liên tiếp bao gồm 6 bài toán. Mỗi bài toán được chấm tối đa 7 điểm, nghĩa là một thí sinh có thể đạt tối đa 42 điểm trong một kỳ thi. Mỗi ngày thí sinh giải 3 bài trong thời gian 4 tiếng rưỡi.
Các nước tham gia thi, ngoại trừ nước chủ nhà, sẽ được quyền gửi một số đề thi. Sau đó một ban tuyển chọn của nước chủ nhà sẽ lập ra một danh sách các bài toán hay nhất được lọc lựa từ những đế thi này.
Sát ngày thi, trưởng đoàn của những nước tham dự sẽ bỏ phiếu chọn 6 bài chính thức trong số những bài đã được nước chủ nhà chọn ra. Dĩ nhiên sau đó các trưởng đoàn sẽ hoàn toàn không được liên lạc với các thí sinh để tránh gian lận. Họ bị “giam lỏng” để làm công tác chuẩn bị cũng như chấm bài sau đó.
Bài thi của thí sinh sẽ được cả ban giám khảo và trưởng đoàn của thí sinh chấm để đạt được sự công bằng nhất. Nếu hai bên có mâu thuẫn thì người quyết định sẽ là trưởng ban giám khảo. Nếu vẫn còn tranh chấp, giải pháp cuối cùng là tất cả các trưởng đoàn bỏ phiếu.
Huy chương
Số thí sinh được trao huy chương là khoảng một nửa tổng số thí sinh. Nếu chia tổng số thí sinh ra làm 12 phần bằng nhau thì 1 phần có điểm cao nhất sẽ được huy chương vàng, 2 phần sau được huy chương bạc và 3 phần kế được huy chương đồng.
Do vậy ngay cả đối với huy chương vàng cũng có rất nhiều khác biệt vì tài năng chênh lệch nhau khá xa, có khi lên tới cả 10 điểm (trên tổng số tối đa 42 điểm.) Không phải hai thí sinh với hai huy chương vàng là tài năng như nhau.
Trong kỳ thi Toán Olympiad Quốc tế 2007 vừa rồi có 522 thí sinh thì 39 được huy chương vàng (từ 37 – 29 điểm), 83 được huy chương bạc (tù 28 – 21 điểm), 131 được huy chương đồng (từ 20 – 14 điểm) và 149 được bằng danh dự.
Các thí sinh không giành được huy chương nhưng nếu có tối thiểu 1 bài 7 điểm sẽ được tặng bằng khen danh dự.
Thành tích của đội tuyển Hoa kỳ
Tuy không được báo chí và các đài truyền thanh, truyền hình quảng cáo nhiều nhưng đội tuyển Hoa kỳ là một trong ba đội mạnh nhất tại các giải (top three.) Đội đã có 4 lần đứng hạng nhất toàn đội kể từ lần đầu tham dự giải vào năm 1974 và nếu tính theo thành tích chung thì đội được xếp hạng 3 sau Trung hoa và Nga.
Đội tuyển Olympiad Toán Quốc tế Hoa kỳ đạt thành tích tốt nhất khi giải tổ chức tại Hồng Kông 1994. Năm đó tất cả 6 thành viên của đội đều được số điểm tuyệt đối 42/42. Và dĩ nhiên họ cũng mang về 6 huy chương vàng cá nhân và giải đồng đội hạng nhất. Đây là một thành tích vô tiền khoáng hậu mà những đội mạnh nhất như Trung hoa hay Nga cũng chưa bao giờ có được.
Nhân vật xuất sắc nhất từ xưa tới nay của đội Hoa kỳ tên là Reid Barton – người đầu tiên giành 4 huy chương vàng liên tiếp tại các kỳ thi IMO năm 1998 (32 điểm), 1999 (34 điểm), 2000 (39 điểm) và 2001 (42 điểm.) Trong lịch sử gần 50 năm tổ chức giải mới chỉ có hai trường hợp như thế.
Oleg Golberg là thí sinh duy nhất trong lịch sử từng giành huy chương vàng với tư cách là thành viên hai đội tuyển quốc gia khác nhau. Hai huy chương vàng đầu tiên đạt được với tư cách thành viên của đội Nga năm 2002 (36 điểm), 2003 (38 điểm) và một huy chương vàng với tư cách thành viên đội tuyển Mỹ năm 2004 (40 điểm.)
Trong giải Olympiad Toán Quốc tế 2007 vừa qua tại Hà nội đội Mỹ đã đạt được 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 1 huy chương đồng. Được xếp hạng 5 đồng đội. Hai huy chương vàng đội có được do hai học sinh gốc Trung hoa là Sherry Gong và Alex Zhai. Riêng em Sherry Gong là học sinh của Phillips Exeter Academy thuộc tiểu bang New Hampshire, một trong những trường tư nổi tiếng nhất và có mức học phí cao nhất. Em sẽ theo học tại Harvard mùa thu tới.
Một vài đặc biệt đáng ghi nhận
Nhiều quốc gia lợi dụng kỳ thi Olympiad Toán Quốc tế nhằm mục đích tuyên truyền về thông minh dân tộc cũng như gia tăng niềm tự hào dân tộc giả tạo.
Có một số nước rất mạnh về Khoa học Kỹ thuật nhưng vẫn chưa có gì nổi bật nhiều trong các cuộc thi Olympiad Toán Quốc tế mà điển hình là Ấn độ, Do thái, Pháp ... Kỳ thi năm 2007 vừa qua đội Ấn độ đứng hạng 26 với 85 điểm, Pháp hạng 43 với 79 điểm và Do thái hạng 50 với 71 điểm so với Bắc Hàn đứng hạng 8 với 151 điểm.
Điều đó không thể chứng minh rằng dân tộc Bắc Hàn thông minh hơn Do thái, Ấn độ và Pháp qua thực tế nhưng nó đã chứng tỏ rằng sự quan tâm của mỗi quốc gia đến kỳ thi Olympiad Toán Quốc tế này rất khác nhau. Sẽ không ai phản đối nếu nói rằng Bắc Hàn – vì mục đích tuyên truyền – đã đầu tư nhiều công sức cho kỳ thi này hơn Ấn độ, Do thái, Pháp.
Một số quốc gia tập trung những học sinh giỏi được tuyển lựa từ địa phương rồi tập trung huấn luyện nhiều năm trước khi cho đi thi. Chính vì vậy những học sinh này đã trở thành những “con gà nòi” chuyên nghiệp được dùng để “đi đá” trong các kỳ thi Olympiad Toán Quốc tế. Điều này đôi khi tạo nên sự khập khễnh; có em được huy chương vàng nhưng lại rớt kỳ thi đại học. Kết quả là không vào được đại học và không được học ngành mình yêu thích.
Trong lãnh vực Toán học dường như người Trung hoa chiếm thượng phong trong các giải. Dù tham gia muộn màng nhưng chỉ với 22 lần có mặt họ đã xếp hạng nhất đồng đội 13 lần trong đó có tới 8 lần mà tất cả 6 thí sinh Trung Quốc đều được huy chương vàng (các năm 1992, 1993, 1997, 2000, 2001, 2002, 2004 và 2006.)
Không những thế các em gốc Hoa sinh sống tại các quốc gia khác cũng mang về nhiều vinh dự cho quốc gia sở tại. Thần đồng Terence Tao (Úc) bắt đầu tham gia thi Olympiad Toán Quốc tế khi mới 11 tuổi vào năm 1986. Trước đó vào năm 8 tuổi Terence đã đạt được 760 điểm Toán SAT qua chương trình nghiên cứu tài năng đặc biệt của đại học Johns Hopkins. Đến năm 1988, lúc 13 tuổi, cậu trở thành thí sinh trẻ nhất giành huy chương vàng tại kỳ thi Olympiad Toán Quốc tế. Sau đó Terence tốt nghiệp PhD Toán tại đại học Princeton Hoa kỳ lúc 20 tuổi rồi được nhận vào ban giảng huấn của UCLA ngay sau đó. Ông được bổ nhiệm làm giáo sư chính thức (full professor) Đại học UCLA khi 24 tuổi. Vị Giáo sư trẻ tuổi này được trao Giải Fields (được coi như giải Nobel của Toán học) năm 2006.
Trong cuộc thi năm nay 2007, trong số 6 em của đội tuyển Mỹ dự thi thì có 2 em gốc Hoa. Cả hai đều mang về những huy chương vàng. Nhìn người lại nghĩ đến ta. Các học sinh trong cộng đồng dường như không thích chứng tỏ mình trong lãnh vực này. Hy vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ có học sinh gốc Việt trong đội tuyển Olympiad Toán Quốc tế của Mỹ.
No comments:
Post a Comment