Wednesday, 2 January 2008

04 Dick Cheney: Thất Bại và Điều Chỉnh của Học Đại Học




Canh một dọn cửa dọn nhà
Canh hai dệt cửi canh ba đi nằm.
Bước sang cái trống canh năm,
Trình anh dậy học còn nằm làm chỉ
Nữa mai chúa mở khoa thi,
Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh








Phó Tổng thống Dick Cheney là học sinh trung học của trường công lập Natrona County thuộc tiểu bang Wyoming. Chàng trai trẻ là trưởng khối lớp (President) của lớp 12. Khác với trưởng lớp tại Việt nam là trưởng lớp của một lớp, President là trưởng lớp của tất cả các lớp 12, của toàn thể học sinh năm cuối trong trường nên rất có uy tín. Đồng thời Dick Cheney là đội trưởng (captain) đội bóng bầu dục và đại diện trường tham dự hướng đạo sinh tiểu bang. Biết bao cô gái trong trường “để mắt” tới chàng!!!

Tại trường trung học, chàng biết yêu sớm, lúc 14 tuổi, hò hẹn với Lynne Anne Vincent, một học sinh giỏi toàn điểm A và cũng là hoa khôi (queen homecoming) của trường. Do vậy đôi trai tài gái sắc này cùng được mọi người biết tiếng. Lynne là một cô gái nhanh nhẹn và tháo vát. Chính cô đã liên lạc với một nhà đầu tư dầu hỏa trong vùng để ông này cho Dick Cheney học bổng toàn phần theo học tại Yale. Mùa thu năm 1959, Cheney đi Yale, tiểu bang Connecticut còn Lynne đi Colorado College gần nhà hơn. Chàng và nàng ngậm ngùi tiễn biệt nhau!


Là học sinh đứng đầu 10% (top ten) về học lực cộng với thành tích xuất sắc về lãnh đạo chỉ huy và thể thao, Cheney được nhận vào Yale, một trong những trường đại học hàng đầu của Mỹ. Tại Yale, Cheney theo học Chính trị, một ngành tương đối dễ rồi tiếp tục chơi bóng bầu dục (football), học hành và … nhớ Lynne. Lúc nào người ta cũng thấy Cheney miệt mài viết thư cho Lynne. Để “em gái hậu phương” xinh đẹp như thế lại quê nhà chàng chẳng thể yên tâm chút nào. Ngoài ra, Cheney còn lang thang với các bạn đánh bài và tán gẫu. Nhưng thói quen xấu đáng sợ nhất là Cheney hay bỏ lớp nên bài không hiểu, bài kiểm làm đại cho xong, học hành như thế thì kết quả ra sao rất dễ biết.

Các trường nổi tiếng thường cấu trúc một chương trình khó và căng thẳng. Sau 3 học kỳ (semesters) không đáp ứng được những đòi hỏi cao của đại học Yale, văn phòng nhà trường gọi Cheney lên yêu cầu nghỉ dưỡng sức một học kỳ. Mùa thu 1961 chàng quay lại học tiếp nhưng cố gắng này cũng không thành công, nhà trường buộc chàng thôi học luôn vì không thực hiện được sự tiến bộ.


Điều này cho thấy năm đầu đại học là một bước thay đổi rất lớn và rất khó khăn cho các tân sinh viên. Sự tự do không bị cha mẹ kiểm soát, nhớ nhà, nhớ người yêu, bạn bè rủ rê, bài học tại đại học khó hơn … Tất cả đã tạo ra thảm họa cho Dick Cheney cũng như các tân sinh viên khác. Để hạn chế điều này, nên khuyên các em lấy lớp dễ, lấy ít môn trong năm thứ nhất và nhất là trong mùa hè sau lớp 12 nên cho đi học tại trường cao đẳng địa phương (community college) để dễ thích nghi với môi trường mới. Bất kể các em thành công thế nào tại trung học (lấy nhiều lớp Honors, nhiều lớp AP, nhiều lớp khoa học, ngay cả thủ khoa …) Năm đầu tại đại học 4 năm sẽ khó khăn, rất khó khăn.

Nhân đây xin được nhắc lại, cũng tại Yale, cựu ứng cử viên Tổng thống John Kerry “lãnh” 4 con D trong năm thứ nhất cho 10 môn học. Nếu học kỳ thứ nhất các em đụng đầu vào tường thì nên liên lạc với trường xin nghỉ học kỳ hai, học ôn lại ở nhà, dưỡng quân rồi học tiếp. Có trường đồng ý, có trường không. Lời khuyên này có thể không đúng với một số em xuất sắc. Đã từng có em Việt nam lấy 20 đơn vị tín chỉ (units) cho học kỳ đầu tiên mà vẫn toàn điểm A.

Quay lại câu chuyện của Dick Cheney. Trở về nhà, Cheney làm cho một công ty xây dựng đường dây điện cao thế để có tiền mưu sinh. Mới ngày nào là đội trưởng football, là trưởng lớp, là sinh viên của Yale, đi vào trường thầy cô bạn bè ai cũng kính nể mà nay vô danh tiểu tốt, chân lấm tay bùn. Những ngày tháng huy hoàng nay còn đâu? Thất vọng tột cùng, chàng uống rượu, sáng say chiều xỉn, và 2 lần bị bắt về tội say rượu lái xe (DUI) trong một năm. Đời chàng tưởng chừng như tiêu tan ...

Lynne thất vọng tột cùng về Cheney. Đến nước này, sau nhiều lần can ngăn và an ủi không kềt quả, Lynne (lúc đó đã tốt nghiệp đại học) lên tiếng tuyên bố xanh rờn, “Phi cao đẳng bất thành phu phụ” -- làm sao thì làm, không học xong đại học em sẽ ... nghỉ chơi với anh. Thế là Cheney xanh mặt, biết Lynne đã hết kiên nhẫn, bèn ghi danh đi học lại tại trường gần nhà, University of Wyoming, năm 1963.



Quyết định của Cheney thật can đảm và xứng đáng được ghi nhận. Phải hiểu cho chàng là, đã lỡ đi học trường lớn, bây giờ quay lại trường địa phương mình bạn bè sẽ chê cười. Thấy Cheney biết lo cho tương lai, năm 1964 Lynne thưởng cho chàng một cái … đám cưới. Vì Wyoming là trường nhỏ nên việc học hành thường dễ hơn trường lớn như Yale. Rút kinh nghiệm từ thất bại trước, Cheney chăm lo học hành và được toàn điểm A, tốt nghiệp Cử nhân Chính trị học năm 1965 và Cao học năm 1966.



Trái với quan niệm của nhiều người, tình yêu học trò không ngăn cản việc học hành. Chính việc lựa chọn những quyết định thiếu khôn ngoan đã đưa đẩy nhiều sinh viên tới thảm hoạ. Cheney may mắn gặp Lynne, người mà sau này ông từng nhận định, “Lynne có khả năng đưa bất cứ người đàn ông nào vào White House.” Qua kinh nghiệm của Cheney, chúng ta có thể rút ra những bài học như sau:

Tới lớp đều đặn:

Rõ ràng là đúng, nhưng làm sao có thể thức dậy đi học vào những lớp bắt đầu lúc 8 giờ sáng là việc không dễ. Hãy để đồng hồ báo thức, nhờ cha mẹ gọi điện thoại lên đánh thức. Tham dự lớp nhiều dĩ nhiên hiểu bài hơn, nắm vững được kiến thức, biết được trong bài kiểm giáo sư sẽ hỏi gì, ôn thi thế nào cho tốt hoặc biết được thay đổi về kỳ hạn nộp bài.

Giữ cân bằng giữa chơi và học:

Đời sống tại đại học là một tổng hợp của chơi và học. Phải biết điều chỉnh ở mức độ thích hợp để có thể học được dài lâu. Chơi quá thì bị điểm xấu. Học quá sẽ bị căng thẳng tâm lý (stress) không đi được đường dài. Quan trọng nhất là đừng sao lãng học hành.

Học cách đối phó với nhớ nhà, nhớ người yêu:

Phải hiểu rằng nhớ nhà, nhớ người yêu là bản chất tự nhiên của việc đi học xa. Một vài tuần lễ đầu rất quan trọng. Hãy gọi điện thoại hoặc email về cho cha mẹ, người yêu nhưng phải khống chế thời gian. Bắt đầu thì khó nhưng sẽ quen sau đó.

Ở lại trường càng nhiều càng tốt:

Đừng vì nhớ nhà hay nhớ người yêu mà lái xe quay về nhà, rất tốn thời giờ và ảnh hưởng tâm lý. Mỗi lần ra đi lại bịn rịn chia tay. Hãy dùng thời gian đi thăm mọi chỗ trong trường và kiếm bạn bè mới. Nên tham dự những sinh hoạt văn hoá, xã hội trong trường.

Các cha mẹ đừng bao giờ tuyệt vọng:

Khi con cái bỏ học ngang, bị điểm xấu hay lâu ra trường, xin quý vị phụ huynh đừng tuyệt vọng. Nếu có con đi học Yale rồi bị đuổi quay về, chúng ta sẽ nghĩ sao? Rất đau lòng nhưng phải hiểu con mình còn đau lòng hơn. Nó đang thất vọng về chính nó và cần sự an ủi nâng đỡ. Việc làm tốt nhất không phải là chỉ trích la rầy. Hãy đưa gương Dick Cheney, John Kerry ra giải thích. Luôn giúp các em đạt được điều tốt nhất nhưng nếu có rủi ro xảy ra thì hãy kiên nhẫn điều chỉnh với tấm lòng rộng mở và từ từ tìm ra những phương cách thích hợp. Không có sai lầm nào không thể sửa chữa.




Cuối cùng, để vui vẻ, xin trích đoạn diễn văn của TT Bush khi dự lễ tốt nghiệp 2001 tại Yale với tư cách là khách mời đọc diễn văn cho các sinh viên sắp ra trường (commencement speaker) “…Đối với những ai ra trường với bằng danh dự và ưu hạng, tôi nói, rất khá. Và với những ai ra trường với điểm C, tôi nói, bạn giống tôi, bạn có thể làm Tổng thống Mỹ (cười và vỗ tay.) Bằng cấp của Yale rất đáng giá như tôi thường nhắc Dick Cheney (cười), một sinh viên đã theo học ở đây nhưng rời trường hơi sớm (cười). Bây giờ các bạn đã biết, nếu các bạn tốt nghiệp tại Yale các bạn sẽ làm Tổng thống Mỹ còn nếu các bạn bỏ ngang thì chỉ được làm Phó Tổng thống mà thôi (cười)…”




No comments: