
Khác với Tổng thống George W. Bush xuất thân từ một gia đình “quý tộc” – cựu Tổng thống Bill Clinton đáng chú ý ở điểm ông là con của một gia đình trung lưu Mỹ. Nghiên cứu cuộc đời ông để áp dụng một phần nào vào con đường giáo dục lớp trẻ trong cộng đồng cũng là điều hữu ích. Chúng ta hãy thử xem xét bằng cách nào Bill Clinton có được một nền học vấn tốt nhất.
Để đạt được điều này – ngoài việc phải là một học sinh giỏi – Clinton cũng cần có những hoạt động khiến cho mình trở thành nổi bật (stand out) so với những tài năng khác. Chúng ta thử theo dõi những kế hoạch đã được Clinton tính toán khá chu đáo và kỹ lưỡng cho từng giai đoạn.
Tuổi thơ ấu và trung học
1. Hoạt động cộng đồng tích cực
Khi còn bé Clinton sinh hoạt mạnh mẽ trong nhà thờ địa phương. Cậu đi quyên tiền và tổ chức những buổi sinh hoạt gây quỹ cho các hội từ thiện. Điều quan trọng nhất học được từ những kinh nghiệm này là Clinton biết cách làm việc với người khác và trở thành một người tốt trong xã hội.
2. Saxophone
Sự thăng tiến của một học sinh không phải bất ngờ. Nó tiến lên từ từ và nhất là có sự xếp đặt hợp lý. Khi theo học trung học tại trường công lập Hot Springs tại Arkansas, Clinton là một học sinh được nhiều người biết tiếng vì là một học sinh giỏi, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong trường học. Cậu tham dự tích cực những sinh hoạt học đường và xã hội.
Vẫn cảm thấy chưa đủ, Clinton hiểu rằng phải có thêm một điều gì khác để khiến cậu nổi bật hơn (stand out) những học sinh giỏi khác khi nộp đơn vào đại học và nộp đơn xin các học bổng.
Thế là Clinton kết hợp lòng yêu mến âm nhạc với ước mơ tương lai. Cậu dành nhiều thời gian tập luyện saxophone mỗi ngày. Clinton còn tham dự trại hè âm nhạc ở núi Ozark. Nhờ cần cù làm việc Clinton là người dẫn đầu trong trường học và vinh dự hơn cậu được trở thành một thành viên chính thức trong ban nhạc toàn tiểu bang của học sinh. Đã có lúc cậu muốn trở thành một nhạc công saxophone. Bài học ở đây là song song với việc học hành, tài năng về một lãnh vực đặc biệt nào đó giúp ích rất nhiều cho học sinh khi phải tranh đua cho một vị trí quan trọng.
Chính cây kèn saxophone đã giúp cậu nổi bật hơn hẳn (stand out) những học sinh khác.
3. Boys Nation: gặp Tổng thống John F. Kennedy
Sau năm lớp 10, do những hoạt động tích cực trong trường và ngoài xã hội, có điểm học vấn cao cộng thêm với tài thổi kèn nên cậu được lựa chọn làm một trong hai đại biểu cho tiểu bang Arkansas tham dự Boys Nation – một chương trình kéo dài một tuần dành cho giới trẻ tại Washington D.C nghiên cứu về chính quyền được bảo trợ bởi American Legion, một tổ chức cựu chiến binh.
Tại đây Clinton tranh cãi, bênh vực cho việc xây dựng những luật bảo vệ nhân quyền và tận mắt nhìn thấy Tổng thống John F. Kennedy trong một buổi lễ ở Vườn Hoa Hồng thuộc toà Bạch Ốc. Nhân dịp đặc biệt này, Bill Clinton được bắt tay và nghe vị Tổng thống mà cậu ngưỡng mộ nói chuyện. Cuộc gặp gỡ đã để lại một ấn tượng lớn khiến cậu quyết định đi theo con đường chính trị nhằm phục vụ guồng máy chính quyền hơn là đi làm một nhạc công thổi kèn saxophone hay đi làm một bác sĩ.
Việc được đại diện tiểu bang Arkansas tham dự Boys Nation chắc chắn là một điểm son khiến cho Bill trở thành một ứng viên sáng giá hơn (stand out) khi cạnh tranh với các ứng viên khác.
Đại học Georgetown
1. Tại sao theo ngành Ngoại giao?
Hiểu rằng chi phí cho đại học rất tốn kém nên cậu siêng năng học hành trở thành một học sinh ưu tú cộng với tài thổi kèn và hoạt động xã hội nên Bill Clinton nhận được nhiều học bổng về học vấn và âm nhạc sau khi tốt nghiệp trường trung học Hot Springs năm 1964. Lên đại học Bill đi học ngành Ngoại giao (Quan hệ Quốc tế) – International Affairs – tại trường có chương trình lâu đời nhất và tốt nhất về ngành này lúc đó là đại học Georgetown ở Washington D.C.
Nhắm mục tiêu làm chính trị, cậu khá chắc chắn mình sẽ phải trở thành một luật sư; tuy nhiên việc theo học ngành Ngoại Giao không phải là không có tính toán. Để so sánh cụ thể, chúng ta biết TT George Bush học Lịch sử (History), PTT Dick Cheney học Chính trị (Political Science), cựu PTT Al Gore học Chính quyền (Government.) Tại sao Clinton chọn ngành Ngoại giao?
Lúc đó, Thượng nghị sĩ (TNS) đảng Dân chủ James William Fulbright của Arkansas đang làm Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng nghị viện, một vị trí rất có thế giá trong ngành ngoại giao và chính trị nước Mỹ. Xuất thân từ Arkansas Bill Clinton đoán chắc rằng mình sẽ có một tương lai chói sáng hơn nếu được làm việc cho vị TNS này. Vì lý do đó, cậu đã quyết định theo học Ngoại giao tại Georgetown. Thế là vừa học cậu vừa làm việc cho TNS Fulbright mỗi khi quay về Arkansas như các kỳ hè hay các ngày lễ nghỉ. Chọn lựa người đỡ đầu là một quyết định quan trọng.
Thêm một điểm đáng lưu ý nữa, TNS Fulbight chính là người sáng lập ra học bổng Fulbright nhằm giúp trao đổi sinh viên giữa các quốc gia để gia tăng hiểu biết lẫn nhau. Đây là một học bổng rất có tiếng trên phương diện quốc tế được bảo trợ do ngân quỹ của Bộ Ngoại Giao Mỹ.
2. Học bổng Rhodes
Chính tại văn phòng làm việc của TNS Fulbright, Clinton đã có những hoạt động xuất sắc khiến cậu được một trong những học bổng giá trị nhất là học bổng Rhodes để qua đại học Oxford bên Anh học hai năm về chuyên ngành Chính quyền. TNS Fulbright, người đỡ đầu cho cậu cũng đã từng nhận được học bổng này. Có thể nói đường đi nước bước của TNS Fulbright đã được Clinton học tập.
Rhodes là học bổng lâu đời và có nhiều giá trị quốc tế do Cecil John Rhodes sáng lập năm 1902. Ứng viên phải cung cấp những bằng chứng cho thấy giỏi giang trong học vấn, có những phẩm chất tốt, biết quan tâm tới người khác, có khả năng lãnh đạo chỉ huy và có đủ nghị lực thực hiện những tài năng của mình tới mức cao nhất. Học bổng này cung cấp 2 (hay 3) năm học bao gồm chi phí ăn ở cũng như học phí cho sinh viên khi theo học tại trường đại học Oxford bên Anh. Mỗi năm có 32 sinh viên Mỹ nhận được học bổng này. Học bổng Rhodes nhận được nhiều đơn xin của những ứng viên sáng giá nhất khắp các đại học (sau khi có văn bằng Cử nhân) trên toàn nước Mỹ.
Trong nhiều trường hợp, các học bổng không chỉ có giá trị về tiền bạc hay giá trị du học; nó là một bằng chứng cho thấy phẩm chất của một ứng viên. Cánh cửa các đại học sẽ mở ra, những cơ hội làm việc sẽ tăng thêm, các tổ chức tiếng tăm đều muốn những ứng viên này. Học bổng Rhodes đã khiến Bill Clinton nổi bật lên (stand out) so với các ứng viên khác khi nộp đơn vào trường Luật Yale.
Trường Luật Yale
Sau khi ở Oxford về, Clinton được ban tuyển sinh trường đại học Yale chấp thuận cho nhập học tại trường này 1970. US News & World Report 2007 khi xếp hạng các trường đại học Luật khoa đã cho trường Luật Yale là số 1 của nước Mỹ, trường Luật Stanford thứ 2 và trường Luật Harvard thứ 3. Trong hệ thống UC, trường Luật UC Berkeley hạng 8, UCLA hạng 15, UC Davis hạng 34, UCSF hạng 43.
Trong thời gian theo học tại trường đại học Luật Yale, Clinton đã để lại một số điều đáng nhớ. Thứ nhất Clinton rất sợ "nợ nần", cậu được một số học bổng và đi làm hai việc để trả phí tổn cho việc học hành. Do vậy chúng ta hiểu tại sao khi làm TT ông đã làm việc cật lực để đạt cho được thặng dư ngân sách. Thứ hai tại trường đại học Luật Yale cậu làm quen và hò hẹn với người sau này là vợ mình. Thứ ba cậu đi vận động cho George Stanley McGovern trong cuộc tranh cử với cựu TT Richard Nixon 1972. Chính những kinh nghiệm này sau đó đã giúp Bill Clinton khá nhiều trong các cuộc tranh cử tại tiểu bang Arkansas và Tổng thống Hoa kỳ.
Ôn lại hành trình của cựu TT Bill Clinton trên con đường học vấn giúp các bạn trẻ trong cộng đồng Việt nam chúng ta học hỏi và có thêm một số nhận định. Ngoài việc học giỏi, tham dự những sinh hoạt học đường và xã hội; quan trọng nhất vẫn là làm quen với khái niệm "stand out" tức là khả năng làm cho mình khác biệt, hấp dẫn hơn khi so sánh với những ứng viên khác. Kế tiếp nên thông minh trong những lựa chọn người đỡ đầu và linh động lựa chọn chuyên ngành trong học tập. Cuối cùng luôn luôn tìm kiếm những học bổng, các chương trình hội thảo, gặp gỡ và tập luyện thêm những tài năng riêng biệt. Tất cả những tổ chức vẫn dựa vào những thành tựu quá khứ để so sánh và cất nhắc trong những đề bạt, lựa chọn của mình.
No comments:
Post a Comment