
Khi cậu học sinh Bill Gates nộp đơn vào đại học Harvard, thầy giáo viết thư giới thiệu (recommendation) đã nhận xét, “ … Về mặt tính toán, Bill Gates còn giải (bài tập) nhanh hơn cả các thầy cô trong trường …” Nhờ lá thư giới thiệu tốt này cộng với nhiều thành tích giỏi giang khác (SAT 1590/1600, giám đốc công ty Traf-O-Data ngay khi còn là học sinh trung học) đã đưa Bill Gates vào trường đại học danh giá nhất.
Hiện nay, khi nộp đơn vào đại học tư, học bổng, chương trình Cao học, Tiến sĩ, ứng viên thường phải xin thư giới thiệu của các thầy cô giáo, giáo sư hay cố vấn nhà trường.
Hệ thống UC như UC Berkeley, UCLA, UC Irvine … không bắt buộc học sinh phải có thư giới thiệu khi nộp đơn xin theo học bậc Cử nhân.
Trong thư, các thầy cô thường nêu ra nhiều chi tiết như điểm mạnh và điểm yếu trong học vấn, tính tình, nhận xét riêng cũng như khả năng ảnh hưởng cộng đồng của ứng viên …
Tuy việc được nhận vào đại học mong muốn hay học bổng lệ thuộc nhiều yếu tố, những thư giới thiệu vẫn đóng một vai trò quan trọng và xứng đáng được lưu tâm.
Một số sai lầm thường gặp
Vào đầu năm học lớp 12, Kim định nộp đơn vào trường đại học nữ Wellesley – ngôi trường xuất thân của TNS Hillary Clinton và cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright – để theo học chuyên ngành về Anh văn.
Kim đã ghi danh lớp Báo chí (Journalism) được vài tháng. Em rất thích lớp này và cô giáo cũng quý mến em. Do vậy em nhờ cô viết thư giới thiệu khi nộp đơn vào Wellesley dưới hình thức “quyết định sớm” (Early Decision) – một chương trình cho biết kết quả vào giữa tháng 12 thay vì tháng 4 năm sau như các bạn khác.
Một bất ngờ xảy ra, cô giáo từ chối khéo với lý do cô mới dạy em được vài tháng nên chưa biết em nhiều. Kim vừa buồn vừa giận đi nhờ cô giáo khác. Điều đó tạo ra những lo lắng và bối rối không cần thiết giữa lúc em cần tập trung chú ý vào hồ sơ đại học.
Kết quả cuối cùng là một phong bì mỏng. Em chỉ được vào “danh sách chờ đợi”, một hình thức đậu dự khuyết như ngày xưa ở Việt nam. Nếu trường cần thêm sinh viên họ sẽ gửi thư tới mời, còn nếu không thì đành phải chọn trường khác.
Vài tháng sau khi biết tình trạng “waitlist” của Kim, cô giáo Báo chí đề nghị viết thêm thư giới thiệu vì lúc này cô đã biết em lâu hơn hầu giúp em tăng thêm lợi thế. Lá thư này có thể giúp ích nhiều vì chính cô cũng là cựu sinh viên của trường đại học Wellesley.
Để “trả thù” lại lần trước, em thẳng thừng từ chối sự giúp đỡ và gửi ngay email tới văn phòng tuyển sinh Wellesley xin rút tên khỏi danh sách chờ đợi chỉ để thoả mãn tự ái. Như vậy, Kim, tương tự như một số học sinh khác, đã phạm những sai lầm sau đây:
1. Các đại học thường thích thư giới thiệu từ các thầy cô dạy môn chính và phù hợp với chuyên ngành định theo. Học Anh văn thì nhờ thầy cô Anh văn còn học Lịch sử thì nhờ thầy cô Lịch sử. Kim đã nhờ một cô giáo dạy lớp Báo chí được coi như “môn phụ”, dĩ nhiên nếu Kim là chủ bút (Editor-in-chief) hay một cây viết xuất sắc thì rất đúng khi nhờ cô.
2. Kim đã nhờ cô giáo chưa biết nhiều về mình. Để có thể biết học sinh đủ lâu, lý tưởng nhất là nhờ thầy cô lớp 11. Và ngay trong lớp 11 em đã phải để ý chọn lựa.
3. Kim từ chối sự giúp đỡ có thể đưa mình vào trường mong muốn trong lúc còn đang trong “danh sách chờ đợi”; nhất là khi cô giáo là cựu sinh viên trường mình yêu thích.
Nhiều học sinh không sáng suốt khi lựa chọn và tệ hơn không biết đối thoại tốt để đạt mục đích. Sai lầm cứ tiếp nối mà không được sửa chữa, không rút ra được kinh nghiệm.
Học lực giỏi chưa đủ mang ứng viên tới thành công. Thông minh trong chọn lựa là điều quan trọng để đưa ứng viên tới chân trời mơ ước.
Làm sao để có một thư giới thiệu tốt?
Một trường trung học thường có nhiều học sinh giỏi. Sự cạnh tranh vào các trường đại học hay các chương trình học bổng giữa những học sinh này khá mạnh mẽ. Do vậy cần chuẩn bị hồ sơ chu đáo chừng nào hay chừng đó. Sau đây là một số hướng dẫn chung:
Không gian và thời gian yêu cầu1. Xây dựng một sợi dây liên lạc tốt với thầy cô định nhờ viết thư giới thiệu bằng cách học tốt và ở lại sau lớp học nói chuyện với họ. Đừng ngần ngại khi hỏi; các thầy cô thường vui vẻ viết thư giới thiệu cho học sinh. Họ coi việc này như một phần của công việc phải làm. Thành công của học sinh là phần thưởng cho họ.
2. Hãy chọn thầy cô viết thư giới thiệu hay. Họ sẽ phản ánh chi tiết những gì người khác nhìn vào một học sinh và đồng thời là “thiên thần bản mệnh” cho học sinh đó.
Cần cân nhắc cẩn thận khi nhờ thầy cô nổi tiếng trong trường. Họ thường được nhiều học sinh hỏi viết nên không có đủ thời gian để viết chi tiết, cụ thể.
3. Thầy cô thích mình chưa hẳn đã là người viết thư giới thiệu hay và do vậy sẽ không nói hết được những gì cần thiết. Hơn nữa, không phải thầy cô nào cũng có biệt tài viết một thư giới thiệu hay. Việc này đòi hỏi một số kinh nghiệm.
Nên hỏi thăm bạn học năm trước đã vào được đại học tốt hay được học bổng giá trị.
4. Một số thầy cô thường hỏi những học sinh giỏi muốn nộp đơn trường nào và họ đề nghị được viết thư giới thiệu. Thông thường, đây là những người viết thư giới thiệu rất hay, học sinh nên để ý đến những lời đề nghị này.
Đừng hỏi thầy cô giáo vào giờ ăn trưa hay vào lúc họ đang bận bịu. Hãy xin một cái hẹn. Sau đó cho họ biết trường mình định nộp đơn và ý nghĩa của nó như thế nào với mình. Nên nhờ họ trước thời hạn chót khoảng 2 – 4 tuần.
Đừng quên thông báo với họ rằng mình sẽ nộp đơn nhiều trường đại học và nhiều chương trình học bổng, do vậy sẽ nhờ cậy họ thêm sau này. Hãy gặp lạiỉ hai ngày trước thời hạn chót để hỏi thăm họ đã gửi thư đi chưa.
Hồ sơ chuẩn bị
1. Một bản in làm tờ bìa có ghi chú
- Tên họ, số phonẹ và địa chỉ email
- Trường đại học và chuyên ngành (major)
- Hạn cuối (deadline)
- Một vài điểm cần nhấn mạnh
2. Phong bì dán tem có địa chỉ nơi gửi, nơi nhận
3. Tiểu sử học sinh (resume) và học bạ (transcript)
4. Luận văn gửi cho đại học hay các chương trình học bổng
5. Một số tài liệu kèm theo để thầụy cô trả lời, nhớ bỏ dấu “check mark” (v) vào ô từ bỏ quyền sẽ xem lại thư giới thiệu này.
Nên đọc đi đọc lại lời dặn khi nộp đơn, xem xét kỹ lưỡng các yêu cầu của những đại học hay các chương trình học bổng, có khi họ yêu cầu người viết thư giới thiệu phải là thầy cô Toán hay Khoa học, có khi họ lại yêu cầu thầy cô Anh văn hay cố vấn nhà trường. Dĩ nhiên không nên nhờ hai người cùng dạy bộ môn giống nhau như Khoa học hay Toán.
Cuối cùng, hãy tỏ lòng biết ơn bằng cách gửi “thank you note” và nên gặp tận mặt để cám ơn họ thêm. Những thầy cô này phải là một trong những người đầu tiên biết tin vui khi mình được nhận vào trường đại học mong muốn hay các học bổng khác.
Thư giới thiệu sẽ là điều phải làm hầu như trong suốt sự nghiệp học hành cũng như khi đi làm. Và do vậy, sự lựa chọn cẩn thận dưới mái trường trung học sẽ giúp cho học sinh có kinh nghiệm khi xin vào các chương trình học cao hơn cũng như sau này khi ra trường đời.
No comments:
Post a Comment