Tuesday, 1 January 2008

62 Đơn Xin Nhập Học Hệ Thống Đại Học California




Đi đò tát nước cho chuyên
Lấy chồng thì phải giữ duyên cho chồng
Đi ngang thấy ngọn đèn chong
Thấy em nho nhỏ, muốn bồng mà ru



Các trường đại học thuộc hệ thống UC (University of California) đã bắt đầu cho đăng tải mẫu đơn trên Internet. Thời hạn nộp đơn từ 01/11 đến 30/11/2007 cho niên học 2008 – 2009.

Mẫu đơn năm nay bao gồm đơn xin nhập học và đơn xin học bổng với khá nhiều chi tiết dài chừng 10 trang. Quí vị phụ huynh nên giúp các em điền những phần phụ như tên họ, trường học, chi tiết điểm, khen thưởng … còn các phần như luận văn (Personal Statements) và Giải thích Thêm (Additional Comments) nên để các em tự làm. Trong trường hợp không thể giúp các em, phụ huynh nên theo dõi và nhắc nhở thêm để tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy.”

Qua kinh nghiệm, chúng tôi xin nêu ra một số điểm mà phụ huynh và học sinh hay thắc mắc.


Ngôn ngữ nói đầu tiên (Language(s) you learned to speak first)

Phần này thuộc câu hỏi số 19. Một số người sợ rằng nếu ghi ngôn ngữ nói đầu tiên là tiếng Việt sẽ bị cho rằng “yếu” tiếng Anh. Ngược lại, các trường đại học rất thích những ứng viên biết nhiều ngôn ngữ. Do vậy nếu sinh trưởng trong một gia đình Việt nam mà đã bập bẹ “Mẹ, Ba … ” thì nên ghi ngôn ngữ nói đầu tiên là tiếng Việt.

Cũng nhân tiện đây xin được nói thêm là các trường đại học thường yêu cầu sinh viên lấy thêm lớp ngoại ngữ. Do vậy những em đã học ở các trung tâm Việt ngữ có một lợi thế rất đáng kể.

Những năm trước, học sinh Việt nam thường phải đánh dấu (v) vào ô Asian (Á châu) nhưng năm nay UC đi vào chi tiết hơn và có ô cho Việt nam. Nhờ vậy học sinh gốc Việt có thể được hưởng một chút ưu tiên hơn so với cộng đồng khác (?) vì tỷ lệ những người trên 25 tuổi có bằng Cử nhân của chúng ta đang đứng ở vị trí cuối thứ 3 (bottom 3) trong các sắc dân Á châu.


Cách tính tổng cộng điểm UC (UC Total Scores)

Học sinh thường chọn lần thi có tổng SAT1 cao nhất rồi dựa theo bảng chuyển đổi (Translation Table) để tính điểm UC. Em Nguyễn thi SAT 3 lần có kết quả tổng cộng 3 môn lần lượt như sau: 1990, 2020, 1860. Em sẽ chọn lần có điểm cao nhất là 2020 để chuyển đổi.

Sau đó nhìn vào chi tiết 3 môn: Writing 700, Đọc hiểu 620, Toán 700. Qua bảng chuyển đổi thấy điểm SAT 700 và 620 tương ứng với điểm UC là 83 và 70. Cộng chung lại 83 + 83 + 70 = 236.

Đối với SAT2, chọn hai môn có điểm cao nhất. Chẳng hạn em Nguyễn thi SAT2 được Hoá 660, Sử 720, Anh 740, Toán 710. Do vậy em chọn hai điểm cao nhất là 740 và 720, dùng bảng chuyển đổi được 90 + 87 = 177. Vậy tổng cộng điểm UC của em Nguyễn là 228 + 177 = 405.


Cách tính GPA của UC

Cách tính GPA của UC khác với những phương thức tính GPA khác.

UC chỉ tính GPA của một số môn gọi là “a – g” của hai năm lớp 10 và 11 (bao gồm cả những lớp hè.) Trong đó a tượng trưng cho Lịch sử/Khoa học Xã hội, b cho Anh văn, c cho Toán … Lớp Honors hay AP, IB được tính điểm GPA như sau: A = 5, B = 4, C = 3 nhưng D chỉ =1 và F = 0. Lớp thường thì A = 4, B = 3 … Ngoài ra, A+, A hay A- đều được tính GPA giống nhau. Một số môn như Thể dục (PE) hay Auto (học về xe hơi) không được dùng để tính điểm.

Nói chung, muốn được nhận vào UC nên cẩn thận trong hai năm lớp 10 và 11. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các trường đại học trong hệ thống UC không chú ý đến năm lớp khác. Những môn và điểm của lớp 9 và 12 (ngay cả Toán và ngoại ngữ của lớp 8) đều phải kê khai.


Bảng tiêu chuẩn của ban tuyển mộ sinh viên

Ban tuyển sinh có một bảng tiêu chuẩn (UC Eligible Index) dựa trên tổng điểm UC (phần II) và GPA (phần III.) Nếu thoả mãn tiêu chuẩn đã được nêu ra trong bảng liệt kê, khả năng được nhận vào một trong những UC lên tới 85%. Học sinh có thể tham khảo trang 8 của phần hướng dẫn để biết thêm chi tiết và có thể tiên đoán kết quả đơn xin dựa trên bảng tiêu chuẩn này.


Đại học San Diego và những khó khăn khi chọn lựa trường college.

UC San Diego có ưu điểm là tổ chức cho bậc Cử nhân những chương trình thích hợp với trình độ và ý thích học tập tại 6 trường đại học bậc Cử nhân (colleges) nhỏ hơn. Điều này giúp ích nhiều nhưng cũng làm cho các học sinh bối rối khi lựa chọn. Trong trường hợp không đủ kiến thức để quyết định thì hãy để nhà trường chọn giúp. Sau đây là vài khái niệm về mỗi trường:

1. Roger Revell
Trường lâu đời nhất và cũng đòi hỏi điều kiện cao hơn khi nhận vào. Đây là trường có ban giảng huấn tốt nhất của UCSD và thường dành cho những sinh viên giỏi.

2. John Muir
Trường đòi hỏi những điều kiện dễ dàng hơn tùy thuộc sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Sự linh động về các môn học mở rộng những chọn lựa cho sinh viên.

3. Thurgood Marshall
Nhấn mạnh về học vấn, trách nhiệm xã hội và giáo dục tổng quát. Trường rất linh động, họ cho phép lấy đơn vị tín chỉ khi làm việc hay công tác thiện nguyện.

4. Earl Warren
Đòi hỏi sinh viên phải chọn một chuyên ngành cũng như phải tập trung vào 2 ngành nhỏ hơn và bắt buộc phải có liên quan đến ngành học. Trường này đi sâu vào chuyên ngành.

5. Eleanor Roosevelt
Tập trung vào giáo dục liên ngành, sẽ học mỗi ngành một ít thay vì chỉ tập trung vào một ngành. Trường này thích hợp cho các sinh viên Pre-Med.

6. Sixth College
Tập trung vào những nối kết lịch sử và triết học giữa những nền văn hoá, nghệ thuật và kỹ thuật. Đây là trường ít tuổi đời nhất của UCSD và đòi hỏi điều kiện dễ dàng hơn.


Chuyên ngành

Chuyên ngành khá quan trọng khi nộp đơn vào UC, một số ngành như kỹ sư, điều dưỡng … yêu cầu tiêu chuẩn khá cao nơi sinh viên. Do vậy, ngoài việc chọn đại học nào trong hệ thống UC, chọn chuyên ngành cũng là một vấn đề cần nhiều bàn luận, suy nghĩ của học sinh cũng như gia đình. Hãy vào trang nhà (website) của mỗi trường để có thêm cơ sở cân nhắc trước khi quyết định.

UC Berkeley cho chọn một chuyên ngành, phần lớn các UC khác cho phép chọn thêm chuyên ngành thứ hai (nếu nhà trường không thoả mãn được chuyên ngành thứ nhất) và một số trường như UC Irvine, UC Merced cho phép học sinh không chọn chuyên ngành (Undeclared Major) trong một chừng mực giới hạn. Do vậy học sinh nên nghiên cứu kỹ phần chọn chuyên ngành này.


Luận văn (Personal Statement)

Năm nay Luận văn chỉ có hai bài tổng cộng khoảng 1000 chữ. Hầu hết thầy cô Anh văn đều cho học sinh viết về những đề tài này và họ thường giúp thêm ý kiến cho học sinh, nhất là về phương diện câu cú và ngữ pháp. Tuy nhiên việc lựa chọn đề tài để viết vẫn là quyết định riêng tư của mỗi học sinh. Nên bắt đầu viết sớm và coi đi coi lại.

Số lượng chữ trong mỗi bài dài ngắn có thể khác nhau nhưng bài dài nhất là 750 chữ và ngắn nhất là 250 chữ. Việc này cho phép học sinh nhấn mạnh vào đề tài mà mình muốn trình bày sâu hơn.

Nếu gia đình, trường học, cộng đồng mình có hoàn cảnh khó khăn và nếu xin EOP (Educational Opportunity Program) thì nên đề cập đến vấn đề này trong bài luận văn thứ nhất.

Ngoài ra, phần Giải thích Thêm (Additional Comments) được dùng khi cần giải thích (về học hành … ) hay liệt kê, chú thích thêm.


Học bổng

Như đã trình bày bên trên, đơn xin nhập học cũng kèm theo xin học bổng từ nhiều nguồn khác nhau. Học sinh nên đọc kỹ xem mình có hội đủ điều kiện (qualify) hay không, nhất là phần có dấu (♦) cần đọc lời giải thích để làm theo những hướng dẫn được nêu ra. Xin đừng bỏ qua một học bổng nào và thực hiện đầy đủ mọi quy định.


Cuối cùng, theo kinh nghiệm cá nhân, các em rất cần sự giúp đỡ của phụ huynh trong việc chuẩn bị hồ sơ, sắp xếp giấy tờ và theo dõi lịch trình. Mùa đầu của năm lớp 12 là một trong những mùa học (semester) bận bịu nhất. Hồ sơ nên được chuẩn bị ngay từ bây giờ để còn có thời giờ phòng hờ, sửa chữa những sai sót. Một hồ sơ cẩu thả thường nhận được những kết quả không như ý.

Muốn tham khảo thêm chi tiết hay download đơn xin và phần hướng dẫn xin vào website: http://www.universityofcalifornia.edu/admissions/undergrad_adm/apply_to_uc.html

No comments: