
“Con cái California sẽ là con cái chúng ta”
Cách đây 115 năm, vào ngày 01 tháng 10 năm 1891, đại học Stanford hay còn có tên đầy đủ là Leland Stanford Junior University khai trường niên khoá đầu tiên.
Leland Stanford – một luật sư, cựu Thống đốc tiểu bang California thuộc đảng Cộng hoà – và đương kim thượng nghị sĩ liên bang lúc đó là người sáng lập trường.
Ngôi trường được mang tên Stanford nhằm tưởng nhớ đứa con trai duy nhất của ông là Leland Stanford Junior mới vừa qua đời khi gần được 16 tuổi. Vào những ngày tháng đau buồn ấy, ông đã quay qua nói với người vợ yêu dấu, “Con cái California sẽ là con cái chúng ta.”
Sau cái gật đầu long lanh nước mắt của bà, những ý tưởng khởi đầu xây dựng một ngôi trường đại học được thành hình trong 6 năm chuẩn bị.
Ngay khi nghe tin một đại học tư mở ra tại miền Tây các tờ báo miền Đông lúc đó đã tiên đoán một tình hình ảm đạm cho Stanford. Tuy nhiên bằng cách nhận sinh viên miễn học phí năm đó, trường đã thu nhận được một lớp sinh viên đông đảo và ưu tú nhất đến từ khắp các tiểu bang trên đất Mỹ. Như một điềm báo tốt lành, một trong những sinh viên khoá đầu tiên là Herbert Hoover đã trở thành Tổng thống Mỹ sau này.
“Luồng Gió Tự Do Thổi”
Leland Stanford bắt đầu qua Harvard, MIT, Yale và Cornell để nghiên cứu những phương pháp tốt nhất thành lập một trường đại học tư nhưng lại nhằm đào tạo những nhà lãnh đạo cho California và Hoa kỳ theo một phương cách tự do, phóng khoáng và thoải mái nhất lúc bấy giờ. Stanford đã mở ra một cuộc cách mạng đi ngược hẳn truyền thống bảo thủ với khẩu hiệu “Luồng gió tự do thổi.”
Ông đã thuê ngay David Starr Jordan một nhà giáo dục lỗi lạc lúc đó mới 40 tuổi làm Hiệu trưởng đầu tiên của Stanford.
Nhờ vậy trường đã nhận nhiều nữ sinh viên trong lúc đa số các đại học chỉ nhận nam sinh viên; trường đã trở thành một đại học độc lập, không liên kết với một tôn giáo nào trong lúc đa số các đại học tư lúc đó thường có khuynh hướng liên kết với một tôn giáo; và cuối cùng trường trở thành một đại học mang dáng dấp Mỹ trẻ trung, cởi mở trong lúc các trường đại học khác tổ chức theo kiểu Anh cổ điển, khuôn phép.
Chương trình học tại Stanford cũng được xếp đặt tương đối thoáng và linh động chứ không chặt chẽ, cứng nhắc như các trường đại học công lập. Học sinh có thể lấy bằng Cử nhân và Cao học (Master) trong 4 năm theo một chương trình được gọi là COTERM.
Trong việc chọn chuyên ngành (major), nếu một sinh viên thích một ngành mới mà nhà trường chưa có thì trường sẽ chỉ dẫn cách thức thành lập chuyên ngành của riêng mình.
Ngoài ra trong những năm cuối, sinh viên có thể xin vào ngồi học tại trường Y khoa khi lấy văn bằng Cao học Sinh học. Dĩ nhiên những tín chỉ này cũng được tính cho trường Y nên có thời gian học thêm môn khác hay làm nghiên cứu (research) để gia tăng GPA.
Nếu sinh viên có tài năng đặc biệt hoặc sáng kiến mới có thể mở lớp dạy và làm instructor (thầy giáo, cô giáo.) Những sinh viên khác có thể ghi danh theo học lấy tín chỉ cho lớp đó. Chẳng hạn một em sinh viên gốc Việt làm Trưởng nhóm thông dịch mở lớp huấn luyện về kỹ thuật thông dịch tại bệnh viện. Từ một học trò em đã trở thành “thầy giáo.” Phương thức này giúp cho sinh viên có đầu óc năng nổ, sáng tạo và thực tập lãnh đạo chỉ huy ngay từ khi còn dưới mái trường.
Thành quả
Là một đại học miền Tây khá non trẻ so với các đại học miền Đông, Stanford thành lập sau Harvard 255 năm, sau Yale 195 năm và sau ngay cả Berkeley ở California 23 năm! Tuy vậy, nhờ vào những người lãnh đạo trường qua nhiều thế hệ biết nhìn xa trông rộng và chấp nhận thử thách, Stanford đã đi được một bước khá xa mà có lẽ ngay cả người sáng lập trường cũng không thể ngờ tới.
Thụ hưởng nền giáo dục từ Stanford người ta thấy đủ mọi tầng lớp lãnh đạo về các ngành.
Về chính quyền có Tổng thống Mỹ Herbert Hoover, Tổng thống John F. Kennedy (Stanford Business School), Thủ tướng Do thái Ehud Barak, Tổng thống Peru Alejandro Toledo, Chủ tịch Tối cao Pháp viện William Rehnquist…
Về giáo dục, các đương kim hiệu trưởng Derek Curtis Bok của đại học Harvard, William Brody của Johns Hopkins, Richard Levin của Yale, William Leahy của Boston…đều là cựu sinh viên của đại học Stanford.
Về kinh tế có Steve Ballmer, CEO của công ty lừng danh Microsoft; Philip Knight, Chủ tịch & CEO của công ty Nike, Scott McNealy, Chủ tịch & CEO của đại công ty Sun Microsystems…
Về mặt khoa học có Vinton Cerf, cha đẻ của Internet và được nối tiếp bởi các tài năng trẻ như các nhà sáng lập ra Yahoo, Google, Ebay…cùng nhiều khà khoa học đoạt giải Nobel cũng như các giải thưởng cao quý khác.
Về văn hoá thể thao, nhà văn John Steibeck, tay vợt John McEnroe, tay chơi golf Tiger Woods đều là sinh viên bỏ ngang nhưng cũng từng là sinh viên trong trường.
Đứng về ảnh hưởng chính trị, Viện Hoover tại Stanford là một “Khổng minh” (think tank) hoạch định chiến thuật, chiến lược cho các nhà lãnh đạo đảng Cộng hoà tức là các nhà lãnh đạo Hoa kỳ hiện nay. Ngoại trưởng Rice, một trong những thành viên của Viện Hoover, trước kia đã từng là Viện phó Viện Đại học Stanford phụ trách Tài chánh và Giáo dục (Provost) của Stanford. Dĩ nhiên nếu tiếp tục nhiệm vụ tại trường mà không làm Ngoại trưởng thì bà đã trở thànhViện trưởng của Stanford.
Xếp hạng. Tuyển sinh. Cảnh quan và Thư viện
Theo xếp hạng của tạp chí Newsweek 2006 Stanford đứng hạng 2 sau Harvard trong danh sách 100 trường tốt nhất thế giới. Theo U.S News & World Report 2007 thì Stanford đứng hạng 4 sau Princeton (hạng 1) Harvard (hạng 2), Yale (hạng 3.) So sánh tổng giá trị tài chánh và số tuổi đời từ khi thành lập thì Stanford đã có những bước tiến rất đáng kính nể so với những “đàn anh” khác.
Stanford tuyển sinh theo 2 giai đoạn: sớm (early) biết kết quả vào giữa tháng 12 và bình thường (regular) biết kết quả vào tháng 4. Stanford nổi tiếng rộng rãi trong việc cấp phát học bổng. Khi được nhận vào rồi trường sẵn sàng cung cấp phương tiện đi lại cũng như ăn ở để sinh viên có thể đến xem trường lần đầu. Ngoài ra, Financial Aid package (Tổng Trợ cấp tài chánh) của Stanford cũng là một trong những nguồn rộng rãi nhất. Stanford bảo đảm nội trú (dorm) trong 4 năm và sinh viên đi lại trong trường chủ yếu bằng xe đạp. Theo thống kê có khoảng 12,000 chiếc xe đạp được sinh viên xử dụng.
Trường có một cảnh quan rất đẹp. Ngoài những vườn hoa và hàng cây đắt tiền còn có những kiến trúc theo kiểu Roma, những tượng đồng của nhà điêu khắc Rodin cũng như những tác phẩm nghệ thuật khác khiến trường trở nên một điểm du lịch thích thú. Những toà nhà kiến trúc tân kỳ bên cạnh khung cảnh đồng quê của núi đồi. Vào thăm trường chiều Chủ nhật, người ta thấy nhiều đôi tân hôn Việt nam có lẽ từ San Jose đến đang chụp những tấm hình đẹp nhất cho ngày đầu chung sống của họ.
Thư viện Stanford là một trong những thư viện lớn nhất thế giới. Mới đây chính phủ Nga tìm kiếm ấn bản đầu tiên của tờ báo Pravda nhưng không tìm ra. Cuối cùng họ phải quay sang thư viện của Stanford nhờ giúp đỡ để có bản sao của ấn bản này.
Chương trình Việt ngữ.
Riêng đối với các em sinh viên gốc Việt tại Stanford, trường có chương trình dạy tiếng Việt nguyên một năm để các em biết nói, đọc, viết và tìm hiểu thêm về ngôn ngữ, nguồn gốc, văn hoá của dân tộc. Những em học PreMed (dự bị Y khoa) có thể tình nguyện vào làm thông dịch cho bệnh viện vì gần trường cũng có một cộng đồng Việt nam không nhỏ ở San Jose thường xuyên vào đây khám bệnh.
Stanford tiến lên vị trí cao như ngày nay nhờ những tư tưởng tự do, phóng khoáng ban đầu của nhà sáng lập Leland Stanford đã dám mạnh dạn nghĩ khác và làm khác mọi người. Trường đã tìm mọi cách để cung cấp cho sinh viên những cơ hội phát triển tài năng và ý tưởng (idea) tại một trung tâm trù phú như Silicon Valley. Và chính những ý tưởng trẻ trung, táo bạo này đã mang lại một thành công vượt trội cho cá nhân các sinh viên cũng như cho chính trường Stanford.
No comments:
Post a Comment