
Đi cho biết đó biết đâyỞ nhà với Mẹ biết ngày nào khôn?Vẫy vùng nam, bắc, tây, đôngBõ công Cha Mẹ vun trồng nuôi anh
Tình hình sinh viên du học toàn thế giới
Sau thời gian sa sút chung vì vụ khủng bố 9/11, năm 2007 được đánh dấu bằng sự gia tăng đáng kể số lượng sinh viên du học trên thế giới. So sánh với năm 2006, con số này gia tăng được 8%. Lớp học hiện nay đa quốc gia giống như một phiên họp của Liên Hiệp Quốc!
Để có một dẫn chứng tổng quát, chương trình MBA của Stanford – một trong những chương trình hàng đầu của thế giới – có 45% sinh viên đến từ hơn 60 quốc gia khác.
Các sinh viên du học thường tìm kiếm một hệ thống giáo dục mạnh và nói tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng nên có khuynh hướng chọn Hoa kỳ và sau đó là Anh quốc. Ngoài ra, một số sinh viên du học khác cũng mong muốn du học Úc không những vì các trường đại học tại đó tốt mà cũng vì dễ dàng xin chiếu khán nhập cảnh hơn Hoa kỳ và Anh quốc.
Sau nhóm dẫn đầu Mỹ, Anh, Úc là “nhóm giữa” gồm Đức, Pháp và thứ ba là Nhật, Canada, Tân Tây Lan. Nhóm mới nổi có thể kể là Trung hoa, Mã lai, Tân gia ba (Singapore.)
Bộ Ngoại giao các nước thường coi sinh viên du học như những cầu nối về chính trị và kinh tế. Khi họ muốn có một quan hệ tốt hơn, họ sẽ tạo ra học bổng để gây ảnh hưởng, không những với sinh viên du học mà còn cả với cha mẹ – vốn là những quan chức chính phủ nữa.
Ngoài ra một số sinh viên tài năng thường ở lại quốc gia du học làm việc và do vậy mang về cho nước chủ nhà một nguồn lợi vô giá về trí thức mà nước chủ nhà không có đủ.
Các chương trình về Quản trị Kinh doanh được các sinh viên du học đặc biệt ưa chuộng. Các ngành liên quan đến điện toán và kỹ sư được sinh viên Ấn độ và Nigeria chú ý trong khi sinh viên Nhật thích ngành thương mại và sau đó là các ngành nhân văn nghệ thuật.
Các sinh viên Đức tìm kiếm những trường đại học an toàn, có ban quản trị phục vụ tốt và có tiếng về ngành nghề định theo nên tiết kiệm được khá nhiều tiền bạc. Trong khi đó các sinh viên Trung hoa chú ý nhiều hơn đến tên tuổi của đại học nên phải trả học phí đắt đỏ hơn cho những trường nổi tiếng này. Các sinh viên Nhật trái lại thường dựa vào kinh nghiệm của sinh viên đi trước và những cựu sinh viên này cổ động cho trường họ đã theo học.
Sinh viên thường dựa vào thân nhân tại quốc gia du học để có được sự hỗ trợ mạnh mẽ và lâu dài về mặt tinh thần cũng như vật chất. Điều này giải thích được lý do sinh viên Trung hoa du học nhiều tại những quốc gia có đông Hoa kiều như Nhật, Mỹ, Úc …
Ngôn ngữ quyết định khá lớn nơi đến của du học sinh. Trong khi Đức quyến rũ những sinh viên từ các quốc gia Đông Âu (ảnh hưởng từ thời còn Đông Đức) thì Pháp thu hút sinh viên từ các cựu thuộc địa cũ ở Phi châu như Ma rốc, An giê ri, Tuy ni di. Vùng Quebec nói tiếng Pháp của Canada thì lại thu hút được sinh viên đến từ Pháp.
Quốc gia có nhiều sinh viên đi du học thế giới là Trung hoa và Ấn độ. Trong đó Trung hoa có số lượng sinh viên ra nước ngoài học tập đông đảo nhất. Họ đi du học nhiều nhất tại Nhật, kế đến là Mỹ và Úc. Sinh viên Ấn độ đến Mỹ cao nhất rồi sau đó mới tới Úc và Anh
Sinh viên du học tại Mỹ
Theo bản báo cáo Open Doors 2007 của Viện Giáo dục Quốc tế thì số lượng sinh viên trên thế giới du học tại Mỹ gia tăng 3.2% trong năm 2007 lên tới 583 ngàn sinh viên trong năm học 06 – 07 vừa qua. Vụ khủng bố 9/11 dẫn tới những khó khăn xin nhập cảnh Hoa kỳ và số lượng sinh viên xin nhập học cứ giảm dần nhưng nay đang trên đà trở lại bình thường.
Tuy các trường đại học Mỹ vẫn giữ vai trò thống trị, nhiều đại học khác trên thế giới cạnh tranh mở rộng cánh tay thu nhận sinh viên du học bằng các học bổng hậu hĩ. Và do vậy, các trường đại học Mỹ ngày càng cảm thấy áp lực mạnh mẽ hơn từ những quốc gia khác, nhất là sau vụ 9/11. Sự cạnh tranh giữa các đại học tạo tư thế thuận lợi cho các sinh viên trên thế giói. Họ có thể đi du học dễ dàng hơn – nhất là trong bối cảnh đồng tiền Mỹ kim xuống giá.
Ấn độ vẫn dẫn đầu với gần 84 ngàn sinh viên (tăng 10%) và đã đứng đầu 6 năm liền về số lượng sinh viên du học Hoa kỳ. Sinh viên Ấn độ thông minh và học hành đàng hoàng. Trái với nhiều quốc gia khác có số lượng sinh viên bậc Cử nhân cao, sinh viên Ấn độ theo học bậc Cao học và Tiến sĩ nhiều hơn với tỷ lệ là 71.1%! Họ đặc biệt nổi tiếng trong lãnh vực kỹ thuật thông tin (information technology) và làm việc đông đảo tại Silicon Valley.
Đứng thứ nhì là Trung hoa với gần 68 ngàn sinh viên (tăng 8%) và thứ ba là Nam Hàn với hơn 62 ngàn (tăng 6%.) Trong số 10 quốc gia có số lượng sinh viên du học đông đảo nhất thì Nam Hàn là quốc gia có tỷ lệ sinh viên du học Hoa kỳ tính trên đầu người cao nhất. Như vậy sự thành công của “con rồng” Nam Hàn không phải là ngẫu nhiên mà đã được tính toán.
Tính theo ngành nghề, các sinh viên nước ngoài đến Hoa kỳ học Quản trị Kinh doanh 18%, Kỹ sư 15%, Khoa học (Vật lý, Hoá, Sinh) 9%, Toán và Thảo chương 8% …
Các sinh viên du học đã đóng góp cho kinh tế Hoa kỳ $14.5 tỷ qua những chi tiêu về học phí cũng như ăn ở và các khoản lặt vặt khác. Bộ Thương mại Mỹ thống kê rằng lợi tức từ giáo dục đứng hạng thứ năm về dịch vụ và 66% nguồn tài chánh này đến từ ngoài nước Mỹ.
Trong 20 trường có nhiều sinh viên du học nhất người ta thấy các tên tuổi như USC, UPenn, Columbia, New York University, UCLA, Harvard, Boston, UT Austin, Stanford …
Sinh viên du học tại California
California là tiểu bang có nhiều sinh viên đến du học nhất với số lượng là 78 ngàn.
USC là đại học nhận nhiều sinh viên du học nhất Hoa kỳ. Cùng với 4 trường khác là UCLA, Stanford, UC Berkeley, Santa Monica College đã tạo thành 5 trường đứng đầu tiểu bang về số lượng sinh viên quốc tế. Sinh viên đến từ Ấn độ, Trung hoa, Nam Hàn, Nhật bản và Đài loan dẫn đầu danh sách du học tại California và mang về cho tiểu bang $2.2 tỷ.
Sinh viên Việt nam
Sinh viên trong nước du học tại Úc đông đảo nhất với số lượng 8,559 người tính đến tháng 9 năm 2007. Tuy sinh viên Việt nam du học Nhật bản với số lượng ít hơn (2119) nhưng lại đứng hạng thứ năm trên tổng số sinh viên du học ở Nhật.
Số sinh viên Việt nam du học Hoa kỳ là 6036 nhưng chỉ đứng hạng 20. Trong số này, 68.3% theo học bậc Cử nhân, 22.3% theo các chương trình Cao học và Tiến sĩ.
Lãnh sự quán Mỹ tại Sài gòn cho biết số sinh viên, học sinh du học Mỹ chiếm một nửa tổng số các sinh viên, học sinh Việt nam du học trên thế giới trong năm 2006.
Khuynh hướng toàn cầu hoá
Nhiều trường ở Âu châu gia tăng sự cạnh tranh bằng cách giảm thiểu chương trình Cử nhân xuống còn 3 năm nhằm quyến rũ sinh viên nước ngoài. Các trường đại học Mỹ đua nhau lấy sinh viên quốc tế vào trường mình vì mục đích kinh doanh (sinh viên du học trả tiền nhiều hơn) cũng như muốn tạo ảnh hưởng và tiếng tăm ra thế giới. Số chỗ còn lại cho sinh viên bản xứ do vậy ít đi, họ bị cạnh tranh mãnh liệt, có khi đành phải quay ra các nước khác du học.
Người Mỹ gốc Hoa đã phàn nàn các đại học Mỹ thiên vị sinh viên đến từ Trung hoa lục địa. Một số chương trình MBA nổi tiếng đã lấy nhiều sinh viên Trung hoa lục địa hơn là sinh viên con em Hoa kiều vốn nổi tiếng là giỏi giang và năng động. Tuy vậy các trường biết rằng thu nhận sinh viên MBA từ Trung hoa sang tuy có học không giỏi nhưng về lâu dài sẽ giữ vị trí lãnh đạo cao tại Trung hoa. Nhờ vậy tiếng tăm và ảnh hưởng của trường được quảng bá sâu rộng hơn. Các đại học, giống như một tổ chức kinh tế, họ nghĩ đến quyền lợi của họ trước.
Về mặt tích cực, toàn cầu hoá trong giáo dục kích thích các sinh viên nước chủ nhà chăm học hơn nhưng cũng có khả năng họ sẽ bị đẩy xuống các đại học ít tiếng tăm vì các sinh viên du học thường giỏi giang và chịu khó. Các trường đại học không còn là độc quyền của công dân sở tại nữa. Sinh viên quốc tế đang ngồi học tại các giảng đường và thực tập trong các phòng thí nghiệm danh giá nhất thế giới. Điều này cũng làm nổi lên một câu hỏi đầy lo lắng của công dân các nước đã phát triển, “Con em chúng ta rồi sẽ ngồi học ở đâu?”
No comments:
Post a Comment