Tuesday, 1 January 2008

21 Thomas Edison và Tình Yêu của Mẹ




Mẹ già như ánh trăng khuya
Dịu dàng soi tỏ bước đi con hiền

Những câu chuyện vui

Lớp học bắt đầu. Tất cả học sinh lắng nghe lời thầy giáo dặn dò ngoại trừ Thomas. Em đang mê mải vẽ hình căn nhà hai tầng của mình trên một mảnh giấy nhỏ.

– “Các em ra ngoài sân xếp hàng tập thể dục.”

– “Thomas, ngoan nào, bỏ bút xuống.” Em vẫn tỏ ra không nghe thầy giáo yêu cầu.

Bỗng nhiên Thomas thấy lớp học im lặng phăng phắc, chẳng còn lại một ai trong lớp. Thầy giáo tiến lại gần nhìn tờ giấy Thomas đang tô mầu.

– “Thomas, cái gì đây em?” Thầy giáo hỏi giọng không vui.

– “Dạ, dạ, đây… là …là … nhà mới của em.” Em hoảng sợ, giọng run run. Ước rằng phải chi mình chú ý đến thầy giáo.

Ngoài việc thiếu tập trung, em còn bị khó khăn khi phát biểu nhưng lại hay nói đủ thứ. Thêm nữa em có tật hỏi linh tinh, cái gì cũng muốn biết nhưng không ăn nhập gì tới bài học. Khi hỏi thì đòi giải thích cho bằng được nhưng khi thầy trả lời lại không lắng tai nghe.

Thầy giáo sau nhiều lần bị em “tra tấn” bắt đầu nghĩ rằng em bất bình thường. Ba tháng tới trường cũng là ba lần đổi trường, mẹ em quyết định đưa em về tự mình dạy con học tại nhà sau khi các thầy cô đã bó tay trong việc giáo dục con mình. Bà tin rằng con bà bình thường như những đứa trẻ khác nhưng sức tưởng tượng mạnh mẽ hơn mà thôi.

– “Làm sao con có thể học được nếu con không tới trường hả mẹ?”

– “Mẹ sẽ dạy con ở nhà. Chúng ta sẽ học tâp vui vẻ thôi”

– “Mẹ đâu có biết làm Toán đâu” Thomas buồn rầu hỏi.

– “Ngày xưa mẹ là cô giáo. Đừng lo, con trai của mẹ.”

Bà ôm chặt con vào lòng, hiểu rằng trong sự thành công của một đứa con, đâu đó, sừng sững cái bóng của người mẹ. Theo quan niệm của bà, giáo dục con cái có thể nhờ cậy những nhà giáo dục chuyên môn nhưng nếu sự việc không diễn tiến như ý muốn thì người mẹ phải tự làm. Thế rồi hai mẹ con học ở nhà. Lúc thì ở ngoài vườn với tiếng chim hát líu lo buổi sáng, lúc thì ở ngoài ban công gió mát lộng với bầu trời xanh. Bản tính Thomas rất tò mò.

– “Con gà nằm cả ngày trên cái ổ làm gì hả mẹ?”

– “Ồ, nó đang ấp trứng.”

– “Thế con ấp trứng được không?”

Bà mẹ phì cười vì câu hỏi của con. Những lời nói ngây ngô đó làm cho lòng bà ấm áp, bà nhắc khéo con đã tới giờ hai mẹ con phải bắt đầu buổi học. Bữa cơm tối không thấy Thomas đâu, cả nhà đổ xô đi kiếm và cuối cùng bà mẹ thấy con đang “thiền” với đôi mắt nhắm lại, miệng phì phò thở ra thở vào chậm chạp kiên nhẫn … ngồi ấp trứng gà!



Cô giáo “Mẹ” và con đường giáo dục

Đóng vai một cô giáo tuyệt vời, bà dành tất cả thời giờ làm việc với Thomas, cho con không chỉ tình yêu thương mà còn cho cái quý báu nhất trên đời là quỹ thời gian của mình.

Trước hết bà tìm hiểu sở thích của Thomas rồi cho con học những gì con vui thích học mà không áp đặt, dồn ép những thứ con không thích. Bà chỉ cho con phương pháp chung đi từ dễ đến khó, đọc những cuốn sách đơn giản trước rồi tới những cuốn về Shakespeare – nhất là nghệ thuật tự làm việc và tự tìm kiếm sách trong thư viên.

Thế là Thomas say mê đọc sách, em nghiền ngẫm sách Sử ký và Văn chương; học thuộc lòng nhiều vở kịch của Shakespeare đến nỗi đã có lúc em tính tới chuyện đi làm diễn viên kịch nghệ nhưng vì giọng nói của em the thé cao và nhất là em quá e thẹn trước đám đông nên cuối cùng em đã bỏ cuộc. Thật may cho nhân loại là Thomas đã không đi đóng kịch!!!

Lên 10 tuổi, mẹ em thử cho em học về Hoá học coi xem em đáp ứng với các môn khoa học tự nhiên như thế nào. Lạ lùng thay, em ít đọc lý thuyết mà chỉ chú trọng tới thực hành và em đã làm tất cả những thí nghiệm trong sách chỉ dẫn. Trước những ống nghiệm được ghi là “chất độc” nằm la liệt khắp tầng hầm của căn nhà bốc mùi nồng nặc, ông bố khó chịu muốn cho con bỏ thí nghiệm bằng cách thưởng tiền mỗi khi con đọc xong một cuốn sách nhưng rồi hễ có tiền em lại phóng đi mua hoá chất mang về nhà mải mê ghi chép, lặp đi lặp lại các thí nghiệm đã được trình bày trong sách giáo khoa.



Khái niệm về ADD

Nếu Thomas Edison sống ở thời đại này, hẳn nhiên ông sẽ bị định bệnh là Attention Deficit Disorder (ADD) – đó là một hội chứng ảnh hưởng ít hay nhiều tới cả triệu người lớn và trẻ em ở Mỹ. Những em bị hội chứng này thường khó tập trung và khó hoà thuận với bạn bè.

Vì không chú ý lắng nghe, tinh thần thơ thẩn lang thang cùng mây gió, lúc nào cũng như một cô gái đang trong tuổi yêu đương, nên luôn luôn “đội sổ” trong lớp học – và do vậy các em có mặc cảm mình là người ngu dốt. Dĩ nhiên, khi một em nghĩ rằng mình là người ngu dốt, em sẵn sàng đứng sau mọi học sinh khác mà không dám cố gắng cạnh tranh để vươn lên cao cho bằng bạn bè.

Nguy hiểm nhất là nếu không được hiểu biết, thông cảm để tìm ra tài năng tiềm ẩn, các em ADD sẽ giữ tình trạng của một người thất bại từ trường học ra trường đời và rơi vào hư hỏng, ngay cả nghiện ngập. May mắn thay, ảnh hưởng của ADD không tồn tại mãi mà sẽ chấm dứt vào một giai đoạn nào đó trong đời khi các em lớn lên.

Nhìn ở một góc cạnh tích cực, thiếu tập trung được giải thích là do các em bận rộn với những tư tưởng riêng giống như Thomas mải mê vẽ căn nhà trong lúc các bạn đang theo một sinh hoạt chung trong lớp. Hành vi nói nhiều, táy máy đủ thứ được coi là do có năng lượng cao dẫn tới tình trạng các em bị ADD rất kiên nhẫn, làm việc không ngừng nghỉ và có sức sáng tạo cao nếu các em khám phá ra ước mơ của mình và được làm công việc yêu thích.

Khác với những em thông minh thường chọn con đường an toàn, thích học làm Bác sĩ, Luật sư, Giáo sư … các em ADD thường thích mạo hiểm, hăng say công việc nên nhiều người thành công ở đỉnh rất cao và trở thành rất nổi tiếng trong văn học, nghệ thuật và ngay cả chính trị.

Về nghệ thuật người ta thấy có Leonardo Da Vinci, Mozart, Beethoven, Walt Disney…; về khoa học có Galileo, hai anh em Wright, Thomas A. Edison, Albert Einstein …; về chính trị có Benjamin Franklin, Thomas Jefferson, Winston Churchill…; về văn học có George Bernard Shaw…



Những điều nên làm

Là cha mẹ của các em này, ngoài việc tuân theo các chỉ dẫn chuyên môn của bác sĩ, phụ huynh phải hiểu các em có tiềm năng để trở thành một người tài năng và vì vậy nên tìm hiểu và cung cấp những cơ hội trong cũng như ngoài học đường để củng cố sức sáng tạo và xây dựng trong các em lòng tự tin vào khả năng thành công của chính mình. Để làm được điều này, phải nhẹ nhàng kiên nhẫn và biết chờ đợi. Do vậy, đứa con ADD rất cần trái tim yêu thương và tấm lòng bao dung của người mẹ.

Bằng hy sinh lâu dài, tận tụy săn sóc và khám phá tài năng của con, mẹ của Thomas Edison đã giúp con thành công. Khi con còn bé, bà luôn luôn khen ngợi con là thông minh trước mặt mọi người. Nhờ vậy Thomas nỗ lực làm việc, tin tưởng vào khả năng của mình.

Thomas Edison là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất, có gần 1100 bằng sáng chế, trong đó đáng kể nhất là bóng đèn điện thắp sáng. Nếu không có ông, tất cả những thành thị bây giờ chỉ là rừng rú tối tăm. Sức làm việc của ông thật phi thường, một ngày ông chỉ ngủ 3,4 giờ đồng hồ, bỏ vợ con ở nhà một mình đến nỗi cô con dâu phải nhờ bà mẹ chồng nhắc khéo.



Như vậy, từ Thomas Edison, chúng ta học được tình yêu vô biên của người mẹ đối với một đứa con quan trọng như thế nào. Ông tâm sự, “Mẹ tôi đã khiến tôi trở thành con người như hôm nay. Bà đã hiểu tôi, để tôi sống và làm việc theo ý thích của mình. Bà rất chân thành và chắc chắn về sự thành công của tôi. Tôi luôn cảm thấy tôi phải sống cho mẹ tôi và tôi không được làm bà thất vọng.”



1 comment:

Lavender said...

Câu chuyện rất cảm động và giàu ý nghĩa giáo dục.
Không cứ phải tới trường và tậu đủ các loại bằng cấp mới tạo những đóng góp đáng kể cho xã hội.