Tuesday, 1 January 2008

66 Legacy: Con Vua Lại Được Làm Vua




Con Nguồn Dinh cá chình cá chép
Con Nguồn Bồ con tép con cua
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa
Bao giờ đất nổi can qua
Con vua thất thế phải ra quét chùa



Gia đình Kennedy bắt đầu hiện diện tại Harvard khi người cha của TT John Kennedy vào đây học năm 1908. Gia đình Bush bắt đầu tại Yale khi người ông của TT George W. Bush nhập học năm 1913. Yale đã giáo dục 4 thế hệ của dòng họ Bush. Trải qua gần 100 năm hai dòng họ này liên tục vào được Yale & Harvard một phần cũng nhờ cha mẹ là cựu sinh viên.

Legacy (di sản) là một chính sách ưu tiên trong tuyển sinh của các đại học ở bậc Cử nhân căn cứ vào quan hệ gia đình: học sinh sẽ được ưu tiên nhận vào trường mà cha mẹ hay ông bà mình đã từng theo học. Chính sách này thành hình vào thập niên 1920 nhằm đối phó với làn sóng sinh viên người Do thái tràn ngập các đại học tư hàng đầu của Hoa kỳ.

Mặc dù các viên chức tuyển sinh của các trường đại học đều cho rằng họ chỉ ưu tiên khi học sinh legacy có cùng phẩm chất với những học sinh “non-legacy” (không có cha mẹ là cựu sinh viên) nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy sự ưu tiên đó mạnh mẽ hơn những gì các trường đã nêu ra. Một báo cáo của Bộ Giáo dục Hoa kỳ cho biết sinh viên legacy của Harvard có SAT trung bình thấp hơn 35 điểm và cũng có GPA thấp hơn so với sinh viên non-legacy.



Một nghiên cứu

Vào năm 2004, Daniel Golden, một phóng viên của tạp chí Wall Street Journal, được giải thưởng Pulitzer – một giải thưởng cao quý nhất về báo chí của Hoa kỳ – cho một bài tường trình về tuyển sinh tại các trường đại học hàng đầu Mỹ liên quan đến con cháu cựu sinh viên (legacy.) Trong đó ông đã dùng lớp ra trường năm 1998 của Trung học Groton (Mass.) để làm chứng cớ cho lập luận của mình.

Groton là một trong những trường nội trú hàng đầu dành cho con em những gia đình giầu có tại Hoa kỳ. Đây đã từng là trường xuất thân cho Tổng thống, Thống đốc tiểu bang và các tài năng thơ văn khác. Học phí và các khoản linh tinh là $40,000 một năm cho năm học 2006 - 2007. Điểm SAT trung bình cho học sinh toàn trường là 2080 (gần 700 cho mỗi môn!) và như vậy vượt trên điểm SAT trung bình của toàn quốc Hoa kỳ chỉ vỏn vẹn có … 569 điểm!

Golden bắt đầu bài viết bằng Henry Park, một học sinh gốc Nam Hàn xếp hạng 14 trong 79 học sinh tốt nghiệp trung học năm 1998 của Gorton. Henry Park có SAT là 1560/1600 (rất cao!!!) nhưng Harvard, Yale, Stanford, MIT rồi ngay cả Brown, Columbia cũng không nhận. Tại sao? Ông so sánh Henry Park với các học sinh khác trong trường để tìm câu trả lời.

Trước hết ông thấy rằng 34 học sinh của trường đã vào được Ivy League (8 đại học nổi tiếng nhất ở miền Đông nước Mỹ gồm Harvard, Yale, Princeton, Penn, Brown, Cornell, Columbia, Dartmouth.) Tỷ số này (43%) rất đáng nể trọng vì những trường trung học bình thường khác chỉ đạt được khoảng 1% - 2% mà thôi. Theo dõi những học sinh đó ông thấy nhiều em được nhận vào có thành tích (thứ hạng trong lớp, SAT, GPA) thấp hơn Henry Park.

Một hiện tượng làm Daniel Golden chú ý: trong số 9 học sinh của Groton nộp đơn vào Stanford chỉ có Margaret Bass duy nhất được nhận. Cô có thứ hạng và điểm SAT thấp hơn Henry Park. Tìm hiểu thêm, ông biết rằng cha của Margaret là cựu sinh viên Cao học Quản trị Thương mại (MBA) của Stanford và đã hiến tặng cho Stanford 25 triệu Mỹ kim vào năm 1992.

Quay sang Harvard, ông nhận thấy có 12 học sinh của Groton được nhận vào trường này, nhiều hơn những trường hàng đầu khác. Trong số đó có 5 em là con cháu cựu sinh viên Harvard và ông tìm thấy Mathew Burr, một học sinh đứng hạng 4, có GPA cao hơn Henry Park nhưng lại chỉ có SAT là 1240. Cha của Burr đã cống hiến hàng triệu Mỹ kim cho Harvard. Burr công nhận rằng mình vào được Harvard do cha cậu là cựu sinh viên.

Qua nhiều bằng chứng, Daniel kết luận: Henry Park không vào được Harvard, Stanford … vì cha mẹ không phải là cựu sinh viên và cũng không hiến tặng cho các đại học nêu trên.

Tương tự, ông cũng xem xét các trường hợp khác không thuộc trường Groton. Chẳng hạn như Jonathan Simmons, một Thủ khoa Trung học, xuất thân từ một gia đình đạo Công giáo, Jonathan nộp đơn vào đại học Notre Dame (trường đạo) nhưng bị từ chối. Thay vào đó Notre Dame thu nhận Kevin Desmond, một học sinh cùng lớp nhưng kém Jonathan về GPA cũng như SAT. Lý do là cha, ông nội, 3 chú của Kevin Desmond đều đi Notre Dame và gia đình này đang bảo trợ cho trường một học bổng.

Vào mùa tuyển sinh năm 2002 Princeton có 466 học sinh là con cháu cựu sinh viên xin nhập học, trường đã nhận 35% trong số này. Tương tự, Harvard nhận 40%, Yale 30% và Stanford 30% học sinh legacy. Trong khi đó tỷ lệ học sinh không có ông bà, cha mẹ là cựu sinh viên trường (non-legacy) được nhận vào chỉ khoảng 10%. Nghĩa là con cháu cựu sinh viên được nhận vào một trường đại học hàng đầu có tỷ lệ cao gấp 3 – 4 lần những em khác.



Legacy tại đại học công lập

Mặc dù đa số trường đại học công lập đã bãi bỏ “legacy”, đại học Virginia vẫn duy trì chính sách này bằng cách đối xử với con cháu của những cựu sinh viên ngoài tiểu bang giống như con em trong tiểu bang. Tiêu chuẩn thu nhận dễ dãi hơn và học phí được nâng đỡ hơn. Con cháu của cựu sinh viên Virginia được thu nhận chiếm tỷ lệ 25%.

Nhờ vậy đại học Virginia đã có được những sinh viên xuất sắc và mang lại cho tiểu bang Virginia nhiều công dân ưu tú vì các sinh viên sau khi tốt nghiệp thường ở lại Virginia làm việc. Hơn nữa những cựu sinh viên ông bà, cha mẹ lại hăng say đóng góp khiến trường đứng vững trong khi những đại học công khác gặp khó khăn do việc cắt bỏ ngân sách.



Những lời bào chữa

Các trường đại học danh tiếng thường phải quyên góp tài chánh, tìm kiếm những đầu mối quen biết, gia tăng xây dựng cơ sở (đường xá, phòng thí nghiệm, hệ thống kỹ thuật … ), thành lập mạng lưới tình nguyện. Ít nhất 1/3 quỹ hoạt động của trường do quỹ hiến tặng của cựu sinh viên tạo nên. Các đại học chỉ có thể trả công cho những cựu sinh viên và cũng là ân nhân bằng cách gia tăng cơ hội được vào trường cho các thế hệ sau – không những con mà cả cháu – của những cựu sinh viên này.

Trưởng ban Tuyển sinh Stanford là Robin Mamlet minh định, “Đặt giả thiết rằng con cháu của cựu sinh viên được thu nhận để kiếm tiền hay nói rằng tất cả những ứng viên này không thể hiện được sự vượt trội là một điều không công bằng và thiếu chính xác.”

Một viên chức Yale cũng bênh vục chính sách “legacy”, “Con em cựu sinh viên không bảo đảm sẽ được nhận vào Yale. Đa số các em mạnh hơn những học sinh khác … Những học sinh này đến từ gia đình có nền giáo dục cao nơi mà cuộc sống văn hoá được tưởng thưởng.”

Quan điểm của Harvard rõ ràng hơn, “Thật đáng chú ý nhiều hơn tới những ứng viên legacy vì điều này làm cho các cựu sinh viên quan tâm hơn tới cộng đồng (Harvard.)”

Gia đình em Henry Park sau khi phàn nàn về tình trạng legacy cũng cho biết rằng: ngay khi nộp đơn đại học, các cố vấn (counselors) của Trung học Groton đã cho rằng em rất khó vào được Harvard, Stanford … vì không có gì nổi bật (stand out.) Điểm (GPA, SAT, thứ hạng trong lớp … ) là phần rất quan trọng nhưng không phải là tất cả trong tuyển sinh. Đó chính là chỗ yếu kém trong bài viết của Daniel Golden vì ông chỉ chú ý vào điểm. Henry Park sau đó đi học trường Johns Hopkins, một đại học thuộc “top 20” danh giá của Mỹ.



Cuối cùng, có một “bí mật” không được nói ra. Giống như các cô gái, đại học ghét nhất những học sinh – được ví như chàng trai – tìm đủ mọi cách cầu hôn cho đến khi cô gái gật đầu thì lại bỏ đi … theo cô khác vì “của hồi môn” tức là học bổng ở chỗ khác hậu hĩ hơn. Các đại học từ chối nhiều học sinh nhưng họ cũng sợ học sinh từ chối ngược lại làm trường tụt hạng. Đợt tuyển sinh năm 2004 Harvard nhận 2029 tân sinh viên cho 1650 chỗ, họ dự trù sẽ có 379 tân sinh viên tức gần 1/4 số sinh viên ghi danh theo học bỏ đi trường khác. Do vậy thu nhận con cháu cựu sinh viên chẳng phải là một phương cách an toàn nhất hay sao? Không mấy khi một sinh viên legacy lại từ chối trường đại học danh giá mà cha mẹ đã đi học ở đó.

No comments: