Tuesday, 1 January 2008

29 Nghĩ Như Con Nghĩ




Con cái khôn ngoan vẻ vang cha mẹ
Con cái ngu dại tổn hại ông cha
Máu gà thì tẩm xương gà
Máu người đem tẩm xương ta bao giờ



Trong việc giáo dục, nhiều khi cha mẹ phải đặt mình vào hoàn cảnh của con cái để tìm cách thông cảm và chia sẻ với những ý nghĩ của chúng. Có nhiều trường hợp cha mẹ không hoàn toàn tiên đoán được ý con nên vô tình đẩy chúng về phía đối nghịch với ý muốn tốt đẹp của mình.

Để có thể giáo dục được con cái một cách hiệu quả, cha mẹ nên hiểu đâu là những giá trị con cái đặt làm nền tảng cho suy nghĩ của chúng mà nhiều khi khác hẳn với cách suy nghĩ của người lớn chúng ta.



Chấp nhận rủi ro

Đây là đặc tính của những người trẻ tuổi. Họ thường mạo hiểm, sáng tạo và khai phá tìm những đường hướng mới. Và dĩ nhiên điều này lại càng đúng hơn nữa cho giới trẻ trưởng thành trên đất Mỹ. Trường học thường khuyến khích học sinh chấp nhận rủi ro (taking risk) và học tập từ những thất bại, nếu có, của sự mạo hiểm này.

Những bậc làm cha mẹ do phải nuôi nấng con cái và bảo vệ gia đình nên cầu mong sự an toàn là lẽ dĩ nhiên, nhất là những người có tuổi. Do vậy khi thấy con cái đi ra ngoài đường hướng “ăn chắc mặc bền” thì cha mẹ bắt đầu lo lắng, không muốn chúng vấp ngã nên đôi khi ra sức ngăn cản những ước mơ hay những điều con cái trông đợi – đó có thể là một tình yêu, một chọn lựa nghề nghiệp hay đơn giản hơn, một kỳ đi nghỉ hè xa. Những em có nhiều năng lực làm việc thường thích phiêu lưu, kết quả không phải lúc nào cũng thành công nhưng không có nghĩa là luôn luôn thất bại.

Nhiều người còn nhớ Chloe Đào, người thắng cuộc thi thời trang Project Runway. Cô đã theo học ngành Thương mại (Business) tại University of Houston theo ước mong của cha mẹ. Nhưng sau ba mùa học (semesters) cô bỏ ngang đi qua mãi tận New York học thời trang rồi làm việc tại đó trong 8 năm trước khi trở về Texas mở riêng cơ sở thương mại cho mình. Nhờ vào việc chấp nhận rủi ro (học ngành mình thích, đi xa ..) cô đã được dịp toả sáng cùng với ước mơ của mình.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Forbes, một trong những tạp chí hàng đầu của Mỹ đăng ngày 13/03/06 cô đã tuyên bố rằng, “Tôi không bao giờ sợ thất bại.” Quả đúng như vậy, mẫu người năng nổ như cô không sợ hãi bất cứ điều gì. Họ chấp nhận rủi ro và vươn cao tới những bầu trời mơ uớc. Nếu không có cơ hội được thử nghiệm những định hướng trong nghề nghiệp, các em không có được đam mê cũng như không có được những vốn sống thực tiễn chỉ có được bằng từng trải thực tế trên đường đời.

Khi con cái ấp ủ những toan tính hay những đường hướng riêng, cha mẹ không nên đứng ra cản đường mà nên phân tích, giúp đỡ ý kiến và ủng hộ con đường con cái lựa chọn. Nếu có sự mâu thuẫn giữa ý kiến của cha mẹ và con cái, hãy để tự chúng quyết định và học tập nhận lãnh trách nhiệm từ những quyết định đó.



Thử những cái mới

Khi đi mua xe, chúng ta thường chọn Toyota hay Honda; khi đi ăn chúng ta thường chọn những nhà hàng quen thuộc. Thói quen đó được đúc kết từ những kinh nghiệm rút ra trong quá khứ mà đôi khi chúng ta phải trả một giá đắt mới có được. Tuy nhiên đối với những người sinh ra hay trưởng thành tại Mỹ họ rất thích thử những kiểu xe mới hay những món ăn mới. Tổng thống Bill Clinton đã thưởng thức hai tô phở (chắc là không phải hai tô xe lửa) trong thời gian thăm viếng Việt nam lần đầu!!!

Dĩ nhiên các con em chúng ta rồi cũng có ý thích thử những cái mới tương tự như thế.

Một số người lớn không thích thử những cái mới, một phần có thể do không quen, một phần có thể do sợ thất bại. Chắc đã có lần chúng ta đi chung xe với những người trẻ tuổi được nghe họ nói, “Hôm nay lái xe đi thử con đường này thấy đẹp quá!”

Con người càng có tuổi càng gắn bó hơn với những suy nghĩ cũ và thói quen cũ; điều này thật ra chẳng có gì không tốt. Tuy nhiên cũng chính vì vậy, nó ngăn cản cha mẹ tiếp cận với những quan niệm mới mà con cái học tập từ ngoài xã hội. Khi cha mẹ lên tiếng phê bình lối sống mới mà con cái đang có, khoảng cách giữa hai thế hệ trở lên lớn dần và tạo ra những căng thẳng không cần thiết.

Một em học sinh nữ mặc một kiểu quần áo mới khi được mẹ nhắc nhở thường tỏ dấu không hài lòng. Bà không hiểu rằng làm sao một em ở tuổi 18 lại ăn mặc giống như một bà 40 tuổi được. Nếu cháu mặc giống như bà thì tới trường làm sao cháu có bạn cho được.

Xin chấp nhận những tiểu tiết trong ăn mặc, đầu tóc hay kiểu xe của con cái. Tất cả những cái đó chỉ là chuyện tạm thời. Khi chúng ra trường, đi làm việc, tất cả sẽ đâu vào đó và sẽ ổn định thôi. Lúc đó quý vị phụ huynh sẽ thấy con cái mình quần áo chỉnh tề.

Trước khi lên tiếng can ngăn con cái một điều gì, người lớn chúng ta hãy tự hỏi mình:

  • Việc này có đủ quan trọng để lên tiếng không?
  • Nếu lên tiếng có thay đổi được kết quả sự việc không?



Tại sao tôi phải cười nói nếu tôi không vui?

Khuynh hướng cá nhân của xã hội Âu Mỹ ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống các em. Đem con cái tới Mỹ, nhiều cha mẹ cố gắng dạy dỗ những giá trị về gia đình thì họ cũng đồng thời phải dung hoà khuynh hướng cá nhân các em học tập từ môi trường xã hôi cũng như học đường. Cố gắng của chúng ta là giúp chúng phát triển thành người tốt, nói khác đi biết lấy những cái hay đẹp của hai nền văn hoá tổng hợp lại và dùng cho riêng mình.

Khuynh hướng cá nhân thể hiện rõ nét nhất theo quan niệm “vui vẻ” (happiness.) Nếu không vui các em thấy không cần thiết phải làm, không ai có thể bắt buộc. Khi một em không thích một người nào đó thì em biểu lộ ngay bằng cách tránh mặt lúc người đó tới. Bắt các em đóng bộ mặt giả tạo chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề.

Do vậy người lớn chúng ta nên tạo ra một bầu không khí thoải mái vui vẻ khi nói chuyện với các em, tránh đưa chuyện học hành của con em ra bàn cãi trước mặt chúng và nhất là tránh tự tiện phê bình về một mặt riêng tư nào đó của đời sống các em.

Có những điều cha mẹ tưởng là bình thường nhưng đối với con cái là riêng tư, chẳng hạn nói về điểm cháu đạt được khi tới trường học. Cha mẹ trong khi nói chuyện với người khác nên tế nhị không nên phê phán về điểm của con mình khi có mặt chúng.

Một khác biệt nữa là các bậc làm cha mẹ thường muốn con cái phải vâng lời gần như tuyệt đối. Nền văn hoá Mỹ dạy các em bàn cãi, thảo luận mọi vấn đề, không thể vâng lời một cách vô điều kiện. Do vậy phụ huynh nên học phương thức thuyết phục hơn là áp đặt, luôn tìm hiểu quan điểm của con cái để có thể hướng dẫn chúng tốt hơn. Nhất là đừng nên cảm thấy khó chịu khi phải ra công cố gắng giải thích. Luôn luôn kiên nhẫn, nói chậm và mỉn cười khi thuyết phục con cái. Nổi nóng sẽ không đạt được kết quả gì mà chỉ làm hư tất cả.



Để giúp con cái thành công, phụ huynh chúng ta đứng trước nhiều thách đố hơn khi sống tại Việt nam. Cha mẹ ngày nay phải đụng chạm không những giữa sự khác biệt về thời gian (chênh lệch tuổi tác), không gian (ở hai nơi chốn với hai nền văn hoá khác nhau) mà còn cả về cách diễn đạt ngôn ngữ (các em sinh tại Mỹ không hoàn toàn hiểu những gì cha mẹ muốn nói!) Do vậy vì lợi ích con cái, chúng ta nên hy sinh thay đổi chính mình, suy nghĩ theo cách của con cái để đạt được mục tiêu giáo dục.Sự thay đổi này sẽ khó khăn lúc ban đầu nhưng rồi sẽ dần dần trở nên dễ dàng và nhất là quý vị phụ huynh sẽ càng ngày càng trẻ trung theo những suy nghĩ mới mẻ của mình.

No comments: