Tuesday, 1 January 2008

49 Áp Lực Gia Đình







Một thí dụ về áp lực gia đình

Kim, một cô gái 18 tuổi, tốt nghiệp trường Trung học Troy thuộc thành phố Fullerton, một trong những trường Trung học tốt nhất của California tại Orange County năm 2006.

Mùa thu kế tiếp người ta thấy Kim trong khuôn viên trường đại học Stanford. Em mang sách vở, ôn thi, sinh sống tại dorm (khu đại học xá) giống nhu nhiều sinh viên khác. Khi gần hết niên học trường mới khám phá ra Kim không phải là sinh viên thực thụ của Stanford.

Bắt đầu Kim bịa ra vì lý do kỹ thuật nên em chưa có phòng, thế là các bạn đồng ý cho em ở chung. Vấn đề là muốn vào được phòng, em phải có chìa khoá mở cửa dorm và chìa khoá mở cửa phòng. Thế là vì không có chìa khoá em phải đột nhập vào phòng bằng cách trèo qua cửa sổ. Nếu các bạn chung phòng vô tình đóng cửa sổ lại, không biết em sẽ ra sao giữa mùa Đông lạnh giá?

Trong suốt những tháng ngày tại Stanford, Kim không vào trong giảng đường học nhưng biết rành rẽ ngày giờ thi cử và ngay cả bàn cãi về những môn sắp thi. Em đã phải rất tài tình để thu lượm những thông tin này. Người ta thấy em miệt mài học tập những khi có finals (thi cuối khoá) chỉ nhằm mục đích duy nhất: chứng minh mình là sinh viên Stanford cho cha mẹ vui lòng.

Bạn bè em cho rằng: do áp lực gia đình muốn em phải học thật giỏi sao cho được nhận vào Stanford nên đã khiến em phải trải qua một thời kỳ “đóng kịch” dài đằng đẵng và nhiều hồi hộp, lo âu đến như vậy. Làm cha mẹ có ai muốn đặt con mình vào trường hợp đau lòng đó không?


Những áp lực căn bản

Đối với nhiều thanh thiếu niên gốc Việt, người ta thường thấy 3 áp lực căn bản: học hành, chọn lựa nghề nghiệp tương lai và phát triển lối sống riêng.

  • Về việc học hành:
    Một số nhỏ phụ huynh không quan tâm đủ để con em mình trở nên người toàn diện hay tìm kiếm những con đường tốt nhất để phát triển thành người tử tế mà là làm sao có được điểm cao nhất trong các môn học. Chính vì vậy họ cảm thấy hụt hẫng khi điểm con không đạt được mức cao nhất.

Một số cha mẹ đã vô tình, lãnh đạm không kể đến những cố gắng cao của các em hay thậm chí không biết tìm cách chia sẻ những khó khăn mà các em thường gặp. Một em phàn nàn rằng, “Cùng điểm B của môn Vật lý, những em thuộc sắc tộc khác hãnh diện vì “được” B nhưng cha mẹ em buồn vì “bị” B.” Những đòi hỏi toàn hảo làm mất đi hứng thú khám phá trong định hướng tương lai. Tốt hơn nếu quý vị phụ huynh hiểu rằng mỗi em được cấu thành với tài năng khác nhau.

Xin đừng quên ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân Âu Mỹ. Khi tới trường học, các em học sinh luôn được giáo dục phải nghĩ cho mình và làm cho mình. Dĩ nhiên điều này không hoàn toàn tốt. Các em không hiểu được tại sao lại phải cố gắng học hành cho vinh dự gia đình mà không phải cho chính mình. Phụ huynh nên dùng ý thức cá nhân trong việc giáo dục con em, nhấn mạnh đến sự nghiệp tương lai của chính các em hơn là phải học hay phải làm vì vinh dự gia đình hay vì điều gì khác.

Ngoài ra, các em cũng cảm thấy gánh nặng từ trường học. Bạn bè, thầy cô tại Hoa kỳ thường coi các em Việt nam là thông minh, chịu khó học tập. Nhiều khi những kết quả trên trung bình có thể chấp nhận được cho học sinh nói chung lại thường bị diễn đạt là một kết quả không tốt đối với các em gốc Việt. Đây là áp lực thứ hai mà quý vị phụ huynh nên thông cảm chia sẻ.

  • Về mặt nghề nghiệp:
    Các em được khuyên bảo chọn lựa nghề nghiệp dựa theo hai tiêu chuẩn là công việc làm ra nhiều tiền và ổn định. Khi chọn chuyên ngành trên đại học, các em sợ hãi khi phải học những nghề nghiệp mình thích thú nhưng ngược với mong muốn của gia đình. Thật ra có khá nhiều nghề (mà gia đình mong muốn) các em có thể không thích học mà cũng có thể không đủ khả năng theo học nên "lực bất tòng tâm."

Người lớn chúng ta nên chú ý tới hai điều này và chấp nhận những lựa chọn có cân nhắc của con cái. Nên để con em chọn lựa những nghề chúng vui thích.

  • Về lối sống:
    Một số cha mẹ đã không cho con cái sự hỗ trợ về mặt tình cảm trước những khó khăn tại học đường mà chỉ muốn nghe duy nhất một điều là con mình phải thành công và được điểm cao. Nhiều em phải đối diện với áp lực, cấm cản từ gia đình về phương diện tâm lý như không được có bạn trai, bạn gái khi còn đi học … Do vậy, những bạn trẻ đó cảm thấy lưỡng lự khi phải nói về đời sống tình cảm cá nhân (có bạn trai, bạn gái), sợ rằng sẽ làm gia đình thất vọng và đối diện với những lời khiển trách. Người lớn nên mở rộng suy nghĩ cho con tâm sự những vui buồn.

Theo truyền thống Việt nam, các em nữ thường bị theo dõi chặt chẽ, hạn chế về giờ giấc hơn. Cứ như thế, các em cảm thấy một gánh nặng của văn hoá gia đình nếu chỉ được giáo dục bằng ngăn cấm răn đe. Hãy kiên nhẫn giải thích cho chúng biết chọn lựa những quyết định khôn ngoan.


Những điều nên làm

Các bậc làm cha mẹ gốc Việt nên làm quen với những tiêu chuẩn chung tại Hoa kỳ bằng cách chấp nhận một xã hội đa văn hoá với một số khác biệt. Mặc dù một số cha mẹ bỏ công sức ra giáo dục con cái về giá trị cao quý của gia đình và tôn giáo mình, họ đã không chỉ ra được cho con em những liên hệ tích cực rộng lớn hơn ngoài xã hội. Hãy khuyến khích con em mở rộng phạm vi giao tiếp tới những em thuộc cộng đồng khác. Nên nhấn mạnh vấn đề tìm được bạn tốt hơn là quan tâm đến những yếu tố phụ thuộc. Cuộc sống thường dễ dàng hơn đối với người biết sống cởi mở.

Sau nữa cha mẹ nên biết nói chuyện “hai chiều” – nghĩa là biết lắng nghe con nói, đừng chỉ ra mệnh lệnh vì sẽ không thành công. Hãy cho con cái trình bày những suy nghĩ của chúng và đặt mình vào trường hợp của người trẻ để hiểu vấn đế. Xin đừng đẩy các em vào đường cùng, nếu không các em chỉ còn một lối thoát duy nhất hoặc là cãi lại hoặc là lẳng lặng giả vờ nghe cho xong chuyện rồi âm thầm làm theo ý riêng. Và do vậy những xung đột giữa hai thế hệ sẽ nặng nề chồng chất.

Nếu bị áp lực liên tục không tìm thấy lối thoát, các em nam có thể trở nên nổi loạn như uống rượu, dùng xì ke ma túy, các em nữ có thể bị trầm cảm dẫn đến những quyết định sai lầm …

Kế tiếp, nên chấp nhận một số sai lầm (mistakes) trong tiến trình "tìm thử" của con. Thí dụ có em không giỏi các môn Khoa học nhưng lại muốn thử học. Xin để em có cơ hội cho dù sau đó em không được điểm cao. Quý vị phụ huynh hãy biết cách đưa ra những tín hiệu tích cực bằng cách chấp nhận những sai lầm và đừng diễn đạt sai lầm của con cái như một điều buồn tủi cho gia đình. Trong trường hợp này sai lầm được coi như một trong những bước tích cực trong tiến trình học tập.

Cuối cùng, nên mở rộng hiểu biết về vai trò của cha mẹ. Nhiều gia đình Việt nam đứng trước một thách đố căn bản đó là sự hiểu biết giới hạn của cha mẹ. Làm sao có thể biết cách giáo dục con nếu không được học hỏi phương thức giáo dục và mở rộng cửa cho những giải pháp giáo dục khác?


Mục đích tối cao của giáo dục là đào tạo được một con người tử tế trước khi là một con người thành công. Nghĩ như vậy cha mẹ sẽ thanh thản hơn trước những thử thách trong vai trò làm cha mẹ. Những áp lực từ gia đình là một điều cần nên xem xét lại. Nếu đó là áp lực tiêu cực như bắt con chọn một nghề nghiệp nó không thích thì cần phải loại bỏ. Hãy coi những cố gắng của các em quan trọng hơn thành quả đạt được. Niềm hãnh diện đích thực là thấy được các em trở nên người tốt, biết lo lắng cho chính mình và có được mối tương giao hiểu biết với mọi người trong gia đình và ngoài xã hội.

No comments: