
Vào đầu tháng 11 các trường trong hệ thống UC (University of California) như UC Berkeley, UCLA, UC San Diego, UC Irvine … bắt đầu gửi ra mẫu đơn và nhận đơn xin vào các trường đại học của họ. Trong đó, luận văn (essay) là một phần chiếm nhiều thời gian của học sinh và nên được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Trong cuộc chạy đua khít khao giữa các học sinh, mỗi cố gắng đều làm tăng cơ hội cho mình khi phải cạnh tranh với chúng bạn. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng luận văn chỉ giúp ích cho người bệnh (học sinh có thành tích hơi yếu hơn những em khác) mà không thể cứu sống một người chết (học sinh có thành tích quá kém cỏi.)
Học sinh thường lợi dụng bài luận văn hoặc để nhấn mạnh vào một thành tích ngoài trường học hoặc để bào chữa cho một khuyết điểm. Một số khác dùng luận văn để bày tỏ suy nghĩ cá nhân. Tuy vậy phần đông các em thường kết hợp các yếu tố này trong luận văn.
Trước khi bắt đầu viết, hãy xem xét tất cả những gì đã làm tại học đường, nơi làm việc, công tác thiện nguyện, lãnh đạo chỉ huy, sân chơi thể thao, khen thưởng, hoàn cảnh gia đình … rồi cân nhắc, chọn lựa đề tài có lợi nhất cho mình để viết.
Nếu muốn được nhận vào một trường vì giỏi thể thao, học sinh có thể kể một trận thi đấu em đoạt giải vô địch. Ngược lại, một em không may mắn bị điểm D môn Giải tích (Calculus) thì nên dùng phần này để giải thích. Hãy tự hỏi, “Nếu tôi là người trong ban tuyển sinh, khi đọc hồ sơ này tôi sẽ chú ý tới điều gì?”
Với một học sinh bình thường, đề tài dễ viết nhất vẫn là về những gì gần gũi trong đời sống thực tại học đường hay gia đình … Trong khi viết cần thêm những chi tiết cá nhân cũng như ước mơ, hy vọng riêng để nhà trường có đầy đủ bức tranh nhiều mầu sắc về mình.
Hãy dùng một câu truyện “làm nền.” Trong bài luận văn làm thí dụ dưới đây, em học sinh đã dùng bức tranh và ước mơ khi mới sang Mỹ để khai triển bài luận văn của mình.
Cuối cùng, phải làm cho trường đại học tin tưởng rằng mình sẽ theo học khi được nhận vào. Các trường đại học, đặc biệt là trường tư, có những phương pháp đánh giá việc này. Dưới đây là bài luận văn của một em học sinh với đề tài:
Bạn có gì về chính mình hay về việc học hành muốn chia sẻ với chúng tôi mà chưa có dịp đề cập trong đơn xin?
Chúng tôi đã được phép tác giả dịch qua tiếng Việt và dùng làm thí dụ cho những nhận định nhằm giúp các em khác có một khái niệm sơ khởi về một bài luận văn.
Bức Tranh và Ước Mơ
Nhận xétNhững bức tranh thời thơ ấu thường diễn đạt một số ước mơ khi trưởng thành. Tôi đến Mỹ lúc được 10 tuổi với buồn vui lẫn lộn: hăm hở trước một chân trời mới nhưng vẫn nhớ bạn bè cũ tại Việt nam. Biết được tâm trạng đó Mẹ tôi đưa hộp bút chì mầu bảo tôi vẽ những gì mong đợi nơi xứ sở mới mẻ này. Tôi đã vẽ bộ quần áo sặc sỡ mầu sắc bên cạnh con búp bê mắt mở to và một căn nhà sát với một công viên đầy cỏ xanh. Nước Mỹ thật thần tiên đẹp đẽ!
Tuổi thơ tôi đầy ắp niềm vui. Là con gái duy nhất trong gia đình có hai người con, tôi được Mẹ mua cho nhiều quần áo mới và búp bê như mong ước. Tôi đi học và có nhiều bạn bè. Vùng đất mới khiến tôi mau chóng quên đi nỗi nhớ về vùng đất cũ.
Tuy vậy Ba Mẹ tôi không được may mắn lắm. Hai năm trước ba tôi bị liệt nửa người sau một tai nạn xe cộ. Tôi bị chấn động mạnh vì biến cố đó và phải thường xuyên nghỉ học để gần gũi Ba tôi nhiều hơn. Gánh nặng kinh tế gia đình do vậy đổ dồn vào Mẹ tôi. Bà vừa chăm sóc Ba tôi vừa đi làm nghề móng tay và hay bị ngứa ngáy do hoá chất làm việc. Mỗi tối, nhìn bà gãi tay tôi cảm thấy như trái tim mình đang bị cào xước.
Để đối phó với khó khăn tài chánh, gia đình tôi xin trợ cấp về nhà ở. Chúng tôi xin được một căn nhà ấm cúng nhưng phải đối phó với những bất tiện của môi trường chung quanh: tiếng nhạc chát chúa chen lẫn tiếng cãi nhau của hàng xóm, xe Má tôi bị đập vỡ kính … Con người ở đây không muốn vẽ những ước mơ, họ trở nên ầm ĩ và bạo động.
Mỗi đêm, nằm một mình trên giường ngủ, tôi ước mong có một căn nhà riêng với phòng vệ sinh rộng rãi để chiếc xe lăn của Ba tôi không phải xê dịch khó khăn và một cái garage cho Mẹ tôi để xe. Bức tranh nguệch ngoạc xưa kia được tôi treo trên đầu giường sáng rõ hơn dưới cái đèn ngủ mù mờ như nhắc nhở tôi về một căn nhà mơ ước. Tận trong đáy lòng, tôi mong có một không gian yên tĩnh để vừa học vừa có thêm thời giờ chăm sóc Ba tôi.
Tôi cao hơn theo dòng thời gian. Ước mơ cũng theo đó lớn dần lên. Căn nhà nhỏ cho gia đình chỉ là điểm khởi đầu. Tôi muốn xây dựng nhiều khu phố, nhiều toà nhà để lưu lại dấu ấn cho mình. Và tôi bắt đầu săn lùng những đại học có thể giúp tôi thực hiện ước mơ đó.
Tôi đã tìm thấy trường đại học X cung cấp cho sinh viên cơ hội học tập về ngành Kiến trúc và Thiết kế Đô thị. Ý định của tôi là hoàn tất Cử nhân, ra làm việc khoảng 3 – 5 năm và quay lại học tiếp PhD. Đại học X thích hợp với tôi vì có một chương trình tốt về chuyên ngành tôi định theo và gần nhà nên tôi dễ dàng về thăm gia đình trong các ngày nghỉ.
Rồi tôi sẽ từ giã gia đình để đi học đại học. Nơi chốn mới sẽ có những ước mơ mới và bức tranh mới. Tuy nhiên tôi vẫn sẽ treo bức tranh cũ kỹ đã ngả mầu vàng ố kia trong phòng mình để nuôi nấng ước nguyện là xây dựng căn nhà đầu tay cho Ba Mẹ tôi.
Bức tranh vẽ khi mới qua Mỹ được dùng làm nền cho truyện kể. Chi tiết cá nhân và gia đình được mô tả đậm nét trong nhiều đoạn văn. Người đọc thật sự hình dung được hoàn cảnh cá nhân. Qua đó thấy rõ em quan tâm tới gia đình, ước mơ và công việc học tập.
Bài luận văn bằng tiếng Anh có chiều dài 599 chữ. Tác giả đã tận dụng hết giới hạn cho phép (600 chữ.) Số lượng chữ, nội dung, cách hành văn sẽ khiến ban tuyển mộ sinh viên tin rằng em chuẩn bị bài luận văn công phu và thực sự muốn ngôi trường của họ.
Bức tranh, ước mơ, căn nhà, ngành Kiến trúc, đại học định đi … theo thứ tự được đưa dần dần vào câu truyện với nhiều chi tiết làm rung động người đọc.
Em đã dùng bài luận văn giải thích tại sao mình nghỉ học nhiều giờ năm lớp 10 do phải săn sóc Ba em bị tai nạn. Chắc là transcript (học bạ) của em ghi nhiều giờ nghỉ hay có một số điểm không được tốt trong năm này (?) Em đã đề cập tới khuyết điểm một cách sơ lược, vắn tắt. Ban tuyển sinh thường không thích đọc phần này nếu kéo dài lê thê trong bài luận văn.
Kế hoạch tương lai (học Cử nhân xong, đi làm rồi quay lại học PhD), lời giải thích lý do đại học X “xứng đôi” (match) với mình (có chương trình tốt về Kiến trúc, gần nhà, tìm hiểu đã lâu) được trình bày cặn kẽ. Đây là phần các đại học rất lưu ý.
Sau cùng xin để ý đến một số “đinh vàng” tức là những nhận xét em gắn vào bài luận văn khiến nó trở nên thích thú hơn như: “Vùng đất mới khiến tôi mau chóng quên đi nỗi nhớ về vùng đất cũ” hoặc “Nhìn bà gãi tay tôi cảm thấy như trái tim mình đang bị cào xước …”
Luận văn tự nó không đủ sức mạnh để giúp một sinh viên vào đại học mong muốn nhưng chắc chắn nó có thể khiến học sinh đó bị loại khỏi cuộc đua. Nếu không toàn tâm toàn ý khi viết, ban tuyển sinh của trường mình mong muốn sẽ dễ dàng hiểu lầm rằng học sinh chỉ coi trường của họ là chọn lựa thứ hai và như vậy kết quả thế nào không khó để tiên đoán.
No comments:
Post a Comment