
Một câu chuyện vui
Khoảng 120 năm trước đây, một người đàn bà mặc bộ quần áo vải bạc mầu cùng với người chồng trong trang phục đơn giản bước xuống nhà ga xe lửa Boston rồi lặng lẽ đi về đại học Harvard mà không làm hẹn trước với văn phòng Viện trưởng của trường. Với cung cách ăn mặc như vậy, cô thư ký văn phòng cho rằng đôi vợ chồng chắc chẳng phải là những nhân vật quan trọng để nói chuyện với ông Viện trưởng.
Cô làm ngơ bỏ mặc họ trong nhiều giờ, hy vọng họ nản chí bỏ đi nhưng trái lại họ vẫn kiên nhẫn chờ đợi ở hàng ghế bên ngoài. Đến nước này cô chỉ còn cách xin vị Viện trưởng ra ngoài nói vài lời vì sẽ mất nhiều thời giờ hơn nếu để họ vào văn phòng.
Ngay khi gặp ông Viện trưởng, người đàn bà liền nhanh nhẩu nói:
- “Chúng tôi có một đứa con đã học ở Harvard một năm. Cháu rất thích Harvard và đã sống vui vẻ ở đây. Cách đây một năm cháu chẳng may vô tình bị giết. Chúng tôi muốn xây dựng một cái gì đó trong khu vực trường để tưởng nhớ cháu.”
Vị Viện trưởng không hề xúc động về tin buồn này, ông lạnh lùng nói:
- “Thưa bà chúng tôi không thể dựng một tượng đài cho tất cả những ai học ở Harvard rồi chết. Nếu làm vậy có lẽ Harvard sẽ trở thành một cái nghĩa địa.”
- “Ồ không! Chúng tôi không muốn dựng một cái tượng đài mà chỉ muốn tặng cho Harvard một toà nhà (building.)” Người đàn bà vội vàng đính chính.
- “Một toà nhà ư? Bà có biết một toà nhà trị giá bao nhiêu không? Về cơ sở vật chất trường Harvard trị giá hơn bảy triệu rưỡi đô la đấy.” (Dĩ nhiên đó là thời giá hơn một thế kỷ trước.) Ông liếc nhìn cách ăn mặc của hai người khách rồi mỉn cười.
Người đàn bà im lặng suy nghĩ. Ông Viện trưởng vui lòng vì giờ đây ông không phải bận tâm về họ nữa. Những con số dường như đã làm đôi vợ chồng này sợ hãi.
- “Mở một đại học chỉ cần bằng đó thôi sao? Thế thì tại sao chúng ta không mở một cái riêng cho mình.” Người đàn bà nhẩn nha quay về phía chồng đề nghị.
Người chồng không nói gì, chỉ lặng lẽ gật đầu; đó chính là Thượng nghị sĩ liên bang, cựu Thống đốc California, một nhà tài phiệt giầu có thời đó: Luật sư Leland Stanford. Sau này ông sáng lập ra đại học Stanford ở California.
Câu chuyện trên đã bị cả hai Viện đại học Harvard và Stanford đính chính và cho rằng đó chỉ là chuyện bịa đặt.
Lịch sử trường
Harvard toạ lạc tại Cambridge, Massachusetts, do các nhà truyền giáo thành lập vào năm 1636 như là một chủng viện để đào tạo các tu sĩ tương lai cho đạo Thanh giáo (Puritan.) Ba năm sau (1639) trường được chính thức mang tên là Harvard để ghi nhớ công ơn của John Harvard, một giáo sĩ đã trao tặng tiền bạc xây dựng trường cùng khoảng 400 quyển sách cho thư viện. Hiện nay thư viện này lớn hạng thứ tư trên thế giới. Harvard cũng đồng thời là một trường đại học lâu đời nhất của Hoa kỳ với tổng quỹ hiến tặng khoảng 34.5 tỷ Mỹ kim (2008) – giầu nhất trong các trưòng đại học trên toàn thế giới.
Harvard có 2,300 giáo sư, 6,650 sinh viên ban Cử nhân và 13,000 sinh viên theo học Y, Luật, MBA hay PhD về các ngành. Trường đang thay đổi về giáo dục phổ thông (General Education) nhằm nhấn mạnh giá trị tôn giáo, khoa học và văn hoá thế giới để gia tăng hiểu biết giữa những quốc gia – sau khi bị phê phán là không chuẩn bị đủ cho sinh viên sống với những thay đổi của một thế giới thực bên ngoài học đường.
Harvard là đại học số 1 của Hoa kỳ và thế giới dù có xếp hạng theo tiêu chuẩn nào đi nữa. U.S News & World Report đã bị chỉ trích vì dám “cả gan” xếp Harvard hạng 2 sau Princeton!
Trong lúc đang giảng dạy và nghiên cứu tại đây, đã có hơn 40 giáo sư được giải thưởng Nobel. Trường đã cho ra đời 8 vị Tổng thống Hoa kỳ (John Adams, John Quincy Adams, Theodore và Franklin Delano Roosevelt, Rutherford B. Hayes, John F. Kennedy, George W. Bush) (*) và biết bao nhân tài thuộc đủ mọi lãnh vực khác nhau. Các cựu sinh viên của Harvard được nhìn thấy ở mọi chức vụ quan trọng.
Gần Harvard là MIT (Viện Kỹ thuật Massachusettes.) Năm 1900 đã có dự án sát nhập hai trường nhưng nỗ lực đó đã không thành công. Ngày nay sinh viên hai trường có thể theo học những lớp của nhau mà không phải trả học phí thêm. Hiện nay trường Y khoa Harvard cũng liên kết với MIT để mở thêm chương trình liên kết MD/PhD với chương trình MD (TIến sĩ Y khoa) tại Harvard và PhD (Tiến sĩ ) tại MIT.
Vấn đề tuyển sinh
Hiện nay Harvard mở rông vòng tay đón nhận con em những gia đình có lợi tức thấp. Con em những gia đình có lợi tức dưới $60,000 sẽ được cung cấp học bổng toàn phần. Harvard không cung cấp học bổng cho học sinh giỏi (Merit Scholarship) vì họ có nhiều nguồn cung cấp nhân tài.
Harvard cũng như gần 300 đại học khác nhận đơn theo mẫu chung (Common Application) duy nhất nhằm tránh rắc rối và phiền hà cho các học sinh trong tiến trình nộp đơn vào đại học và cũng đồng thời giúp trường gia tăng số lượng học sinh nộp đơn xin học (để trường có thứ hạng cao và có sự rộng rãi trong chọn lựa.) Dĩ nhiên trường cũng có mẫu đơn bổ túc (Supplemental Application) đòi hỏi phải nộp thêm nhằm đáp ứng những yêu cầu riêng biệt và cụ thể khác của trường.
Vào năm 2007 Harvard không còn duy trì "Quyết định sớm" nhằm tạo cơ hội đồng đều cho các học sinh và cũng nhằm ngăn ngừa các học sinh lơ là việc học vào mùa học cuối lớp 12 sau khi đã được thu nhận. Quyết định này cũng giúp ban tuyển sinh có thêm thời giờ vào việc cổ động sinh viên thuộc mọi tầng lớp theo học. Như vậy từ năm 2007 các học sinh chỉ còn nộp đơn bình thường vào Harvard mà thôi.
Năm 2006 Harvard nhận 9.3% trong tổng số học sinh nộp đơn xin theo học. SAT (2 môn) của học sinh được thu nhận năm 2005 có bình quân là 1495.
Những mặt trái
Nhìn vào sĩ số sinh viên, 2/3 là sinh viên sau Cử nhân và Viện đại học Harvard nổi tiếng về các chương trình sau Cử nhân này. Đối với sinh viên bậc Cử nhân, nhiều vấn đề đã nảy sinh.
Năm 2005, tờ báo The Boston Globe nêu ra rằng: trong một cuộc khảo sát ở 31 trường đại học hàng đầu của Mỹ thì sinh viên ban Cử nhân của Harvard có tỷ lệ ít thoả mãn (less satified) với trường đại học của mình nhiều nhất.
Lawrence Buell, người đã phụ trách các vấn đề của sinh viên bậc Cử nhân lên tiếng, “Chúng ta phải công nhận chúng ta đã làm cho sinh viên của mình thất vọng.”
Kết quả khảo sát cho thấy sinh viên Harvard thất vọng về:
- Sự có mặt của Giáo sư ngoài giờ dạy để sinh viên có thể hỏi thêm
- Phẩm chất giảng dạy
- Phẩm chất cố vấn cho sinh viên (counseling)
- Đời sống ngoài giờ học nói chung với bạn bè.
Cựu Hiệu trưởng Lawrence H. Summers của đại học Harvard cũng phê phán rằng, “Vấn đề quan trọng nhất là sự liên hệ giữa giáo sư và sinh viên; có quá nhiều lớp được dạy bằng những sinh viên đang lấy học trình Tiến sĩ, lớp học lại quá đông sinh viên, thầy không biết tên trò. ...” Ngược lại Giáo sư Michael Sandel dạy môn Government (Chính quyền) trong một lớp gần 900 sinh viên lạc quan hơn cho rằng, “Một lớp đông sinh viên kích thích học tập. Nhiều sinh viên học chung và cùng vật lộn với một vấn đề, do vậy sự thảo luận tiếp tục lan ra cả ở ngoài lớp học...”
Đối với học sinh giỏi gốc Việt tại California, Harvard nên là một nơi chốn được xem xét đến khi nghiên cứu các đại học định theo học. Ngoài tiếng tăm cũng như những khoá học mà trường cung cấp, các bạn sẽ được giáo dục bởi một ban giảng huấn ưu tú nhất thế giới. Xin quý vị phụ huynh ở California đừng ngăn cản con em khi chúng ngỏ ý muốn đi học xa. Hãy để cho con cái tung bay tìm những chân trời cao hơn và xa hơn. Việc lựa chọn đại học là một quyết định quan trọng. Lịch sử cho thấy rằng theo học tại các trường tên tuổi như Harvard sẽ không bao giờ là một quyết định đáng hối tiếc.
---
(*) TT thứ 8 xuất thân từ Harvard là Barrack Obama
No comments:
Post a Comment