
Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười chúm chím thưa anh giận gì?
Thưa anh, anh giận em chi
Muốn lấy vợ bé em thì lấy cho
Hillary R. Clinton sinh trưởng trong một gia đình trung lưu. Cha là thương gia theo đảng Cộng hòa, mẹ ở nhà lo việc gia đình. Ngay từ trung học, mẹ cô luôn khuyên cô theo đuổi một sự nghiệp mà cô thích thú cũng như khuyến khích cô suy nghĩ độc lập, đừng lệ thuộc vào ý kiến của bất cứ ai. Chính vì vậy cô thường biểu lộ thái độ cứng cỏi, tách rời khỏi đám đông nên bạn bè gọi đùa cô là “tủ lạnh.”
Trung học: Đảng viên Cộng hoà trung kiên. Học sinh xuất sắc
Hillary là một học sinh giỏi, đứng đầu “top 5%” trong trường. Sau đây là thành tựu của Hillary tại trường trung học công lập Maine East ở Chicago:
• Trưởng lớp khối lớp 12 (Senior Class President)
• Hội viên Danh dự quốc gia (National Honor Society)
• National Merit Scholarship Finalist.
Tiện đây xin nói về National Merit Scholarship Finalist (tạm dịch: Học bổng Ứng viên chung kết tài năng quốc gia.) Năm lớp 11 (khoảng tháng 10), học sinh bắt đầu thi PSAT thật để phân biệt với kỳ thi PSAT “thử” không tính điểm năm lớp 10. Mỗi năm có 1,300,000 học sinh dự thi và chỉ có 15,000 học sinh được vinh dự là National Merit Scholarship Finalists.
Theo thống kê mới nhất 2006 của College Board, một ủy ban tổ chức các kỳ thi SAT, thì một học sinh thi PSAT 2 lần sẽ có điểm SAT cao hơn một học sinh không thi PSAT lần nào... 243 điểm! Thế nên các học sinh hãy tham gia các kỳ thi PSAT này.
Sau khi thi PSAT xong, các học sinh có điểm cao được công nhận là National Merit Scholarship Semi-finalists (tạm dịch: Học bổng Ứng viên bán kết tài năng quốc gia) mà thôi. Kế tiếp, các em phải gửi luận văn, thư giới thiệu của thầy cô, học bạ, SAT (để kiểm soát lại thực tài), công tác thiện nguyện và năng lực lãnh đạo tại trường tới cơ quan này. Qua đánh giá của một ủy ban, họ sẽ chính thức công nhận học sinh đó là National Merit Scholarship Finalist và tên tuổi được gửi tới những trường đại học và các tổ chức hỗ trợ cho các học bổng.
Chính từ danh sách National Merit Scholarship Finalists, các trường đại học và các tổ chức hỗ trợ học bổng có trong tay những học sinh giỏi và họ sẽ gửi thư chào mời. Những học sinh này cứ vậy nổi bật lên, được coi như những ứng viên sáng giá cho các học bổng và các trường đại học. Như vậy đừng chỉ coi PSAT là để thực tập, rèn luyện kỹ năng (skills) cho SAT mà còn nên coi như một dịp nâng cao cơ hội vào đại học, mở rộng cánh cửa vào các học bổng – nhất là con em những gia đình khá giả.
Ngoài việc học hành và sinh hoạt tại trường trung học cũng như tại cộng đồng, Hillary là thành viên rất năng nổ của đảng Cộng hoà, vâng, đảng Cộng hoà. Cô đi từng nhà trong khu phố cổ động cho nhân vật mà cô ủng hộ lúc này là Barry Goldwater, một ứng cử viên bảo thủ.
Đại học Wellesley: Đổi qua đảng Dân chủ. Tốt nghiệp Thủ khoa
Năm 1965, cô được nhận vào trường đại học nữ nổi tiếng là Wellesley College ở Massachusetts. Tại đây cô được bầu là President of the College Repulicans, Chủ tịch phân nhánh đảng Cộng hoà, gồm một vài giáo sư và một số ít sinh viên.
Thế rồi đột nhiên cô chuyển qua đảng Dân chủ mà theo lời cô giải thích là do nhiều biến cố dồn dập xảy ra thời đó: nạn kỳ thị chủng tộc, giới hạn quyền của phụ nữ và chiến tranh Việt nam. Nhưng một số người lại cho rằng sở dĩ cô không còn trong đảng Cộng hoà nữa vì đảng Dân chủ rất mạnh tại trường Wellesley College; nếu muốn tiến lên cao hơn cô chỉ còn chọn lựa duy nhất là đổi qua đảng Dân chủ mà thôi. Massachusetts giống như California và New York là thành lũy của đảng Dân chủ.
Từ từ cô leo dần tới Chủ tịch Hội sinh viên, một vị trí nổi bật nhất trong trường do cô mạnh dạn đấu tranh đòi bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới – một đề tài ăn khách tại trường nữ lúc bấy giờ. Sự can đảm đó được hoan nghênh nhiệt liệt, là bước khởi đầu dẫn cô tới bục vinh quang sau này. Tiếng nói ở một vị trí cao bao giờ cũng dễ dàng được lắng nghe.
Tại Wellesley College, ra trường với cương vị valedictorian (thủ khoa) cô cũng đồng thời được chính các bạn cùng lớp yêu cầu làm Commencement Speaker (Khách danh dự đọc diễn văn nhắn nhủ sinh viên) cho lễ ra trường vì lúc này cô đã rất nổi tiếng.
Thông thường Speaker cho lễ tốt nghiệp là một nhân vật quan trọng, nổi tiếng trong xã hội, trong cộng đồng hay một cựu sinh viên đã thành danh của trường được mời quay về “tâm sự” với các sinh viên “đàn em.” Hiệu trưởng của trường, do vậy, không đồng ý lúc ban đầu nhưng sau khi tiếp chuyện với Hillary đã chấp thuận đề nghị.
Vinh dự này là một ngoại lệ chưa từng bao giờ xảy ra trong lịch sử trường. Bài diễn văn rất hay, được hoan nghênh nhiệt liệt và được đăng lại trên tờ báo cấp quốc gia là tạp chí Life. Dĩ nhiên sau đó truyền hình, báo chí đua nhau phỏng vấn. Tên tuổi cô vang dội khắp nơi.
Đại học Luật khoa: Bỏ Harvard đi Yale. Gặp người “trong mơ”
Với thành tích học hành và tài năng như vậy, cả hai trường Luật đẳng cấp cao nhất, Harvard và Yale Law School, đã nhận cô. Đây là năm đầu tiên Yale nhận nữ sinh viên. Sự kỳ thị nam nữ lúc đó vẫn còn nhưng đã bắt đầu biến đổi. Trong lúc phân vân chưa biết chọn trường nào, cô quyết định đi coi lại trường, tiếp xúc với các sinh viên và giáo sư để có thêm yếu tố quyết định. Theo thông lệ, các trường thường cấp chi phí đi lại cũng như ăn ở để các sinh viên thăm viếng trường. Xin biết thêm rằng, các sinh viên trước đó đã tới xem trường khi được mời phỏng vấn trong lúc xin nhập học.
Các đại học không thích quá trình này vì sau khi các sinh viên làm hết sức mình để được nhận vào, nay các sinh viên lại có quyền lực cao hơn – quyền chọn lại trường trong số các trường đã nhận họ. Sở dĩ có tình trạng này vì sinh viên thường nộp đơn nhiều trường nên một số sinh viên xuất sắc được nhiều trường nhận. Giai đoạn này là giai đoạn duy nhất các trường phải “tán tỉnh” và "hạ mình" trước các sinh viên ưu tú này.
Tại Harvard, Hillary được một người bạn dẫn tới giới thiệu với một giáo sư Luật khoa:
– “Thưa thầy, cô này đang quyết định xem nên theo học trường chúng ta hay theo học trường đối thủ gần nhất” (ý chỉ Yale.)
Ông này trả lời hách dịch, ý nói trường kia kém Harvard xa với giọng bất cần:
– “Thế này, thứ nhất Harvard không có đối thủ gần nhất, thứ hai Harvard không cần thêm sinh viên nữ trong trường Luật.”
Thế là Hillary quyết định chọn Yale vào năm 1969 và tốt nghiệp Tiến sĩ Luật khoa (Juris Doctor) năm 1973 với luận án về quyền của trẻ em – đồng thời là "First Lady" Hoa kỳ đầu tiên có văn bằng Tiến sĩ. Bà đã rêu rao câu chuyện tại sao không đi trường Luật Harvard nhiều lần và chắc hẳn Harvard không vui chút nào khi nghe đi nghe lại như vậy. Tại Yale, định mệnh được sắp xếp: Hillary gặp chàng trai Bill Clinton cũng là một sinh viên Luật lúc đó. Hai người làm đám cưới năm 1975, lúc đó chàng 28 và nàng 27 tuổi. Đúng là "Nhất gái hơn hai nhì trai hơn một." Và cả hai đã làm nên lịch sử nước Mỹ.
Nhìn vào những hoạt động của bà Hillary R. Clinton, nhất là thời gian đi học, giúp học sinh gốc Việt dấn thân mạnh mẽ hơn vào các sinh hoạt tại trường học cũng như tại địa phương. Bà Clinton đi học trung học tại một trường công lập, xuất thân từ một gia đình có nguồn gốc và hoàn cảnh giống như nhiều học sinh gốc Việt chúng ta. Các bạn trẻ gốc Việt hãy tham gia sinh hoạt cộng đồng nhiều hơn, làm cho nhiều người biết đến mình, tìm kiếm vị trí lãnh đạo cao để phục vụ và cống hiến tài năng. Người gốc Nhật và Hoa có Bộ trưởng, người gốc Ấn độ có dân biểu liên bang, người gốc Philipin có Thống đốc. Các bạn trẻ gốc Việt, vinh dự tiếp theo nằm trong tay các bạn!
No comments:
Post a Comment