Tuesday, 1 January 2008

58 Viện Y Khoa Howard Hughes




Janelia Farm Research Campus thuộc Ashburn, Virginia


Ngoài các đại học chuyên về nghiên cứu, giảng dạy Y khoa, người ta phải kể đến các Viện nghiên cứu (institute) đã đóng góp một vai trò rất quan trọng trong lãnh vực Y – Sinh học tại Hoa kỳ. Nổi bật trong số này là Viện Y khoa Howard Hughes được sáng lập năm 1953 bởi tỷ phú Howard Hughes – một nhà tư bản kinh doanh điện ảnh, máy bay, sòng bạc …

Tính đến tháng 6/2007, Viện là một tổ chức tư nhân không lợi nhuận giàu thứ hai tại Hoa kỳ với quỹ hiến tặng lên tới $16.3 tỷ, chỉ đứng hàng thứ hai sau Bill & Melinda Gates Foundation ($33.4 tỷ.) Mỗi năm Viện Y khoa Howard Hughes trao tặng $700 triệu cho nghiên cứu Y – Sinh học và $80 triệu cho giáo dục khoa học khắp nơi trên thế giới.

Lịch sử

Lúc đầu, nhiều người cho rằng Howard Hughes thành lập Viện nhằm vào mục đích tránh thuế. Tuy nhiên một số khác lại cho rằng Howard Hughes và gia đình gặp nhiều vấn đề về sức khoẻ nên đã khiến ông quan tâm đến việc thành lập một tổ chức không lợi nhuận nhằm giúp ích cho việc nghiên cứu Y – Sinh học ngay sau khi được thừa hưởng gia tài kếch xù từ cha mẹ. Dẫu vì lý do gì đi nữa người ta thấy nhờ thiện ý của ông, nhiều tỷ phú giầu có như Bill Gates, Warren Buffett … đã theo gương ông đóng góp cho sự phát triển chung của nhân loại.

Cha mẹ ông – một trong những người giầu có nhất thời đó – đã qua đời khi họ còn khá trẻ. Mẹ ông mất lúc 39 tuổi do bị thai ngoài tử cung khi Howard Hughes được 16 tuổi. Hai năm sau cha ông mất lúc 54 tuổi vì bệnh tim. Chính Howard Hughes cũng có những rối loạn tâm lý trong suốt cuộc đời. Do vậy lúc 19 tuổi, ngay lần lập di chúc đầu tiên Howard Hughes đã muốn dành một phần tài sản để thành lập một viện nghiên cứu Y – Sinh học mang tên mình. Điều này cũng nói lên tầm nhìn của ông: Sinh học sẽ phát triển rất mạnh và là ngành công nghiệp tương lai.

Tuy nhiên, mãi nhiều chục năm sau, tới cuối năm 1953, sau khi bị các quan chức thuế nghi ngờ rằng Viện chưa có những hoạt động từ thiện đủ để miễn thuế Howard Hughes mới chính thức đặt nền móng khởi đầu xây dựng Viện nghiên cứu Y khoa tại Chevy Chase, Maryland.

Ông đã dâng tặng tất cả cổ phiếu nắm giữ ở Công ty Máy bay Hughes cho Viện. Nhờ vậy Viện có đủ tài chánh cung cấp cho một số phòng thí nghiệm thuộc các đại học trên toàn quốc Hoa kỳ. Những hoạt động ban đầu này còn khiêm tốn, chỉ đến khi ông mất đi năm 1976 quỹ mới phát triển mạnh mẽ nhờ ngân khoản từ 4 triệu Mỹ kim tăng lên 15 triệu vào năm 1978.

Do di chúc không rõ ràng trước khi ông qua đời, Viện Y khoa Howard Hughes phải trải qua một thời gian dài đương đầu với những kiện tụng pháp lý về thừa kế và điều hành quỹ hiến tặng. Sau khi dàn xếp xong, Công ty Máy bay Hughes được bán cho General Fords vào giữa năm 1985 với giá 5.2 tỷ Mỹ kim. Sau đó nhờ có nhiều tiền hoạt động, Viện đã trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu Y – Sinh học nổi tiếng nước Mỹ cũng như toàn thế giới. Và những hoạt động này mỗi ngày bao trùm nhiều lãnh vực rộng lớn hơn.

Viện Y khoa Howard Hughes đã cung cấp quỹ bảo trợ nghiên cứu một cách khá rộng rãi cho các giáo sư cũng như những học bổng có giá trị nhất cho sinh viên. Do vậy làm gia tăng sinh viên PhD về Sinh học. Trong khoảng 20 năm trở lại đây Viện đã cấp một ngân khoản lên tới 8.3 tỷ Mỹ kim cho các trường đại học, cá nhân cũng như những trung tâm nghiên cứu Y – Sinh khác.

Chương trình nổi bật

Một trong những chương trình nổi bật là bảo trợ tài chánh (funding) cho các sinh viên Y khoa và một số nhỏ sinh viên Nha khoa. Những sinh viên này bỏ ra một năm làm nghiên cứu, thường là sau khi học xong năm thứ hai, nhằm gia tăng cơ hội được vào nội trú trong những ngành tương đối khó như giải phẫu thần kinh hay võng mạc mắt … hoặc đơn giản hơn – chỉ là vì đam mê nghiên cứu khoa học. Các nhà lãnh đạo ngành chuyên môn trong bệnh viện của những đại học ngày nay thường có hai văn bằng Tiến sĩ Y khoa (MD) và Tiến sĩ Khoa học (PhD.)

Viện Y khoa Howard Hughes mang những sinh viên Y, Nha khoa vào phòng thí nghiệm để họ thắc mắc đặt ra những câu hỏi mới về Y – Sinh học và tìm cách giải quyết những nan đề này. Mục đích chính của Viện cho chương trình này là gia tăng số lượng những nhà chuyên môn (physician – scientists) biết ứng dụng khoa học vào phục vụ Y khoa.

Những sinh viên Y, Nha khoa sau khi được Viện Y khoa Howard Hughes tuyển chọn sẽ làm nghiên cứu toàn thời gian trong 12 tháng với học bổng là 36 ngàn Mỹ kim cho niên học 2007 – 2008. Trong suốt thời gian làm nghiên cứu họ không được lấy lớp tại trường Y hay Nha khoa mình đang theo học. Một phần tiền học bổng này có thể dùng để trả học phí cho trường Y là một loại học phí không rẻ chút nào. Ngoài ra, nhiều sinh viên coi thời gian làm nghiên cứu như một cơ hội “nghỉ xả hơn” để ôn thi “board” thường diễn ra sau năm thứ hai cho các sinh viên Y khoa.

Vào trang web của Viện (www.hhmi.org) chúng ta dễ dàng nhận ra những tên họ gốc Việt nam của cộng đồng đang theo học tại các trường đại học Y, Nha khoa nổi tiếng nước Mỹ và cũng đang được học bổng của Viện để làm nghiên cứu Y – Sinh học. Đây là một điểm son đáng tự hào.

Trong chương trình nghiên cứu này, một số sinh viên đang theo học tại các đại học nghiên cứu (National Universities) nổi tiếng sẽ thực hiện công trình của mình tại ngay đại học mà họ đang theo học. Một số khác sẽ làm nghiên cứu tại một trung tâm nổi tiếng nhất nước Mỹ thuộc Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health) gọi tắt là NIH ở Maryland và trực thuộc quyền điều hành của Bộ Y tế Hoa kỳ. NIH lãnh đạo 27 Viện (National Cancer Institute, National Eye Institute … ) hay những Trung tâm nhỏ hơn (Center for Scientific Review … )

Một viên chức của Viện đã đánh giá và nhận định về sự tham dự của các sinh viên như sau, “Các sinh viên Y khoa và Nha khoa này có kiến thức về điều trị và chẩn đoán cũng như hiểu biết cách tiếp cận với những vấn đề trong phòng thí nghiệm. Bằng cách cung cấp cho các sinh viên cơ hội được trải nghiệm qua những thách đố và tưởng thưởng từ công việc nghiên cứu khoa học, chúng tôi hy vọng sẽ khuyến khích họ tham gia vào nghiên cứu trong sự nghiệp sau này.”

Hoạt động

Viện có 298 nhà khoa học xuất sắc được tuyển chọn từ khắp nước Mỹ chính thức làm việc, trong đó có 11 nhân vật đã từng được trao tặng giải thưởng Nobel. Những phòng thí nghiệm của Viện Y khoa Howard Hughes có mặt tại 64 đại học, trường Y khoa, trung tâm nghiên cứu, bệnh viện … với khoảng 700 nhà nghiên cứu hậu Tiến sĩ (post docs) để huấn luyện khoảng 1000 sinh viên theo đuổi văn bằng Tiến sĩ Khoa học mỗi năm. Tổng số nhân viên của Viện là 2600 người.

Người lãnh đạo Viện Y khoa Howard Hughes là Thomas R. Cech, một cựu sinh viên PhD về Sinh Hoá xuất thân từ đại học Berkeley của California. Ông đã đoạt giải Nobel về Hoá học và đưa Viện Nghiên cứu Y học Howard Hughes lên một tầm cao nhất bằng cách xây dụng những kiến trúc kỹ thuật lên tới 500 triệu Mỹ kim có tên là Janelia Farm. Ông đã mời được nhiều nhà khoa học trên thế giới đến nghiên cứu hay hội thảo về các vấn đề Y – Sinh học. Mới đây, ông đã từ chối lời mời làm Viện trưởng của viện đại học Harvard để dành tâm huyết cho khoa học.

Janelia Farm Research Campus thuộc Ashburn, Virginia là trung tâm thứ hai của Viện. Quang cảnh thật tuyệt vời với những thảm cỏ xanh bên cạnh con sông lững lờ trôi. Janelia Farm có những kiến trúc cao hơn tháp Eiffel được xây dựng bằng những loại đá quý hiếm giống như cung điện Vatican. Tại đây những nhà khoa học về Vật lý, Hoá học, Vi tính, Sinh học có dịp gặp gỡ nhau để trao đổi những vấn đề chưa sáng tỏ phải nhờ vào kiến thức chuyên môn của các học giả khác.

Ngày nay trình độ khoa học cao đòi hỏi phải liên kết nhiều ngành để giải quyết những câu hỏi về lý thuyết cũng như thực hành. Đó là lý do tại sao chỉ những quốc gia tiên tiến mới có thể tập hợp được nhiều nhân tài cũng như phương tiện tài chánh dồi dào để giải quyết những câu hỏi liên quan tới lãnh vực Y khoa hay Sinh học. Sở dĩ Hoa kỳ được trao tặng nhiều giải Nobel về khoa học một phần cũng nhờ công đóng góp mạnh mẽ của nhiều tổ chức mà Viện Y khoa Howard Hughes là một tiêu biểu.

No comments: