
Vào mỗi cuối tháng Ba hay đầu tháng Tư, các em học sinh lớp 12 bắt đầu vào trang nhà của trường đại học mà các em nộp đơn xin theo học để xem kết quả. Sau nhiều năm tháng học tập đây là thời gian hồi hộp thật sự.
Tất nhiên những kết quả khác nhau sẽ mang lại những tâm trạng vui buồn và lo lắng khác nhau. Phụ huynh chắc chắn sẽ đóng một vai trò điều chỉnh trước những kết quả này: không để cho các em vui quá khi được nhận vào khiến sao lãng việc học hành, biết bình thản đối phó khi nằm trong danh sách chờ đợi và biết cách suy nghĩ tích cực khi bị một trường đại học từ chối.
Bị từ chối
Đây có lẽ là một liều thuốc đắng khó tiêu hoá đối với một số cha mẹ và học sinh. Cảm giác thua cuộc có thể sẽ thành hình. Em vào trường học với một tâm trạng buồn bực và xa lánh trong khi các bạn bè khác nhảy lên ôm hôn vui mừng chúc tụng nhau. Hai bức tranh, hai tâm trạng tương phản rõ nét.
Với cha mẹ, cảm giác không công bằng luôn luôn xâm lấn tư tưởng: con bà B học không bằng con mình mà sao được nhận vào còn con mình "giỏi" hơn sao lại phải ra rìa? Theo bản năng cha mẹ thì điều này hoàn toàn dễ hiểu. Họ bắt đầu suy đoán lung tung: chắc là con mình không chịu khó viết luận văn cho thật tốt hoặc là con mình chọn thầy cô viết thư giới thiệu “dở“ (?) … và trách mắng la rầy con cái.
Vô tình cha mẹ làm tăng thêm sự căng thẳng trong lúc con cần an ủi, nâng đỡ.
Để có được những suy nghĩ tích cực và giúp ích thật sự cho con cái, sau đây là một số điều mà cha mẹ nên lưu tâm giải thích khi cần phải nói chuyện với chúng.
- Điểm (GPA và SAT) không phải là yếu tố quyết định
Điểm không phải là yếu tố duy nhất để các đại học quyết định có thu nhận một học sinh hay không? Đại học Princeton đã công khai công nhận rằng: họ loại trừ 4 trong số 5 học sinh thủ khoa của lớp trung học. Khi chọn lựa tân sinh viên, Ban Tuyển sinh chia ra ít nhất 4, 5 phạm trù riêng biệt và cho điểm từng phạm trù riêng rẽ. GPA hay SAT – tuy quan trọng nhất – nhưng chỉ là một phần của đánh giá này mà thôi.
Nhiều học sinh được trường có đẳng cấp cao hơn nhận vào trong khi trường dễ vào hơn lại từ chối. Các đại học luôn luôn muốn thu nhận một thành phần sinh viên đa dạng (diversity) thuộc mọi thành phần xã hội, kinh tế và xuất thân từ nhiều nơi khác nhau. Họ chọn những tân sinh viên có phẩm chất cao nhất trong từng thành phần và do vậy không phải học sinh “giỏi nhất” trong lớp học là ưu tiên hơn.
Giả sử trường đại học kia cần một sinh viên nữa, con trai ông A và con gái bà B giống nhau về mọi thứ (học lực, hoat động ngoại khoá ...) Khi xem xét lại trường thấy họ đã chọn nhiều con trai hơn con gái. Để cân bằng, con gái bà B sẽ được thu nhận. Đây chỉ là thí dụ cho dễ hiểu; có nhiều trường tuyển chọn không căn cứ vào phái tính.
- Không phải là đối tượng mà đại học muốn
Các đại học cũng chọn tân sinh viên giống như một huấn luyện viên chọn thành phần cho một đội đá banh.
Họ sẽ không chọn thêm một thủ môn nữa nếu họ đã có trong tay thủ môn rồi.
Như vậy vấn đề nộp đơn xin vào đại học cũng đòi hỏi một số kinh nghiệm. Tại sao mình không trình bày chính mình như một hậu vệ giỏi để có thể vào sân thi thố tài năng? Một đội banh cần nhiều hậu vệ hơn thủ môn. Phương pháp này bị chỉ trích vì các em vào được trường mong muốn nhưng sau đó liên tục "đụng đầu vào tường."
Nhiều gia đình khá giả đã mướn hẳn những nhà chuyên môn giúp họ thiết kế chương trình học trong những năm trung học và cố vấn nộp đơn vào đại học sao cho hiệu quả nhất; nghĩa là tìm hiểu nhu cầu và thành phần sinh viên đại học muốn có rồi trình bày chính mình như là “một đối tượng sinh viên mà trường đại học đang cần.”
- Không được nhận vào không có nghĩa là kẻ thất bại
Quan trọng nhất là đừng để cho con mình có cảm tưởng là người thua cuộc khi không vào được đại học mong muốn. Rất nhiều tấm gương của những người thành danh cho thấy họ đã bị đại học họ mong muốn từ chối.
Thế rồi họ vào đại học khác và rất thành công như nhà tỷ phú Warren Buffett bị trường Thương mại Harvard (Business School) từ chối nên ông quay qua đại học Columbia học và trở thành nhà buôn bán cổ phiếu giỏi nhất thị trường chứng khoán.
Đừng gieo vào đầu con rằng nó là kẻ thất bại. Cũng đừng đẩy con vào đường cùng trong lúc chúng đang thất vọng về chính mình. Một thí dụ đau lòng: một gia đình khá giả kia có 3 người con, hai cô con gái lần lượt vào Stanford, đứa con trai thứ ba cũng được đầu tư nhưng bị trường này từ chối. Thế là cha mẹ thay phiên nhau chỉ trích đến nỗi em phải đi tìm một thế giới bình yên khác… Thật là đáng tiếc!
Nằm trong danh sách chờ đợi
Theo National Association for College Admission Counseling (tạm dịch: Hiệp hội Quốc gia Hướng dẫn Vào Đại học) năm 2006 thì 35% sinh viên trong danh sách chờ đợi được nhận vào lại. Tuy nhiên theo Jay Mathews thuộc Washington Post con số này rất khiêm tốn (ít khi vượt quá 20 em) đối với những trường hàng đầu.
Kết quả tuyển sinh năm 2006 cho thấy: 20% học sinh được nhận vào Harvard đi trường khác học, Yale và Stanford 30%. Do vậy nếu Yale cần 1,400 tân sinh viên, họ sẽ lấy vào 2,000 vì sẽ có 600 em (tương đương 30%) không ghi danh theo học. Tuy nhiên đôi khi con số vượt quá 600 và họ sẽ có danh sách "dự khuyết" để bổ sung. Những học sinh nêu trên đi trường đại học khác thường do có học bổng hậu hĩ hơn.
Học sinh ở trong danh sách chờ đợi thường là có đủ điều kiện học vấn (GPA, SAT) nhưng không cạnh tranh được với các bạn khác về các lãnh vực như lãnh đạo chỉ huy, làm việc thiện nguyện, các giải thưởng đặc biệt hay tài năng hiếm có.
Nếu "chẳng may" bị nằm trong danh sách chờ đợi, hãy thông báo ngay cho trường khi có một tin vui như được một giải thưởng giá trị, điểm SAT tăng khá cao so với lần trước hay được một học bổng quan trọng. Hãy cho trường thấy rằng mình sẽ theo học nếu được chọn bằng cách gửi e-mails thăm hỏi và xác định quan điểm.
Khi được thu nhận các em nên duyệt xét lại vấn đề trợ cấp tài chánh cũng như nhà ở (housing) mà có thể thay đổi chút ít khi so sánh với những tân sinh viên được nhận ngay từ ban đầu. Hãy chuẩn bị tinh thần, chỉ có 2 - 3 ngày để trả lời.
Được nhận vào
Đây là điều vui mừng nhất, các em được nghe những lời chúc mừng từ bạn bè, thầy cô. Cảm giác "lâng lâng" này là một điều đáng nhớ trong đời!!!
Đừng quên báo tin và cám ơn những thầy cô đã viết thư giới thiệu cho mình.
Vui vẻ nhưng đừng mất cảnh giác. Hãy nhớ rằng nếu điểm của các em rớt xuống đáng kể hay có vấn đề về hạnh kiểm thì trường đại học vẫn có thể đổi ý.
Cũng đừng quên xem xét vấn đề trợ cấp tài chánh và so sánh những đề nghị của các trường đại học khác. Đối với những em được nhiều trường đại học ưng thuận hãy cân nhắc kỹ và hỏi thêm những người có kinh nghiệm. Đừng vội vã gửi thư xác nhận mặc dù mình rất thích một trường nào đó. Hãy để thêm một ít thời gian suy nghĩ sau khi đi thăm lại trường, hãy xem xét cuộc sống trong cư xá sinh viên (dorm), ngủ lại đó 1, 2 đêm và nghiên cứu về chuyên ngành định theo. Đừng quyết định đi một trường chỉ vì nó nổi tiếng; hãy nghiên cứu dưới nhiều góc cạnh.
Kết quả vào đại học – trong một ý nghĩa giới hạn – là để cho các em tập tành trưởng thành qua những buồn vui của cuộc đời: thắng không kiêu, bại không nản. Qua đó các em học làm người lớn bằng những quyết định khôn ngoan và bình tĩnh nhận định về khả năng của chính mình khi so sánh với người khác. Cuối cùng xin đừng quên: con đường học vấn còn trải dài nhiều năm trước mặt; đại học chỉ là phương tiện chứ không phải là mục tiêu giáo dục của con em chúng ta.
No comments:
Post a Comment