Tuesday, 1 January 2008

31 Báo Chí: Lớp Cần Lấy Tại Trường Trung Học








Vũ, một học sinh Việt nam, được học bổng tham dự sinh hoạt hè sau lớp 11; năm học lớp 12 tiếp theo em được cố vấn trong việc nộp đơn đại học. Cách đây 5,6 năm, chương trình này được thành lập nhằm tìm kiếm những tài năng cho hai đại học hàng đầu của Mỹ là Harvard và Stanford. Được lựa chọn vào học bổng này học sinh hầu như đã đặt được một chân vào một trong hai đại học danh giá nêu trên.

Hiện giờ mục tiêu của học bổng này có một vài thay đổi. Họ nhắm giúp những học sinh giỏi, thuộc gia đình có lợi tức thấp vào được đại học mà học sinh yêu thích với học bổng thường là 4 năm. Giả sử có một em nữ sinh muốn theo học trường Wellesley (truờng nữ cũ của ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton) chương trình này sẽ tìm cách liên lạc với đại học Wellesley giúp em tìm học bổng. Trong năm 2006, chương trình đã giúp 103 học sinh và trong đó có ít nhất 4 em gốc Việt đã vào được trường đại học các em muốn với học bổng toàn phần. Hy vọng có thể giới thiệu với quý vị phụ huynh và các em về chương trình học bổng này trong một bài viết khác.

Sau khi tham dự khoá hè về, chương trình tài trợ học bổng có gửi cho Vũ một bản mẫu các lớp cần lấy, trong bản đề nghị đó có lớp Journalism tức là lớp học về báo chí. Câu hỏi được đặt ra là: "Tại sao ban tuyển sinh các trường đại học nổi tiếng lại chú ý đến lớp Báo chí này?"

Khi học sinh nộp đơn vào các đại học lớn, một trong những câu hỏi Ban tuyển sinh đặt ra là liệu tân sinh viên này có thể trở thành một nhà lãnh đạo trong tương lai, biết tìm cách gây ảnh hưởng trong cộng đồng hay tại nơi làm việc hay không? Để trả lời câu hỏi đó, họ nhìn vào những hoạt động ngoại khoá, công tác thiện nguyện cũng như những lớp mà các em lấy ở Trung học. Thói quen muốn tiên phong đi đầu thường bắt nguồn từ trường học. Các đại học không muốn nhận những sinh viên sau khi tốt nghiệp chỉ biết âm thầm đi làm việc theo sự chỉ tay hướng dẫn của nguời khác.

Ngoài ra lớp báo chí không những giúp trau dồi khả năng tiếng Anh mà còn giúp phát triển những kỹ năng khác trong cuộc sống thực hằng ngày.


Lớp báo chí tăng cường vị trí lãnh đạo chỉ huy

Ngay khi bắt đầu làm việc trong báo trường em Vũ được giao nhiệm vụ đi gặp gỡ chủ nhân các cơ sở để mời chào quảng cáo các thương vụ của họ. Thông qua công việc, em được làm quen với một cộng đồng những cơ sở buôn bán tại địa phương.

Chính nhờ sự quen biết này em đã tìm được cho câu lạc bộ của em một nhà tài trợ rộng rãi và giúp trường xin được một số học bổng. Mang tiền về cho trường, vị trí của em dưới con mắt cô giáo báo chí và các bạn trong lớp này được đánh giá cao hơn.

Lãnh đạo chỉ huy không chỉ có nghĩa là dẫn dắt mà còn bao hàm nghĩa ảnh hưởng, cổ động người khác cùng với mình thực hiện một mục tiêu chung. Trong tác phẩm "The 21 Irrefutable Laws of Leadership" John C. Maxwell đã định nghĩa, "Lãnh đạo là gây ảnh hưởng, không hơn không kém."

Sau một thời gian làm việc hiệu quả em được cô giáo giao phó thêm công việc phỏng vấn những nhân vật quan trọng như hiệu trưởng, các cố vấn học đường (counselors), các thầy cô cũng như các học sinh khác trong trường. Dĩ nhiên khi đến làm việc với tư cách là một “phóng viên” mọi người đã cư xử với em khác hẳn một học sinh bình thường. Em bắt đầu cảm thấy mình quan trọng. Điều này là một chỉ dấu của thành công.

Một nguyên tắc giáo dục nên chú ý: tìm mọi cách đặt những em học sinh có biểu hiện tiêu cực vào vị trí lãnh đạo. Cũng một con người, nếu đặt họ vào vai trò của người chỉ huy thì họ sẽ cư xử khác hẳn khi còn là con người thầm lặng của đám đông.

Dần dần khi đã quen công việc em Vũ được giao nhiệm vụ viết mục “Bình luận” (Opinion) cho báo trường. Ở vị trí này em phải thường xuyên để ý đến những gì nóng bỏng đang xảy ra ngoài xã hội hay trong trường học để viết cho số báo sắp tới. Nhờ vậy em trở thành con người năng động, tích cực quan tâm đến tập thể mình và trưởng thành hơn khi nhận được những thông tin phản hồi (feedback) từ bạn bè hay thầy cô.


Lớp báo chí củng cố khả năng Anh văn

Trong một cuộc nghiên cứu kéo dài 10 năm (1989 – 1997) được công bố vào năm 1998 của Jack Dvorak (đại học Indiana) cho thấy lớp Báo chí đã làm tăng khả năng đọc hiểu (Critical Reading) và tăng khả năng viết (Writing) của học sinh.

So sánh điểm thi Anh văn, phần lớn trong các năm được nghiên cứu, một học sinh chỉ lấy lớp Advanced Journalism (báo chí trình độ cao) mà không lấy lớp AP English đã có điểm cao hơn học sinh chỉ lấy lớp AP English. Dĩ nhiên một học sinh vừa lấy AP English vừa lấy lớp Advanced Journalism sẽ có khả năng Anh văn cao hơn hẳn.

Một cuộc nghiên cứu khác ở 12 trường trung học thuộc tiểu bang Ohio do Steven Blinn thực hiện đã khám phá ra rằng: một học sinh lấy lớp báo chí thường có điểm thi Anh văn cao hơn, khả năng diễn đạt ngôn ngữ cao hơn, viết Anh văn hiệu quả hơn và nhất là những lỗi văn phạm thường ít hơn một học sinh không lấy lớp báo chí.

Theo ủy ban phụ trách ACT (American College Testing) học sinh lấy lớp báo chí đã hơn hẳn 13 kỳ thi trong tổng số 16 kỳ thi về môn Anh văn khi so sánh với những học sinh cùng lớp nhưng không lấy lớp báo chí trong trường.

Tại California kỳ thi ACT tuy không nổi tiếng bằng SAT nhưng cũng có giá trị tương đương dành cho các học sinh nộp đơn vào đại học. ACT cũng thi Anh văn và Toán như SAT nhưng có thêm Khoa học bao gồm Sinh, Lý, Hoá... nhằm giúp học sinh diễn dịch, phân tích, đánh giá những sự kiện khoa học cũng như phương pháp giải quyết các bài tập. Ngoài ra ACT theo sát với chương trình trung học nên một số học sinh cảm thấy tự tin hơn khi kiến thức vẫn còn mới mẻ trong đầu óc. Hiện nay đã có một số trường, nhất là các trường ở miền Trung và Nam nước Mỹ ghi rõ là họ thích học sinh nộp điểm ACT cho họ hơn là nộp điểm SAT.


Lớp báo chí giúp phát triển những khả năng thiết thực

Tất cả những giao tiếp thường ngày phải được tập luyện nếu muốn thành công. Và lớp báo chí đã hỗ trợ những khả năng thiết thực này cho các em theo học.

Khi đi gặp một chủ nhân cơ sở thương mại địa phương em Vũ học hỏi cách ăn mặc, nói năng sao cho hiệu quả để họ nhận quảng cáo trên báo trường… Hơn nữa, mỗi khi thực hiện cuộc tiếp xúc, chính những nhân vật được phỏng vấn đã ảnh hưởng ngược lại "phóng viên nhỏ bé" này. Mỗi người có một điều hữu ích mà em có thể học hỏi. Học tập qua công việc là một kinh nghiệm mà sách giáo khoa không làm được.

Song song với việc học cách trình bày những bài quảng cáo cho các cơ sở thương mại hay các văn phòng dịch vụ, em cũng đồng thời phải học thêm về vẽ, chụp hình cũng như một số chương trình phần mềm (software) khác để trình bày phần quảng cáo cho đẹp nhằm làm vui lòng khách hàng. Những kỹ năng đó giúp em kiếm một công việc nhẹ nhàng hơn, nhiều tiền hơn sau giờ học so với các bạn cùng lớp.


Sau này khi nhìn lại thời gian dưới mái trường trung học, lớp báo chí quả thật đã cho em nhiều thích thú hơn những môn học khác vì đã cung cấp cho em những cơ hội thú vị khi được làm việc với những nhân vật thành đạt. Em ước ao rằng phải chi mình lấy lớp báo chí từ năm lớp 9 để có cơ hội học hỏi, thực hành nhiều hơn và nhất là nếu vào lớp này sớm, em dễ có khả năng trở thành Editor-in-Chief (trách nhiệm giống như chủ bút của một tờ báo) và vị trí này hẳn nhiên không thua kém gì các chức vụ khác của học sinh trong trường như President (trưởng khối lớp), đội trưởng đội bóng bầu dục (football) hay Chủ tịch của hội cha mẹ - giáo viên - học sinh (PTSA.)

No comments: