Tuesday, 1 January 2008

19 John Kennedy: Cách Làm Tăng GPA Trên Đại Học







Truyền thống gia đình

Tổng thống John Fitzgerald Kennedy sinh ra trong một gia đình giầu có và nhiều truyền thống chính trị. Ông nội và ông ngoại đều trúng cử trong các chức vụ phục vụ cộng đồng. Riêng ông ngoại của TT Kennedy đã từng là thị trưởng Boston và dân biểu liên bang. Cha của vị Tổng thống, Joseph P. Kennedy, là một thương gia hoạt động mạnh mẽ tại Wall Street và Hollywood. Ông cũng hăng say hoạt động chính trị, giữ nhiều chức vụ quan trọng, đặc biệt nhất là làm đại sứ Hoa kỳ tại Anh quốc.

Gia đình Kennedy có 9 người con, 4 trai 5 gái – John là người con thứ hai, anh của John là Joseph Jr. Với vóc dáng cao to ngược với vóc dáng thư sinh của John, chính người anh mới được coi là hy vọng số một của gia đình Kennedy, ông bố đã từng tuyên bố, “Joseph Jr. sẽ làm Tổng thống Mỹ.” Không may, Joseph Jr. bị tử nạn trong thế chiến thứ hai khi đang lái máy bay có mang theo bom và một trong những trái bom này phát nổ. Thế là niềm hy vọng của ông bố chuyển qua cho John Kennedy.

Luôn nhấn mạnh sự cạnh tranh và ca tụng chiến thắng, khẩu hiệu của dòng họ Kennedy là: “Một Kennedy không bao giờ đứng hạng hai.” Một ngày kia hai anh em Joseph và John thách đố nhau đua xe đạp. Con đường khá hẹp nên họ chạy ngược chiều nhau vòng quanh dãy nhà. Khi gần tới đích, họ nhìn thấy nhau nhưng cả hai đều muốn chiến thắng, không ai nhịn ai. Kết quả là…John phải đi bệnh viện khâu mấy mũi!!!



Giáo dục Trung học

Tất cả các trường mà cậu John theo học đều là trường tư. Ngay cả những trường tiểu học, học phí cao không thua gì những trường đại học đắt tiền. Trong thời gian học tại trường cấp 1 và cấp 2, cậu đau bệnh liên miên. Tuy nhiên cậu vẫn chơi rất nhiều môn thể thao, sinh hoạt hướng đạo và gia đình cậu đã làm tất cả để cậu phát triển một tuổi thơ vui vẻ.

Khi được 13 tuổi, John được gửi vào trường nội trú Công giáo Canterbury, đây là lần đầu tiên cậu cảm thấy lo ngại vì không được học chung trường với anh. Thông thường hai anh em luôn bên nhau để có thể giúp đỡ nhau khi có vấn đề và John học được nhiều điều từ anh mình. Nhưng chỉ một thời gian sau tại Canterbury cậu yêu ngôi trường này, yêu các môn thể thao, yêu bạn bè, thầy cô và trở thành học sinh khá. Cậu thuộc nhóm đứng đầu về môn Toán, ngoại trừ môn tiếng Latin nhưng rồi cũng dần dần học giỏi môn này. Một học sinh vui với ngôi trường của mình là một chỉ dấu của thành công!

Khi được 14 tuổi, vì Canterbury là trường có cả cấp 2 và cấp 3 nên cậu muốn tiếp tục việc học trung học tại đây. Đúng ra không nên thay đổi “một đội hình đang thắng” nhưng cha cậu đã làm ngược lại. Ông khuyên cậu đổi trường, đi vào trường tư thục Công giáo nội trú hàng đầu của Mỹ là Choate Academy (một trường nam) ở Wallingford, Connecticut. Lần này cậu miễn cưỡng nghe lời vào Choate nhưng bắt đầu … nổi loạn. Tụ họp một số bạn khác, cậu tìm đủ mọi cách phá phách nên bị cảnh cáo trước toàn trường. Cha cậu được báo cáo, “…Con ông học hành bê bối, đợi phút cuối mới làm bài tập và sống bừa bãi, thiếu ngăn nắp …” Sau đó ông yêu cầu cậu tu tỉnh và tận dụng hết khả năng mình. Nhờ vậy cậu chăm chỉ học hành hơn và được bố tặng cho cả một cái thuyền mới để “dung dăng dung dẻ” trên biển cả. Bài học rút ra ở đây là: đừng bắt con học trường nó không thích!

Bốn năm sau cậu tốt nghiệp trung học với thứ hạng 64 trên 112 học sinh – dưới cả hạng trung bình. Nhưng bù lại John Kennedy, giống như Hillary Clinton, được bạn bè bầu là “Học sinh có triển vọng thành công nhất.” Bạn học của cậu thật có con mắt tinh đời!!!



Giáo dục Đại học

Lên đại học cậu được nhận vào Princeton. Tại sao Princeton lại nhận một tân sinh viên có thành tích không cao (hạng 64/112) như thế?

Lý do là vì những nhân vật nổi tiếng thường quảng cáo cho tên tuổi của trường. Chẳng hạn như Chelsea Clinton – con gái cựu TT Bill Clinton – đã được Harvard, Yale, Stanford và nhiều trường khác nhận vào vì con gái của một đương kim Tổng thống theo học trường nào sẽ làm danh tiếng trường đó nổi lên tột bực. Chelsea không chọn Harvard vì con gái của Phó Tổng thống Al Gore "hàng xóm" đã quyết định đi trường đó. Yale thì gần "nhà" sợ bố mẹ hay tới thăm. Sau cùng, giống như nhiều tân sinh viên muốn đi học xa để có nhiều tự do bay nhảy, cô đã chọn Stanford. Ngay năm sau số sinh viên nộp đơn xin theo học tại Stanford tăng cao bất ngờ có lẽ vì tò mò muốn biết mặt mũi “công chúa” Chelsea đẹp ra sao hay ít ra cũng được khoe với bạn bè, “Mình học chung với con Tổng thống Mỹ!!!”

Lý do thứ hai là các đại học cũng thường tiên đoán sinh viên nào có triển vọng thành công nhất – dựa vào sự thành đạt sẵn có của gia đình – để thu nhận sinh viên. Cộng đồng người Mỹ gốc Hoa đang phàn nàn các trường lớn "thiên vị" vì nhận nhiều con cái của các "ông quan" Bắc kinh mà "bỏ bê" con em họ đang ở ngay trên đất Mỹ. Nói chung theo khuynh hướng toàn cầu hoá, những sinh viên đến từ Trung hoa sẽ có nhiều cơ hội làm cho trường của họ được tiếng tăm hơn vì những sinh viên này sẽ dễ dàng thành danh khi về nước. Các trường đại học tính tới danh tiếng, quyền lợi của họ trước!

Quay lại với trường hợp John Kennedy. Cha cậu là cựu sinh viên của Harvard và lúc này anh cậu, Joseph Jr., cũng đang là một sinh viên tại đây nhưng cậu lại tỏ ra không thích Harvard. Cha cậu muốn tạm thời cậu đi học hè một trường tại Anh quốc, London School of Economics, về chính trị và kinh tế. Nhưng rồi cậu bị bệnh phải quay lại Princeton bắt đầu lớp học vào mùa thu 1935. Như là do định mệnh xui khiến, kỳ nghỉ Noel 1935 cậu bị bệnh vàng da (jaundice) và phải bỏ ngang Princeton.

Mùa thu 1936, người ta thấy John Kennedy trong khuôn viên trường đại học Harvard. Như vậy tất cả các đại học lớn đều muốn thành viên của gia đình Kennedy hiện diện trong trường của họ. Trong thời gian theo học tại Harvard, các giáo sư nhận định rằng John Kennedy là một chàng trai vui vẻ và dễ tính. Ngoài việc học, John hoạt động trong báo trường, bơi lội, đua thuyền và nhiều môn thể thao khác. Vừa học vừa chơi nên trong hai năm đầu điểm của cậu ít khi cao hơn C. Hãy lưu ý kỹ điều này để xem coi cậu John Kennedy làm gì để tăng điểm GPA cho mình.



Phương pháp làm tăng GPA

Tương tự như các sinh viên ngành Khoa học làm nghiên cứu (research), các sinh viên ngành Ngoại giao, Sử… dùng du lịch, đi đây đi đó, ghi nhận những điều mắt thấy tai nghe trong bối cảnh chính trị chung quanh rồi viết report (báo cáo) để tăng điểm GPA cho mình. Lý do là làm nghiên cứu hay viết report rất dễ được điểm A và thường được tính nhiều đơn vị tín chỉ (units) nên GPA tăng rất nhanh.

Lợi dụng cha làm đại sứ Mỹ tại Anh quốc, John đi đi về về Châu Âu. Từ Pháp, Ba lan, Latvia, Palestine, Nga, tới Đức. Cậu tiếp xúc với các nhà chính trị, phỏng vấn dân tỵ nạn và làm việc thêm cho toà đại sứ Mỹ tại Anh. Vào năm học cuối, điểm GPA của cậu lên khá cao, tốt nghiệp hạng “Danh dự” do luận án xuất sắc của mình.

Sau này luận án đó được dùng làm căn bản cho cuốn sách “Tại sao nước Anh ngủ” và trở thành cuốn sách bán chạy nhất (best seller) tại Anh và Mỹ thời bấy giờ. Số lượng bán được là 80,000 cuốn trong 9 tháng. Trong sách đó, John Kennedy giải thích tại sao nhiều nước dân chủ thụ động với những đe dọa của Phát xít Đức.

Sau Harvard, John Kennedy tính theo học Luật tại Yale nhưng rồi đổi ý theo học MBA tại đại học Stanford ở California. Tuy nhiên giống như ở Princeton, chỉ được một mùa, cậu nghỉ ngang trường Stanford Business School đi du lịch Nam Mỹ và sau đó vào Hải quân.



Qua nền giáo dục của Tổng thống Kennedy chúng ta thấy rằng: không phải tất cả sinh viên đều dùng phương pháp xưa cũ là cặm cụi học miệt mài để lấy điểm cao. Một số đã dùng những con đường khác thích thú hơn như làm research (nghiên cứu), du lịch, tiếp xúc thực tế, làm việc, viết sách... để lấy thêm các đơn vị tín chỉ nhằm tăng GPA cho mình. Và rõ ràng, phương pháp này tỏ ra hiệu quả hơn, thích thú hơn và các trường đại học ưa thích những loại sinh viên này hơn.



No comments: