Tuesday, 1 January 2008

47 Xây Dựng Tính Độc Lập Cho Con




Một em sinh viên vào văn phòng cố vấn (counselor) đại học xin ý kiến về những lớp em định lấy cho mùa học (semester) sắp tới. Đến giờ hẹn em đưa điện thoại cầm tay của mình cho thầy và nói, “Mẹ em muốn nói chuyện với thầy.” Theo em việc lấy lớp là do mẹ em cùng bàn bạc với thầy cố vấn. Nói khác đi “Mẹ đặt đâu thì em ngồi đấy!”

Trong những tháng ngày con học trung học bà Mẹ đã nhất định xin cho con vào lớp cô giáo Mary vì bà nghe cô này dạy Toán giỏi nhất trường. Vấn đề chưa ngừng lại ở đó. Khi con bị điểm thấp bà đã e-mail cho cô và phàn nàn rằng con bà đáng lẽ phải được điểm cao hơn.

Tới lúc đi đại học chính bà chọn trường cho con … Bà đã lái xe mang con tới trường thật sớm để mong con có một chỗ tốt hơn trong đại học xá (dorm) dành cho sinh viên. Bà vào Amazon mua sách giáo khoa gửi lên đại học cho con. Chi tiết hơn bà nắm lịch trình lên lớp và những ngày thi quan trọng nhằm nhắc nhở con học bài và đi thi cho đúng giờ … Một ngày bà gọi lên “thăm hỏi” con 2, 3 lần!


Cụm từ “cha mẹ trực thăng” (helicopter parents) đã được các thầy cô giáo trong trường ám chỉ tới những cha mẹ can thiệp quá nhiều vào sinh hoạt học hành của các con em vào những năm 1990. Sau đó các phương tiện thông tin đại chúng cũng bắt đầu dùng cụm từ này. Dĩ nhiên các nhà giáo dục cũng như tâm lý học cũng nhập cuộc và để ý hơn tới hiện tượng các cha mẹ quá lo lắng việc học hành của con em. Những cha mẹ này được mệnh danh là “cha mẹ trực thăng” vì họ “bay vù vù” trên đầu con, canh chừng mọi hoạt động, lo lắng mọi thứ, theo con từng đường đi nước bước – tương tự như các nhà chỉ huy bay trực thăng bên trên quan sát, hướng dẫn các nhân viên an ninh bên dưới khi săn đuổi một mục tiêu mà chúng ta thường thấy trong phim ảnh. “Cha mẹ trực thăng” làm như vậy để tích cực ngăn ngừa con vấp ngã, giúp chúng khỏi sa chân lỡ bước trong mọi hoàn cảnh trên đường đời.

Một số cha mẹ can thiệp quá nhiều vào đời sống con cái, họ sát cánh bảo ban con từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống, luôn luôn dẹp bỏ những chướng ngại để mọi sự thanh thản hơn, dễ dàng hơn đến với con. Theo đài ABC News, có nhiều bà Mẹ mỗi sáng phải gọi phone đánh thức con dậy đi học. Tuy nhiên chính những "cha mẹ trực thăng" này đã nhận chìm con trong biển gió từ cánh quạt trực thăng, không cho con cái cơ hội ngoi lên từ những sai lầm và trong nhiều trường hợp họ đã làm ngược lại với những nguyện vọng của con.

Theo báo The Wall Street Journal, "Các cha mẹ trực thăng nay đang bay tới các đại học với các con." Họ làm ầm ĩ những chuyện lặt vặt và thường xuyên gọi phone hay e-mail đến trường chỉ để ca cẩm những chuyện không cần thiết khiến các đại học ngày nay phải mướn thêm nhân viên để trả lời. Nhà trường cũng đang tìm cách ngăn ngừa tình trạng cha mẹ ra quyết định thay cho con cái như đại học Illinois không cho dùng điện thoại cầm tay khi đến văn phòng cố vấn nhà trường (để cha mẹ hết cách liên lạc) hay yêu cầu các cha mẹ ra về trước khi có buổi hướng dẫn đầu khoá học cho các tân sinh viên.

Stephanie Armour (USA Today) khám phá ra hiện tượng khác: khi con ra trường đi phỏng vấn xin việc một số cha mẹ cũng di theo con, đặt thêm một số câu hỏi và thậm chí đòi hỏi một mức lương cao hơn. Hiện nay những hãng xưởng cần sinh viên mới tốt nghiệp không những gửi thư chào mời tới sinh viên mà còn gửi cả thư tới “cha mẹ trực thăng” này nữa.

Nhiều nhà tâm lý giáo dục cho rằng sự phát triển của điện thoại cầm tay đã đóng góp tích cực vào việc thành hình những “cha mẹ trực thăng.” Cha mẹ ngày nay có thể liên lạc với con hầu như mọi nơi, mọi lúc. Và điều đáng nói hơn nữa các bậc cha mẹ ngày càng quan tâm tới giáo dục, họ nhìn chung quanh và thấy con cái của những gia đình có cha mẹ để ý tới vấn đề giáo dục thường thành đạt hơn. Do vậy họ tích cực dính dáng vào mọi chuyện.

Tuy nhiên con em chúng ta có cần những can thiệp quá đáng như thế không và những hành động này có dẫn tới những hậu quả lành mạnh không?

Câu trả lời sẽ là KHÔNG nếu cha mẹ để ý rằng: những rào cản trên đường và phương pháp tìm vượt là một kinh nghiệm quý giá nên được con em tự học hỏi. Cha mẹ không thể sống mãi để bảo ban con cái những gì nên và không nên làm. Cha mẹ cũng chẳng thể mãi đem những kinh nghiệm – nhiều khi đã lỗi thời – để giúp ý kiến cho con. Hơn nữa khi cha mẹ cứ “bay vòng vòng” trong cuộc sống con cái sẽ làm chúng thiếu trưởng thành, không thật sự trở thành người lớn và không đương đầu nổi với những thử thách lớn lao hơn. Những em này do vậy không có được sự sẵn sàng để đối mặt với khó khăn mà cuộc sống mang lại.

Nhân viên làm việc trong đại học thấy nhiều sinh viên thiếu những kỹ năng căn bản: chúng không biết tìm những phương cách tốt nhất để đạt được những gì mình muốn, không biết cách giữ an toàn cho bản thân và khi có trở ngại nhỏ là … ầm ĩ lên gọi điện thoại cho cha mẹ. Các đại học ngày nay đang phải đóng vai vỗ về những “em bé” này, đôi khi chính họ lại phải cầu cứu cha mẹ các em vì chỉ chính cha mẹ này mới “dỗ dành” được con em họ mà thôi.

Theo Felix Carroll của báo Albany Times, “Những em sinh từ 1982 - 1995 được cư xử như những Hoàng tử và Công chúa … ” nhưng oái ăm thay cuộc đời lại không phải lúc nào cũng là ... Hoàng cung! Các em cần được sống với những thực tế mà nhiều khi có những ổ gà và cần phải biết tự điều chỉnh chính mình sao cho đạt được sự cân bằng. Hơn thế nữa, Mel Levine, Giáo sư Nhi khoa của đại học Y khoa North Carolina cho rằng: "Các em nhỏ ngày nay trở nên hư hỏng do sự bảo bọc quá đáng của cha mẹ."

Khi cha mẹ liên tục gọi phone cho con hay cho nhà trường, đó là một triệu chứng chúng ta đang "bay vù vù" trên đầu con cái. Hãy tự đánh giá những giúp đỡ nào là có ích so với tuổi của con. Một sinh viên không thể không biết cách lấy lớp hay không biết cách sống chung với bạn cùng phòng. Đối với những việc không quan trọng hãy để con tự làm và chắc chắn chỉ một ít thời gian sau chúng ta sẽ thấy con mình học hỏi được rất nhiều điều. Khi con cái gọi về phàn nàn điều gì hãy cho ý kiến nhưng đừng làm dùm mà thay vào đó nên đặt ra những câu hỏi rồi khuyến khích em tự giải quyết vấn đề nhằm gia tăng lòng tự tin của em.


Trang nhà của College Board khuyên rằng: Hãy tập cho con cái suy nghĩ và chịu trách nhiệm. Can thiệp quá đáng vào đời sống của con khiến cha mẹ trở nên căng thẳng, làm cho cuộc sống của mình và con cái trở nên nặng nề. Xin đừng hổ thẹn về những vấp ngã của con, hãy coi những thất bại nhỏ là một thành công lớn về lâu về dài và là một phần của cuộc sống.


No comments: