Tuesday, 1 January 2008

39 Ra Trường Trễ








Những con số thống kê

Theo Trung tâm Quốc gia về Thống kê Giáo dục (The National Center for Education Statistics) của Bộ Giáo dục Hoa kỳ thì chỉ có 37% sinh viên trên toàn quốc tốt nghiệp đại học trong 4 năm và 63% tốt nghiệp trong 6 năm. Nghĩa là cứ 3 sinh viên vào đại học thì 1 em ra trường trong thời gian 4 năm, 2 em ra trường trong thời gian 6 năm (bao gồm cả 1 em đã ra trường trong 4 năm) còn 1 em không biết đến bao giờ mới ra trường mà cũng có thể chẳng bao giờ cầm được bằng cấp trong tay.

Trên phạm vi toàn quốc, số năm trung bình cho một sinh viên ra trường trong khi theo đuổi văn bằng Cử nhân là 5 năm. Một sinh viên được coi như ra trường trễ nếu cứ “ngồi lì” trên ghế đại học hơn 6 năm. Trong bảng thống kê của các đại học, họ thường kể ra số lượng sinh viên tốt nghiệp từ 4 năm (hoặc ít hơn) đến tốt nghiệp trong 6 năm (hoặc ít hơn.)

Sau đây là số thống kê của một số trường đại học gần gũi với cộng đồng chúng ta được xếp theo thứ tự tỷ lệ ra trường từ nhỏ tới lớn tính cho năm ra trường 2005.

Trường đại học
Ra trường trong 4 năm
Ra trường trong 5 năm
Ra trường trong 6 năm

CSU Long Beach

11%
33%
46%

CSU Fullerton

14%
37%
48%

UC Irvine

42%
75%
80%

UC San Diego

54%
80%
85%

UC Berkeley

58%
84%
87%

UCLA

57%
85%
87%

Caltech

83%
89%
90%

Stanford

76%
90%
94%

Những số liệu trên được trích dẫn trên trang nhà của The Education Trust (collegeresults.org.) Đây là một tổ chức phi chính phủ phục vụ cho công cuộc giáo dục và những số liệu ghi trên theo như họ minh định thì được lấy từ Bộ Giáo dục Hoa kỳ.


Trường càng khó vào có tỷ lệ ra trường càng cao

Thoạt mới nhìn qua người ta có thể vội vã kết luận rằng: trường càng danh tiếng thì cơ hội tốt nghiệp càng cao, cụ thể như so sánh kết quả của đại học Caltech & Stanford với các trường đại học công lập khác của California.

Thật ra phân tích như vậy có phần khập khễnh vì sinh viên tại các trường CSU như Long Beach, Fullerton … thường đi làm việc khá nhiều. Nếu có dịp vào các trường buổi sáng người ta sẽ thấy nhiều em sinh viên lái xe trực tiếp đến trường khá sớm từ sở làm. Một số miệt mài ôn tập bài vở nhưng cũng có một số nằm ở các hành lang ngủ say sưa sau một đêm đi làm vất vả. Dĩ nhiên một em vừa đi học vừa đi làm thì lâu ra trường cũng là điều dễ hiểu.

Xót xa hơn, nhiều em thuộc gia đình trung lưu, cha mẹ bắt tự lập nên chỉ có tiền trả học phí cho một ít đơn vị tín chỉ, các em không kiếm đủ tiền để học toàn thời gian (full time.) Thế là các em cứ lầm lũi “chạy vòng vòng”, vừa vật lộn với cơm áo, vừa vật lộn với bài vở. Học như vậy thì lâu ra trường cũng chẳng có gì phải trách móc. Một số em không những không xin được trợ cấp tài chánh (financial aid) mà còn không đủ tiêu chuẩn mượn tiền có phân lời thấp của chính phủ. Thật đáng thương tâm!

Tuy nhiên “khuynh hướng” trường càng khó vào có tỷ lệ ra trường càng cao không phải là không có cơ sở. Nói chung các trường đại học hàng đầu đã quyến rũ được những tài năng xuất chúng nhất vào trường đại học của họ nên đã làm cho tỷ lệ ra trường trong 4 năm tăng khá cao. Hơn nữa cuộc sống của các sinh viên trong các trường này có phần đỡ vất vả hơn nên ra trường nhanh hơn.


Tại sao lâu ra trường?

Ngoài những nguyên nhân chủ quan như phải làm việc hay không có đủ tiền trả học phí, các sinh viên còn phạm phải một số lỗi lầm chủ quan như sau.

1. Lấy những lớp không được tính đơn vị tín chỉ.

Có nhiều em chỉ tìm kiếm những lớp “chơi chơi” để học. Các em thường tránh né những lớp có tính đơn vị tín chỉ để lấy vì chương trình đòi hỏi cao hơn, bài tập nhiều hơn và phải học tập trung hơn.. Những lớp này không có giá trị chuyển trường từ cao đẳng cộng đồng (transferable) lên tới CSU hay UC. Ngoài ra có những lớp được tính đơn vị tín chỉ cho bằng 2 năm (AA/AS) nhưng lại không được công nhận cho bằng 4 năm.

Thiếu liên lạc với cố vấn nhà trường, các em biết (hoặc không biết) những điều nêu trên nhưng vẫn cứ “vô tư” lấy mà không hề quan tâm đến việc tốn thời giờ, tốn tiền bạc cho sách giáo khoa và học phí.

2. Chuyển trường

Khi chuyển trường nhiều đơn vị tín chỉ bị loại bỏ vì có trường chấp nhận một lớp nào đó nhưng cũng có trường không nhận. Trường hợp này thường xảy ra khi chuyển trường từ tiểu bang này qua tiểu bang khác hoặc từ một trường cao đẳng cộng đồng tới một trường đại học tư.

3. Thay đổi chuyên ngành (major)

Đây có lẽ là nguyên nhân hàng đầu khiến các em sinh viên lâu ra trường. Nói một cách đơn giản cho dễ hiểu (thực tế có thay đổi), những năm đầu các sinh viên được học về những môn chung ai cũng phải lấy (thường là dễ) và những năm sau học về chuyên ngành (thường là khó.) Các em do hay thay đổi chuyên ngành (major), học chuyên ngành này một ít rồi lại học chuyên ngành khác, do những lớp này thường khó nhai nên các em không kham nổi. Việc đổi chuyên ngành có thể chấp nhận được nếu các em đừng thay đổi nhiều quá!


Những biện pháp khắc phục

1. Hiểu rõ mặt mạnh mặt yếu

Hãy nghiên cứu những lớp thành công trên đại học rồi khuyến khích các em lấy chuyên ngành đó. Ngoài ra cũng nên lưu tâm đến ý thích, được học môn yêu mến chắc chắn sự thành công sẽ đến với các em.

2. Sắp xếp chương trình hợp lý những năm Trung học

Chương trình của những năm Trung học nên được tính toán kỹ càng . Một em tính theo học Business (Thương mại) không cần lấy Calculus ở Trung học mà có lẽ lấy Thống kê (Statistics) thích hợp hơn. Ngoài ra nên dùng những năm Trung học như một thời gian khám phá, tìm hiểu sở thích của chính mình. Nếu cứ mày mò hay dọ dẫm mãi trên đại học sẽ mất nhiều thời gian.

3. Tại sao không thử lớp nghề hay lớp hai năm AA/AS?

Một số phụ huynh vẫn muốn con em làm “thầy” trong khi nhiều ngành đào tạo ngắn hạn hơn lại kiếm được tiền nhiều hơn. Dĩ nhiên nếu em có khả năng học cao hơn thì nên khuyến khích nhưng nếu em cứ liên tục “đụng đầu vào tường” thì phải tính tới một giải pháp thực tế hơn. Theo thống kê, tốt nghiệp một số ngành trên đại học đôi khi không kiếm được nhiều tiền hơn học sửa xe, học tóc, móng tay hay y tá hai năm.


Tóm lại, ai cũng muốn con em tốt nghiệp đại học trong thời gian 4 năm nhưng những con số thống kê nêu trên cho chúng ta thấy nên linh động chấp nhận thời gian lâu ra trường hơn của con em cũng như luôn biết mở rộng cửa cho những giải pháp thực tế khác. Và cuối cùng xin nhớ rằng việc lấy những lớp AP ở Trung học hay lớp hè trên đại học là những phương cách tốt nhất làm ngắn lại thời gian ra trường.

No comments: