Tuesday, 1 January 2008

44 Văn Bằng Tiến Sĩ Khoa Học và Nhân Văn





Tại Hoa kỳ văn bằng Cử nhân dường như chưa đủ cho một môi trường cạnh tranh cao, các sinh viên sau khi tốt nghiệp thường phải theo đuổi những bằng cấp cao hơn. Nói khác đi, họ sẽ phải học hành nhiều năm nữa trước khi gia nhập đội ngũ đông đảo những nhà làm việc trí thức nhất tại đây. Phần lớn những nhà khoa học xuất sắc nhất xuất thân từ những trường đại học hay các viện nghiên cứu; họ chính là bộ não của đất nước và các giải Nobel Khoa học nước Mỹ có được đa số cũng nhờ những nhà bác học này.

Phân loại chung

Những văn bằng Tiến sĩ lâu đời nhất gồm 3 loại là Tiến sĩ Thần học (D.D.), Tiến sĩ Y khoa (M.D.) và Tiến sĩ Triết học (Ph.D.) Sau đó theo sự tiến triển chung của nhân loại, Tiến sĩ Thần học co nhỏ lại trong khi Tiến sĩ Triết học (Ph.D.) mở rộng ra và bao gồm nhiều ngành khác cho kịp với nhịp tiến hoá chung. Ngày nay, tại Hoa kỳ, Ph.D. được dùng để gọi chung những văn bằng Tiến sĩ về Khoa học (Lý, Hoá, Sinh …) và Nhân văn (Lịch sử, Triết học …)

Để đạt được nhiều đồng thuận chung trong việc phân loại và để đơn giản hoá, người ta chia ra 3 loại văn bằng Tiến sĩ, một là Tiến sĩ Khoa học và Nhân văn, hai là Tiến sĩ Danh dự và ba là Tiến sĩ Chuyên nghiệp (đào tạo các ngành nghề chuyên môn) như Tiến sĩ Luật khoa (J.D.), Tiến sĩ Y khoa (M.D.) … Trong khuôn khổ giới hạn của bài này, chúng ta thử cùng nhau trao đổi đại cương về Tiến sĩ Khoa học và Nhân văn (Ph.D.)

Người ta thường coi Ph.D. là Tiến sĩ về nghiên cứu (research) và giảng dạy – nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm hay trong những đồ án thực tế ở xã hội, học đường, khu vực kỹ nghệ, guồng máy chính quyền ... và giảng dạy tại các giảng đường đại học, cao đẳng. Những sinh viên theo đuổi văn bằng Ph.D. thường được gọi là “Graduate Students” để phân biệt với các sinh viên theo các ngành chuyên nghiệp là “Professional Students.”

Một vài con số thống kê

Theo Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Quốc gia (National Opinion Research Center) thuộc đại học Chicago thì trong năm 2005 các trường đại học Hoa kỳ đã trao tặng 43,354 văn bằng Tiến sĩ Khoa học và Nhân văn (Ph.D.) Trong đó các đại học California cho ra đời 5225 Ph.D và đại học Berkeley chiếm vị trí cao nhất với 802, UCLA 651, Stanford 642, USC 554 … Số lượng Ph.D. về Sinh học là cao nhất với 1775 (14.7%.) Ngoài ra các trường đại học Hoa kỳ cũng đào tạo cho 3 quốc gia Trung hoa, Nam Hàn, Ấn độ 6631 Ph.D.

Học trình Tiến sĩ

Tương tự như khi nộp đơn vào đại học để theo đuổi bậc Cử nhân, các ứng viên theo học văn bằng Tiến sĩ cũng phải có GPA cao (khi theo học bậc Cử nhân), có thư giới thiệu của nhiều Giáo sư, có điểm cao trong kỳ thi GRE (các chương trình cao học và Ph.D. đòi hỏi GRE) và dĩ nhiên không thể thiếu những hoạt động ngoại khoá hay công tác thiện nguyện … Đối với những đại học có tiếng tăm, số sinh viên được thu nhận khoảng 5% - 10% trên tổng số các sinh viên nộp đơn xin theo học.

Trong thời gian học tập sinh viên thường không phải đóng học phí và được hưởng một khoản tiền nhỏ (stipend) do việc làm phụ tá trong phòng thí nghiệm hay phụ tá giảng dạy. Tuy nhiên các đại học vẫn thường khuyến khích sinh viên bậc Tiến sĩ tìm thêm những học bổng bên ngoài đại học của họ. Những sinh viên giỏi thường kiếm được học bổng từ những nguồn này và chính những học bổng cũng muốn những sinh viên tài năng. Học bổng càng nổi tiếng càng gia tăng tiếng tăm của sinh viên. Ngược lại những sinh viên thành đạt cũng mang lại nhiều tiếng tăm cho chương trình cung cấp học bổng.

Thời lượng học tập và nghiên cứu cho học trình Tiến sĩ khác biệt nhau tùy trường đại học và tùy ngành học. Thông thường các ngành về Khoa học có thời gian ngắn hạn hơn các ngành về Nhân văn và các đại học càng nổi tiếng càng khó lấy bằng Tiến sĩ của họ hơn. Sau khi được thu nhận, các sinh viên thường trải qua 3 giai đoạn: giai đoạn 1 học sâu rộng thêm về ngành định theo (1-3 năm), sau đó vào giai đoạn 2 họ sẽ trải qua một kỳ thi sát hạch và cuối cùng là giai đoạn 3 (2-4 năm) làm nghiên cứu (research.) Sau đó họ sẽ bảo vệ luận án và lý tưởng nhất là công trình nghiên cứu này được đăng tải trên những tạp chí có giá trị của ngành nghề mình.

Tóm lại kể từ khi bắt đầu theo học trình Ph.D. các sinh viên theo lý thuyết phải mất 4-8 năm để lấy được văn bằng Tiến sĩ. Tuy nhiên theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Quốc gia năm 2005 thì thời gian trung bình trên thực tế là 8.2 năm!!! Đối với những ai đang hăm hở ra trường đời thì thời gian như vậy quả thật là lâu la!

Ưu điểm và khuyết điểm

Có một tỷ lệ thuận giữa lợi tức và giáo dục. Lợi tức trung bình của những người có văn bằng Ph.D. là $71,000 (2005) trong khi lợi tức trung bình của người lao động toàn quốc Hoa kỳ là $32,000. Tuy nhiên theo công trình nghiên cứu của hai Tiến sĩ Kinh tế William F. Massy (Đại học Stanford) và Charles A. Goldman (Viện Nghiên cứu Rand) thì các đại học Hoa kỳ đã đào tạo thặng dư Ph.D. Cuộc nghiên cứu này theo dõi 13 ngành khoa học kỹ thuật tại 210 trường đại học trên toàn quốc Hoa kỳ. Điều này lý giải tại sao sau khi lấy xong Ph.D. các “tân Tiến sĩ” này lại đổ xô nộp đơn vào các trường Y, Luật, Dược … khiến cho các sinh viên mới xong Cử nhân gặp phải những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ.

Theo Văn phòng Thống kê Bộ Lao động Hoa kỳ, một số Ph.D. đang sẵn sàng xuống dạy trung học nhưng ít trường dám nhận vì phải trả lương cao hơn khi đang thiếu hụt ngân quỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi ông sẽ khuyên sinh viên đang muốn theo đuổi học trình Ph.D. ra sao thì Tiến sĩ William F. Massy đã trả lời rằng, “Trước hết tôi khuyên họ đừng nên nghĩ sẽ có một sự nghiệp như tôi hay như những giáo sư đang đỡ đầu cho họ. Thị trường lao động quá cạnh tranh để trông đợi như thế. Họ có thể may mắn thành đạt. Nhưng những cơ hội đang chống lại họ. Nếu họ thực sự quan tâm tới việc nghiên cứu thì họ nên thử xem sao. Đó là một sự nghiệp tuyệt vời nếu thành công. Và nếu họ thành tâm thích dạy học như một số sinh viên bậc Tiến sĩ thì có lẽ cũng không phải là không đúng lúc nếu họ biết chọn lựa trường đại học một cách cẩn thận.”


Những lời khuyên của Tiến sĩ William F. Massy hữu ích cho các bạn trẻ. Hãy theo đuổi những đam mê nhưng đừng quên một thực tế là con đường làm việc sau khi ra trường. Cuối cùng xin nhớ rằng ngay cả khi có bằng Ph.D. của một đại học hàng đầu trong tay, mọi sự chỉ mới bắt đầu và con đường trước mặt vẫn còn nhiều thách đố.

No comments: