
Người còn thì của cũng còn
Miễn là nhân nghĩa vuông tròn thì thôi
Người ta biết nhiều về Bill Gates, người giàu nhất thế giới ($50 tỷ) nhưng người giầu thứ nhì thế giới Warren Buffett ($44 tỷ - 2006) ít được biết đến hơn. Bằng cách bỏ qua những lý thuyết kinh tế vĩ mô cũng như cung cách suy nghĩ của các nhà kinh doanh thị trường chứng khoán tại Wall Street, Warren Buffett ứng dụng kiến thức học được từ giáo sư Benjamin Graham tại đại học Columbia để làm giầu bằng cách tìm những công ty có tiềm năng phát triển cao, giá cổ phiếu còn rẻ rồi đầu tư vào đó kiếm lời.
Warren Buffett là một nhà đầu tư thị trường chứng khoán tài ba số một của thế giới. Ông là CEO của Berkshire Hathaway Inc., một “công ty mẹ” chuyên mua bán và điều hành các “công ty con.” Các công ty con này bao gồm các nhà máy sản xuất bánh kẹo (See’s Candy), đồ gỗ (R.C Willey), Coca Cola, bảo hiểm (Geico), credit card (American Express), báo chí (Washington Post) ... và hàng trăm công ty khác.
Tổng công ty Berkshire Hathaway Inc. hiện có khoảng 50,000 nhân viên. Nếu một người, vào năm 1965, bỏ $10,000 vào Standard & Poor’s 500 thì tới nay người đó được $500,000 (50 lần) nhưng nếu người đó bỏ vào các công ty của Warren Buffett thì tới nay người đó được $50 triệu (5000 lần.) Người ta nói rằng khi Warren Buffett mua bất kỳ cổ phiếu nào thì cổ phiếu đó sẽ lên giá 10% và cái ngày ông chết đi chắc chắn thị trường chứng khoán sẽ chao đảo tụt giá.
Vào tuần trước Warren Buffett đã loan báo trao tặng 5 hội từ thiện $37 tỷ trong tổng tài sản $44 tỷ của ông. Đây là món tiền lớn nhất được trao tặng cho từ thiện trong lịch sử Mỹ cũng như lịch sử thế giới. Phần lớn ($31 tỷ) trong số $37 tỷ này đi vào Bill & Melinda Gates Foundation để giúp nhân loại cải tiến giáo dục và y tế.
Mới đây qua một cuộc đấu giá online trên ebay, một thương gia Mỹ gốc Trung hoa tên Yongping Duan ở Palo Alto đã trả $620,100 chỉ để được ăn trưa với Warren Buffett. Số tiền này sẽ được bỏ vào quỹ từ thiện Glide Foundation để giúp những người nghèo và vô gia cư tại San Francisco. Vậy từ cuộc đời của Warren Buffet, nhìn từ khía cạnh giáo dục học đường và trên hết là giáo dục nhân bản chúng ta học được gì?
Đam mê
Đam mê của ông là tiền. Ngay từ khi còn nhỏ, trong khi các bạn vô tư chơi đùa thì trong đầu óc em bé Warren Buffett đã suy nghĩ làm sao trở nên giầu có. Lúc 6 tuổi em đi bán soda từng nhà để kiếm tiền cho dù có Bố là một dân biểu liên bang và cũng là một nhà đầu tư ngân hàng. Sau đó em và các bạn dùng toán tìm cách thắng trong các trận cá độ đua ngựa bằng cách bán những lời khuyên. Dĩ nhiên họ bị cấm vì không có bằng hành nghề (license.)
Lúc 11 tuổi em mua cổ phiếu của Cities Service với giá $38 một cổ phiếu nhưng bị xuống giá còn $27 và khi nó lên lại tới $40 thì vội vàng bán chạy làng. Tuy nhiên thời gian sau lại liên tục lên giá tới $200 một cổ phiếu. Cậu học được một bài học nhớ đời: phải kiên nhẫn trong đầu tư.
Lớn tuổi hơn, cậu đầu tư vào đất đai, quản lý những đường dây giao báo, đặt máy pin-balls tại những tiệm hớt tóc để kiếm tiền cho đến khi vào đại học. Thế nên không ai có thể phủ nhận sức mạnh của đam mê. Nếu con cái chúng ta có đam mê gì thì không nên ngăn cản mà cần giúp chúng thực hiện những đam mê đó. Tất cả nên được tôn trọng và thông cảm của cha me.
Đặt mục tiêu cao nhất nhưng sẵn sàng thay đổi
Warren Buffett tốt nghiệp Trung học khi 17 tuổi và quyết định lao ra làm việc kiếm tiền. Cha cậu tuy rất buồn phiền về quyết định này nhưng kiên nhẫn khuyên bảo và cuối cùng Warren Buffett cũng đã nghe lời nộp đơn học tài chánh và thương mại (finance and commerce) tại UPenn (University of Pennsylvania), một trong những đại học tư nổi tiếng nhất về thương mại trong hệ thống 8 trường Ivies.
Học được 2 năm cậu phá bĩnh bỏ học ngang (chê thầy cô dở hơn mình!) rồi chuyển trường (transfer) về quê nhà học tiếp một năm tại University of Nebraska. Cậu tốt nghiệp đại học chỉ trong 3 năm, lúc đó cậu 20 tuổi.
Sau đó cậu nộp đơn xin học MBA của Harvard Business School nhưng bị chê là “quá trẻ.” Tổng thống Bush vào Harvard Business School lúc 27 tuổi và tốt nghiệp MBA lúc 29 tuổi. Như vậy Warren Buffett nộp đơn lúc 20 tuổi là rất trẻ và thực ra chưa trải qua nhiều thực tế. Chương trình MBA ở những đại học tiếng tăm thường đòi hỏi các ứng viên phải dày dạn kinh nghiệm. Ban Tuyển sinh của Harvard Business School vì vậy đã ân hận về quyết định để lọt lưới một nhân tài vĩ đại có thể quảng cáo cho tên tuổi trường.
Khám phá ra thần tượng của mình là giáo sư Benjamin Graham, một học giả lỗi lạc về Kinh tế học đang giảng dạy tại Columbia University, cậu nộp đơn học Master of Economics (Cao học Kinh tế) tại đây sau khi đã bị Harvard từ chối. Và sự chọn lựa này là bước quyết định thành công của cậu trên đường sự nghiệp.
Bài học này cho ông một kinh nghiệm: Nhắm tới mục tiêu cao nhất nhưng sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng mở rộng cửa cho những giải pháp và lựa chọn khác. Tại đây sau một năm học cậu ra trường với điểm A+ của giáo sư Benjamin Graham, một điểm A+ duy nhất ông cho sinh viên trong suốt cuộc đời giảng dạy của vị giáo sư gốc Do thái này.
Sống đơn giản và đàng hoàng
Tuy là một người giầu có nhưng ông sống trong một căn nhà chỉ trị giá $31,500 đã mua 40 năm nay. Mặc quần áo bình thường, ăn uống bình dân như mọi người, ông uống Coca Cola, ăn kẹo See’s Candy và ít người biết ông là người giầu thứ nhì thế giới. Trong khi những CEO khác sống đế vương với tiền lương nhiều triệu Mỹ kim, vô số tiền thưởng cùng nhiều phụ cấp lỉnh kỉnh khác, ông khiêm tốn lãnh lương của một CEO hàng đầu thế giới với mức lương $100 ngàn một năm.
Tính ông đâu ra đó. Cho là cho, mượn là mượn. Có lần con gái ông, Susie, hỏi mượn $20 tiền mặt để trả tiền chỗ đậu xe trong phi trường và ông đã yêu cầu cô phải ký check trả lại mình. Vào những năm của thập niên 1990, suy thoái đạo đức của các ngành tài chính trên đà gia tốc. Ông luôn luôn lên án việc gian lận sổ sách chứng từ. Để ngăn ngừa tình trạng trên, ông chọn những cộng sự viên có đạo đức làm việc quanh mình. Đặt “thành thật và liêm khiết” lên hàng đầu khi phỏng vấn tuyển chọn nhân viên, ông luôn tự hỏi, “Nếu người này làm con dâu hay con rể mình thì mình có đồng ý không?”
Ông cũng xác nhận vai trò hàng đầu của đức tính thành thật, "Trong việc tìm kiếm nhân sự làm việc quý vị nhắm vào 3 phẩm chất: thành thật, thông minh và nhiệt tình. Và nếu người đó không có phẩm chất thứ nhất (thành thật) thì 2 phẩm chất còn lại kia (thông minh, nhiệt tình) sẽ giết quý vị.”
Hành động và lý tưởng của ông chắc chắn sẽ mãi mãi là một tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ. Ngày xưa các cụ thường nói, “Vi phú bất nhân” và quan điểm này nếu áp dụng với ông Warren Buffett có lẽ phải được xem xét lại. Warren Buffett nhận định rằng, “Nhiều người giầu có sống cô đơn không có bạn bè vào cuối đời. Sự thành công thực sự được đo lường bằng số người kính trọng và yêu mến mình.” Có phải vì vậy mà ông đã dâng tặng phần lớn tài sản mình cho từ thiện không?
-------------------------------------------------------------------------------------------------
* Phần lớn tiền của các tỷ phú được đầu tư vào thị trường chứng khoán nên giá trị thay đổi mỗi ngày. Thứ hạng cũng thay đổi liên tục. Giá trị nêu ra trong bài là của năm 2006
No comments:
Post a Comment