Tuesday, 1 January 2008

18 UC San Diego




Đại học UC San Diego (UCSD) nằm gần bờ biển Thái bình dương ở cực nam California. Được thành lập chỉ mới 47 năm trước đây (1959), UC San Diego non trẻ nhanh chóng vươn lên theo chân các đàn anh là UC Berkeley và UC Los Angeles để trở thành một trong những đại học tiếng tăm về nghiên cứu kinh tế và khoa học (Sinh học, Sinh Hoá, Hoá học, Vật lý...) của hệ thống University of California (UC.)

Viện Đại học San Diego bao gồm 6 trường đại học nhỏ cho bậc Cử nhân mà khi nộp đơn các bạn học sinh nên lưu ý. Sự phân chia này nhằm phân loại sinh viên dựa theo ý thích và khả năng của từng người. Dĩ nhiên sinh viên có thể thay đổi từ trường này qua trường khác trong phạm vi 6 trường này. Nếu không chọn cụ thể một trường nào thì ban tuyển sinh sẽ chọn cho các bạn. Sau đây là vài khái niệm về mỗi trường:

1. Roger Revell: trường lâu đời nhất và cũng đòi hỏi nhiều điều kiện cao hơn khi nhận vào. Đây cũng là trường có một ban giảng huấn tốt nhất của UCSD.

2. John Muir: trường đòi hỏi những điều kiện dễ dàng hơn tùy thuộc sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Sự linh động đã mở rộng những chọn lựa cho sinh viên.

3. Thurgood Marshall: nhấn mạnh về học vấn, trách nhiệm xã hội và giáo dục tổng quát. Trường cho phép lấy đơn vị tín chỉ khi làm việc hay công tác thiện nguyện.

4. Earl Warren: đòi hỏi tân sinh viên phải chọn một chuyên ngành cũng như phải tập trung vào 2 ngành nhỏ hơn và bắt buộc phải có liên quan đến ngành học.

5. Eleanor Roosevelt: tập trung vào giáo dục liên ngành, sẽ học mỗi ngành một ít thay vì chỉ tập trung vào một ngành, thích hợp cho các sinh viên Pre-Med.

6. Sixth College: tập trung vào những nối kết lịch sử và triết học giữa những nền văn hoá, nghệ thuật và kỹ thuật. Đây là trường ít tuổi đời nhất của UCSD.

Muốn nhìn vào một đại học để biết chỗ đứng thật sự của nó trong cộng đồng các đại học tại Mỹ, cách hay nhất là nhìn vào đội ngũ giáo sư tại đây. Người ta nhận thấy hiện nay trường có 8 giáo sư đoạt giải Nobel và1 đoạt giải Pulitzer đang nghiên cứu và giảng dạy. Trong đó trường Y khoa có tới 3 giáo sư Nobel Y học là George E. Palade (1974), Renato Dulbecco (1975), Sydney Brenner (2002.) Kế tiếp là 3 giáo sư đoạt giải Nobel về Kinh tế là Harry Markowitz (1990), Clive W.J. Granger (2003) và Robert F. Engle (2003.) Sau cùng là 2 giáo sư đoạt giải Nobel về Hoá là Paul Crutzen (1995) và Mario J. Molina (1995.) Chúng ta cũng không thể quên không đề cập tới vị giáo sư đoạt giải Pulitzer về âm nhạc là Roger Reynolds (1989.)

Hãy thử tưởng tượng một sinh viên làm nghiên cứu (research) với một giáo sư đoạt giải Nobel về Kinh tế nộp đơn xin học MBA (Cao học quản trị thương mại) và sinh viên này được giáo sư đoạt giải Nobel đó viết recommendation (thư giới thiệu) thì tỷ lệ được nhận vào chương trình sau đại học đó sẽ cao như thế nào!

Nhìn vào số lượng các giáo sư đoạt giải Nobel, người ta còn có thể kết luận về “thế mạnh” của San Diego trong các ngành Y khoa, Kinh tế và Hoá học (mạnh về Hoá kéo theo mạnh về Hoá-Dược, Hoá-Dầu hoả cũng như Sinh-Hoá.) Dĩ nhiên việc mời các nhà bác học đoạt giải Nobel giảng dạy và nghiên cứu trong trường đòi hỏi nhiều công sức vận động và nhiều tiền của.

Trong các ngành đông sinh viên thì Economics (Kinh tế) là ngành được theo học nhiều nhất trong ban Cử nhân. Số lượng đông đảo giáo sư (3) được giải Nobel về Kinh tế đã hấp dẫn rất nhiều sinh viên theo học ngành này.

Chính vì vị trí hấp dẫn, khí hậu biển tuyệt vời cũng như danh tiếng về nghiên cứu (research), UC San Diego nhận được một số lượng khổng lồ đơn xin nhập học. Năm trước, trường đã nhận được hơn 43,600 đơn xin và thu nhận vào gần 20,000 tân sinh viên – chỉ thua UCLA nhưng nhiều hơn UC Berkeley. Đây có lẽ cũng là con số cao thứ nhì nước Mỹ (UCLA dẫn đầu bảng.)

Sau đây là một vài con số đáng chú ý giúp cho các em học sinh sắp nộp đơn theo học tại UC San Diego có một khái niệm so sánh với thành tích của mình. Tuy nhiên cần phải nói thêm rằng trong vấn đề tuyển sinh, UC San Diego cũng như các trường đại học khác không chỉ căn cứ vào điểm SAT/GPA mà còn nhiều yếu tố khác tác động vào. Do vậy đừng thấy mình có điểm cao hơn điểm trung bình mà suy nghĩ chắc ăn cũng như đừng thấy điểm của mình ít hơn điểm trung bình mà nản lòng.

+ Tỷ lệ sinh viên được nhận vào 45.7%

+ SAT trung bình của sinh viên khi được nhận vào là1928 và GPA là 4.04

+ SAT trung bình của sinh viên theo học là 1851 (Đọc hiểu 597, Viết 608, Toán 646) và GPA là 3.93. Điều này cho thấy một số sinh viên có điểm cao hơn tuy được nhận vào nhưng đã qua trường khác vì được nhiều trường nhận cùng một lúc.

Ngoài các ban Cử nhân UC San Diego còn có các trường Professional Schools như Y khoa, Dược khoa và các viện nghiên cứu theo học trình Tiến sĩ (Ph. D) cũng như sau Tiến sĩ (Post-Doc) chẳng hạn như Viện Hải dương học Scripps, trường Quan hệ Quốc tế… Chương trình Hải dương học của UCSD được xếp hạng tốt nhất thế giới.

Một trong những ưu điểm của UC San Diego là chương trình học tập tại nước ngoài, đặc biệt là những trường rất cạnh tranh như đại học Oxford bên Anh. Các sinh viên ra nước ngoài học thêm 1 năm hay 1,2 quarter(s) là một cách “build up” (làm tốt thêm) lý lịch của mình. Các trường của Mỹ muốn sinh viên của họ năng động, đáp ứng được nhu cầu toàn cầu hoá trong tương lai và khi nộp đơn vào các trường Professional Schools (Y, Luật…) cũng như các chương trình Ph. D rất dễ nổi bật.

Nói tới UCSD không thể nói tới một chương trình nổi tiếng của trường là Bachelor/MD. Chương trình này cho phép sinh viên sau khi lấy xong Cử nhân được đi thẳng vào trường Y khoa mà không phải nộp đơn xin, không phải đi phỏng vấn cũng như không phải thi MCAT. Quá trình phiền phức và căng thẳng này thường kéo dài cả năm trời. Điều kiện ban đầu để được nhận vào chương trình là GPA ≥4.0, SAT≥2250. Thông thường trường sẽ gửi giấy mời nếu thấy học sinh đủ điều kiện. Sau đó học sinh sẽ phải bổ túc hồ sơ, giấy giới thiệu và được phỏng vấn tại trường Y. Số lượng tối đa sinh viên trong chương trình là 12. Trong thời gian theo học ban Cử nhân, các sinh viên xuất sắc này sẽ được tham dự vào một số chương trình học tập tại trường Y khoa nhưng phải giữ GPA tối thiểu là 3.5 cũng như phải lấy đầy đủ các lớp dự bị Y khoa.

Về xếp hạng, UC San Diego cũng như các đại học trong hệ thống UC tiếp tục thống trị trong các bảng xếp hạng của nhiều tạp chí Mỹ cũng như quốc tế. Theo tạp chí Newsweek số ra ngày 13/8/2006, UC San Diego đứng hạng thứ 23 trong số 100 đại học hàng đầu của thế giới, trên cả Johns Hopkins, Northwestern và New York University. Ngoài ra theo tạp chí U.S. World & News Report, UCSD được xếp hạng là trường công tốt thứ 7 và đứng hạng 32 trong 50 trường đại học tốt nhất nước Mỹ. So sánh như thế để thấy rằng sống ở California, các bạn trẻ đã có một cơ hội tuyệt vời để học tập.

Trong lúc các lớp học tại UCLA & UC Berkeley đầy thách đố, khó khăn thì việc theo học tại UC San Diego có phần linh động hơn. Sự chia nhỏ ban Cử nhân ra 6 trường giúp cho sinh viên được chú ý cá nhân và chăm sóc theo trình độ. Do vậy sự thành công của các sinh viên tại UCSD được bảo đảm cao hơn.

No comments: