Tuesday, 1 January 2008

50 Thủ Khoa Trung Học





Điều kiện để trở thành một Thủ khoa Trung học

Mỗi trường Trung học Mỹ có một chính sách riêng về Thủ khoa (valedictorian.) Thông thường Thủ khoa là người có điểm cao nhất trường. Và nói tới điểm tức là nói tới GPA. Nói chung có nhiều cách để tính GPA, những phương pháp tính GPA khác nhau sẽ tạo ra những Thủ khoa khác nhau. Xin nhớ rằng có nhiều trường không chọn Thủ khoa. Các trường trung học thường căn cứ vào một hay kết hợp nhiều tiêu chuẩn liệt kê dưới đây để chọn Thủ khoa:

- Dựa trên GPA cao nhất (có cân nhắc tới các lớp Honors hay AP): Phương pháp này thường cho duy nhất một Thủ khoa. Em này thật sự xuất sắc và tương đương như Thủ khoa khi xưa tại Việt nam. Khuynh hướng chọn lựa Thủ khoa theo phương cách này đang giảm dần.

- Dựa trên mức GPA cố định: Phương cách này sẽ tạo ra nhiều Thủ khoa. Trường trung học Westlake, California năm nay chọn những học sinh có GPA 4.65 trở lên làm Thủ khoa nên kết quả là trường có … 26 Thủ khoa. Nhiều trường áp dụng phương pháp chọn lựa này.

- Dựa trên toàn điểm A cho các năm trung học: Cách thức này tạo ra nhiều Thủ khoa. Nhiều khi cứ 10 học sinh lại cho 1 Thủ khoa. Phương pháp chọn lựa này khá phổ biến.

Thủ khoa đang bị … “lạm phát.”

Trường Trung học Garfield ở Seatle, Washington cho tốt nghiệp 406 học sinh năm 2005, trong đó trường vinh danh 44 thủ khoa. Trung bình cứ 9 học sinh có 1 Thủ khoa.

Có người cho rằng danh hiệu Thủ khoa đã bị lạm dụng. Thủ khoa đầy khắp sân trường. Những học sinh này có GPA trọn vẹn 4.0, họ lấy nhiều lớp Honors và AP. Năm 2004 trường cũng có 30 Thủ khoa. Điều này nói lên một khuynh hướng chung trên toàn quốc Hoa kỳ: “càng đông càng vui” (the more, the merrier) – mỗi trường thường chọn cho mình nhiều Thủ khoa.

Nhưng điều này không hoàn toàn “vui.” Việc có nhiều Thủ khoa cũng mang lại những mặt … “buồn.” Trường Garfield có 22% là học sinh gốc Châu Phi (da đen) nhưng chỉ có 1 đại diện trong 44 Thủ khoa. Hầu hết số Thủ khoa còn lại gốc da trắng hay Á châu.

Trường Trung học Bullard ở Fresno, California còn đi xa hơn. Trường đã công nhận 58 Thủ khoa trong lễ ra trường. Năm 2006 toàn học khu Fresno đã công nhận 186 Thủ khoa trong số 3270 học sinh tốt nghiệp Trung học. Làm một bài toán nhỏ, cứ 18 học sinh có 1 Thủ khoa.

Gần đây thầy cô dường như rộng rãi hơn khi cho điểm, dẫn đến tình trạng có quá nhiều học sinh toàn điểm A. Một số người cho rằng học sinh ngày nay thông minh hơn, chăm chỉ làm việc hơn nhưng cũng có người cho rằng thầy cô ngày nay cho điểm dễ dãi để quyến rũ học sinh vào lớp mình. Hễ thầy cô nào khó khăn khi chấm bài học sinh sẽ chọn lớp khác.

Một thái cực trái ngược: Không có Thủ khoa

Sự gia tăng số lượng Thủ khoa dẫn tới một hiện tượng trái ngược: không công nhận một Thủ khoa nào cả.

Trường Trung học Burlington đã loại bỏ danh hiệu Thủ khoa nhằm tránh sự cạnh tranh giữa các học sinh và muốn cho các em một thời kỷ êm ả trong quãng đời cắp sách tới trường trung học. Nhiều phụ huynh đã lên tiếng phê bình và cho rằng sự cạnh tranh trên lãnh vực giáo dục là lành mạnh, không có gì xấu xa. Họ cho rằng cuộc sống thực sự bao giờ cũng là một cuộc chạy đua và cần thiết cho học sinh ý thức điều này.

Trường Trung học Bellevue có 7 học sinh đạt toàn điểm A nhưng trường cũng đã quyết định không trao danh hiệu Thủ khoa mà thay vào đó trao cho mỗi em một huy chương.

Việc không trao danh hiệu Thủ khoa cũng nhằm làm cho một số sắc dân không mặc cảm trong lãnh vực học hành và tạo sự đoàn kết rộng rãi giữa các sắc dân trong cộng đồng địa phương. Ngoài ra các em học sinh cũng được thong thả trong học hành, các em chỉ phải ganh đua với chính mình mà không phải nghĩ đến những "đối thủ" khác.

Một Thủ khoa: Càng ít càng quý

Một số trường vẫn còn giữ nguyên vẹn định nghĩa của Thủ khoa. Để làm được điều này họ phải dùng tới loại GPA gọi là “weighted” – nghĩa là tính GPA của điểm A tương đương với 5 cho các môn Honors, AP hoặc IB và sự tính toán này nhiều khi phải dùng tới 3 số lẻ để tìm ra được một Thủ khoa.

Việc này kích thích các em lấy những lớp khó, biết tính toán trong việc lựa chọn các môn học và làm quen với những hoạt động trên môi trường đại học. Tuy vậy nó cũng đồng thời tạo ra một mặt trái: các em ganh ghét, thưa kiện nhau về điểm. Quan hệ thân hữu trở nên căng thẳng dẫn tới mất hoà khí. Học đường trở thành "chiến trường.”

Những liên quan về điểm, Thủ khoa và Tuyển sinh cho đại học

Sự cho điểm dễ dãi đã dẫn tới gia tăng số lượng các Thủ khoa trên toàn quốc Hoa kỳ. Một bản báo cáo mới đây của College Board, Ủy ban phụ trách thi SAT và AP cho thấy rằng GPA trung bình của các học sinh lớp 12 năm 1994 là 3.15 nhưng sau 10 năm con số này tăng lên 3.28. Một số chuyên gia về giáo dục lại nhấn mạnh rằng sự gia tăng con số những Thủ khoa cho thấy có bước tiến trong chuyển đổi về phương thức nắm vững bài học thể hiện qua thi cử chứ không phải là để so sánh học sinh này với học sinh khác.

Tuy nhiên, đối với một số học sinh, danh hiệu Thủ khoa không quan trọng bằng việc vào được trường đại học mong muốn và học được ngành mình thích. Ban Tuyển sinh các đại học càng ngày càng cảm thấy khó khăn khi phải chọn lựa giữa những sinh viên có điểm GPA quá sít sao. Trong số hơn 47 ngàn học sinh nộp đơn vào UCLA người ta thấy số lượng có GPA cao hơn 4.0 là khoảng 21 ngàn. Do vậy Ban Tuyển sinh buộc lòng phải nhờ vào những yếu tố khác như SAT, các sinh hoạt ngoại khoá, công việc thiện nguyện, lãnh đạo chỉ huy … để tìm kiếm những sinh viên tốt nhất cho trường. Và dĩ nhiên khi tìm kiếm tài năng dựa vào những tiêu chuẩn như vậy, trường đã làm thất vọng nhiều Thủ khoa của các trường Trung học.

Jess Lord, trưởng Ban Tuyển sinh và Trợ cấp Tài chánh đại học Haverford, Pennsylvania tuyên bố, “Chúng tôi đã thấy những trường có tới 30, 40 Thủ khoa vì họ không muốn phân biệt rõ ràng trình độ học sinh. Nếu không có đủ thông tin, chúng tôi lại phải trông cậy vào SAT, và đối với tôi điều đó thật là tiêu cực.” Ngoài ra ông cũng cho rằng, trường đại học thích sinh viên có những lúc bị điểm thấp và cố gắng vươn lên chứ không thích những “người máy” chỉ biết làm mọi cách để cho mình có điểm toàn hảo.

William Shain, trưởng ban tuyển sinh và trợ cấp tài chánh tại trường đại học Bowdoin, một trong những trường đại học nhỏ nhưng nổi tiếng và có học phí khá đắt thuộc Main đã tuyên bố. “Ngày nay học sinh phải chịu nhiều áp lực hơn 20, 30 năm trước. Lúc đó điểm trung bình B+ có thể làm cho học sinh vào được đại học tốt nhất. Do vậy GPA 3.9 hay 3.95 không khác nhau. Bây giờ tôi không biết nó có thành vấn đề không nhưng nhiều người tin rằng CÓ.”

Trong cuộc nghiên cứu năm 2005 của UCLA, 23% sinh viên nói điểm trung bình của họ thời trung học là A; so với năm 1975, con số này chỉ có một nửa, nghĩa là khoảng 11.5%.

Tại tiểu bang Georgia, điểm của học sinh trung học tăng đáng kể sau khi tiểu bang công bố học bổng HOPE dành cho học sinh có GPA 3.0 trở lên (tương đương điểm B hay 8/10 cho các môn học.) Tuy nhiên học bổng này cũng đòi hỏi những em này phải tiếp tục giữ GPA 3.0 trở lên trên đại học, thế là chỉ sau 30 đơn vị tín chỉ đầu tiên (thường là dễ) – tương đương khoảng một năm học – số lượng sinh viên hội đủ tiêu chuẩn chỉ còn lại gần một nửa. Sự khác biệt đó khiến nhiều người tin rằng: các thầy cô giáo đã “rộng tay” khi cho điểm tại trung học.

Tóm lại, khuynh hướng dễ dãi khi cho điểm đã mang lại nhiều học sinh toàn điểm A hay nhiều Thủ khoa hơn. Trường Garfield được đề cập trên trong năm trước đã có 129 học sinh toàn điểm A sau năm học lớp 9, khoảng 1/3 lớp. Điều đó cho chúng ta thấy rằng yếu tố GPA cao hay Thủ khoa chưa đủ nổi bật – vì nhiều học sinh khác cũng được như vậy – để có thể vào được những đại học tốt hay những học bổng có giá trị. Hãy làm thêm công tác thiện nguyện, tìm kiếm những cơ hội chứng tỏ tài năng về âm nhạc, thể thao, lãnh đạo chỉ huy … để mở rộng những cánh cửa tương lai.

No comments: