
Những công trình nghiên cứu gần đây cho thấy lắng nghe là một phần quan trọng trong tiến trình giáo dục của các em học sinh. Người ta ước tính rằng khoảng 50% – 75% hoạt động của học sinh trong lớp là lắng nghe thầy cô, bạn bè hay các phương tiện thông tin khác. Do vậy biết cách lắng nghe là một phương pháp đi tới thành công trong cũng như ngoài học đường.
Những nguyên tắc chung
a. Tạo một môi trường thoải mái
Trước hết hãy tạo một môi trường thoải mái khi nói chuyện. Một đứa con không thấy thoải mái khi em nói chuyện mà người cha vừa đọc báo vừa ừ hử cho xong chuyện. Ngược lại một bà mẹ cũng không thể bàn luận gì với con nếu nó vừa chơi game vừa cao giọng cãi cọ.
Khi con cái muốn thưa chuyện với mẹ thì cách hay nhất là người mẹ nên tạo ra một hành động thiện chí như nói với con, “Con đợi mẹ tắt TV đi đã rồi hai mẹ con mình nói chuyện.” Dĩ nhiên em sẽ biết ơn hành động này của mẹ mình.
b. Nhìn vào mắt người nói
Nên nhìn thẳng vào mắt người nói để chứng tỏ mình quan tâm tới những gì đang được đề cập tới. Lợi điểm của việc này là người nghe còn thu lượm được những biểu hiện qua đôi tay hay trên nét mặt của người nói khi trình bày vấn đề mà có khi những diễn tả bằng lời không bộc lộ hết được. Hơn thế nữa, việc nhìn vào mắt người nói còn kích thích người nói diễn đạt tư tưởng của họ mạch lạc và rõ ràng hơn.
c. Biểu lộ bằng một vài hành động hay lời nói.
Hãy biết gật đầu, mỉn cười, dùng tay … để biểu lộ tình cảm của mình khi lắng nghe. Khuôn mặt được coi như một phương tiện biểu lộ cho người nói biết người nghe đã xử lý những thông tin thu nhận và quan tâm đến cuộc đàm thoại như thế nào. Do vậy phương pháp đọc nét mặt đã được các nhà kinh doanh thương mại đặc biệt lưu tâm.
Không nên ngắt lời người nói. Nếu bị ngắt quãng người nói sẽ quên những điều đang muốn trình bày. Người biết cách lắng nghe tốt thường gửi một tín hiệu vắn tắt tới người nghe bằng một vài điệu bộ đơn giản. Ngoài ra người nghe cũng có thể thêm vào cuộc đàm thoại một vài câu nói vắn tắt khi người nói đang trình bày vấn đề như “đúng vậy, phải rồi … ”
d. Để cho người nói trình bày hết vấn đề
Người nghe không hoàn toàn hiểu quan điểm của người nói nếu không để cho người nói có cơ hội trình bày hết ý nghĩ của mình. Một con người cởi mở luôn tập luyện cho mình phương cách xem xét một vấn đề “sau khi” chứ không phải “đang khi” được trình bày. Não bộ sẽ bị nhiễu nếu như vừa tiếp nhận vừa phê phán thông tin đó.
e. Biết cách tóm tắt
Biết lắng nghe nghĩa là biết tập trung chú ý vào những phần quan trọng nhất mà người nói muốn nhắn gửi và có thể tóm tắt những thông tin quan trọng nhất đó. Lắng nghe, do vậy, được thể hiện qua lọc lựa những điểm chính của cuộc đối thoại và nếu cần biết cách nêu ra những câu hỏi để xác minh những thông tin mà mình thu nhận được.
Cuối cùng nên biết cách tóm tắt ý kiến của người nói bằng những câu như, “Có phải quan điểm của anh (chị) là … phải không?” Chúng ta sẽ rất ngạc nhiên nếu biết tóm tắt ý kiến của người nói và trong nhiều trường hợp người nghe đã hiểu không đúng ý của người nói.
Đối với các em học sinh
Ngoài những nguyên tắc chung trình bày trên, vấn đề lắng nghe của các em có một số khác biệt đòi hỏi phải có nhiều luyện tập, thực hành và kiên nhẫn. Mỗi thầy cô tại trường học đưa ra những cách giảng giải khác nhau cho cùng một vấn đề. Do vậy nhiệm vụ của học sinh là thu lượm những thông tin được thầy cô gửi tới. Điều này đôi khi đòi hỏi sự chuẩn bị – một học sinh đọc bài trước khi tới lớp sẽ biết trước được phần nào mình không hiểu rõ ràng và gia tăng sự chú ý khi thầy cô giảng giải tới phần đó. Em đã tạo ra một “chỗ trũng” để cho dòng kiến thức “chảy vào.”
Trong gia đình, các em nên hoc cách lắng nghe cha mẹ nói chuyện. Nhiều cha mẹ đã tâm sự rằng con cái đã không thật sự hiểu họ, to tiếng cãi cọ trước khi cha mẹ dứt lời và diễn giải ý tưởng của cha mẹ không đúng với ý nghĩa mà họ muốn nhắn nhủ. Các em nên thông cảm rằng sự khác biệt về tuổi tác đòi hỏi cả hai bên phải biết lắng nghe nhau nói.
Đối với cha mẹ
a. Làm sao nói chuyện với con cái có hiệu quả?
Tránh đừng đặt những câu hỏi khiến các em chỉ được trả lời “có” hay “không.” Những câu hỏi loại này (Yes/No questions) thường dẫn tới ngõ cụt, kết thúc sớm và không truyền đạt được ý tưởng của người nói cũng như không kích thích người nghe bàn cãi, mổ xẻ vấn đề.
Nên cho các em có cơ hội tham dự vào cuộc nói chuyện bằng cách kích thích các em diễn tả, giải thích hay chia sẻ ý kiến riêng. Các nhà văn phạm gọi đây là loại “Wh- questions” nghĩa là những câu hỏi bắt đầu bằng What, why, how, when, where …
Không nên hỏi: “Bạn X là người xấu phải không con?”
Nên hỏi: “Con nghĩ thế nào về bạn X?”
Thỉnh thoảng nên kích thích các em nói chuyện bằng cách lập lại hay dùng đúng những chữ mà em đã dùng.
“Con Y hôm nay kỳ cục lắm mẹ ơi!”
“Ồ! Vậy hả? Nó kỳ cục ra sao?”
Làm như vậy, các em củng cố được lòng tự tin khi trao đổi ý kiến và xác định rằng những tư tưởng của các em được lắng nghe và trân trọng.
b. Khi nào nên ngừng nói chuyện
Ngày xưa đi học chúng ta được dạy rằng khi người đối diện mở miệng ngáp thì phải biết ngừng cuộc nói chuyện. Ngày nay có lẽ hơi khác nhưng vẫn phải biết quan sát các em. Khi các em nhìn vào khoảng không, trả lời một cách lơ đãng, hay lặp đi lặp lại những điều đã nói thì có lẽ nên đổi đề tài hay ngừng lại. Ngoài ra khi cuộc nói chuyện trở nên căng thẳng, hãy cố gắng đề nghị một phương hướng chung, “ Ba muốn được nói chuyện bình tĩnh và đàng hoàng với con, con nghĩ có được không?”
c. Tìm hiểu quan điểm
Khi nói chuyện hãy cố gắng tạo cho con em một cảm giác chắc chắn bằng cách hỏi lại quan điểm rõ ràng. Đừng ngắt lời con, hãy để chúng diễn tả ý mình một cách đầy đủ và đừng suy đoán khi chúng đang nói.
Thí dụ đứa con nói với Ba nó, “Ai cũng chê thầy Toán dạy dở hết.” Lúc ấy người cha không nên nghĩ tới điểm C con mới bị trong bài kiểm rồi và lên giọng, “Mấy đứa dốt chuyên môn chê thầy cô.” Ngược lại hãy nên lợi dụng cơ hội tìm hiểu con, “Con định nói với Ba điều gì? Ba có thể giúp gì cho con trong việc học Toán?”
Sự thiếu kỹ năng lắng nghe dẫn tới những hiểu lầm phải trả giá, nhất là trong phạm vi gia đình. Người lớn không thể hiểu con em mình cũng như không thể điều hành được gia đình nếu không đủ kiên nhẫn lắng nghe quan điểm của giới trẻ. Cuối cùng, lắng nghe là một nghệ thuật, đặc biệt là khi có mâu thuẫn phải bàn cãi trong gia đình. Điều này đòi hỏi sự tập luyện, biết kính trọng người nói và chú ý trọn vẹn vào cuộc đàm thoại của người nghe.
No comments:
Post a Comment