
Hình trên: California State University Northridge (CSUN)
California có hai hệ thống đại học đã đào tạo nhiều nhân tài và nhiều nhà lãnh đạo cho tiểu bang California; đó là California State University (CSU) và University of California (UC.)
Trước khi các em học sinh ra trường Trung học, một trong những điều quan trọng phải làm là chọn trường đại học – điều này một phần nào ảnh hưởng đến sự thành bại của các em trên con đường học vấn. Nền đại học Hoa kỳ với số lượng các trường đại học khổng lồ đã cung cấp nhiều lựa chọn nên các em học sinh cũng như một số phụ huynh đôi khi cảm thấy lúng túng khi phải đối diện với quyết định chọn trường đại học.
Đối với cộng đồng Việt nam tại miền Nam California, hệ thống CSU có hai ưu điểm: tiết kiệm tiền bạc và ít áp lực khi theo học. Các CSU quen thuộc với chúng ta là CSU Fullerton, Long Beach, Northridge…
Mục đích của bài này nhằm nêu ra những khác biệt một cách đại cương giữa hai hệ thống UC và CSU và cũng nhằm phân tích ưu điểm khi theo học tại CSU.
Những khác biệt giữa CSU và UC
1. Thu nhận sinh viên:
Dĩ nhiên UC thu nhận và đòi hỏi sinh viên những tiêu chuẩn cao hơn. Họ nhắm vào nhóm dẫn đầu 12.5% (top 12.5%) trong khi CSU nhắm vào nhóm dẫn đầu 33% trên số lượng học sinh trung học.
Số học sinh còn lại sẽ đi cao đẳng cộng đồng mà chắc chắn chi phí cho quản lý và giảng dạy sẽ “dễ chịu” hơn.
2. Nguồn tài chánh và cơ hội nghiên cứu
Nguồn cung cấp tài chánh (funding) cho UC khá dồi dào và cao hơn CSU. Ngoài ra UC cũng nổi tiếng về các cơ hội làm nghiên cứu (research) do có nhiều nhà nghiên cứu tài giỏi và nhiều hơn về phương tiện.
3. Chương trình đào tạo
Cả hai hệ thống đại học đều đào tạo bậc Cử nhân và Thạc sĩ (Master.) Tuy nhiên chỉ UC là được quyền cấp bằng Tiến sĩ (PhD.) Do vậy các trường CSU đang tìm cách liên kết với các trường khác để đào tạo Tiến sĩ, thí dụ CSU San Diego liên kết với Carnegie Foundation để đào tạo Tiến sĩ cho 16 ngành. Các CSU ngày nay cũng đang được mở rộng quyền đào tạo Tiến sĩ Giáo dục (EdD.)
Trong hệ thống CSU, Cal Poly San Luis Obispo khó vào nhất và có tiếng tăm nhất.
Tại sao nên theo học tại CSU?
1. Hợp túi tiền
Hiện nay việc theo học tại đại học đang ngày càng tốn kém hơn. Học phí đóng cho trường học trong các hệ thống UC cũng như CSU trở nên đắt đỏ. Sinh viên đang than thở về chi phí cho giáo dục gia tăng mỗi năm. Tuy nhiên để giữ vững vị trí cũng như duy trì một nền giáo dục đạt hiệu quả cao, các trường đại học California không còn lựa chọn nào khác.
Mới đây các trường CSU tăng học phí (tuition) 10% nghĩa là tăng $252 một năm và cụ thể hơn mỗi năm sinh viên phải đóng học phí khoảng $3,451. Tương tự, học phí tại các trường trong hê thống UC tăng 7% hay $435 một năm và mỗi năm sinh viên phải đóng học phí khoảng $7,347.
Một em sinh viên CSU sau khi nghe tin học phí chính thức tăng đã lắc đầu thở dài than thở, “Thế là em phải lùi lại ngày ra trường và trong mùa (semester) tới em sẽ phải lấy ít đơn vị tín chỉ (units) hơn và phải đi làm việc nhiều hơn.”
Tuy nhiên học phí chỉ là một trong nhiều phí tổn khi theo đuổi việc học hành trên đại học mà thôi. Những phụ huynh có con em theo học tại các trường UC, CSU đã trải qua kinh nghiệm này: tiền bỏ vào ngân hàng cho con không có cánh nhưng cứ bay vùn vụt.
Để tính phí tổn theo học đại học người ta phải tính chi phí theo học (Cost of Attendance) bao gồm ăn ở, sách vở, máy tính cá nhân, đi lại và nhiều khoản linh tinh khác như giặt giũ, hộp thư, các loại bảo hiểm …
Hệ thống CSU trải dài và trải rộng khiến cho các sinh viên có thể ăn ở tại nhà và chính điều này giảm một cách đáng kể chi phí học hành. Các nhà giáo dục tính toán rằng: một sinh viên theo học CSU ăn ở tại nhà tiết kiệm được một năm khoảng 20 ngàn Mỹ kim khi so sánh với một sinh viên theo học tại UC và ở trong nội trú. Người Việt nam thường có cuộc sống tiết kiệm hơn nên có lẽ sự khác biệt chi phí không cao như thế.
Như vậy ưu điểm thứ nhất của hệ thống CSU là để dành được nhiều tiền hơn. Còn nếu thích UC thì hãy học UC gần nhà (nếu sinh viên quan tâm tới tiết kiệm tiền bạc.)
2. Lục cá nguyệt (semester)
Một lợi điểm đáng kể khi theo học tại CSU là hệ thống lục cá nguyệt mà ở Việt nam bây giờ gọi là “học kỳ.” Một năm có 2 lục cá nguyệt và mỗi lục cá nguyệt thường kéo dài khoảng 18 tuần lễ.
Một số trường đại học tại Mỹ và các trường UC (ngoại trừ UC Berkeley) sắp xếp chương trình theo tam cá nguyệt (quarter.) Một tam cá nguyệt thường kéo dài khoảng 12 tuần và một năm sinh viên phải học 3 tam cá nguyệt. Hệ thống tam cá nguyệt do vậy kéo theo một số tốn kém về tài chánh như chi phí sách giáo khoa và các loại tiền ghi danh lỉnh kỉnh khác.
Đồng thời hệ thống tam cá nguyệt (quarter) cũng làm cho việc học hành khá căng thẳng. Hãy thử tưởng tượng một cuốn sách giáo khoa được tiêu hoá trong 18 tuần nay phải hoàn thành trong 12 tuần. Sinh viên chưa kịp học xong bài này thì đã bị đẩy qua bài khác, chưa được nghỉ ngơi sau khi thi giữa mùa (midterm) thì đã bị đẩy tới thi cuối mùa (final.)
Các trường CSU xếp đặt chương trình theo lục cá nguyệt (semester) nên giảm thiểu căng thẳng và tạo cơ hội thành công hơn cho các sinh viên. Những sinh viên có sức học trung bình nên cân nhắc theo học tại CSU nếu không muốn bị “đẩy” một cách quá nhanh khiến cho dễ bị “chóng mặt.”
3. Lớp phù hợp sức học
Giả sử một sinh viên lấy Calculus (Giải tích) 25A ở cao đẳng cộng đồng sẽ là 5 đơn vị tín chỉ nhưng nếu lấy tại CSU thì chỉ có 4 đơn vị tín chỉ nên giảm thiểu được gánh nặng và việc học sẽ nhẹ nhàng hơn. Các trường cao đẳng cộng đồng thường giả định là sinh viên của họ sẽ đi UC nên đã cấu trúc một chương trình khá nặng đối với một số môn Khoa học hay Toán. Sinh viên thường phải lấy một số môn cần thiết cho UC, nghĩa là môn đó nhiều đơn vị tín chỉ (units) hơn và dĩ nhiên khó hơn.
Tóm lại nếu một học sinh có học lực vững vàng, thích làm research (nghiên cứu) và không ngại phí tổn thì UC là một môi trường lý tưởng để thực hiện những hoài bão của mình. Ngược lại, với một học sinh trung bình, muốn thong thả trong việc học hành và không muốn nhiều thách đố thì sự chọn lựa CSU dường như khôn ngoan hơn. Khi chọn đại học các em học sinh hãy chọn trường vừa với trình độ mình và không gây ra gánh nặng tài chánh quá đáng. Dĩ nhiên đừng quên những yếu tố như thuận tiện đi lại và vị trí của trường... Sự chọn lựa một đại học để theo là tổng hợp của nhiều yêu cầu cá nhân mà mỗi người cần chọn lựa sao cho phù hợp với hoàn cảnh riêng. Cuối cùng trước khi quyết định chọn trường xin hãy nhớ hỏi ý kiến các anh chị sinh viên đi trước.
No comments:
Post a Comment